Một chút thành công của Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội

(Quan hệ quốc tế) - Lòng tin được xây đắp đầy đặn hơn lần gặp trước một chút cũng đã là một thành công.




Khi cả thế giới hồi hộp chờ đợi sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội bao nhiêu thì sau kết thúc buổi họp báo hôm nay, người ta càng hụt hẫng bấy nhiêu.

Bởi “không có thỏa thuận nào đạt được trong lần này” (Tuyên bố của Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders).
Trước hết, để hiểu rõ nguyên nhân, chúng ta phải nhìn xem trên bàn đàm phán các bên, Mỹ, Triều Tiên có thứ gì để trao đổi…Với Triều Tiên, họ chỉ có Vũ khí hạt nhân và điều kiện đặt ra là Mỹ bãi bỏ cấm vận, ký hiệp ước hòa bình, Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, Mỹ bãi bỏ các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Như vậy, Triều Tiên chỉ có một món hàng duy nhất mà chỉ cần bãi bỏ một số chi tiết thì có thể khiến cho món hàng giảm mạnh tính hiệu dụng. Trong khi đó Mỹ có nhiều món hàng mà ít liên quan đến toàn cục. Chẳng hạn, nếu Mỹ bãi bỏ cấm vận thì nó chẳng ảnh hưởng gì đến việc rút quân Mỹ hay các cuộc tập trận Mỹ - Hàn…

Do đó, khi 2 bên trao đổi không thành công thì chỉ có thể bởi 2 nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1, Mỹ có thể nhân nhượng về biện pháp, nhưng nguyên tắc chiến lược của Mỹ là bất di bất dịch.Đúng là Mỹ đã nhân nhượng, chẳng hạn, trước đây điều kiện tiên quyết Mỹ đặt ra để ngồi đàm phán song phương với Triều Tiên là Triều Tiên phải giải giáp toàn bộ VKHN (lần 1 tại Singapore) và lần này, tại Hà Nội, thì Mỹ cũng bãi bỏ điều kiện là Triều Tiên phải kê khai đầy đủ chương trình VKHN và tên lửa đạn đạo. Nhưng, sự hiện diện quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và tập trận Mỹ-Hàn là chiến lược toàn cầu của Mỹ, là nguyên tắc bất di dịch của Mỹ mà không ai có thể đụng vào.

2, Mỹ chưa có hành động để đảm bảo độ tin cậy cao gần như tuyệt đối cho Triều Tiên “hạ vũ khí”.Tuy nhiên, với cái giá này, Triều Tiên cảm nhận lại khác, khi cơ sở của nó không có đủ độ tin cậy, vì một hiệp ước hòa bình phải gắn chặt với không có sự hiện diện quân Mỹ tại Hàn Quốc và không có các cuộc tập trận Mỹ-Hàn, trong khi đó, “món hàng” này của Mỹ nó không chỉ ảnh hưởng đến Triều Tiên mà là chiến lược của Mỹ không thể đem ra đánh đổi được.Mỹ thừa hiểu, món hàng “bỏ cấm vận” không ngang giá với món hàng “giải giáp VKHN” của Triều Tiên nên phải thêm “Hiệp ước hòa bình”, nhưng do Mỹ không thể rút quân khỏi Hàn Quốc nên đó là sự thách thức đến lòng tin và độ tin cậy.

Vì vậy, Triều Tiên cũng không thể “giải giáp” ngay mà đi từ từ “xác định khái niệm phi hạt nhân hóa”..Vì thế cuộc gặp lần này 2 bên sẽ chỉ có thể đạt được kết quả là bồi đắp thêm lòng tin.Lòng tin được xây đắp đầy đặn hơn lần gặp trước một chút cũng đã là một thành công, là một bước tiến nhỏ trên con đường tiến đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người bạn.Khi Triều Tiên tin Mỹ, có bằng chứng để tin thì lúc đó vấn đề phi VKHN trên bán đảo Triều Tiên mới có thể giải quyết dứt điểm được.

Vì vậy mà cần rất nhiều lần gặp như ở Hà Nội tiếp theo.



  • Lê Ngọc Thống