Buôn bán "bùa ngải" có phải ngồi tù?

11:45 03/12/2018 0 Huệ Linh

ANTD.VN -Thời gian gần đây, việc mua bán "bùa ngải" trên mạng diễn ra khá nhộn nhịp. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận không nhỏ người dân, nhiều đối tượng đã rao bán “bùa ngải” với những lời quảng cáo có cánh bất chấp vi phạm quy định của pháp luật.

Từ “bùa yêu”, “bùa cầu may” đến “bùa trúng số”

Chỉ cần vào mạng gõ cụm từ “mua bùa ngải” chúng ta dễ dàng có được hàng nghìn kết quả. “Bùa ngải” được rao bán có nguồn gốc khá đa dạng, từ Thái Lan, Miên - Khơme - Campuchia với đủ loại, từ “bùa” làm ăn, “bùa” cầu trúng số độc đắc, xin lô đề, “bùa” may mắn cầu tài lộc, “bùa yêu”...

Tuy vậy, loại “bùa” được khách hàng săn lùng nhiều nhất là Kuman Thong có nguồn gốc từ Thái Lan. Trên mạng xã hội, hiện có một số website lấy danh nghĩa xem phong thủy nhưng thực chất là bán loại “bùa ngải” này thông qua hình thức rao vặt.
Theo các “tín đồ”, Kuman Thong tạo ra từ lòng trắc ẩn đối với nỗi đau khổ của những đứa trẻ vì thiếu điều kiện để được tái sinh vào nơi tốt hơn (thực chất là bào thai chết lưu). Các “thầy” sẽ giúp đỡ những đứa trẻ đáng thương này bằng cách đưa chúng vào một nơi tạm thời để trú ẩn như mặt dây chuyền họa tiết hoặc bức tượng nhỏ hình em bé… Kuman Thong có thể làm điều tốt hay xấu tùy theo mong muốn của chủ sở hữu. Giá mỗi lá bùa phụ thuộc vào nhu cầu và độ chịu chi của khách, từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng.


"Bùa" được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với đủ chủng loại, giá cả

Phân tích hiện tượng trên dưới góc độ xã hội, PGS.TS Tâm lý Trịnh Hòa Bình cho rằng, những “lá bùa” làm theo kiểu đại trà rao bán tràn lan trên mạng mang tính thương mại hầu hết chỉ gây hoang mang và thiệt hại về tiền bạc. Bên cạnh đó, không phải pháp sư nào cũng biết cách và có đủ tố chất để luyện ra những “lá bùa” có tác dụng.

“Câu chuyện bùa ngải thực chất là lợi dụng yếu tố tâm lý của người dân. Bởi một người đang khỏe mạnh mà nghĩ mình bị bỏ bùa thì tự nhiên sẽ có cảm giác mệt mỏi. Ngược lại người bị bệnh nếu có niềm tin được thần linh phù hộ cơ thể sẽ có phản ứng tích cực. Do vậy, một số đối tượng đã dựa vào nguyên tắc này để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm trục lợi” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, việc một số người có chấp nhận bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua những loại “bùa chú” với mong ước được thay đổi hoàn cảnh sống hiện tại, có được những gì mình mong muốn xuất phát từ lòng tham, sự bất lực của chính bản thân họ. Họ không tin và sự nỗ lực của chính mình mà phải cầu vào vận may, bùa phép. Bên cạnh đó, do việc làm nay mang lại lợi nhuận không nhỏ nên các đối tượng xấu đã cố ý quảng cáo, thổi phồng sự thật nhằm lừa gạt những người cả tin, nhẹ dạ.

Có thể xử lý hình sự?

Liên quan đến hành vi mua, bán “bùa ngải”, theo Luật sư Lê Hồng Vân, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã nêu rõ, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Mọi người dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy vậy, việc hành nghề mê tín dị đoan trong đó có cả việc kinh doanh “bùa ngải” là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, hậu quả mà đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định, người thực hiện một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Ngoài ra, người đó còn có thể bị buộc nộp lại Ngân sách nhà nước số tiền trục lợi được mà có hoặc trả lại cho người bị lợi dụng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan. Điều 320 BLHS 2015 quy định, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.

“Để ngăn chặn hành vi lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi bất chính, cơ quan chức năng cần sớm có các quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này, đặc biệt là chế tài xử lý đối với các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, để tránh “tiền mất, tật mang”, mỗi cá nhân cần tỉnh táo, không nên tin vào những lời đồn thổi mất tiền mua “bùa ngải”, kẻo lợi đâu chẳng thấy lại rước họa vào mình” – Luật sư Lê Hồng Vân khuyến cáo.