Ngày Valentine nghe lại chuyện tình cổ tích của chàng sinh viên Việt và thiếu nữ Triều Tiên

Linh Anh | 14/02/2019 10:30 PM


31 năm trước, một chàng sinh viên Việt Nam gặp tình yêu của đời mình là một cô gái Triều Tiên. Dù cuộc tình của họ bị ngăn cấm nhưng một cái kết có hậu cuối cùng cũng đến.


Một cặp đôi trẻ nhìn vào chiếc máy ảnh với đôi mắt nâu sâu thẳm. Chàng trai, một sinh viên Việt Nam, đã gặp tình yêu của đời mình với một cô gái Triều Tiên, người bị cấm đáp lại tình yêu của một người ngoại quốc.

Đã 31 năm kể từ ngày ông Phạm Ngọc Cảnh, 69 tuổi, chụp bức ảnh đầu tiên với bà Ri Yong Hui. Tuy nhiên, phải tới năm 2002, họ mới chính thức trở thành vợ chồng sau khi Triều Tiên có động thái hiếm hoi cho phép công dân của mình kết hôn với người nước ngoài.

"Từ lúc gặp anh ấy, tôi rất buồn vì cảm thấy đó là một tình yêu sẽ không bao giờ có kết cục tốt", bà Ri, 70 tuổi, kể lại về ngày đầu họ gặp gỡ trong căn hộ nhỏ của họ ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam.

Sống cuộc sống tại Việt Nam nhưng cả ông Cảnh và bà Ri đều mong muốn Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng chiến tranh ở Triều Tiên.

"Nếu bạn là một người Triều Tiên, bạn sẽ thực sự mong vấn đề được giải quyết. Tuy nhiên, chính trị luôn phức tạp. Khi mọi người lần đầu nghe thấy ông Kim Jong Un quyết định gặp ông Trump, họ đều hy vọng bán đảo Triều Tiên sẽ sớm thống nhất. Tuy nhiên, điều đó khó trở thành hiện thực trong một hoặc hai ngày. Tôi hy vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp", bà Ri nói.


Ở thời điển hiện tại, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á cũng như hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Điều đó giúp Việt Nam có thể trở thành hình mẫu mà Triều Tiên có thể đi theo.

Trở lại năm 1967, khi Việt Nam và Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh, ông Cảnh là một trong 200 sinh viên Việt Nam được gửi tới Triều Tiên để học tập các kiến thức có thể góp phần xây dựng lại đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Vài năm sau, trong thời gian học kỹ sư hóa học ở một nhà máy bên bờ biển phía đông của Triều Tiên, ông Cảnh đã gặp bà Ri, một nhân viên phòng thí nghiệm.

"Tôi thầm nghĩ mình phải cưới cô gái đó", ông cảnh kể lại suy nghĩ trước khi lấy hết sức can đảm để tiếp cận bà Ri và hỏi về địa chỉ của người phụ nữ ấy.

Những cô gái làm cùng cũng đã to nhỏ với Ri về một chàng trai Việt Nam đang để mắt tới cô. Khi chạm mặt, Ri nhanh chóng nhận ra Cảnh chính là chàng trai của cuộc đời bà. "Ông ấy rất đẹp trai. Khi cánh cửa mở ra và tôi nhìn thấy ông ấy, trái tim tôi như tan chảy", bà Ri nhớ lại.

Tuy nhiên, đó là một cuộc tình không êm đềm. Dù Triều Tiên và Việt Nam có quan hệ rất tốt vào thời điểm đó nhưng người dân Triều Tiên vẫn bị cấm có quan hệ riêng tư với người nước ngoài. Sau vài lá thứ, Ri đồng ý cho Cảnh đến thăm nhà. Tuy nhiên, họ phải rất cẩn thận bởi một người Việt Nam khác đã bị đánh khi người ta phát hiện anh ta cùng với một cô gái Triều Tiên.

Mặc quần áo của người Triều Tiên, Cảnh bắt đầu chuyến xe buýt kéo dài ba tiếng và đi bộ 2 km để tới nhà của Ri. Ông lặp đi lặp lại những chuyến thăm như thế mỗi tháng cho tới khi trở về Việt Nam năm 1973. "Tôi đã bí mật tới nhà cô ấy như một du kích", ông Cảnh nói đùa.

Khi về Hà Nội, việc xa cách tình yêu đã khiến ông Cảnh chán nản mọi thứ, bỏ cả tương lai mà mình đã được lên kế hoạch từ trước. Năm 1978, Viện Kỹ thuật hóa học Việt Nam đã tổ chức một chuyến đi đến Triều Tiên và Cảnh xin được tham gia. Tới Triều Tiên, ông tìm cách gặp bà Ri nhưng mỗi lần họ gặp nhau chỉ khiến mọi người đau lòng hơn khi nghĩ rằng đó là lần cuối.
Ở Triều Tiên, Cảnh mang theo một lá thứ mà ông tự tay viết để gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên, cầu xin được phép kết hôn với bà Ri. Tuy nhiên, bức thư không bao giờ được gửi đi. Cuối năm đó, những biến cố xảy ra khiến quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên trở nên xấu đi. Đó cũng là lúc hai người mất liên lạc.

Năm 1992, ông Cảnh một lần nữa tìm cách quay lại Triều Tiên với tư cách là phiên dịch viên cho một đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, ông không gặp được bà Ri. Khi về Hà Nội, ông nhận được một lá thư từ người yêu, người khẳng định vẫn mãi yêu ông.

Cuối những năm 1990, Triều Tiên lâm vào tình trạng thiếu đói nghiêm trọng. Ông Cảnh đã quyên góp từ bạn bè 7 tấn gạo để gửi đến Triều Tiên, giúp Ri và những người đồng bào của bà. Hành động đó đã mở đường cho ông và bà Ri được đoàn tụ.

Người Triều Tiên biết về những việc làm của ông Cảnh và đồng ý cho họ kết hôn và sống ở Triều Tiên hoặc Việt Nam với điều kiện và Ri phải duy trì quốc tịch Triều Tiên. Năm 2002, họ kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng và ổn định cuộc sống ở Hà Nội.



theo Trí thức trẻ