Vì sao dù là nơi hội tụ của 3 tôn giáo lớn nhưng Israel đang làm du lịch tâm linh không bằng Việt Nam?

21/02/2019 08:30 AM | THỜI SỰ

Nếu so sánh, con số 3,6 triệu du khách của Israel chẳng thấm vào đâu so với 15,6 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu khách nội địa của Việt Nam.



Theo giới truyền thông Israel, bảo tàng Công giáo The Museum of Bible tại thủ đô Washington-Mỹ có thể thu hút được gần 9 triệu du khách mỗi năm, cao hơn rất nhiều lượng khách du lịch 3,6 triệu người năm 2017 của đất nước Do Thái.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến ngành du lịch Israel còn không bằng 1 bảo tàng tại Mỹ?
Trên thực tế nguyên nhân có rất nhiều, từ việc thiếu phòng, thiếu tổ chức, đường xá kém, cơ sở hạ tầng không được đầu tư cho đến việc chính phủ chẳng chú trọng mấy đến tiềm năng du lịch của đất nước.

"Với việc ít được đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong nhiều năm, chúng tôi đôi khí gặp nhiều khó khăn để cung cấp cho du khách những trải nghiệm mà họ mong muốn", hướng dẫn viên Uri Bar El với 40 năm kinh nghiệm trong nghề tại Israel nhận định.

Nhà thờ Sepulchre thần thánh tại Jerusalem, nơi tương truyền xây dựng trên hầm mộ của Chúa Jesus sau đóng đinh và là nơi Chúa phục sinh.

Tại những thành phố như Jerusalem, Tal Aviv hay Eilat, tỷ lệ phòng khách sạn đang hoạt động luôn cao hơn 70% và đối với ngành du lịch, con số này tương đương với kín phòng do chưa kể đến những phòng phải dành ra cho các sự kiện đặc biệt.
Mới chỉ 3,6 triệu du khách mà cơ sở hạ tầng du lịch tại Israel đã gần như quá tải. Nếu so sánh, con số 3,6 triệu du khách này chẳng thấm vào đâu so với 15,6 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu khách nội địa của Việt Nam. So sánh gần hơn, ngay cả Tây Ban Nha cũng đã có 10,5 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và cơ sở hạ tầng của họ hoàn toàn đáp ứng được lượng du khách này.

Kể từ năm 2000 đến nay, chưa có một khách sạn 4 sao nào mới được xây dựng thêm tại Israel. Tại một quốc gia mà khủng bố, những trận đánh bom tự sát hay xung đột có thể xảy ra bất kỳ lúc nào thì việc đầu tư xây khách sạn rõ ràng không khôn ngoan.

Giám đốc điều hành Mark Feldman của Ziontours nhận định việc xây dựng khách sạn tại Israel cũng kém hấp dẫn khi phải tốn tầm 10-15 năm mới xây xong một khách sạn hoàn chỉnh tại đây, trong khi tại các nước khác chỉ tốn 1-2 năm.

Thêm nữa, các khách sạn cần được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng như đường xá, dịch vụ, hệ thống thương mại, giải trí… mới có thể duy trì và phát triển. Những địa điểm tâm linh chỉ là một phần hấp dẫn trong số đó.

Số liệu cho thấy khoảng 85% du khách đến Israel sẽ đến Jerusalem nhưng hệ thống giao thông tại đây lại vô cùng tệ hại. Thậm chí hành khách xe bus công cộng có thể bị đuổi xuống giữa đường vì kẹt xe. Du khách thì ngày càng đông mà thành phố chẳng được mở rộng hay trùng tu nhiều. Hệ quả là chỉ những du khách tò mò, hoặc du lịch tâm linh mới bị thu hút về đây, còn những người muốn trải nghiệm nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ không chọn Jerusalem.



Du khách trầm mình dưới dòng sông Jordan để làm lễ rửa tội

Ngay cả với thành phố lớn thứ 2 là Tel Aviv, Israel thậm chí còn chẳng có tuyến xe bus nào nối thẳng từ sân bay về thành phố.
Có lẽ, chính phủ Israel vẫn chưa nhận ra được tiềm năng du lịch rất lớn của đất nước. Họ sở hữu những thành phố và địa điểm thuộc hàng cổ nhất thế giới, vẫn còn gìn giữ được những di tích lịch sử lâu đời và thậm chí là nơi hội tụ những kỳ quan, thánh địa liên quan đến 3 tôn giáo lớn là Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái.

Mặc dù xung đột địa chính trị vẫn diễn ra giữa Israel và Palestine, chưa kể đến xung đột tôn giáo giữa những người đạo Hồi vùng Trung Đông với người Do Thái, nhưng du khách này nay chả mấy quan tâm. Suy cho cùng thì ngay cả tại khu vực an toàn như Châu Âu, những cuộc khủng bố hay tấn công vẫn diễn ra. Mối quan tâm về tôn giáo và khát khao được nhìn thấy những bằng chứng về thần tích luôn thúc đẩy du khách đổ về Israel.

Tiềm năng bị bỏ lỡ

Vào một ngày nóng nực lên đến 40 độ C, hàng trăm du khách xếp hàng ở Kibbutz Ginosar-Israel để được chiêm ngưỡng chiếc thuyền mô phỏng thời kỳ Jesus từng thực hiện việc đi trên nước cứu người. Bất chấp cái nóng tột độ, bụi bặm, đường xá không thông hay phòng nghỉ không đủ, những đoàn du khách vẫn muốn xem những chứng tích về vị Chúa của Công giáo, trong khi các con chiên cho rằng đây là một cuộc hành hương thần thánh đáng để thực hiện.

Câu chuyện tại Kibbutz Ginosar chỉ là một trong số vô vàn ví dụ về tiềm năng du lịch tâm linh tại Israel mà người Do Thái đang bỏ qua. Đạo Thiên chúa có khoảng 2,4 tín đồ trên toàn thế giới, Hồi giáo có 1,8 tỷ còn Do Thái có khoảng 14,4 triệu người. Tất cả những tín ngưỡng trên đều có di tích linh thiêng hoặc liên quan đến một địa điểm nào đó tại Israel và chắc chắn không có một tín đồ nào là không muốn đến Israel 1 lần trong đời.



Ví dụ như Thiên chúa giáo, Chúa Jessus sinh ra tại Bethlehem rồi sống và làm việc tại Galilee, sau đó là Jerusalem vào khoảng 2000 năm trước đây. Tại Israel ngày này, hàng loạt di tích liên quan đến Chúa Jesus vẫn còn tồn tại như vùng Nazareth, Hồ Kinneret hay nơi Chúa bị hành hình tại Jerusalem.

Trớ trêu thay, Israel không có một bảo tàng thực sự nào giúp các du khách hiểu về cuộc đời cũng như sự tích của Chúa Jesus. Tất cả các địa điểm du lịch hầu như chỉ thu vé và đầu tư rất ít mà không có chiến lược rõ ràng nhằm đem lại lợi ích lớn nhất.
Theo Giám đốc chương trình Hana Bendcowsky của Trung tâm Jerusalem, đồng thời cũng là một hướng dẫn viên cho người Công giáo, nhận định chính phủ Israel dường như tránh những vấn đề liên quan đến đạo Thiên chúa.

Theo tín ngưỡng, người Do Thái chỉ coi chúa Jesus là một trong số các vị tiên tri chứ không phải đấng cứu thế mà họ chờ đợi và người Công giáo coi đó là sự báng bổ. Đây là một trong những luận điểm để Đức Quốc Xã thực hiện cuộc diệt chủng với người Do Thái trong Thế chiến II.

Hệ quả tất yếu là ngày nay, chính phủ Israel không muốn đầu tư quá nhiều cho du lịch tâm linh bởi nhạy cảm chính trị khi chúng dính dáng quá nhiều đến những tôn giáo khác. Đó là chưa kể hàng loạt những di tích liên quan đến Hồi giáo, cộng đồng đã từng gây chiến với Israel khi người Do Thái mới thành lập quốc gia.

Có lẽ sự e dè vẫn còn tồn tại trong tâm trí chính phủ Israel. Theo Giáo sư Noga Collins Kreiner của trường đại học Haifa-Israel, ngay cả việc xin visa vào Israel đối với người Công giáo cũng khó khăn hơn nhiều so với những du khách bình thường khác. Hệ quả là tỷ lệ du khách Công giáo đến Israel trong tổng số khách du lịch đã giảm từ 31% năm 2010 xuống còn 22% năm 2015.

Rõ ràng, những người Do Thái với trí thông minh của mình đang bỏ lỡ mảng du lịch tâm linh đầy béo bở chỉ vì những nhạy cảm liên quan đến tôn giáo và chính trị.





ABTheo Nhịp Sống Kinh Tế