KHÔNG DÂM DỤC LÀ MỘT THÁNH ĐỨC THANH TỊNH.

Người phật tử là một người con, người đệ tử của phật cần phải học, hiểu và sống cho đúng đức hạnh này.

Người không dâm dục là hiện tiền thân và tâm của họ thanh tịnh. Một người còn dâm dục thì không thể nào thân tâm thanh tịnh được. Thân tâm không thanh tịnh thì lúc nào cũng còn ô nhiễm về đường dâm dục. Còn tâm dâm dục thì làm sao gọi là Thánh đệ tử Phật được.

Đối với đạo Phật, dâm dục là con đường bất tịnh, uế trược nhiều khổ đau và đó là con đường mãi mãi tiếp tục luân hồi đau khổ.

Dù người có học thức cao, có trở thành những nhà bác học, những nhà khoa học vĩ đại, v.v.. thì cũng không thoát khỏi hành động dâm dục. Ngược lại một bậc Thánh đệ tử của đức Phật thì phải vượt ra khỏi uy lực dâm dục này. Có như vậy mới được gọi là bậc Thánh đệ tử của đức Phật. Cho nên đệ tử của Phật không bao giờ còn dâm dục, còn nếu còn dâm dục không phải là đệ tử của Phật, quý vị lưu ý điểm này.

Muốn làm một tu sĩ Phật giáo tức là muốn cho thân tâm mình thanh tịnh, trong sạch, không còn ô nhiễm, uế trược thì dâm dục phải diệt trừ. Ý muốn đó cũng chính là mục đích để cho thân tâm được nhập vào các định, được làm chủ sự sống chết và được khai mở tuệ Tam Minh, được chứng Thánh quả A La Hán, mới xứng đáng là Thánh đệ tử của đức Phật.

Khi tâm còn dâm dục thì làm sao thân tâm thanh tịnh được. Thân tâm không thanh tịnh thì làm sao gọi là Thánh được?

Bởi vậy Giới Đức Thanh Tịnh Thánh Sa Di này còn xác định được người tu sĩ Phật giáo hay người tu sĩ của ngoại đạo, là do chỗ tâm còn dâm dục hay hết dâm dục. Người có thiền định hay không thiền định cũng do từ giới này mà nhận thấy rõ ràng. Thánh Tăng hay Ma Tăng cũng do từ giới này mà xác định.

Ngày nay Tu sĩ nam nữ sống lẫn lộn, nói cười đùa giỡn, đèo nhau trên xe, ăn chung bàn, ở chung chùa, v.v.. Hình ảnh này là một sự suy thoái của giới Luật.

Xưa Đức Phật dạy: “Không nên gặp, không nên nhìn, không nên nói chuyện, phải quán như mẹ, như chị, như em, phải quán thân bất tịnh, phải quán xương trắng, v.v..”.

Muốn thoát khỏi luân hồi sanh tử thì con đường dâm dục phải đoạn dứt. Vì thế, đạo Phật có giới không dâm dục để giúp cho thân tâm thanh tịnh, trong sạch mới xứng đáng làm một bậc Thánh đệ tử Phật.

Do giới Thánh đức thanh tịnh này nên kinh sách Phật giáo không có nói về nghi lễ kết hôn. Vì kết hôn là sự nối tiếp con đường tái sanh luân hồi đau khổ. Do đó, người tu theo Phật giáo thì con đường dâm dục phải triệt để chấm dứt, có chấm dứt như vậy thì mục đích làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi mới đạt được.

Một bậc Thánh thì không thể nào còn dâm dục; còn dâm dục thì sao được gọi là Thánh?

Thánh nhân là bậc thoát trần, có nghĩa là thoát ra khỏi bản chất dâm dục của loài động vật. Sự dâm dục của một con người thì có khác nào là sự dâm dục của loài thú vật.

Còn Thánh nhân thân tâm của họ phải hoàn toàn thanh tịnh, trong sạch, họ không còn vướng bận tình yêu dâm dục giữa nam nữ nữa thì mới thật sự là Thánh nhân. Muốn làm Thánh mà còn nuôi tâm dâm dục thì không thể nào làm Thánh được.

Một người tu sĩ của Phật giáo không giữ gìn thân tâm thanh tịnh, luôn luôn phạm vào giới đức Thánh thanh tịnh này thì không nên tu theo đạo Phật. Tại sao vậy?

Vì tu theo đạo Phật mà còn dâm dục thì làm sao chấm dứt tái sanh luân hồi được. Còn dâm dục thì thân tâm không bao giờ thanh tịnh; còn dâm dục thì còn đọa lạc trong đau khổ; còn dâm dục thì còn sống trong bùn nhơ, ô nhiễm uế trược, bất tịnh hôi thối; còn dâm dục là còn tái sanh luân hồi, vì đường dâm dục là con đường đọa vào ba đường khổ ải của kiếp người.

Đối với đạo Phật vấn đề dâm dục là vấn đề phải diệt trừ hàng đầu. Nếu không diệt trừ được tâm dâm dục thì không bao giờ người đó được gọi là Thánh đệ tử của đức Phật được.

Cho nên, Giới Đức Thánh Thanh Tịnh không dâm dục giúp cho con người tu theo Phật giáo trở thành bậc Thánh nhân A La Hán vô lậu hoàn toàn.

Trong giới không dâm dục này đã xác định, nếu tu sĩ nào vi phạm vào giới cấm này thì cũng giống như người tử tù. Nhưng người tử tù này bị xử án chém đầu “Ba La Di” (đứt đầu), chứ không xử tử bằng cách khác.

Người tu sĩ phạm giới này, đối với đạo Phật, thì người này không còn được mọi người kính trọng, mất đi tánh thanh tịnh, đã bị nhiễm ô, uế trược... không còn pháp thân thanh tịnh nữa.

Chúng ta phải hiểu một tu sĩ đạo Phật là một vị Thánh Tăng, dù là một chú Sa Di mới vào tu cũng phải khép mình trong khuôn khổ Giới Đức Thánh Thanh Tịnh này. Nếu vị nào sai phạm vào giới Dâm thì quý Phật tử hãy xem họ là Ma Ba Tuần đội lốt Phật giáo.

Cho nên người tu sĩ là những đệ tử của Phật, là Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh đệ tử thì phải giữ gìn cho trọn vẹn giới đức này. Xưa Đức Phật dạy hàng đệ tử: “đối với người khác phái không nên gặp, nếu lỡ gặp không nên nhìn, nếu lỡ nhìn không nên nói chuyện... ”.

Giới Thánh Đức Sa Di Không Dâm Dục này có sáu nơi vi phạm:

1- Vi phạm giới bằng mắt.

2- Vi phạm giới bằng tai.

3- Vi phạm giới bằng mũi.

4- Vi phạm giới bằng miệng.

5- Vi phạm giới bằng thân.

6- Vi phạm giới bằng ý.

- Phạm giới bằng mắt: khi mắt nhìn thấy hình ảnh sắc thân người khác phái lõa thể sanh tâm dâm dục hoặc thấy sự ăn mặc hở hang bày da thịt của người khác phái sinh tâm dâm dục, v.v..

- Phạm giới bằng tai: khi nghe tiếng nói khêu dâm gợi dục sinh tâm dâm dục. Nghe lời nói thô tục sanh tâm dâm dục.

- Phạm giới bằng mũi: khi hai người khác phái ôm nhau hôn hít sinh tâm dâm dục...

- Phạm giới bằng miệng: khi miệng nói lời dâm dục, miệng nói thô tục, miệng nói lời khêu dâm, gợi dục rồi sinh tâm dâm dục.

- Phạm giới bằng thân: Khi hai người khác phái, nắm tay, ngồi tựa vào nhau, ôm nhau, hay nằm chung nhau một giường sinh tâm dâm dục.

- Phạm giới bằng ý: Khi ý khởi niệm về dâm dục, ý suy tư về dâm dục, ý nghĩ đến người khác phái sinh tâm dâm dục.

Người còn tâm dâm dục không thể gọi là Thánh đệ tử của Phật được. Muốn tu hành dứt bỏ tâm dâm dục thì phải thực hiện đúng như lời dạy của đức Phật:

1/ Phòng hộ sáu căn (sống độc cư trầm lặng một mình).

2/ Hằng ngày phải tu tập các pháp Chánh niệm tỉnh giác định.

3/ Tu tập 18 đề mục Định Niệm Hơi Thở.

4/ Tu tập Định Vô Lậu.

5/ Tu tập Tứ Niệm Xứ.

6/ Tu tập Thân Hành Niệm.

7/ Tu tập Định sáng suốt.

Trong kinh Phật thường nhắc đến quả nhập lưu (Tu Đà Hoàn) tức là nhập vào dòng Thánh. Tâm còn dâm dục thì không thể nhập vào dòng Thánh được.

Cho nên người ly dục ly ác pháp là người lìa xa tâm dâm dục, lìa xa tâm dâm dục mới vào được dòng Thánh, mới gọi là nhập lưu.

Tóm lại, Giới Đức Thanh Tịnh Thánh Sa Di không dâm dục này là một đức hạnh thanh tịnh trong sạch của một bậc Thánh đệ tử của Phật , chứ không phải như một người thường tình phàm phu mà sống được Thánh hạnh này. Thánh hạnh này không phải dành riêng cho tu sĩ mà dành cho tất cả mọi người, nếu ai muốn chấm dứt sanh tử luân hồi.

Chúng ta nên lưu ý: một con người bình thường thì cũng như muôn thú vật nên không bao giờ lìa xa tâm dâm dục được, dù có học thức sâu rộng bao nhiêu họ cũng không tránh khỏi tâm dâm dục. Nhưng một người tu theo đạo Phật là phải vượt thoát ra khỏi tính dâm dục, tức là vượt thoát ra khỏi bản chất của loài thú vật. Có thực hiện ra khỏi bản chất của loài cầm thú thì mới được gọi là Thánh.

Một người phàm phu chỉ hơn con thú vật là ở chỗ dâm dục có cương thường đạo lý làm người, có tôn ti trật tự, không thể cha con hay mẹ con lấy nhau, v.v.. Nhưng, một bậc Thánh đệ tử của đức Phật, thì phải vượt hơn loài người và loài thú vật là không còn dâm dục nữa. Có người hỏi rằng:

Hỏi: Khi con người không còn dâm dục thì con người do đâu mà sinh ra?

Đáp: Khi con người không còn dâm dục thì họ là những bậc Thánh nhân rồi. Đã là Thánh nhân sao lại còn tái sanh luân hồi trong đường dâm dục? Khi con người không còn dâm dục thì con người sinh ra bằng đường hóa sinh. Con đường hóa sinh là con đường thanh tịnh trong sạch dành riêng cho những bậc Thánh nhân (chứ không phải hoá sanh là sâu hoá bướm v.v..).

Hỏi: Con người không còn tái sanh luân hồi thì con người về đâu?

Đáp: Đã không còn tái sanh luân hồi mà còn hỏi sanh về đâu là sao? Câu hỏi như vậy là câu hỏi không đúng chỗ?

Hỏi: Từ con người không dâm dục thành ra Thánh nhân. Thánh thì không còn sanh tử luân hồi. Vậy khi bỏ thân này Thánh nhân ở đâu?

Đáp: Một Thánh nhân khi còn sống cũng như lúc bỏ thân tứ đại, họ đều ở trong trạng thái ly dục ly ác pháp. Ở trong trạng thái ly dục ly ác pháp thì không còn tái sinh luân hồi. Đó là “nơi” mà những bậc Thánh nhân đến và ở đó, khi còn sống cũng như lúc đã chết. Cho nên họ không đến không đi.

Vì thế, chúng ta xác định, con đường sanh tử luân hồi là con đường “dâm dục”. Ai còn tâm dâm dục là phải còn chịu luật sanh tử luân hồi chi phối. Ai hết tâm dâm dục là chấm dứt sanh tử luân hồi. Bởi vì ai còn đắm chìm trong dục lạc thế gian là phải chịu quy luật sinh tử luân hồi. Còn chịu quy luật sanh tử luân hồi là phải chịu nhiều khổ đau.

Ai sống gìn giữ được Giới Đức Thanh Tịnh Thánh Sa Di không dâm dục này, đó là biểu tượng cho một vị Thánh đệ tử Phật xuất hiện.

Trích: Đại Tạng Kinh - Giới Đức Thanh Tịnh Thánh Đệ Tử Phật.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT