Khu tưởng niệm 14 phi công Triều Tiên hy sinh ở Việt Nam



Hai sĩ quan và 12 chiến sĩ quân đội Triều Tiên từng sang Việt Nam học tập, chiến đấu và anh dũng hy sinh.



Gần 20 năm qua, ông Dậu tự nguyện trông coi, chăm sóc khu tưởng niệm sĩ quan, chiến sĩ Triều Tiên ở Bắc Giang. Ảnh: Võ HảiSáng gần ngày rằm tháng Giêng, ông Dương Văn Dậu tập tễnh bước tới mở khoá để quét dọn và thắp hương trong khu tưởng niệm những người lính Triều Tiên tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).

Khu tưởng niệm rộng khoảng 300 m2 tọa lạc trên đỉnh đồi rừng Hoàng với cổng quay về hướng Đông (hướng về phía Triều Tiên), đã được ông Dậu tình nguyện trông nom trong gần 20 năm qua.
Theo lời ông, khu tưởng niệm này từng là nơi chôn cất 14 phi công Triều Tiên hy sinh tại Việt Nam hơn 50 năm trước.


Mặt bia mộ ghi thông tin các liệt sĩ Triều Tiên bằng tiếng Việt. Ảnh: Võ Hải


Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân cho biết, những năm đầu thập niên 1960, Liên Xô đã viện trợ cho không quân Việt Nam nhiều loại máy bay hiện đại thời đó. Không quân Việt Nam nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ các chiến đấu cơ này và bắn hạ nhiều máy bay của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời miền Bắc.

Ngưỡng mộ thành tích oanh liệt của không quân Việt Nam, lực lượng không quân Triều Tiên đã quyết định cử gần 100 phi công trẻ và sĩ quan sang Việt Nam học tập.

"Có hai đợt quân đội Triều Tiên sang Việt Nam học hỏi kỹ thuật sử dụng máy bay. Sau khi nắm được kỹ thuật, một số người lính Triều Tiên đề nghị ta cho thực hành, ra trận chiến đấu như không quân Việt Nam", tướng Hy nhớ lại.

Đến năm 2002, Triều Tiên tổ chức cất bốc hài cốt các liệt sĩ về nước. Sau đó tỉnh Bắc Giang đầu tư, tôn tạo nơi đây thành khu tưởng niệm các liệt sĩ quân đội Triều Tiên.

Gần 20 năm trông coi phần mộ các quân nhân Triều Tiên trước đây và khu tưởng niệm ngày nay, ông Dương Văn Dậu cho biết, giai đoạn trước năm 2002 mỗi dịp lễ, Tết, đại sứ quán Triều Tiên thường về đây hương khói. Sau đó các đoàn thể đến thăm viếng thưa hơn, còn ông Dậu vẫn đều đặn tháng đôi lần lui tới nơi này quét dọn.

Nhà ông Dậu cách khu tưởng niệm khoảng 300 m, mỗi khi trái gió trở trời chân đau ông không đi được, vợ ông lại thay chồng ra dọn dẹp khu tưởng niệm.



Đứng trước tấm bia đá khắc nội dung "Nơi đã từng yên nghỉ của 14 cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên", ông Dậu thắp hương và chắp tay đứng cúi đầu. Phía sau tấm bia là hai hàng với 14 mô hình ngôi mộ, trên mỗi ngôi mộ có khắc một số thông tin tên tuổi, năm sinh, năm mất của các quân nhân Triều Tiên.

Các phi công Triều Tiên tham gia chiến đấu chủ yếu trên vùng trời ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên.
Tháng 9/1965, khi đánh chặn cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ ở vùng sân bay Kép, một người lính Triều Tiên 19 tuổi đã anh dũng hy sinh. Trong những trận không chiến ác liệt năm 1967, thêm 12 phi công Triều Tiên hy sinh. Quân nhân Triều Tiên thứ 14 ngã xuống vào đầu năm 1968.

Theo tướng Phan Khắc Hy, sơ kết đợt đầu chiến đấu năm 1966 - 1969, không quân Việt Nam bắn rơi 222 máy bay Mỹ, bắt sống 51 phi công; trong đó các chiến sĩ không quân Triều Tiên đã bắn rơi 26 máy bay.

Lúc đó do điều kiện chiến tranh, quân đội Triều Tiên đã đề nghị chôn cất các sĩ quan, chiến sĩ hy sinh tại Việt Nam. Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam sau khi tìm hiểu đã chọn mảnh đất ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang làm nơi an táng các liệt sĩ.


MiG 17, loại máy bay các sỹ quan, chiến sỹ Triều Tiên được giao sử dụng, chiến đấu khi ở Việt Nam. Ảnh: Võ Hải


Theo thông tin ghi trên bia mộ, trong số 14 người lính Triều Tiên từng được an táng tại khu tưởng niệm có 12 người là chiến sĩ, 2 sĩ quan. Người lớn tuổi nhất khi đó gần 40, chiến sỹ trẻ nhất mới 19 tuổi.

Dưới chân mỗi ngôi mộ có một bông cúc vàng. Ông Dậu nói đó là những bông hoa ông đặt vào dịp Tết Nguyên đán. Gần 20 năm nay, ông vẫn dâng hoa, thắp hương tưởng niệm vào dịp Tết Nguyên đán và ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Ông bảo chọn ngày 22/12 vì những người lính đó đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập, thống nhất của nhân dân Việt Nam.

Cũng vì lẽ đó, gần 20 năm ông tự nguyện trông nom khu tưởng niệm dù không có bất kỳ khoản đãi ngộ nào.

"Tôi là người lính, thương binh hạng 4/4 nên tôi coi những sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên là đồng đội của mình", ông Dậu chia sẻ


Theo Vnexpress