Hà Giang là nơi chiến sự vẫn tiếp diễn khốc liệt trong nhiều năm sau 1979, như một "thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí" của kẻ thù.
***


Ngày 17/2/1979, hai sư đoàn và một số trung đoàn địa phương của Trung Quốc chia làm ba mũi tiến công Đồng Văn, Mèo Vạc và Vị Xuyên. Quân dân Hà Giang đã bẻ gãy các mũi tiến công của địch sau hơn chục ngày chiến đấu.

Nhưng, Hà Giang chưa thể thoát khỏi cuộc chiến như tuyên bố chiều 5/3 của Trung Quốc. Với phương châm "cưỡi lên tuyến biên giới, nhổ các điểm cao", từ năm 1981 nhiều đơn vị lính Trung Quốc dưới sự yểm trợ của pháo binh đã đánh chiếm một số điểm cao ở Hà Giang.

"Vị Xuyên trở thành thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí của Trung Quốc. Chúng tính toán nơi đây địa hình hiểm trở, các lực lượng sẽ khó tiếp tế. Vị Xuyên không quá xa và quá gần Hà Nội, đánh vào dễ bề uy hiếp Thủ đô và có thể che đậy hành động của mình", trung tướng Đặng Quân Thuỵ, nguyên chỉ huy mặt trận Vị Xuyên, phân tích.



Tướng Thụy nói lý do Trung Quốc chọn Vị Xuyên để tiếp tục chiến tranh. Video: Gia Chính

Đến giữa năm 1984, Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép hàng chục điểm cao của Vị Xuyên. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch phản công giành lại.

Cựu chiến binh Đặng Việt Châu không thể quên trận xuất kích mở màn chiến dịch ngày 12/7. Những người lính vượt đỉnh Cốc Nghè trong đêm mưa, chia nhau từng hơi thuốc, ăn gạo sấy đã nhũn. "Chiến sĩ xin ăn hết phần cơm sấy dự phòng. Tiểu đoàn trưởng nghe xong, im lặng rồi đồng ý. Biết ngày mai có còn sống mà được ăn không nữa", ông Châu kể.

Sau trận đánh, hàng trăm chiến sĩ hy sinh, Việt Nam không giành lại được các điểm cao, nhưng đã chặn được ý đồ vượt ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang của quân Trung Quốc.



Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh quân khu 2, chia sẻ day dứt với người lính Vị Xuyên. Video: Hoàng Phương - Thanh Tùng

Từ năm 1984 đến 1989, Trung Quốc điều hơn nửa triệu quân tiến công biên giới Hà Giang, tập trung vào Vị Xuyên. Chúng trút xuống hơn hai triệu quả pháo, hàng nghìn trận đánh diễn ra trên mảnh đất này. Trong đó trận tháng 10/1986 khiến trung tướng Đặng Quân Thụy nhớ mãi.

Hai tháng trước thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ sáu, người chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc lệnh: "Thời gian này phải đánh cho Việt Nam biết thế nào là quân uy, thế nào là quốc uy của Trung Quốc".

Sớm 14/10, địch bắn hàng trăm nghìn viên đạn vào các chốt phòng ngự của bộ đội Việt Nam ở phía Bắc suối Thanh Thủy. Bộ binh Trung Quốc sau đó ồ ạt tấn công các vị trí, đặc biệt là trận địa phòng ngự ở bình độ 1.100, đồi Đài, Lũng 840. Nhưng tất cả đều bị bộ đội đánh bật trở lại.

Suốt bốn ngày sau, địch dùng pháo khống chế các trận địa phòng ngự của bộ đội Việt Nam, bắn sâu vào con đường vận chuyển từ thị xã Hà Giang lên phía trước để cắt đường chi viện. Ngày 19/10, chúng mở một cuộc tiến công lớn hơn, từ 0 giờ đến chiều tối vào các trận địa, nhưng thất bại.

Trung Quốc thiệt hại hai tiểu đoàn bộ binh, phải để lại nhiều xác chết và hai lá cờ kích động tinh thần binh lính. Một cờ đỏ ghi: "Một nhà mất, vạn nhà khổ/ Một người ngã, vạn người thay". Một cờ trắng ghi dòng chữ: "Học tập Lâm Sinh Cơ - Đại đội 3, Quân khu Nam Ninh 3 lần anh hùng tự vệ".

Chưa đạt được mục đích, ngày 5-8/1/1987, địch mở cuộc tiến công lớn vào toàn bộ trận địa phòng ngự của bộ đội ở phía đông và tây sông Lô. Pháo bắn dày đặc, khói bao phủ mù mịt. Nhưng sau những giằng co, quân Trung Quốc vẫn phải rút lui.



Cựu chiến binh đến thăm và hát cho đồng đội nằm lại tại nghĩa trang Vị Xuyên. Video: Hoàng Phương

Sau trận chiến tháng 1/1987, chiến sự ở Vị Xuyên giảm dần, chỉ còn bắn pháo và xung đột nhỏ năm 1988. Tới 1989, do các vị trí chiếm đóng bị cô lập, tiếp tục chịu tốn thất lớn, đối phương phải chia thành nhiều đợt rút quân về nước.

Để giữ được Vị Xuyên, theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh, trong 10 năm khoảng 4.000 bộ đội hy sinh, hàng nghìn người bị thương. Hơn một nửa số liệt sĩ chưa thể về quê mẹ sau 40 năm.

Vì nhiều lý do, cuộc chiến bảo vệ Vị Xuyên nói riêng, bảo vệ tuyến biên giới phía Bắc nói chung nhiều năm không được nhắc đến. Sách Lịch sử lớp 12 chỉ viết 11 dòng về cuộc chiến này.



Ban Thời sự
Đồ họa: Tiến Thành
Bài có sử dụng số liệu của Bộ chỉ huy quân sự các địa phương