Trích: LƯỢC KHẢO ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA ẤN ĐỘ TỚI PHONG TỤC VIỆT NAM
Tác giả: PGS TS Nguyễn Thị Mai Liên - Cập nhật: 09/03/2018

http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/...27mDoStaB_5oLA
Sao La Hầu (Rahu राहु ) và Kế Đô (Ketu केतु) có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Trong thần thoại Khuấy biển sữa thuộc tập thần thoại Purana của Hindu giáo có thần thoại về Rahu phiên âm tiếng Việt thành La Hầu và Ketu phiên âm tiếng Việt thành Kế Đô, có thể để giải thích hiện tượng nhật thực hay nguyệt thực. Đạo sĩ Đurvasa được các vua chúa trần gian tặng cho một vòng hoa. Đurvasa đem vòng hoa ấy tặng cho Ngọc Hoàng Indra. Ngọc Hoàng nhận nhưng khi Đurvasa đi rồi lại ném cho voi giày. Khi trở lại gặp Indra, đạo sĩ thấy vòng hoa bên cạnh chân voi, tức giận niệm chú làm các thần mất hết sức lực, trở nên yếu đuối như con người. Sau đó, loài quỷ Asura tấn công các thần. Vì các thần mất hết sức lực nên thua trận phải đi cầu cứu các thần hùng mạnh khác ở khắp nơi. Thần Bảo Tồn Visnu bảo các thần phải ăn mật và sữa đặc linh thiêng mới hồi phục sinh lực. Thế là các thần bèn góp nhặt những cây thuốc trên đất ném xuống biển sữa rồi dùng núi Manđara làm que khuấy biển sữa cho đông đặc lại thành thuốc trường sinh. Khi thuốc trường sinh đông đặc lại, vị lương y Đhanuantari múc nó cho vào cái bát. Cả thần và quỷ đổ xô đến giành cái bát. Quỷ khỏe hơn giành được cái bát. Nhưng chúng lại cãi nhau xem ai được uống trước. Giữa lúc đó, một người con gái xinh đẹp dịu dàng hiện ra. Đám quỷ ngơ ngẩn quên cả thuốc trường sinh. Mohini (tên người con gái xinh đẹp), hiện thân của thần Visnu, mỉm cười tình tứ liếc nhìn bát thuốc. Một con quỷ bảo nàng nên chia bát thuốc cho đều, đám quỷ chế nhạo con quỷ kia. Mohini liền tươi cười nói: “Tại sao lại khinh thường ý kiến đàn bà?”, cả đám quỷ cười thích thú, tỏ vẻ tin cậy Mohini, cùng nhau thề dứt khoát nghe theo lời nàng. Mohini liền nói: “Cả đôi bên quỷ thần đều có công như nhau mới lấy được thuốc này. Vậy phải chia hai phần bằng nhau”. Đoạn nàng yêu cầu quỷ thần sắp hai hàng đứng hai bên. Nàng cầm bát thuốc phân phát cho bên thần trước. Vị thần cuối cùng nhận thuốc xong, Mohini biến mất cùng bát thuốc. Cả đám đông thét vang, quỷ và thần lao vào đánh nhau dữ dội. Nhưng lúc bấy giờ, thần đã uống thuốc trường sinh nên khỏe hơn đã chiến thắng quỷ và đuổi quỷ đi.
Một con quỷ trá hình làm thần đứng trong hàng thần. Nó vừa uống thuốc đầy mồm thì bị thần Mặt Trời Surya và thần Mặt Trăng Chanđra ngồi bên cạnh phát hiện tố giác cho đám đông và thần Visnu. Visnu lập tức chém quỷ làm đôi nhưng vì trong người nó có thuốc trường sinh nên hai phần xác của nó vẫn sống và được thần Sáng Tạo Brahma cho lên trời thành hai vì sao Rahu và Kela tức La Hầu và Kế Đô. Nhưng con quỷ vẫn giữ mối thù với các thần nhất là Mặt Trời và Mặt Trăng nên luôn tìm cách nuốt sống hai vị thần đó, vì vậy mà có hiện tượng nhật thực và nguyệt thực7. Thần thoại này có nội dung giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực bằng tưởng tượng. La Hầu – Kế Đô trong thần thoại Hindu giáo biểu tượng cho cái xấu, cái ác.