Chiến tranh biên giới Việt-Trung: Đặng Tiểu Bình và những toan tính trước ngày 17/2/1979

Thủy Thu | 12/02/2019 08:00 PM


Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Theo giáo sư Mỹ, các nhà ngoại giao đã gặp Đặng Tiểu Bình vào năm 1978 đều nhận thấy rằng, bất cứ khi nào nói chuyện về Việt Nam, Đặng đều trở nên tức giận.


LTS: Ngày 17/ 2/1979 - cách đây tròn 40 năm, Trung Quốc đã đưa quân tấn công Việt Nam. Cuộc chiến tranh xâm lược ấy được Bắc Kinh khoác cho cái tên "phản kích tự vệ" để lừa bịp dư luận quốc tế. Nhưng thực chất, nó phục vụ cho nhiều mục đích của lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Đặng Tiểu Bình. Và để tiến hành cuộc chiến, Đặng đã có sự chuẩn bị kỹ càng cả về đối nội và đối ngoại.

---

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1966-1976), Đặng Tiểu Bình bị đấu tố và mất đi toàn bộ chức vụ.
Cho đến phiên họp toàn thể thứ ba của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa X (16-21/7/1977), Đặng chính thức khôi phục chức vụ Ủy viên trung ương ĐCSTQ, Ủy viên - Thường vụ Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ, Phó Chủ tịch trung ương ĐCSTQ, Phó Chủ tịch quân ủy trung ương ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.


Đặng Tiểu Bình (bên phải) tại Hội nghị toàn thể trung ương 3, khóa XI. Ảnh: VCG

Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch quân ủy trung ương ĐCSTQ bấy giờ là Hoa Quốc Phong từng nhiều lần phản đối việc khôi phục chức vụ cho Đặng Tiểu Bình.

""Tứ nhân bang" bị tiêu diệt nhưng vận mệnh chính trị của Đặng Tiểu Bình vẫn chưa ngay lập tức được thay đổi... Đặng Tiểu Bình tuy đã được trở về nhà ở phố Broad (Bắc Kinh) nhưng vẫn bị giam lỏng... Xét về ưu tiên chính trị, vấn đề quan trọng nhất đối với Hoa Quốc Phong là làm thế nào để xác lập địa vị hợp pháp và quyền lực chính trị của bản thân với tư cách là người kế nhiệm của Mao Trạch Đông chứ không phải nhanh chóng khôi phục công tác cho Đặng", Nhân dân Nhật báo viết.
Không riêng Hoa Quốc Phong mà nội bộ ĐCSTQ cũng có nhiều tiếng nói phản đối Đặng. Uông Đông Hưng, Ủy viên Bộ chính trị, người sau này là nhân vật quyền lực thứ năm trong bộ máy chính trị ĐCSTQ, cũng ủng hộ Hoa Quốc Phong, phản đối việc phục chức cho Đặng.

"Hiện nay, một số người đề nghị phê chuẩn Đặng, yêu cầu mời Đặng trở lại, tiến cử ông ta làm Thủ tướng và đánh giá cao tài năng của ông ta. Đặng Tiểu Bình, con người này tôi hiểu rất rõ, ông ta đúng là có năng lực nhưng sai lầm lại mắc nhiều hơn thế...", Uông Đông Hưng phát biểu về Đặng.

Ngay cả Trần Vĩnh Quý, Phó Thủ tướng Trung Quốc bấy giờ, cũng là người có nhiều quan điểm bất đồng với Đặng. Trần cũng từng kêu gọi Hoa Quốc Phong không phê chuẩn khôi phục chức vụ cho Đặng.
Vấp phải những sự phản đối như thế, nên tuy nắm nhiều chức vụ nhưng trên thực tế, Đăng có rất ít quyền lực và phải chịu lép vế trước Hoa Quốc Phong.

Phải đến Hội nghị toàn thể lần thứ 3, khóa XI ĐCSTQ diễn ra vào tháng 12/1978, thì Đặng Tiểu Bình mới có thể thâu tóm quyền lực thực tế. Hội nghị này được dư luận và truyền thông Trung Quốc đánh giá là "bước ngoặt vĩ đại" kể từ khi thành lập nước Trung Quốc mới vào năm 1949.

"Giống như Hội nghị Tôn Nghĩa đã xác lập vị trí lãnh đạo của Mao Trạch Đông, Hội nghị toàn thể lần thứ 3, khóa XI đã xác lập vị trí lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình", Nhân dân nhật báo viết.
Phát biểu của Đặng trên chính tờ báo này cho thấy địa vị của Đặng đã thay đổi rõ rệt: "Bất kỳ tập thể lãnh đạo nào cũng đều phải có hạt nhân, không có lãnh đạo hạt nhân thì không thể đứng vững. Hạt nhân của đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ nhất là Chủ tịch Mao... Tôi là hạt nhân thực tế của đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ hai", Đặng nói.


Hội nghị 1978 còn ghi dấu ấn quyết định - trung ương ĐCSTQ phấn đấu thực hiện chiến lược Bốn hiện đại hóa, tức công nghiệp hiện đại hóa, nông nghiệp hiện đại hóa, quốc phòng hiện đại hóa, kỹ thuật công nghệ hiện đại hóa, làm bước chạy đà cho cuộc cải cách kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.
Trong chiến lược này, Mỹ được nhắm tới là tấm gương cũng như nguồn cung cấp công nghệ, kỹ thuật tiên tiến phục vụ tiến trình cải cách mở cửa, hiện đại hóa kinh tế Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, để củng cố địa vị trong nước và "chứng minh thành ý" với Mỹ nhằm tranh thủ sự giúp đỡ nước này phục vụ "bốn hiện đại hóa", Đặng Tiểu Bình đã sốt sắng phát động cuộc tấn công xâm lược Việt Nam.

Ngoài ra, quyết định tấn công Việt Nam còn giúp Đặng thanh lọc giới chóp bu quân đội cũng như phô trương thanh thế, phục hồi đội quân rệu rã, thiếu kinh nghiệm chiến đấu trầm trọng do bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc Cách mạng văn hóa.


"Điều đáng chú ý là, ngay cả trước cuộc chiến tranh biên giới 1979, các hành động gây hấn quy mô nhỏ dọc biên giới Việt-Trung do phía Trung Quốc gây ra đã gia tăng tần suất kể từ giữa năm 1978 - khi Đặng lên nắm quyền và bắt đầu củng cố quyền lãnh đạo tối cao bằng cách tạo ra thế kiềng ba chân hiệu quả - kiểm soát đảng, kiểm soát nhà nước và kiểm soát quân đội...

Một cuộc chiến là cần thiết để hỗ trợ các kế hoạch hiện đại hóa của Đặng và thay máu quân đội Trung Quốc", The Diplomat bình luận.

Nói thêm về nhãn quan của Đặng Tiểu Bình trong các vấn đề đối ngoại, Giáo sư Đại học Harvard Ezra Feivel Vogel viết: "Đến năm 1969, Liên Xô đã thay thế Mỹ trở thành kẻ thù chính của Trung Quốc. Vào tháng 7 cùng năm, Tổng thống Nixon, tại đảo Guam, tuyên bố rằng, Mỹ sẽ không tham gia vào các cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á. Bên cạnh đó, sau các cuộc đụng độ biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô vào tháng 3 và tháng 8 năm đó, quan hệ Trung-Xô ngày càng trở nên căng thẳng.
Theo quan điểm của Đặng, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1975, Liên Xô và Việt Nam đã bắt tay nhau, điều này ngày càng đe dọa lợi ích của Trung Quốc. Đặng kết luận rằng Liên Xô đã quyết tâm thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị toàn cầu còn Việt Nam đang hướng tới trở thành cường quốc dẫn đầu ở Đông Nam Á.
Do đó, Trung Quốc cần hình thành đường thẳng kết nối các quốc gia khác có cùng vĩ độ như Mỹ, Nhật Bản và Bắc Âu để chống lại Liên Xô. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực kéo các nước khác như Ấn Độ cách xa phía Liên Xô".

Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh luôn tồn tại một nỗi sợ bị bao vây. Giáo sư Vogel cho hay, xét từ bối cảnh thời điểm đó, Trung Quốc dường như bị ám ảnh Liên Xô "bao vây" từ mọi phía.
"Đặng còn đánh giá rằng quan hệ khăng khít Việt Nam - Liên Xô là mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc và Việt Nam là mắt xích quan trọng nhất để Trung Quốc ngăn chặn sự bao vây của Liên Xô".
Theo giáo sư Mỹ, các nhà ngoại giao đã gặp Đặng Tiểu Bình vào năm 1978 đều nhận thấy rằng, bất cứ khi nào nói chuyện về Việt Nam, Đặng đều trở nên tức giận.




Giáo sư Vogel nhận định, trong thời gian đầu nắm quyền, Đặng có hai mối quan tâm hàng đầu: ngăn chặn cái mà ông ta cho là "mối đe dọa từ Liên Xô-Việt Nam" và đặt nền tảng để tranh thủ sự giúp đỡ của nước ngoài cho quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc.

"Để ngăn chặn mối nguy hiểm từ quân đội Liên Xô, Đặng đã tìm cách củng cố quan hệ với các nước láng giềng và ông ta đã quay sang Nhật Bản và Mỹ để được hỗ trợ hiện đại hóa".

Trong chuyến thăm Nhật Bản từ 6-8/2/1979 của Đặng, Bắc Kinh đã ký hiệp ước hòa bình hữu nghị với Tokyo, đồng thời học hỏi nhiều ý tưởng từ cải cách mở cửa của Nhật Bản, cũng như nhằm bắt tay chống lại Liên Xô.
Trước đó, Đặng Tiểu Bình thăm ba nước Thái Lan, Malaysia, Singapore vào tháng 11/1978. Chuyến đi của Đặng không chỉ đơn giản là quan sát và nghiên cứu ba thủ đô Đông Nam Á mà còn là để tập hợp sự ủng hộ của ASEAN nhằm chống lại cái mà Đặng mô tả là "trục Việt Nam - Liên Xô", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định.

Tuy nhiên, xét trên phản ứng của một số nước Đông Nam Á thì Đặng đã không hoàn toàn thành công.


"Thực tế, những người hàng xóm của chúng ta muốn các quốc gia đoàn kết và cô lập "rồng Trung Quốc chứ không phải Gấu Bắc Cực (Liên Xô)", Thủ tướng Lý Quang Diệu viết trong tác phẩm Từ thế giới thứ ba đến thứ nhất.

Được biết, vào một buổi chiều tháng 11/1978, Đặng Tiểu Bình và Lý Quang Diệu đã tiến hành hội đàm chính thức trong phòng họp nội các tại Dinh Tổng thống ở Singapore.

Tại đây, Đặng đã dành hai giờ đồng hồ để nói về mối đe dọa của Liên Xô đối với thế giới. Đặng còn phân tích toàn diện các chiến lược hoạt động của Liên Xô ở Châu Âu, Trung Đông, Châu Phí, Nam Á và bán đảo Đông Dương và cho rằng, Liên Xô đã giành được ưu thế lớn ở Việt Nam.

Giải thích với Thủ tướng Lý Quang Diệu vì lý do Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ cho Việt Nam vào tháng 5/1977, Đặng bao biện rằng, quyết định này xuất phát từ việc, Việt Nam coi Trung Quốc là chướng ngại vật lớn nhất trong quá trình thực hiện liên bang bán đảo Đông Dương của mình nên đã tăng cường chống lại Bắc Kinh.
Ngoài ra, Đặng còn đi thăm một số nước khác ở Nam Á. Tại mỗi quốc gia này, Đặng đều thăm dò và đánh tiếng về sự đe dọa của mối quan hệ Xô-Việt đối với tình hình châu Á.



Đặng Tiểu Bình sang Singapore thăm dò dư luận năm 1978



Vào ngày 16/12/1978, Trung Quốc - Mỹ công bố thông cáo chung Trung-Mỹ về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đến ngày 1/1/1979, Trung Quốc - Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, chấm dứt tình trạng căng thẳng trong suốt 30 năm trước đó.

Nhân cơ hội này, Đặng Tiểu Bình dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang thăm Washington từ 29/1 đến 5/2/1979; thứ nhất, nhằm nhận sự viện trợ về công nghệ kỹ thuật phục vụ tiến trình cải cách mở cửa nền kinh tế Trung Quốc; thứ hai, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung mà ông ta đang ráo riết chuẩn bị.

Tại đây, Đặng Tiểu Bình thuyết phục lãnh đạo Mỹ rằng "thế giới ngày nay chưa yên ổn và tồn tại nguy cơ chiến tranh, mối nguy hiểm chính đến từ Liên Xô.", và rằng:"Liên Xô cuối cùng cũng sẽ phát động chiến tranh. Nếu chúng ta chuẩn bị sẵn sàng, có thể trì hoãn bùng bổ chiến tranh. Nếu chúng ta không làm gì thì tình hình sẽ càng phức tạp hơn.

Chúng tôi hy vọng sát cánh cùng Mỹ, tiến hành các hành động cần thiết dựa trên xuất phát điểm của mỗi nước".
Đề cập đến vấn đề Liên Xô và quan hệ Việt-Xô, Đặng thuyết phục lãnh đạo Mỹ rằng "Chiến lược của Liên Xô là một đầu thông qua Việt Nam để xây dựng liên bang Đông Dương, thiết lập hệ thống Nam Á - Đông Nam Á; một đầu thông qua việc kiểm soát Afghanistan, Iran, Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, đến cả eo biển Malacca - nối liền hai khu vực.
Theo cách này, Liên Xô sẽ nối Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thành một dải. Nếu không phá vỡ chiến lược này của Liên Xô thì thế giới sẽ gặp rắc rối lớn."

Ông ta còn tự vẽ ra cái gọi là "tham vọng xây dựng liên minh Đông Dương" của Việt Nam để thuyết phục Mỹ ủng hộ Trung Quốc "dạy cho Việt Nam một bài học".


Đặng Tiểu Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ảnh: AP

Trước mớ lý thuyết này của Đặng, phía Mỹ phản ứng khá dè dặt. Tổng thống Mỹ bấy giờ là Jimmy Carter cho biết: "Tôi hy vọng Đặng Tiểu Bình sẽ không thực hiện điều này...". Tuy nhiên, Carter cũng tỏ ý hài lòng với lời hứa của Đặng, rằng ông ta sẽ hành động nhanh gọn.

Trên thực tế, dù không ra mặt ủng hộ Trung Quốc, nhưng một số nguồn tin cho biết, khi chiến tranh biên giới Việt-Trung diễn ra, Washington đã cung cấp cho Trung Quốc nhiều thông tin tình báo về hướng triển khai quân sự của Liên Xô và Việt Nam, bao gồm 54 sư đoàn của quân đội Liên Xô triển khai ở biên giới Xô-Trung.





theo Trí Thức Trẻ