Tục thờ Thần Tài và mua vàng trong ngày vía Thần Tài qua chia sẻ của chuyên gia

Thanh Tú | 13/02/2019 15:14


Khách chen chúc mua vàng tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Báo Giao thông
Trong ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người ta thường mua vàng để lấy may.


Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Đình Hằng (Phân viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia tại Huế) trên Lao động, có 2 loại ông thần tài ở trên bàn thờ của các gia đình. Đó là Ông địa và ông Thần Tài ôm cục vàng hoặc kim ngân.

Ông địa có bụng bự biểu tượng cho mong ước ấm no, đủ đấy của người nông dân, còn ông Thần Tài ôm cục vàng để phù trợ cho người bán buôn. Theo đó, gia chủ cúng 2 ông Thần Tài trên ở bàn thờ, để mong ước về cuộc sống sung túc.

Trên Thanh niên, chuyên gia văn hóa Dương Hoàng Lộc (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, Thần Tài là một vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Vị này dẫn lại câu chuyện từ dân gian cho hay, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống hạ giới chơi, uống rượu say va đầu vào đá, không nhớ mình là ai. Khi lưu lạc ở nhân gian, quần áo của Thần Tài bị người dân đem bán.

Thần Tài lang thang đi ăn xin và được một quán gà, vịt mời ăn. Quán này sau đó khách lúc nào cũng đông. Sau đó quán này vắng khách, chủ quán thấy Thần Tài không làm gì, lại ăn bốc, nên không cho ở.
Thần Tài được nhiều người kinh doanh khác mời về ở, mua quần áo mới cho mặc và trùng hợp là Thần Tài đã mua được đúng bộ quần áo của mình ngày xưa bị đem bán. Sau đó, Thần Tài mặc quần áo, đội mũ bay về trời vào mùng 10 tháng Giêng. Ngày này sau đó được chọn là ngày vía Thần Tài.

Theo chuyên gia Hoàng Lộc, người dân tin rằng việc thờ và tin tưởng vào Thần Tài sẽ đem lại cho gia chủ tài lộc và sự giàu có, sung túc. Ở nước ta, đặc biệt là vùng Nam Bộ, Thần Tài được thờ phổ biến trong các gia đình. Ở Nam Bộ, Thần Tài được thờ chung với Ông địa.
Ông cho hay, tục mua vàng ngày vía Thần tài chỉ phổ biến ở đô thị và thành phố lớn, chứ không phổ biến ở nông thôn.




Khách chen chúc nhau tại một tiệm vàng trên phố Cầu Giấy để mua vàng ngày 13/2. Ảnh: Ngọc Thắng/TTVN

Về tục mua vàng trong ngày vía Thần Tài, Tiến sĩ Trần Đình Hằng nói trên Lao động, trong truyền thống người Việt trước đây không có.
Vị này cho rằng, đi mua vàng là cách để con người ta cầu mong một năm sung túc, đầy đủ về tiền tài, cũng là nhu cầu, khát vọng của con người. Đây là nhu cầu chính đáng và là biểu hiện rất mới của xã hội hiện đại, nhưng không nhất thiết phải mua vàng trong ngày này. Bởi còn nhiều cách thực hành khác.

"Con người ta muốn gặt hái tiền tài, vàng bạc trong năm mới hoàn toàn có thể đạt được nhờ vào sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất và nỗ lực tích lũy của cải", Lao động dẫn lời Tiến sĩ Hằng.

Cũng theo nguồn trên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong một lần trả lời năm 2018 đã nói, từ ý nghĩa tâm linh thì ngày vía Thần Tài "bị biến thành mê tín". Theo đó, hoạt động mua vàng trong này này để đầu cơ tích trữ rất rủi ro, vì mua đắt còn bán ra lại lỗ vì giá vàng hạ.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng nên có những bài phân tích kỹ lưỡng để người dân từ bỏ thói quen mua vàng trong này này. Người dân mua vàng để cầu lộc, nhưng nếu mua với niềm tin mơ hồ thì sẽ thiệt hại về tiền bạc.
"Lợi nhuận mà người kinh doanh vàng có được trong ngày này là lợi nhuận siêu hiện thực, nằm ngoài quy luật kinh tế thị trường bình thường", Tiến sĩ Doanh nói.
(Tổng hợp)