Có nên lấy tiền mừng tuổi của con?

THẢO LY
07:07 04/02/19 THẢO LUẬN (0)
(GDVN - Để trả lại nét đẹp cho phong tục lì xì đầu năm hoặc chúng ta chỉ nên lì xì trẻ với số tiền tượng trưng để tránh xảy ra những chuyện buồn sau đó.

Thảo Ly Tiền mừng tuổi của con mà người Nam thường gọi là tiền lì xì luôn được nhiều người tranh cãi vào mỗi dịp Tết đến.
Những câu hỏi "Có nên lấy tiền lì xì của con?" hay “Bố mẹ con cái ai sẽ hưởng số tiền lì xì Tết?”
Người nói rằng "Tiền ấy của con nên để con tự giữ", người lại khăng khăng "Con có thể giữ nếu đó là số tiền nhỏ. Nhưng số tiền lớn đương nhiên người quản lý phải là cha mẹ".
Người thực dụng hơn "Bố mẹ không lì xì con họ thì ai lì xì con mình? Vậy, bố mẹ giữ tiền lì xì để còn có đi có lại với người ta".




Tục lì xì đầu năm vốn là một phong tục đẹp trong ngày Tết. (Ảnh minh hoạ/ Vtv.vn)


Tâm lý chung của trẻ nhỏ là trông đến Tết để nhận tiền lì xì. Đứa trẻ nào chẳng háo hức, chờ đợi để được nhận khoản lì xì từ người khác.

Vậy nên nếu ba mẹ lại lấy hết khoản tiền ấy của các em, sẽ làm chúng buồn, hụt hẫng đến thế nào.
Nếu ngày Tết người lớn lì xì con trẻ hầu bao đỏ bên trong giá trị đồng tiền không đáng kể theo đúng ý nghĩa của việc lì xì thì chẳng có gì để nói.

Kiểu lì xì này đúng là nét đẹp vốn có do cha ông để lại, nó mang ý nghĩa tinh thần là chính.
Nhưng cách lì xì con trẻ của chúng ta hiện nay đã bị méo mó, bị biến tướng khá nhiều.

Ý nghĩa tốt đẹp đã bị mai một mà thay vào đó ít nhiều sự toan tính không trong sáng, hoặc sự trục lợi đằng sau đó của chính người lớn.
Không ít người, mượn cớ lì xì trẻ nhỏ để gửi gắm thông điệp lớn hơn như chuyện mua chuộc, lấy lòng cha mẹ đứa trẻ để nhằm đạt một mục đích khác.

Thế nên, phong bao lì xì mang mệnh giá khá lớn. Có trẻ nhận được tiền lì xì hàng triệu hoặc ít nhất cũng tiền trăm.Hoặc chí ít cũng là chuyện “có đi có lại cho toại lòng nhau”.
Đổi lại, ba mẹ chúng cũng phải đi lại sao cho công bằng.

Thế nên tiền lì xì mà trẻ nhỏ nhận được cũng phụ thuộc vào vị thế, gia cảnh của ba mẹ chúng.
Trẻ nhỏ con nhà giàu hay có ba mẹ, ông bà làm to, sau mùa Tết nhận được tiền lì xì lên đến vài ba chục triệu đồng thậm chí là hàng trăm triệu.

Nhưng có không ít em cha mẹ là công nhân, nông dân, con nhà nghèo chỉ nhận được vài ba chục ngàn đồng đã là lớn.
Trẻ nhận tiền lì xì nhiều đương nhiên cha mẹ chúng cũng phải trả lại tương đương bằng nhiều cách.
Nhiều người bạn của tôi kể rằng, dù khó khăn nhưng mấy ngày Tết gia đình anh chị cũng phải để dành dăm triệu bạc làm tiền lì xì.

Người ta lì xì con mình tiền trăm lẻ nào mình chỉ lì xì lại tiền chục? Thế là cứ phải chạy đua cho công bằng.
Mới ba ngày Tết mà trong túi chị đã hết veo dăm triệu bạc.

Thế rồi, để đi chơi Tết tiếp, chị phải mượn tiền của các con (thực ra là lấy lại vì mượn không hẹn ngày trả).
Có đứa trẻ hiểu chuyện đưa hết cho ba mẹ nhưng có em nhất quyết “tiền của con, mẹ không được lấy”.
Nghe thế, chị đã cáu lên “Bố mẹ không lì xì con họ, ai lì xì cho con?”

Sòng phẳng với trẻ như thế cũng chẳng phải cách hay làm cho chúng cảm thấy vui vẻ, hài lòng.

Thứ nhất
, cần dạy cho con cách nhận tiền lì xì sao cho đẹp, cho lịch sự.Vậy người lớn phải ứng xử thế nào với số tiền lì xì của con trẻ?
Như việc không được bóc ngay phong bao lì xì trước mặt khách, không được nhỏ to chê ít khen nhiều, càng không được so sánh người này với người khác.
Khi khách vào nhà không đi lại nơi bố mẹ và khách đang nói chuyện có ý đợi lì xì.
Nhận phong bao lì xì bằng hai tay và cúi người cám ơn chân thành.

Thứ hai, ba mẹ cần dạy cho con về ý nghĩa của số tiền được lì xì. Đó là việc người lớn mừng con thêm tuổi mới và mong muốn con có sức khỏe chăm ngoan và học giỏi.

Thứ ba, dù số tiền lì xì ít hay nhiều ba mẹ cũng không nên để các con tự quyết định mà hướng dẫn con sử dụng một cách hợp lý.
Bởi, đã có không ít học sinh dùng tiền ấy tự do mua đủ thứ đồ ăn, đồ chơi (đôi khi không lành mạnh) mà các em thích.
Có em vào tiệm nét ngồi cả ngày, em lại dùng tiền không đúng mục đích.
Nếu là số tiền lì xì lớn, ba mẹ sẽ cùng con quản lý số tiền này bằng cách cho bé tự vạch kế hoạch sẽ chi tiêu thế nào cho hợp lý.

Ví dụ mua sắm đồ dùng học tập, quần áo, đồ chơi hay dùng tiền đi du lịch.
Hướng dẫn cho con dành một ít để giúp đỡ người nghèo khổ, khó khăn. Điều này chính là dạy con lòng tương thân tương ái.
Cuối cùng, để trả lại nét đẹp cho phong tục lì xì đầu năm mới hoặc chúng ta chỉ nên lì xì trẻ với số tiền tượng trưng hoặc cần chấm dứt ngay chuyện này để tránh xảy ra những câu chuyện buồn không đáng có.