CEO Vietjet Air: "Tất cả thành tựu tôi đạt được đều nhờ vào tuổi thơ êm ấm bên gia đình"

Hạ Minh - Hương Xuân | 27/12/2018 12:08 PM


5 năm gắn bó với ngành hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã tạo ra một xu hướng bay mới cho thị trường Việt Nam. Sự thành công của Vietjet Air đưa bà tới vị thế nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, bên cạnh những áp lực không dễ vượt qua.




"Trước khi Vietjet tham gia thị trường, chỉ có 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu này. Chúng tôi đã có quyết định rất đột phá là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình".

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Thảo khi nói về khởi đầu của Vietjet Air trong bài phỏng vấn chuyên đề với giáo sư của đại học Harvard vào tháng 12/2017. Lúc đó, Harvard đánh giá bà là nhân vật truyền cảm hứng trong việc góp phần tạo dựng nên những thị trường cạnh tranh và sôi động trên thế giới. Bài phỏng vấn sau đó được dùng làm tài liệu giảng dạy tại trường đại học danh tiếng này.



Thực tế, trước khi tạo ra một hãng bay có xu hướng "bình dân hóa", bà Thảo cũng đã định "xa xỉ hóa" đứa con của mình khi muốn lập hãng hàng không 5 sao vào những năm cuối thập nên 2000. Tuy nhiên, hiện thực khắc nghiệt vì kinh tế thế giới chìm trong khủng hoảng, thị trường nặng định kiến với hàng không tư nhân, hạ tầng, chính sách hàng không la liệt bất cập đã khiến dự định này không thành.

Thêm vào đó, sự đổ vỡ trong việc tìm kiếm liên minh hàng không với ông trùm hàng không giá rẻ châu Á là AirAsia đã khiến bà phải tự lực phát triển hãng bay của riêng mình, vượt qua những hạn chế về chính sách cũng như thói quen của người dân.
Quay trở lại thời điểm năm 2011, khi Vietjet Air cất cánh lần đầu tiên, những đánh giá về tham vọng của bà Thảo lại tiêu cực hơn nhiều. Người phụ nữ này phải đối diện với nhiều nghi ngờ, từ mô hình kinh doanh, hình ảnh hãng bay và cả phong cách truyền thông với bikini – điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam.

Những thách thức tiếp theo đến từ thị trường vì đa số khách hàng mục tiêu của hãng chưa bao giờ đi máy bay. Để thay đổi, bà Thảo tạo nên hình ảnh Vietjet Air gần gũi hơn, xây dựng giá vé rẻ với nhiều chường trình "bán vé 0 đồng" và đưa vào nhiều công nghệ nhằm tiếp cận khách hàng địa phương.


Thời điểm Vietjet Air ra đời, các đối tác, khách hàng và môi trường IT ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Thị trường còn quen với cách thức mua vé và thanh toán truyền thống thông qua đại lý, thay vì qua internet. Vietjet Air đã phải mang từ châu Mỹ về một giải pháp công nghệ nhằm xử lý vấn đề đơn giản hóa các thủ tục mua vé, thanh toán và check-in trên internet, ki-ốt tự động và thiết bị di động.

"Điều mà tôi học được từ những giáo sư của mình, là biến những điều phức tạp thành đơn giản bởi chỉ có sự giản dị vĩ đại nhất mới có khả năng lan toả mạnh mẽ nhất". Kết quả, 30% khách hàng của Vietjet Air là những người lần đầu tiên đi máy bay, và thị phần của hãng tăng nhanh từ 5% (năm 2011) lên mức 43% (năm 2017).

Thành công từ khi còn trẻ, gây dựng được đế chế kinh doanh đáng ngạc nhiên ở Việt Nam, nhưng bà Thảo là người khá kín tiếng với giới truyền thông trong nước. Với các ký giả nước ngoài, nữ tỷ phú có phần cởi mở hơn, nhất là trong giai đoạn trước và sau khi Vietjet Air lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong những bài phỏng vấn của mình, phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười ngọt ngào này tập trung nói về việc làm thế nào để biến Vietjet Air trở thành hãng hàng không số 1 Việt Nam và tăng trưởng tốt, thay vì nhắc tới những đối thủ cạnh tranh. Vốn là một cử nhân kinh tế và tài chính ở Liên Xô, lại từng trải qua nhiều năm tháng giữ vai trò lãnh đạo trong các ngân hàng, bà Thảo có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về vấn đề tài chính ở Vietjet Air, nhất là khi hàng không vốn là ngành ngốn nhiều tiền của.


Năm 2017, bà Thảo cho biết chi phí vận hành của Vietjet Air (không bao gồm xăng dầu) là 2,23 USD/ASK (đơn vị cung ứng ghế-km), là mức thấp nhất trên thế giới nhờ tính toán và quản lý chi tiết và hiệu quả về tất cả các loại chi phí, từ nhiên liệu đến tàu bay và dịch vụ mặt đất, sử dụng vùng trời, cất cánh và hạ cánh, mỗi tàu bay nên làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày và cần được bảo trì như thế nào...

Các con số trên báo cáo tài chính của Vietjet Air phần nào đó chứng minh thành công của bà Thảo. Tính đến hết quý III/2018, hãng đạt doanh thu gần 33.934 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.681 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017.

Cuối quý III/2018, tạp chí Airfinance cũng xếp Vietjet Air vào top 22 hãng hàng không tốt nhất thế giới, dựa trên những đánh giá tình trạng hoạt động và sức khỏe tài chính của công ty này. Lúc này, những con số của Vietjet Air xếp trên nhiều hãng hàng không danh tiếng như Qatar Airways, ANA, Air France, Delta Air Lines, Indigo, Air Asia…


Tốc độ của Vietjet Air khiến các đối tác và thậm chí đối thủ của hãng cũng phải thay đổi để có kết quả tích cực hơn. Theo đánh giá của bà Thảo, lợi nhuận của Vietnam Airlines từ mức gần như bằng 0 đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng, "do họ buộc phải thay đổi theo Vietjet Air - buộc phải tăng cường áp dụng công nghệ, ưu tiên quản lý tài chính, quản lý tàu bay một cách khoa học và tiên tiến".







Tháng 11/2018, Tổng thống Singapore Halimah Yacob và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN Robert Yap trao cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo hai giải thưởng Nữ doanh nhân xuất sắc tại khu vực ASEAN và Nữ doanh nhân xuất sắc Việt Nam ghi nhận sự đóng góp của bà trong vai trò người đứng đầu hàng không Vietjet vào sự phát triển và thịnh vượng của khu vực, thế giới.

Đến tháng 12, Forbes gọi tên nữ doanh nhân của Vietjet Air trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, với vị trí thứ 44, tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Bloomberg cũng đánh giá bà là một trong 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018, bên cạnh những nhân vật toàn cầu như Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ, Giám đốc tài chính của Microsoft, Ngoại trưởng Canada, Tổng thống Nam Phi...

Kể từ khi lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2016, bà Thảo hiếm khi vắng mặt trong các bảng xếp hạng lãnh đạo và doanh nhân nổi bật toàn cầu. Thế nhưng, thứ hạng trên các bảng xếp hạng và sự cân đo đong đếm tài sản của Forbes dường như không mấy ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống riêng của mình.

Bà nhận mình đã quen với guồng công việc có khi kéo dài tới 21 tiếng mỗi ngày trong suốt 30 năm và luôn bỏ danh tiếng tỷ phú bên ngoài phòng làm việc cũng như ngưỡng cửa nhà, cũng như chưa bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền.

"Mọi người hỏi tôi làm thế nào để có thời gian cho mọi việc, và câu trả lời của tôi là hãy có cách nhìn lãng mạn về các vấn đề, cùng với sự lạc quan và óc hài hước, bởi vì sự nghiệp của một doanh nhân vốn chẳng bao giờ êm ả, và những thách thức chỉ có thể vượt qua nhờ tinh thần và thái độ như thế".

John Leahy, Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus, từng nhận xét: CEO Vietjet là "người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung" bởi sự cứng rắn bên trong vẻ ngoài mềm mỏng mỗi khi đàm phán hợp đồng. Thế nhưng, trong cảm nhận của bà Thảo, thứ "quyền lực" mà bà có, hay là thứ "quyền lực" mà Forbes vinh danh bà, lại đến từ sự dịu dàng, bao dung, đức hi sinh của người phụ nữ mà bà đã được dạy trong những tháng năm tuổi thơ ấm êm bên gia đình ở Hà Nội.

"Tôi tin rằng, tôi cũng như bất cứ người phụ nữ Á Đông nào đều đã được dạy đức sự hy sinh, sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ, tính dịu dàng, bao dung, cho đi mà không đòi hỏi, nghĩ về những người khác trước khi nghĩ về mình, và mang những đức tính ấy vào công vệc của mình…

Ngoài ra, nếu bạn càng ít mong đợi từ những người khác, bạn sẽ càng hạnh phúc khi nhận được điều gì đó ngay lúc bạn không ngờ tới nhất".

Vượt trên những tín hiệu tích cực về tài chính và thành công về thương hiệu cá nhân của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, "đứa con" của bà lại không có một năm thuận lợi về truyền thông và hoạt động bay.

Được xây dựng với mục tiêu trở thành một hãng hàng không "quốc dân", nhưng hãng giá rẻ này lại sớm nổi tiếng bởi rất nhiều biệt danh gây tranh cãi. Truyền thông quốc tế và trong nước vẫn hay gọi Vietjet là "hãng hàng không bikini", trong khi một bộ phận khách hàng coi đây là "Delay Airlines".

Nguyên nhân chủ yếu của kỷ lục này đến từ việc tàu bay của hãng thường về muộn. Với các chuyên gia trong ngành, việc có đội bay không phải là lớn, lại khai thác nhiều khung giờ, khiến thời gian quay đầu của máy bay Vietjet Air rất ngắn.
"Chỉ một vấn đề từ chuyến bay trước, có thể dẫn tới hiệu ứng domino trong các chuyến bay cùng ngày sau đó, thậm chí là sang cả ngày hôm sau. Thời gian quay đầu càng ngắn, ảnh hưởng dây chuyền càng dễ xảy ra", một chuyên gia nhận xét.



Năm 2018 cũng là thời điểm Vietjet Air phủ sóng rộng khắp các mặt báo vì hàng loạt sự cố. Màn trình diễn bikini gây tranh cãi hồi đầu năm khiến Vietjet Air "dính" án phạt từ cơ quan quản lý.

Những ngày cuối năm 2018, vận đen vẫn đeo bám Vietjet Air khi hãng ghi nhận liên tiếp hai sự cố khai thác nghiêm trọng. Đầu tháng 11, một máy bay của hãng đáp xuống sân bay Buôn Mê Thuột trong tình trạng văng bánh trước, cày đường bay bằng càng trước suốt chiều dài 60-70m.

Cuối tháng 12, máy bay Vietjet trong lúc quay đầu đã đáp nhầm vào đường băng chưa đưa vào khai thác ở Cam Ranh... Đây cũng là lần thứ hai hãng bay này gặp sự cố lớn kể từ lần chuyến bay đến Đà Lạt nhưng đáp sân bay Cam Ranh vào tháng 6/2014.
Nhưng có lẽ những sự cố xảy ra cũng là cơ hội để Vietjet nhìn lại mình sau thời gian tăng trưởng quá nhanh để tái cơ cấu lại và vươn lên mạnh mẽ. Và người phụ nữ muốn đem cơ hội bay tới nhiều triệu người sẽ lại có một năm khởi sắc vào 2019.


theo Nhịp sống kinh tế