Mỗi người sinh ra có cấu trúc não bộ khác hẳn nhau nên trí thông minh đã không đồng. Người sáng suốt, kẻ ngu si. Người giỏi về kinh doanh, kẻ có khiếu về âm nhạc. Có những thần đồng vừa mới sinh ra đã biết nói như Christian Heineken. Ông có thể đọc lại nhiều đoạn trong Thánh kinh lúc lên một, trả lời những câu hỏi về địa dư lúc lên hai, nói được tiếng Pháp và tiếng Latin lúc lên ba, và khi lên bốn đã theo học các lớp triết.
”... John Stuart Mill có thể đọc chữ Hy lạp lúc mới ba tuổi; Macanlay có thể viết thế giới sử lúc mới mười sáu tuổi; William James Sidis đọc và ráng đọc rành chữ mẹ đẻ (Hoa Kỳ) lúc mới lên hai, và đã nói được tiếng Pháp, Nga, Anh, Đức, chút ít Latin, Hy lạp khi lên tám... Charles Bennet xứ Manchester có thể nói được nhiều thứ tiếng lúc mới ba tuổi...” ( Trích Đức Phật và Phật pháp của ĐĐ Narada)
Hiện nay báo chí thế giới nói nhiều về em Arthur, cha người Madagascar, mẹ người Pháp. Năm chín tuổi, Arthur đậu bằng BEPC (trung học đệ nhất cấp, cấp 2 Việt nam), hai năm sau đậu tú tài. Năm 12 tuổi em mới bắt đầu ghi danh vào một khóa học tập thể để làm quen với lề lối thi cử, khi em chuẩn bị lấy bằng cử nhân toán. Hiện nay em đang chuẩn bị một bằng sau đại học về toán thuần lý, đồng thời nghiên cứu định lý cuối cùng của Fermat. Hầu hết thời gian học của em là tự học có sự hướng dẫn của cha mẹ.
Einstein đã hoàn thành thuyết Tương đối hẹp lúc mới 25 tuổi. Cho đến nay, không hẳn là mọi người hiểu rõ khi nghe thuyết trình về đề tài đó mặc dù sách vở đã nói đến rất nhiều.
Vô số những bộ óc kỳ diệu đã đóng góp làm cho nền văn minh của nhân loại càng lúc càng tiến bộ. Có những người tên tuổi vang lừng. Có những người dấu kín tên tuổi vì những lý do khác.
Bên cạnh các tài năng đặc biệt đó cũng có những người “chậm hiểu” đến kỳ lạ. Họ không thể tiếp thu bài toán của lớp năm hoặc lớp sáu. Một cái hàng rào giới hạn vô hình nào đó đã chận đứng tâm trí, không cho phép họ tiến sâu vào các vần đề phức tạp. Họ đành chấp nhận các nghề thủ công để sinh sống.
Các nhà giáo dục đều nhìn nhận rằng yếu tố giáo dục chỉ có giá trị một phần nhỏ trong việc khai mở tâm trí con người. Sự giáo dục chỉ bao gồm vấn đề:

- Truyền đạt kiến thức.
- Tập cho học viên suy luận.
Tuy nhiên, hai vấn đề từ bên ngoài đem đến đó còn bị giới hạn bởi yếu tố chủ quan của học viên là:

- Khả năng tiếp nhận kiến thức nhiều hay ít.
- Khả năng suy luận nhanh hay chậm, sâu hay cạn, phối hợp các dữ kiện rộng hay hẹp.
Mỗi bộ não con người giống một máy tính đã được chế tạo sẵn. Tùy theo sự chế tạo ban đầu mà khả năng máy tính có thể xử lý bao nhiêu lượng thông tin (tính theo đơn vị byte, kilobyte, megabyte...) Vấn đề quá phức tạp so với khả năng được chế tạo, máy tính không thể giải quyết, hoặc giải quyết rất chậm với sự trợ giúp của chuyên viên.
Từ khi sinh ra, tùy theo nghiệp đời trước, mỗi người có một não bộ khác nhau và mỗi não bộ “dường như” có một khả năng được quy định sẵn. Với khả năng giống hệt nhau nhưng gặp hoàn cảnh giáo dục khác nhau, tài năng của họ sẽ khác nhau. Như vậy có hai loại quả tạo thành tài năng của một người.
- Một, loại quả báo tạo thành não bộ có một khả năng nhất định chừng mực nào đó (chủ quan).
- Hai, loại quả báo tạo thành môi trường giáo dục hay dở nào đó (khách quan).
Phối hợp hai quả báo này, tài năng của một người được hình thành.
Có những người được phước thông minh nhưng không có phước được học nhiều nên tài năng bị hạn chế. Ngược lại, có người kém thông minh, lẽ ra kém tài, nhưng được ở trong môi trường giáo dục tốt, được cha mẹ, anh chị, thầy cô chăm sóc dạy dỗ kỹ lưỡng nên cũng đạt được một số khả năng nhất định.
Mặc dù ngay từ khi còn trong bào thai, não bộ con người đã hình thành xong các chi tiết và như thế đã quy định xong mức độ thông minh của từng người, nhưng cũng giống như thời vận, cái thông minh của một người cũng bị thăng trầm tăng giảm theo duyên nghiệp. Vào những giai đoạn phước lành bộc lộ, người đó bỗng nhiên sáng suốt kỳ lạ, phán đoán tiên liệu sâu sắc từng vấn đề. Đến khi phước đã hết, cũng con người đó, tự nhiên trở nên lú lẫn mờ mịt, không thể nhìn xa trông rộng, không thể phán đoán sự việc sẽ xảy đến, và họ đi vào thất bại.
Khi đương thời, những bạo chúa như Napoléon, Hitler tính đâu được đấy, có sức cuốn hút kỳ lạ đối với mọi người, chiến công vang dội hoàn cầu. Khi phước đã hết, trận Waterloo chôn vùi sự nghiệp đế quốc Napoléon, còn Hitler thì tự sát dưới hầm trú ẩn.
Một số doanh gia cũng rơi vào trường hợp tương tự. Khi thời vận hanh thông, họ phán đoán trước sự diễn biến của thị trường để đầu tư thích hợp và đạt được những thành công lớn. Đến khi phước đã hết, họ tiên liệu sai lầm, đầu tư không đúng chỗ và bị phá sản.
Luật Nghiệp Báo xuất phát từ Bản Thể Tuyệt Đối nên nó chi phối tận trong tâm thức sâu kín của con người. Khi quả báo lành xuất hiện, nó thúc đẩy tâm con người khởi ra những dự tính chính xác, độc đáo. Với những dự tính đó, họ nỗ lực hành động và thành công. Ngược lại khi quả báo dữ xuất hiện nó thúc đẩy tâm con người mưu tính chuyện trật đường rầy để họ rơi vào thất bại.

Một doanh nhân quyết định mua một số đất tại khu vực mà ông biết rằng gần đấy một hải cảng lớn sẽ được xây dựng. Khi hải cảng thành hình, giá đất sẽ tăng lên gấp 10 lần. Điều ông không ngờ được là biến động chính trị đã xảy ra khiến cho đề án bị hủy bỏ. Khu đất ông mua vẫn phải để hoang và vốn ông bị kẹt vào đó khá nhiều.
Một chuyên viên sửa máy vô tuyến viễn thông thú nhận rằng có một loại trực giác nào đó bên trong giúp ông nhanh chóng đoán được phần hư của máy giữa hệ thống máy chằng chịt như đám rừng già. Vì nhanh chóng đoán được pan nên ông giải quyết lẹ làng khiến cho bạn bè nể phục. Riêng ông tự xét mình và “nhìn thấy” một loại tâm linh đặc biệt nào đó đã giúp ông trong công việc khó khăn này.
Chính cái phước trong quá khứ xa xăm đã tạo ra những cái sáng suốt kỳ diệu trong hiện tại, và bởi suy nghĩ đúng, họ hành động đúng.
Như vậy những phước nghiệp như bố thí, cúng dường, đắp đường, bắt cầu, giúp đỡ người hoạn nạn, bênh vực kẻ thế cô, săn sóc người bệnh... đã góp phần tạo ra trí sáng suốt cho những đời sau. Nếu phước nghiệp được bền bỉ gây tạo mãi, những đời sau chúng ta có được sự thông minh thường xuyên. Nếu phước nghiệp được làm “có cơn”, nghĩa là khi thì hăm hở, khi thì lười biếng, đời sau chúng ta sẽ có được một trí thông minh “có cơn” khi thì khôn ngoan, khi thì khờ khạo.
Có một số người có học trong nhà trường, trong sách vở rất giỏi, nhưng bước vào đời họ như con nai vàng ngơ ngác, không lường được sự gian trá của con người và liên tiếp gặp thất bại. Nhân Quả được đánh giá như sau.

Sự thành công có được là do nghiệp giúp đỡ kẻ khác. Chính vì thiếu sự giúp đỡ mọi người một cách thực tế nên họ không gặt hái được thành công. Trong cuộc đời chúng ta cũng thấy nhan nhản nhiều người rất siêng năng đọc sách, nghiên cứu đủ thứ vấn đề, nhưng dường như rất hiếm khi họ bắt tay làm việc thiện một cách cụ thể. Thói quen nghiền ngẫm lý thuyết cũng tạo ra cho họ một khả năng suy luận các vấn đề trừu tượng ở đời này và đời sau. Dĩ nhiên không phải họ mang khả năng tri thức đó qua đời sau bởi một loại linh hồn thần thức. Chỉ là ý nghiệp đời trước tạo ra nhân cách cho đời sau mà thôi. Và ở đời sau họ có khiếu suy tư trừu tượng, nhưng lại cảm thấy mờ mịt hoang mang khi phải bước ra làm ăn buôn bán...
Có thể một người tạo phước học giỏi bằng cách siêng năng dạy học cho học trò. Vì họ tận tụy trong việc dạy các môn toán, văn, ngoại ngữ... nên đời sau họ được phước vừa thông minh, vừa gặp được môi trường giáo dục tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dạy các kiến thức khoa học (khoa học tự nhiên, và khoa học xã hội) mà không có kèm theo việc làm từ thiện, họ sẽ chỉ được thông minh mà ít thành công ở cuộc đời thực tế. Đó là hình ảnh các nhà giáo, các nhà nghiên cứu chỉ giỏi về lý thuyết nhưng vẫn nghèo khổ trong đời sống.
Nếu các nhà giáo trong khi truyền đạt kiến thức, có dạy cho học trò đạo đức làm người, hoặc có làm thêm các việc từ thiện, thì chính cái phước lớn lao của việc truyền đạt đạo đức hoặc việc làm từ thiện sẽ tạo nên sự thành công cho người đó về sau. (Ở phần sau chúng ta sẽ trở lại bàn về cái phước của việc truyền bá đạo đức).

Trong kinh Bổn Sanh Đức Phật có kể về nhân duyên của trưởng lão Culla Panthaka. Những đời về trước, trưởng lão là một người học nhiều hiểu rộng. Tự thị vì tài trí của mình, trưởng lão đã cười khinh bỉ một huynh đệ thiếu trí, khiến vị đó mắc cỡ không thể tiếp tục học tập kinh điển. Do nghiệp nhân như thế nên vào đời hiện tại (thời Đức Phật ) trưởng lão phải chịu qua một thời gian đần độn, không thể học thuộc một bài kệ ngắn. Trưởng lão đau khổ vô cùng vì sự kiện này. Đến khi nghiệp đã hết, Đức Phật dùng phương tiện khai ngộ khiến cho trưởng lão chứng được quả vị A La Hán, sự thông minh uyên bác trổi dậy mãnh liệt, trưởng lão khởi biện tài thuyết pháp như mây như mưa khiến cho đại chúng kinh ngạc thán phục vô cùng.
Như vậy, thái độ khinh thị người dở cũng khiến cho chúng ta chuốc lấy quả báo kém tái năng. Nhưng con người bao giờ cũng thế, luôn luôn thán phục trước bậc kỳ tài và coi thường kẻ kém cỏi. Sự kính trọng bậc kỳ tài tạo một quả báo tốt lành về sau, trong khi sự khinh thường người dở tạo một quả báo bất lợi. Vấn đề rắc rối nằm tại chỗ làm sao chúng ta vẫn giữ được sự kính trọng người có tài mà vẫn giữ được sự thương mến kẻ kém cỏi. Như thế mới tránh được quả báo xấu về sau.

Hơn nữa, nếu chẳng may chúng ta lại là người thông minh đĩnh ngộ, nhìn quanh có rất nhiều người dở kém hơn ta. Nếu ta xem thường mọi người, quả báo hèn hạ chắc chắn sẽ xảy đến. Sự khiêm hạ luôn luôn phải được giữ gìn kỹ lưỡng như giữ gìn xương thịt của mình.
Một số nhà thôi miên đã làm thí nghiệm như sau:

Một vài người không biết vẽ, được các nhà thôi miên ám thị rằng họ chính là những danh họa siêu tuyệt như Picasso, Constable, Vangogh... Trong trạng thái được thôi miên, những người kia vốn không rành về hội họa, bỗng vẽ nên những bức tranh tuyệt diệu. Họ đã đồng hóa với các danh họa và đạt được tài năng không thua kém bao nhiêu.
Một số nhà ngoại cảm có thể đi trên lửa, cất mình lơ lửng giữa hư không, một số nhà tiên tri biết trước từ rất lâu các việc xảy ra trên thế giới...

Qua các hiện tượng đó, các nhà khoa học cho rằng khả năng con người vô cùng lớn lao nhưng chưa được khai thác. Những vùng não chứa các khả năng tuyệt vời vẫn còn yên nghỉ chưa chịu hoạt động. Nếu đánh thức được các vùng não còn yên nghỉ thì khả năng con người sẽ vượt bực không ngờ.
Riêng các nhà đạo học Đông Phương chẳng lạ gì vấn đề đó và cách giải quyết rất rõ ràng. Mọi khả năng phi thường của con người được dấu âm thầm trong vô thức (xem Năm ấm là gì). Chỉ có người nhập được thiền định mới có thể sử dụng các khả năng dường như vô hạn của tâm vô thức này... Như đã nói ở phần trước, không gian tâm linh có tác dụng lệ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Có khi nó phá vỡ các quy luật vật lý thông thường để tạo nên những kỳ tích. Nhà ngoại cảm có thể nhìn xuyên qua vách tường, đọc được ý nghĩ người khác, chữa bệnh bằng tâm lực, tàng hình... Tất cả điều đó là do năng lực tâm linh và năng lực tâm linh lại do vô thức điều khiển. Ai “nắm” được vô thức, người đó là siêu nhân. Con đường đưa đến sử dụng được vô thức là thiền định.

Trong khía cạnh nói về nghiệp quả của tài năng, chúng ta cũng nhìn thấy mỗi người dường như có năng khiếu bẩm sinh khác nhau. Người giỏi về khoa học tự nhiên như toán, lý, sinh... trong khi người khác chỉ thích thú với ngôn ngữ, lịch sử, luật pháp... Người học võ thuật một cách khéo léo giỏi giắn, trong khi kẻ khác tập cho xong một bài quyền chậm chạp vất vả. Chính những nghiệp nhân sai biệt từ đời trước đã tạo nên các năng khiếu sai biệt cho đời này.
Người say mê âm nhạc tức là đã tạo cho mình một năng khiếu âm nhạc ở kiếp sau. Xin lập lại không phải một loại thức nào đó đã mang cái say mê qua kiếp sống mới, chỉ là ý nghiệp tạo thành nhân cách cho đời sau mà thôi. Tuy nhiên nếu ngoài cái say mê, họ còn truyền dạy âm nhạc cho người khác, đời sau năng khiếu âm nhạc được tăng lên bội phần.
Một võ tướng từng tạo nên chiến công hiển hách rồi sau cáo quan ẩn tu. Trong quá trình tu hành, ông luôn luôn muốn quên đi khả năng võ thuật phi thường của mình. Kiếp sau, thuở còn trẻ, ông có một đam mê võ thuật đến kỳ lạ, rèn luyện không mệt mỏi, mặc dù tính tình hiền lành như một nhà sư. Nhưng do tâm nguyện đời trước không muốn nhắc đến chuyện kiếm cung nên khiến cho ông dù có đam mê vẫn không có điều kiện được đào luyện để thành tài. Rồi dần dần sự đam mê biến mất đúng như ý nguyện của kiếp trước.
Một bác sĩ, nếu thiếu lòng vị tha tận tụy, chỉ tìm cách làm giàu, đời sau nghiệp y vẫn còn đeo đuổi nhưng ở mức độ thấp hơn : y tá. Ngược lại một y tá bình thường nhưng tâm hồn quảng đại, tận tình chăm sóc cho bệnh nhân, kiếp sau ngành nghề được phát triển để trở thành bác sĩ giỏi.

Vô số nghiệp nhân phức tạp linh động để tạo thành tài năng của mỗi người. Nhưng tất cả đều được phát triển nếu có tâm hồn vị tha hướng dẫn.

sưu tầm