Nghiên cứu khoa học gây sốc: Đánh thức 'quỷ dữ' trong con người

Đỗ Quyên | 09/12/2018 01:06 PM


Cuộc thí nghiệm ban đầu mang mục đích tốt đẹp là tìm hiểu nguyên nhân gây ra hành vi phạm tội. Song, tác giả của thí nghiệm đã bị cuốn theo những diễn biến sốc đến mức mất sáng suốt, để nó đi quá xa giới hạn cho phép


Gần 50 năm trước, một nhóm sinh viên vốn chỉ định kiếm thêm chút đỉnh nên nhận lời tham gia một cuộc thí nghiệm được tiến hành tại tầng hầm của ĐH Stanford, bang California - Mỹ. Chẳng ai ngờ, nó lại trở thành một trong những thí nghiệm khủng khiếp nhất về nghiên cứu tâm lý con người mà tới nay vẫn chưa hết gây hoang mang.

Giả hóa thật

Ý tưởng khá đơn giản: Tuyển một nhóm tình nguyện viên, một nửa được “phân vai” tù nhân, nửa còn lại làm cai ngục rồi đặt họ vào một nhà giam tự chế và theo dõi điều gì xảy ra. Thí nghiệm mang tên “nhà tù Stanford” này có kế hoạch kéo dài 2 tuần nhưng giữa chừng đã đột ngột kết thúc, chính xác là chỉ 6 ngày.

Nó không thể tiếp tục sau một loạt hành vi làm suy sụp tinh thần, sự tàn ác bùng nổ và tù nhân tuyệt thực.

“Ngày đầu tiên họ tới đó, nó là một nhà tù nhỏ được dựng lên trong tầng hầm với những cánh cửa phòng giam giả. Tới ngày thứ hai, nó là nhà tù thực sự được tạo ra trong tâm trí mỗi tù nhân, từng cai ngục cũng như các nhân viên ở đó” - giáo sư tâm lý học Philip Zimbardo, người đứng đầu thí nghiệm, tiết lộ.

Nhiều người đã tình nguyện tham gia thí nghiệm này từ một mẩu quảng cáo đăng trên tờ báo địa phương, với nội dung tuyển mộ nam sinh viên phục vụ một nghiên cứu về cuộc sống trong tù, thù lao 15 USD/ngày trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 14-8-1971. 24 người trúng tuyển phải trải qua kiểm tra tâm lý và thể chất để bảo đảm chỉ những người khỏe mạnh nhất mới được tham gia.

Dù mặc đồng phục, đeo kính đen và được tạo hình đầy đủ dáng vẻ của cai ngục thực thụ nhưng những người phải hóa thân vào thành phần này đều cảm thấy bỡ ngỡ. Đến nỗi, đội của GS Zimbardo ban đầu tưởng như phải hủy bỏ thí nghiệm. Thực tế, thí nghiệm không thể đi đến cùng nhưng không phải do cai ngục không làm tròn vai.

“Sau ngày đầu tiên, tôi nhận thấy chẳng có gì xảy ra. Không khí có vẻ hơi nhàm chán nên tôi quyết định sắm vai một lính canh cực kỳ tàn bạo” - Dave Eshleman, một trong những “diễn viên” chính bên phe cai ngục của thí nghiệm, kể lại.
Bị đối xử khắc nghiệt, các tù nhân trong thí nghiệm - chỉ được đánh số chứ không có tên - đã nổi loạn và tự phong tỏa các buồng giam. Cai ngục coi đó là hành động thách thức uy quyền của họ nên tìm cách đàn áp và bắt đầu áp đặt những yêu cầu vô lý.

“Đột nhiên mọi thứ thay đổi vì cai ngục cho rằng họ đang đối đầu những tù nhân nguy hiểm. Lúc đó, nó không còn là một cuộc thí nghiệm nữa” - GS Zimbardo cho hay.



Sau đó, cai ngục bắt đầu thực hiện nhiều trò hành hạ tù nhân như lột quần áo, trùm túi lên đầu, bắt chống đẩy tới kiệt sức và nhạo báng họ. “Trò cắt ngang giấc ngủ tù nhân giữa chừng nghe có vẻ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tốt nhất cho cai ngục. Đó là một kiểu tra tấn” - Clay Ramsey, một tù nhân của thí nghiệm, cho biết.

Theo Ramsey, những gì diễn ra vượt quá sức chịu đựng cả về thể chất lẫn tinh thần nên ông đã tuyệt thực. Ramsey liền bị biệt giam và các tù nhân khác bị trừng phạt vì hành động tuyệt thực của ông. Tình hình trở nên vô cùng căng thẳng.
“Diễn biến nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát” - ông Eshleman nhớ lại - “Tôi tiếp tục tìm kiếm các giới hạn - tức là một mức nào đó mà họ sẽ ngăn tôi lại và nói rằng “không được, đây chỉ là một thí nghiệm, anh làm vậy đủ rồi”. Thế nhưng, tôi nghĩ mình chưa tới được mức đó”.

Sa đà rồi tỉnh ngộ

Trao đổi với đài BBC, GS Zimbardo vẫn nhớ một danh sách dài những tù nhân đã bị suy sụp và rời bỏ thí nghiệm. Một người thậm chí còn mắc chứng phát ban khắp cơ thể do căng thẳng thần kinh.

Người đứng đầu nghiên cứu này cũng bị cuốn theo thí nghiệm và đánh mất sự sáng suốt. GS Zimbardo khắc khoải: “Thí nghiệm này là đúng đắn, điều sai trái là để nó bước qua ngày thứ hai. Khi tù nhân bị suy sụp, chúng tôi đã chứng minh được một điều rằng hoàn cảnh đó có thể gây ra tác động rất mạnh và tôi đã không kết thúc thí nghiệm ở thời điểm lẽ ra phải chấm dứt”.


Cuối cùng, người can thiệp để khép lại cuộc thí nghiệm trước khi nó bị đẩy đi quá xa là một đồng nghiệp của ông Zimbardo. Lúc đó, vị giáo sư này đang hẹn hò với một sinh viên cũ của mình đã tốt nghiệp tên là Christina Maslach.
Khi nữ chuyên gia tâm lý học này chứng kiến chuyện xảy ra dưới tầng hầm ĐH Stanford, cô đã rất sốc và thẳng thắn lên án người đàn ông của mình. Phản ứng gay gắt của người yêu dường như khiến GS Zimbardo tỉnh ngộ.

Tình trạng náo loạn ở các nhà tù tại Mỹ khiến thí nghiệm Stanford thu hút rất nhiều sự quan tâm. Kết quả chấn động của nó trở nên nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà còn lan truyền khắp thế giới.

Bài học đau đớn

Những hành động khủng khiếp thực hiện với tù nhân trong “nhà tù Stanford” là điều mà ông Eshleman không bao giờ muốn nhắc tới.

Thế nhưng, theo người đàn ông vào vai viên quản ngục khó ưa này, thí nghiệm đó đã mang lại cho ông những bài học đáng nhớ. “Tôi học được rằng trong một tình huống cụ thể, tôi có thể làm những điều mà sau này nhìn lại, tôi sẽ cảm thấy hổ thẹn” - ông Eshleman chia sẻ.

Về phía vai tù nhân, ông Ramsey cho rằng thí nghiệm này lẽ ra không nên được tiến hành bởi nó không có cơ sở khoa học thực sự và hoàn toàn sai trái về đạo đức. Tuy nhiên, GS Zimbardo tranh cãi rằng công trình này là một sự bổ sung cực kỳ giá trị đối với ngành tâm lý học; rằng kết quả của nó có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu tại sao tình trạng lạm dụng tù nhân lại xảy ra ở các nhà tù.

theo Người lao động