Đoạn tríc trong truyện tây Du Ký- Ngô Thừa Ân. La floiwf của vua ĐƯờng dành tặng cho Đường tăng sau khi đã thỉnh kinh trở về. Văn rất hay, hào hùng. Xin kính mời mọi người cùng đọc.

Từng nghe:
Lưỡng nghi có hình tượng, hiển hiện che chở cho chúng sinh, bốn mùa không có hình, lặng lẽ tạo nóng rét để nuôi dưỡng muôn vật.
Vậy nên:
Nhìn trời ngắm đất, người bình thường cũng rõ được đầu mối.
Sáng âm thấu dương, bậc hiền triết ít kẻ bắt thấu được tận cùng.
Thế thì:
Trời đất bao quát cả âm dương, dễ biết được là vì có hình tượng
Âm dương hoạt động trong trời đất, khó thấu tận cùng là vì vô hình thôi.
Vậy mới biết:
Hình tượng hiện rõ có chứng cớ, tuy ngu cũng không ngờ vực;
Hình tượng lặn đi không nhìn thấy, kẻ trí cũng có khi mê.
Huống hồ:
Đạo Phật lại chuộng hư không, vượt khỏi cõi u minh, giữ lấy tịch mịch, rộng giúp muôn loài, trị yên mười phương:
Nâng uy tinh lên trên hết, nên thần lực không gì bằng.
Lớn thì bao trùm cả vũ trụ;
Nhỏ thì chứa đựng đến tóc tơ.
Không diệt không sinh, trải nghìn kiếp mà vẫn trẻ:
Như ẩn như hiện, chở trăm phúc vẫn mới nguyên.
Đạo lớn diệu huyền, đi mãi không biết đâu là bờ bến
Dòng pháp trong lắng, bơi lặn lường sao được ngọn nguồn.
Vậy nên những kẻ tầm thường, bo bo ngu xuẩn, cố giữ chấp trước; không hoặc không nghi làm sao được?
Thế rồi đại giáo hưng thịnh, gốc từ Tây phương bừng tỉnh mộng vượt sang triều đình Hán; khơi dòng từ bi chiếu rọi cõi Đông.
Thời xưa, khi mới chia hình chia dấu, lời nói chưa chạy xa mà đã thành giáo hóa; Đương lúc thường hiện thường ẩn, dân dã ngưỡng đức mà noi theo.
Kịp khi bóng tối lẩn theo chân lý,dời đổi qua các đời, ánh vàng bị che sắc, không soi được ánh sáng ba nghìn.
Tượng đẹp mở tranh, chỉ rõ ràng ba mươi hai tướng đẹp.
Thế rồi chân ngôn truyền rộng, vớt loài chìm ở ba đường:
Di huấn vang xa, dẫn sinh linh khắp mười cõi.
Nhà Phật có kinh chia ra đại thừa và tiểu thừa, lại có pháp đó là thuật truyền-ngoa-là-chính.

Nhà sư của ta là pháp sư Huyền Trang:
Đứng đầu trong pháp môn,
Thuở nhỏ cẩn thận thông minh, sớm giác ngộ công quả tam không,
Lớn lên hợp với thánh thần, hành vi nào cũng gồm trong tứ nhẫn.
Gió thông trăng nước chẳng sánh vẻ hào hoa
Ngọc sáng móc tiên khó so bề cốt cách.
Cho nên đem cái trí vô lụy, suy nghiệm thần tinh từ chỗ chưa thành hình, vượt ra sáu cõi lục trần, thật nghìn đời không ai sánh.
Lắng lòng nơi nội cảnh, thường thương chính pháp trễ tràng
Thành tâm chỗ cửa huyền, hay bực bội kinh văn sai suyển.
Những muốn xét rõ điều lý, mở rộng đường kiến văn đời trước
Phân rõ chân ngụy, mở lối cho kẻ hậu học đời sau.
Cho nên lòng mong sang nơi Tịnh Thổ, chu du tới ba cõi Tây Vực, xông pha lặn lội, chống gậy ra đi.
Buổi sớm tuyết trắng xóa lên đường, dặm trường mờ mịt;
Buổi chiều bãi hoang lương dừng lại, trời đất mông lung.
Muôn dặm non sông, rẽ khói mây mà tiến bước:
Trăm tầng nóng lạnh, đội mưa gió mà xông lên.
Tấm lòng thành coi khinh vất vả,
Ước vọng lớn muốn thành tựu to,
Rong ruổi cõi Tây mười bốn năm ròng,
Đi khắp nước ngoài tìm cầu chính giáo.
Vườn Lộc Uyển mến dạo xem hoa;
Đỉnh Linh Thứu ngưỡng kỳ mộ lạ.
Vâng lời chí ngôn của tiên thánh;
Nhận sự chân giáo bậc thượng hiền
Xem xét cửa diệu môn,
Nghiền ngẫm nơi áo nghiệp.
Đạo tam thừa lục luật, rong ruổi nơi ruộng đồng;
Kinh một tạng trăm hôm, chơi vơi nơi cửa biển.
Vậy nên, trải qua biết bao góc biển chân trời, cầu tìm được vô số kinh kệ. Tổng cộng được ba mươi nhăm bộ kinh Đại Thừa cốt yếu, gồm năm nghìn linh bốn mươi tám quyển, để dịch ra truyền bá khắp Trung Hoa, tuyên dương đức nghiệp.
Dẫn mây lành từ Tây Vực,
Tưới mưa pháp khăp Cõi Đông.
Thánh giáo khuyết nay lại tròn; Dân đen tội mà được phúc.
Dập lửa đỏ nơi nhà cháy, cùng thoát đường mê;
Soi sáng tối nơi nước vàng, cùng sang cõi Phật.
Thế mới biết ác vì nghiệt đọa, thiện do duyên thăng.
Đầu mối của sự đọa hay thăng, hoàn toàn do con người cả.
Ví như cây quế mọc nơi núi cao, mưa móc thấm mới nở hoa thơm;
Hoa sen chồi lên từ sóng xanh, bụi bậm không thể bám vào lá. Đâu có phải tính hoa sen tự trong sạch và chất cây quế tự thẳng ngay đâu, mà là do được mọc ở chỗ cao nên vật nhỏ không làm lụy đến; được sinh ở chỗ sạch, nên loài đục chẳng giây vào.
Kìa đến cả loài cây có vô tri còn biết nuôi thiện mà thành thiện, huống hồ loài người có tri thức, lại không biết nương theo phúc mà cầu phúc ư?
Mong rằng kinh này sáng soi mãi như hai vầng nhật nguyệt; Phúc lớn lan xa trường tồn mãi cùng đất trời!”