"Thưa thầy, cô và dượng của con bỏ nhau, mong thầy thương tình giúp đỡ".
Ông thầy gật gù một lát rồi ra giá. Ông ghi tên họ của hai người đang bỏ nhau mà thân tộc muốn hàn gắn. Ông vẽ hai hình nhân, một nam một nữ, có kèm tên tuổi phía dưới. Ông thắp nhang đèn trước bàn thờ tổ, lầm rầm khấn vái. Người ông như xuất thần quên hết ngoại cảnh, mắt ông nhắm nghiền, tay ông bắt ấn, miệng ông thì thầm những câu thần chú. Mỗi ngày ông làm phép như vậy hai lần.Tuần sau, cô và dượng gặp nhau chung sống trở lại.
Một gia đình nọ có chuyện đi xa xin một lá bùa giữ nhà dán phía trong cánh cửa. Một đứa bé vô tình đùa giỡn đến đập vào cánh cửa, bỗng bị bệnh nặng, cha mẹ nó vô phương cứu chữa. Họ đem con đến ông thầy bùa khác. Ông xem qua và cho biết nó phạm phải bùa giữ nhà. Ông cũng dùng chú chữa và thằng bé khỏi bệnh.
Bùa chú là gì mà có năng lực ghê gớm như vậy ?
Thật ra tự lá bùa vẽ ngoằn ngoèo hay câu chú lâm râm không có một tác dụng gì cả. Ở đây tác dụng xuất phát từ tâm lực của ông thầy pháp. Những ông thầy pháp cũng phải trải qua một thời gian dài khổ luyện để tập trung tinh thần vào câu chú. Chính sự tập trung tinh thần của ông lâu ngày làm thành sức mạnh tâm linh, Hành ấm mạnh lên. Khi ông chú tâm cầu nguyện cho đôi vợ chồng đừng giận nhau nữa, chính tâm ông đã tự động vượt không gian tác động vào tâm của đôi vợ chồng kia. Đây cũng là một hình thức thôi miên từ xa. Tâm của đôi vợ chồng kia chịu sự tác động của tâm ông thầy và bị sai khiến, không thể giận nhau nữa, và trở nên thương nhớ nhau kỳ lạ, rồi tìm về với nhau.
Cũng vậy, lá bùa vẽ ngoằn ngoèo dán phía trong cánh cửa không có gì linh thiêng, không có ông thần nào đứng đó canh giữ. Chỉ là ông thầy vẽ lá bùa có tâm lực mạnh, chính sức mạnh từ Hành ấm của ông vượt không gian làm thành một năng lực vô hình canh giữ nơi cửa. Tuy nhiên sau khi trao lá bùa, hằng đêm ông cũng phải tụng chú, dậm chân, bắt ấn, cầu "vị thần" mà ông hằng tin tưởng đến chỗ lá bùa để giữ nhà cho ông. Chính niềm tin mãnh liệt là có vị thần đầy uy lực đã khiến cho tâm ông tăng thêm sức mạnh bội phần. Mặc dù trên bề mặt Ý thức ông không thấy rõ tâm ông đã vượt không gian tự làm nhiệm vụ canh gác, nhưng Hành ấm từ trong Vô thức đã theo ý muốn của ông để bí mật làm nên tất cả.
Tất cả những thầy pháp đều như vậy, trên bề mặt Ý thức họ không hề hay biết chính Hành ấm của họ đã tạo nên sự linh thiêng cho lá bùa, họ cứ mãi tin rằng chính vị tổ thần của họ đã ra tay theo sự cầu xin của họ. Không ngờ, bí mật trong Vô thức, Hành ấm đã vượt không gian làm nên mọi chuyện.
Câu chuyện trích từ "Góp nhặt cát đá" đã nói lên sức mạnh của niềm tin.
Định mệnh trong bàn tay.
Một đại chiến sĩ Nhật tên là Nobunaga quyết định tấn công phe địch mặc dù ông chỉ có một phần mười số người mà cuộc chiến đòi hỏi. Nobunaga biết mình sẽ thắng nhưng những người lính của ông nghi ngờ.
Trên đường chuyển quân, Nobunaga dừng lại nơi một đền thờ Thần đạo và bảo những người lính của mình :
"Sau khi tôi vào đền thờ, tôi sẽ dùng đồng tiền gieo quẻ. Nếu mặt có đầu ngửa lên, chúng ta sẽ thắng. Nếu mặt có đầu úp xuống, chúng ta sẽ bại. Chúng ta đi theo sự an bài của định mệnh".
Nobunaga vào đền thờ im lặng cầu nguyện. Rồi ông bước tới tung đồng tiền lên. Mặt đầu hiện ra. Lính ông hăng hái chiến đấu và họ thắng trận dễ dàng.
Sau trận chiến, một người hầu cận nói với Nobunaga :
"Không ai thay đổi được bàn tay của định mệnh".
Nobunaga đáp :
" Thật sự không phải thế".
Rồi ông đưa đồng tiền ra, hai mặt của đồng tiền đều có đầu.
Những ông thầy bùa đều tin tưởng mãnh liệt vào vị tổ thần của họ. Chính niềm tin này tăng thêm sức mạnh cho bùa chú.
Chúa Jesus bảo :
"Nếu các người đủ niềm tin, các người bảo ngọn núi này dời ra biển, nó sẽ lập tức dời ra biển".
Tuy nhiên có trường hợp như sau. Một phụ nữ cất nhà với cửa chính nhìn về một ngọn đồi đá. Bỗng nhiên bà tin rằng ngọn núi đó sẽ phải biến mất. Một thời gian sau vì nhu cầu lấy đá cho xây dựng các công trình lớn, chính phủ ra lệnh phá ngọn núi đó.
Ở trường hợp này không phải niềm tin của bà làm cho ngọn núi biến mất, mà thực ra trực giác của bà bảo cho bà biết rằng ngọn núi đó sẽ bị phá hủy.

sưu tầm