Kính bạch Sư Phụ,

Trong 5 điều Luật cấm dành cho người tu tại gia, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã chú trọng đến cái Tánh Tà Dâm, và ngay cả với người Xuất gia, khi phát nguyện đem thân mình phụng sự cho Pháp Giới Chúng Sanh, cũng phải long trọng phát nguyện "Cắt Ái Ly Gia". Điều đó đã chứng tỏ tầm quan trọng của cái Tánh Tà Dâm.
Quả thật đúng như vậy! Nếu nói về phương diện vật chất, thuần về Tính Dục, thì chữ Dâm không mang một ý nghĩa gì xấu xa cả, vì đó là một sự phát triển tự nhiên của thân xác. Nếu nói về cái Tánh thì Tà Dâm là một Tánh rất là xấu xa. Ngay trong từ ngữ TÀ DÂM cũng đã nói lên một hành động khuất lấp, thiếu chân chính, không ngay thẳng. Người mang Tánh Tà Dâm đã phát triển tới mức tai hại cái Dâm, không những cho chính mình mà lại còn có liên quan đến một kẻ khác, hoặc với sự đồng thuận hay không đồng thuận của kẻ đó; mà đã trở thành cái Tánh rồi thì đương nhiên có dính líu đến những cái Thức. Nói đến cái Thức thì phải nghĩ ngay đến cái Linh Hồn trụ trong thân xác của một con người. Từ nhiều đời, nhiều kiếp, cái Linh Hồn đó (cái Thần Thức đó) đã gây tạo biết bao nhiêu điều sai lầm qua những Tánh xấu của mình. Ngày hôm nay, ở hiện kiếp, Thần Thức đó vẫn tiếp tục làm điều quấy trá, tạo thêm nhiều nghiệp chướng dù rằng nợ xưa vẫn chưa trả dứt được.

Dù người xuất gia hay người tu tại gia, mục đích chánh yếu của việc tu tập cũng vẫn là kềm hãm những Tánh xấu của mình, nếu không muốn nói là triệt tiêu để nghiệp chướng không còn có cơ hội gây tạo nên nữa.

Trong Ngũ giới, có thể nói Tánh Tà Dâm cực kỳ tai hại, vì nó khiến cho người tu tập không nhiếp được Thân - Khẩu - Ý của mình, tức là không nắm chặt được Tâm - Ý - Tánh, vì vậy mà vòng tròn Nghiệp Lực có cơ hội bộc phát, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Thần Thức của mình. Bên cạnh đó, những cái Thức hỗ trợ cho Thần Thức cũng khó lòng ngời sáng được; từ đó suy ra, Trí Huệ làm sao rực sáng lên? Trí Huệ không rực sáng thì Thần Thức sẽ như người lần mò trong đêm tối, khó lòng nói đến việc thăng hoa khi Thần Thức lìa thân xác.

Chúng Sanh chọn con đường tu tập để đi vào cái ĐỊNH, để cho Thần Thức của mình lên cao cùng với Trí Huệ rạng ngời, do đó mà Đức Bổn Sư mới phải đặt ra giới luật cấm Tà Dâm để cho Thần Thức thăng hoa một cách dễ dàng hơn. Vì muốn thăng hoa nên phải cắt Ái, nếu không cắt Ái thì mình sẽ thỏa mãn cái thân xác của mình bằng tất cả khả năng và phương tiện sẵn có. Ái Dục là một vấn đề thuộc về Lục Dục Thất Tình, một khi Lục Dục Thất Tình vẫn còn nặng trĩu thì làm sao nói đến việc thăng hoa?

Chữ Ái là sức hút để cho nghiệp lực triển khai.
Chữ Ái sẽ dẫn dắt từ cái MUỐN này sang qua cái MUỐN khác, từ cái THAM này đến cái THAM kia.
Nghiệp Chướng nền tảng của Chúng Sanh cũng bắt nguồn từ chữ Ái.
Cho nên giới luật Tà Dâm đã giúp cho người tu tập tiến lần đến sự thăng hoa. Có thăng hoa, Thần Thức mới sáng suốt và biết đường đi về đâu một khi đã rời xa thân xác.

Nếu Thần Thức đã không thăng hoa được mà còn phải đeo đá nặng nữa, bị sức hút trĩu nặng của những viên đá nghiệp lực sẽ khó lòng cất bước đi đâu được, quanh đi ngoảnh lại cũng không ra khỏi nơi mình đang đứng, thân Vong Linh đói lạnh cô đơn, nghìn muôn sầu thảm kéo dài không biết đến bao lâu, Chục năm? Trăm năm? Ngàn năm? Kể sao cho xiết nỗi đọa đày!!

Cho nên, tu tập là phải suy nghĩ vấn đề này rất nhiều.

Người tu tập chân chính tại gia không nhất thiết phải hoàn toàn cắt đi Ái Dục. Người đó vẫn chu toàn bổn phận làm vợ hay làm chồng, nhưng cần nên nhớ một điều rằng: Ái Dục được hành xử trong chiều hướng vừa phải và vừa đủ để duy trì nòi giống. Ở vào một giai đoạn nào đó, khi sự sung mãn không còn cao tột nữa, thì cũng nên tiết giảm Ái Dục vì đó là sự lợi ích cho việc tu tập. Ái Dục có tính chất làm mờ đi độ sáng của những cái Thức của mình, khiến cho ngọn đèn Trí Huệ khó lòng rực sáng, ảnh hưởng đến sự thăng hoa của Thần Thức rất nhiều.

Người xuất gia phát nguyện đem hết công năng tu tập của mình hồi hướng cho Pháp Giới Chúng Sanh, đem Trí Huệ phát sáng của mình làm ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho hàng Phật Tử, đem thân mình để phụng sự, để phục vụ cho những người cần đến sự giúp đỡ của mình. Muốn chu toàn được những Hạnh Lành kể trên, người xuất gia bắt buộc phải CẮT ÁI LY GIA. Hạnh Nguyện quá lớn đòi hỏi phải có một sự dốc tâm tu tập toàn lực, một sự kiên trì đúng mức và đúng nghĩa, một sự cải sửa toàn diện Tâm - Ý - Tánh để cho các Thức đều rạng ngời lên, bật sáng được ngọn đèn Trí Huệ. Do đó, người xuất gia chẳng những diệt Ái Dục mà còn diệt luôn cả Thất Tình. Trước mắt của người xuất gia chỉ có 2 chữ Chúng Sanh mà thôi; người của Chúng Sanh, phục vụ cho Chúng Sanh và sống chết vì Chúng Sanh. Như thế, người xuất gia mới xứng đáng nhận những đồng tiền cúng dường mà Chúng Sanh đã trân trọng trao tặng do ở tấm lòng cao quý, hy sinh tột cùng của người xuất gia, cũng như toàn thời gian mà người xuất gia đã bỏ ra để chăm sóc và lo lắng cho Chúng Sanh.

Người xuất gia ngay khi phát nguyện CẮT ÁI LY GIA là HOA SEN đã mọc lên trong ao Liên Trì cõi Trời Tây Tịnh Độ. Tuy nhiên, có giữ được hoa sen luôn tươi thắm cho đến ngày người xuất gia xa rời dương thế, và Thần Thức an nhiên tự tại ngự vào Liên Hoa, đó còn tùy thuộc vào sự dốc tâm tu tập của người xuất gia, Có chân thật tu tập? Có chân chính tu tập? Có để hết Tâm thành tu tập? Có thật sự thương yêu Chúng Sanh? Có trọn lòng lo lắng dắt dìu cho Chúng Sanh? Và có làm mất đi niềm tin nơi Chúng Sanh hay không?

Cơ thể con người được tạo thành bởi một bộ óc, một trái tim cùng với Ngũ tạng để chuyển động, để vận hành, để suy tư. Hỗ trợ cho những hoạt động của thân xác chính là những cái Thức. Thiếu sự hiện diện của các Thức, thân xác sẽ hoạt động rất là máy móc, một cách hững hờ và vô cảm.

Thần Thức của một con người đảm nhận trọng trách điều khiển những cái Thức, do đó việc huấn luyện Thần Thức là một điều tuyệt nhiên phải làm. Thức có rạng ngời thì Trí Huệ mới phát sáng được, mới có thể đề cập đến việc thăng hoa của Thần Thức. Thân xác từ bấy lâu nay cưu mang ôm ấp cái Thần Thức, nó chẳng khác nào đứa con của mình. Đứa con trong bụng Mẹ, 9 tháng 10 ngày rời lòng Mẹ để bước vào Đời. Đứa con Thần Thức thì chẳng hề xa rời thân xác Cha hay Mẹ cho đến ngày Mẹ Cha tàn hơi kiệt lực, xác thân không còn động đậy nữa, đứa con này mới bước ra khỏi thân xác Mẹ hay Cha và thực sự vẫy tay chào vĩnh biệt.

Đứa con Thần Thức luôn ở cạnh bên Mẹ hay Cha suốt cả cuộc đời của Cha hoặc Mẹ. Nếu không được chỉnh sửa, dạy dỗ, huấn luyện thì đứa con này làm sao biết được thế nào là vâng lời? Thế nào là ngoan ngoãn? Thế nào là dễ dạy? Bên cạnh đó, điều đáng nói nhất là đứa con Thần Thức này đã nắm trong tay toàn bộ những Nghiệp Lực của thân xác, nó sẽ mặc tình mà tung hoành, mà quấy phá, khiến cho thân xác của Mẹ hay Cha khó lòng có được một ngày An Lành, yên ổn.

Việc tu tập hằng ngày, hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật là để cho thân xác tỏ dạ ăn năn hối lỗi đối với chính đứa con Thần Thức của mình. Ngày xưa, thân xác đã gây tạo lỗi lầm đối với đứa con Thần Thức của mình, thì ngày giờ này việc ÂN OÁN là điều không tránh khỏi; có điều rằng, nếu thân xác thật lòng hối cải, ăn năn thì may ra việc trả nợ trả oán này sẽ ít gay gắt hơn, sẽ nhẹ nhàng hơn và khó lòng dẫn đến một ân oán khác.

Đứa con Thần Thức của mình cũng gây tạo vô số là Nghiệp Chướng, cũng đã gây thù chuốc oán với biết bao nhiêu người, ở bất cứ nơi chốn nào mà nó đã hiện diện. Ngày giờ này ở hiện kiếp, thân xác biết chân thành tỏ dạ ăn năn, hằng ngày thiết tha hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật, cũng giúp cho đứa con Thần Thức của mình tiêu trừ được phần nào nghiệp chướng gây tạo, đem công đức tu tập đền trả lại cho các Oan Gia Trái Chủ và làm cho cái Tâm Thức của đứa con mình cũng bớt tối đen.

Khi an trụ trong một thân xác mới rồi, A Lại Da Thức sắp xếp để cho các Nghiệp Lực theo thứ tự lớp lang mà hành động, và kẻ nắm trọn các Nghiệp Lực cũng như chỉ huy các Nghiệp Lực chính là Thần Thức của thân xác mới. Nếu thân xác dốc lòng chỉnh sửa, giùi mài những Tánh Xấu, những thói tật hư đốn, sẽ giúp ích rất nhiều cho đứa con Thần Thức của mình không còn tiếp tục làm những điều tai hại, xấu xa, nhiều dã tâm, điều ác độc đối với người chung quanh. Xem như thân xác đã dạy dỗ, huấn luyện, ngăn chận những hành động ngang bướng, cứng đầu, khó dạy của đứa con Thần Thức của mình. Đứa con này chẳng những nắm trọn mà còn chỉ huy toàn bộ Nghiệp Lực của thân xác ở hiện kiếp, nếu không khéo léo dạy dỗ, không tỏ ra cứng rắn lèo lái, xoay chiều, uốn nắn và sửa đổi, thân xác sẽ không tránh khỏi muôn điều sầu thảm đến với mình.

Một sự tu tập chân chính với tấc dạ chân thành sửa Tánh của thân xác sẽ khiến cho toàn thể các Thức ngời sáng lên, bật sáng được ngọn đèn Trí Huệ của Thần Thức. Điều đó đã nói lên được sự trưởng thành của Thần Thức, một sự chững chạc cao tột, một sự tự tại ung dung trong cái MUỐN của Thần Thức, dù đi bất cứ nơi đâu, dừng chân bất cứ nơi nào, mãi mãi và vĩnh viễn, đứa con này không bao giờ quên đi lời dạy dỗ của thân xác Mẹ hoặc Cha.

Cái thế "gậy ông đập lưng ông" đã giúp cho thân xác chuyển hóa được cái tính chất ngỗ nghịch, cứng cỏi của đứa con Thần Thức, cương quyết kình chống, đánh phá, thậm chí đòi mạng cái thân xác đang cưu mang mình. Đứa con trở nên dịu dàng, nhân ái, nhẹ tay buông xuống những Nghiệp Lực để "đổi Thù thành Bạn", khiến cho Sân Hận không còn nữa; rồi một mai khi bước ra khỏi thân xác, với sự rực rỡ của Trí Huệ, đứa con Thần Thức này sẽ quay lại mỉm cười với thân xác bất động mà nói lên 2 tiếng CÁM ƠN.

Hãy chịu khó tư duy, Chúng Sanh sẽ thấy rằng cuộc đời của một con người rất là lý thú. Mình tu tập, mình hành thiện, mình giùi mài tánh xấu, mình trau giồi tánh tốt, mình tư duy lời Pháp, mình thâm nhập lời Pháp, mình áp dụng lời Pháp… toàn bộ những thứ đó là một công trình chỉnh sửa, dạy dỗ và đào tạo đứa con Thần Thức của mình.

Ngày nào mình còn hiện hữu trên cõi Đời, đứa con đã được huấn luyện kỹ càng đó sẽ giúp cho mình "Sống" những ngày nhẹ nhàng, dễ thở trong niềm An Lạc. Ngày mình giả từ Nhân Thế, đứa con xa rời thân xác, không còn phải bận bịu với một thân xác mới nữa, đứa con ung dung tự tại tìm một nơi an trụ đúng với ƯỚC MUỐN của nó, nhưng vẫn không quên cái thân xác già nua cằn cỗi bất động kia đã không quản ngại công sức đưa ra để chắt chiu, ấp ủ và đào luyện cho nó được THĂNG HOA.

Mỗi khi mình tư duy, tập trung hết tư tưởng về một điều nghĩ suy, hoặc làm lợi lạc cho Chúng Sanh, hoặc để chỉnh sửa cái Tâm - Ý - Tánh của mình, đó chính là lúc mình đang kề cận bên đứa con Thần Thức của mình để dạy bảo, để nhắc nhở, để khuyến khích, để cổ võ, để khuyên lơn đứa con của mình, hãy rán mà chu toàn tất cả những lời chỉ dạy của Mẹ, của Cha để cho ngọn đèn Trí Huệ của nó luôn rực sáng, soi đường dẫn lối cho nó tiến về một nơi NHƯ Ý.

Chúng Sanh hãy nên chuyện trò thường xuyên với đứa con Thần Thức của mình!!

lacphap.com