THẬP CHÚ
(Phạn - Hán)


Trong thời công phu khuya ở đa số các chùa đều có tụng chú Lăng Nghiêm, đại bi và thập chú. Từ lâu tôi vẫn có ý tìm lại những bản tiếng Phạn (Sanskrit) của những bài chú này. Trong quyển "Nhị Khóa hiệp giải" có nói rõ về xuất xứ của các bài chú này, nhưng đương nhiên là không có tiếng Phạn. Sau này Hòa thượng Thiền Tâm trong Kinh Niệm Phật Ba la mật, có phiên âm lại bài chú Vãng Sinh cho giống với tiếng Phạn hơn. Các thần chú đều được chư tổ phiên âm từ Phạn sang Hán, rồi từ Hán sang Việt. Trải qua hai lần phiên âm như vậy nên cũng cùng một chữ Phạn mà khi sang tiếng Việt thì biến thành nhiều dạng, thí dụ như chữ Svaha, biến thành: xóa ha, tóa ha, tát bà ha, ta phạ ha, tá hắt. Chữ Om biến thành Án, Úm, v.v...

Theo giáo lý Mật tông hay Chân ngôn tông thì việc tụng và phát âm thần chú rất quan trọng. Vì Phạn âm (đúng hơn là Phạm âm, tức âm thanh của Phạm thiên) có năng lực rung cảm với pháp giới và chư thiên long bát bộ. Do đó chúng ta thấy các vị Lama Tây Tạng phải luyện giọng để tụng và phát âm các bài chú một cách rất đặc biệt.

Không phải là chuyên tu về Mật tông nên chúng ta không thể và cũng không cần phải tụng giống như các Lama, nhưng ngày nay đa số chúng ta đều đọc được chữ quốc ngữ dựa trên các mẫu tự La tinh (a,b,c,d, ...), và tiếng Anh, tiếng Pháp, nên đều có thể đọc được ít nhiều tiếng Phạn (la tinh hóa), mặc dù không chính xác lắm. Chúng ta tụng các thần chú Lăng Nghiêm, đại bi, thập chú vì theo truyền thống do chư tổ để lại, và chúng ta đặt hết niềm tin nơi các ngài. Nhờ lòng tin kiên cố mà có cảm ứng. Chính vì thế mà sự phiên âm hay phát âm không thành vấn đề, đọc là xóa ha, toá ha, hay tát bà ha cũng được.

Ngày nay với phương tiện truyền thông internet, chúng ta có thể sưu tầm, tra khảo nhiều tài liệu mà không cần phải mất công đi xa. Nhân tìm thấy tài liệu trên website của chùa Tịnh luật www.tinhluattemple.org (website này không còn update) nên tôi sưu tập và biên soạn lại 10 bài thần chú này để làm tài liệu tham khảo cho những vị nào muốn biết rõ hơn về cách chuyển âm cũng như xuất xứ. Về nghĩa thì chư tổ chủ trương không dịch nghĩa mà chỉ dịch âm, đó là vì tâm con người hay phân biệt chấp trước và đóng khung sự vật. Một khi biết được nghĩa rồi thì xem thường mà không tu hành thực tập nữa (sở tri chướng). Sự dịch nghĩa ở đây chỉ đại khái trên văn tự để biết một chút ý nghĩa của bài chú. Vì thật ra kinh chú của chư Phật và Bồ tát thì vô lượng nghĩa. Những ai đã quen trì tụng thần chú bằng tiếng Tàu, hay tiếng Việt thì cứ tiếp tục, ở đây không có ý khuyên quý vị phải đổi cách tụng. Tụng chú không phải là một cứu cánh, mà chỉ là phương tiện trợ đạo. Người tụng chú mà tâm tham lam, ác độc, ích kỷ, không diệt trừ ngã mạn, kiêu căng, không tu sửa tánh tình, không từ, bi, hỷ, xả, không giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh thì dù có tụng hàng trăm ngàn biến, thọ hàng trăm lễ quán đảnh, có được thần lực này nọ thì cũng chỉ là tà đạo, không phải là đạo Phật.

Các bài chú tiếng Phạn được trình bày ở đây với tính cách tài liệu tham khảo, chưa chắc đúng hẳn 100%, nhưng ít ra cũng cho ta thấy được một chút mặt mũi nguyên bản và nguồn gốc của chúng. Nếu quý vị nào có tài liệu chính xác hơn thì xin hoan hỷ gửi cho tôi để bổ chính lại. Xin đa tạ.

Thích Trí Siêu, 29/5/04

Phụ đính: Có một số Phật tử muốn tụng chú theo tiếng Phạn nên tôi cố gắng phiên âm tiếng Việt cho gần với chữ Phạn. Tuy nhiên, một lần nữa, quý vị nào quen đọc Thập chú theo âm Hán xưa nay thì cứ tiếp tục, không cần phải sửa đổi cách tụng.
Ngoài ra tôi cũng bổ túc những câu thiếu trong thần chú "Như ý bảo luân vương đà la ni".

Thích Trí Siêu, 8/11/10


http://trisieu.free.fr/PhatPhap/01-P...an/ThapChu.htm