Giải Nobel Y học 2018 với đột phá điều trị ung thư: Hy vọng mới của hàng triệu bệnh nhân ung thư


Nhà khoa học James P Allison (trái) và đồng chủ nhân Giải Nobel Y Sinh 2018 Tasuku Honjo.
Ảnh: Economic Times


Giải thưởng Nobel Y học 2018 đã được trao cho hai nhà khoa học, James Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản), vì những khám phá trong điều trị ung thư bằng cách ức chế điều hòa miễn dịch âm tính, mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân ung thư.

Hai nhà khoa học đã phát hiện rằng, hệ thống miễn dịch trong cơ thể người có thể được khai thác để tấn công các tế bào ung thư.
Hệ thống miễn dịch thường phát hiện và tiêu diệt các tế bào đột biến, nhưng các tế bào ung thư lại tìm ra những cách phức tạp hơn để trốn khỏi các cuộc tấn công miễn dịch, nhờ đó chúng có thể tiếp tục phát triển. Nhiều loại ung thư đã làm như vậy bằng cách đẩy mạnh một cơ chế phanh, kiểm soát các tế bào miễn dịch.

Ông James Allison, 70 tuổi, hiện là Trưởng khoa miễn dịch học Trung tâm ung thư MD Anderson (Hoa Kỳ),
đã nghiên cứu một protein trên tế bào T gọi là CTLA-4, hoạt động như chiếc thắng trên hệ miễn dịch.


Một số nhà khoa học khác cũng từng sử dụng CTLA-4 như một giải pháp điều trị những bệnh tự miễn. Lúc đầu ông Allison cũng chỉ tò mò về tế bào miễn dịch nhưng sau ông lại có một ý tưởng kỳ quặc, đó là khai thác CTLA-4 như một vũ khí chống ung thư.
Bằng cách bất hoạt CTLA-4, vào những năm 1990, ông cho rằng người ta có thể khởi động các tế bào miễn dịch để tiêu diệt khối u. Khi thực nghiệm trên chuột vào dịp lễ Giáng sinh 1994, Allison thấy rằng khi chuột bị ung thư được điều trị bằng kháng thể ức chế CTLA-4, chúng sẽ được chữa lành.

Bất chấp sự quan tâm nhỏ nhoi ban đầu của các hãng dược phẩm, kháng thể này được gọi tên là ipilimumab vào năm 2011 được Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc men (FDA) Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị bệnh ung thư hắc tố di căn.
Đây được xem là một loại thuốc đột phá vì đã chuyển một bệnh ung thư nguy hiểm có thể giết chết một người trong vài tháng thành một căn bệnh có thể chữa lành.


Về phần Tasuku Honjo, 76 tuổi, giáo sư danh dự Viện Đại học Kyoto (Nhật Bản), vào năm 1992 khám phá ra một loại protein góp phần vào việc phát triển một loại thuốc miễn dịch chống ung thư gọi là PD-1.
Nó cũng hoạt động như một chiếc thắng của tế bào T, nhưng thông qua một cơ chế miễn dịch khác với CTLA-4.


Những loại thuốc chống PD-1 đầu tiên tiên là pembrolizumab (Keytruda của hãng Merck) và nivolumab (Opdivo của hãng Bristol-Myers Sqibb), cả hai được chấp thuận cho sử dụng vào năm 2014 để điều trị u hắc tố: Chúng ngăn chặn protein PD-1 trên bề mặt tế bào miễn dịch T, kết quả là những tế bào này tấn công, và đôi khi loại bỏ khối u.
Ông Tasuku Honjo đã mở một lộ trình điều trị ung thư mới bằng cách khám phá ra protein PD-1, chất có nhiệm vụ ức chế phản ứng miễn dịch.

Phương pháp điều trị ung thư bằng cách kiểm soát chức năng của protein để ngăn chặn khả năng miễn dịch, dẫn tới sự phát triển của Opdivo, một loại thuốc để chống ung thư phổi và khối u ác tính.

Điều trị bằng thuốc “ức chế điểm kiểm soát” kháng PD-1 cho thấy còn hiệu quả hơn điều trị bằng kháng CTLA-4, mang lại hy vọng cho những bệnh nhân bị ung thư phổi, ung thư thận, ung thư hạch bạch huyết, ung thư hắc tố và những bệnh khác. Trong những nghiên cứu hiện tại, người ta đang tính chuyện kết hợp điều trị nhắm vào CTLA-4 và PD-1 vì cho rằng như thế sẽ hiệu quả hơn.

Ủy ban Nobel nhận định những nghiên cứu của James Allison và Tasuku Honjo có tính phát triển quan trọng vì trình bày “một sự chuyển đổi mô hình trong cuộc chiến chống lại ung thư”, bởi từ đây điều trị không nhắm vào tế bào ung thư mà là chỉnh sửa hệ miễn dịch.

Điều đáng mừng là hiện nay, tại Việt Nam, thành quả của các công trình đạt giải Nobel y học 2018 đã được ứng dụng.
Theo GS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, học trò của GS Tasuku Honjo, các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Hà Nội đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân tại VN từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với sự chuyển giao của chuyên gia Nhật Bản.


Theo đó, liệu pháp này đã được áp dụng điều trị cho 5 hình thái ung thư (phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú), giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có trên 1,3 triệu ca mắc mới và gần nửa sẽ tử vong trong thời gian ngắn sau khi được chẩn đoán.
Hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao.


Giang TL