Di sản Hội An qua bảng hiệu
00:51 | 03 - 08 - 2008


Bảng hiệu "Quân Thắng Sạn" niên đại hơn 200 năm ở nhà cổ 77 Trần Phú.
(LĐCT) -
Ít người biết, hành trình của những bảng hiệu nhà buôn chính là hành trình hình thành và phát triển của khu đô thị cổ Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) - Di sản Văn hoá Thế giới.
Không đâu như ở di sản này, nơi mà quá khứ đến hiện tại và cả tương lai vẫn luôn gắn với quá trình mở cửa giao thương, những bảng hiệu nhà buôn lại "nói" được nhiều điều đến thế.

Những bảng hiệu kinh doanh từ tận thế kỷ XVIII đến bây giờ vẫn nghiễm nhiên an ngự trên các ngôi nhà cổ vẹn nguyên, như một lối viết sử độc đáo chỉ có ở Hội An, như kể về những thăng trầm của phố, kể về những con người, những gia tộc, những nhà buôn nổi tiếng "khu kinh tế mở" này từ thuở mới hình thành ở xứ Đàng Trong cho đến ngày nay.

"Văn hoá bảng hiệu"

Ở những trục đường trong khu phố cổ, những bảng hiệu buôn cổ nằm trên đôi mắt cửa - cũng là một nét kiến trúc độc đáo của Hội An - tạo cho mỗi ngôi nhà cổ một dấu ấn riêng biệt. Những bảng hiệu buôn rất đa dạng và trang trọng cứ ngời ngời khắp phố rất dễ khiến du khách bắt mắt. Các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học hay Trần Quý Cáp tập trung "dày đặc" đến 75 bảng hiệu, gắn liền với tên các hiệu buôn của người Việt, người Minh Hương và người Việt gốc Hoa. Đường Nguyễn Thái Học cũng có 40 bảng hiệu buôn như vậy.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, có đến 45 bảng hiệu buôn niên đại từ 100 đến 200 năm, 30 bảng hiệu buôn dưới 100 năm tuổi. Nhiều tên hiệu buôn đến giờ vẫn còn được nhiều người nhắc đến, vốn nổi tiếng một thời ở Hội An và cả xứ Đàng Trong thuở trước như Đức Hưng, Xán Thạnh, Vạn Bửu, Tấn Ký, Tường Lan, Chấn Nam Hưng, Thuận An đường, Quân Thắng Sạn...

Bà Thái Thị Sâm (90 tuổi, nhà số 77 đường Trần Phú) hồi tưởng: "Bảng Quân Thắng Sạn viết bằng tiếng Hoa treo trước cửa ra vào nhà này vốn có từ hồi ông nội tôi mới mở nghiệp buôn bán tảo tần, hơn 200 năm rồi chứ không ít đâu. Cái bảng hiệu ni nhiều lần chuyển dời chừ mới an trí ở đây, dẫu không còn buôn bán như xưa nhưng giá nào cũng giữ cho bằng được tên tuổi ông bà, giữ nền nếp nhà từ thuở hàn vi lao khổ làm ăn cho con cháu noi theo".

Lần theo lai lịch của tấm bảng hiệu cổ kính Quân Thắng Sạn, thì ngay nơi nó được an ngự cũng chính là một trong những ngôi nhà đẹp nhất di sản Hội An, tiêu biểu cho lối kiến trúc vùng Hoa Hạ - Trung Hoa, chủ nhân hiện tại là ông Diệp Bảo Hùng, thuộc thế hệ thứ 7, chắt ngoại của một thuyền trưởng người Hoa tên là Thái Kế Trinh, chuyên buôn thuốc Bắc từ Trung Hoa sang các nước Châu Á.

Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, các chủ bảng hiệu luôn cùng chung quan niệm chọn kích thước trong cung tốt của thước Lỗ Ban như các cung tấn tài, trường mạng, đăng khoa, nhằm tôn kính, cầu mong hưng thịnh, phát đạt. Tuy vậy, giữa "một rừng" bảng hiệu buôn, vẫn có thể dễ dàng nhận ra bảng hiệu mỗi nhà mỗi khác về quy cách kích cỡ, trang trí...

Hầu hết bảng hiệu của người Hoa đều viết bằng chữ Hoa theo lối chân phương, tên hiệu mang từ Trung Hoa sang với chữ viết luôn thể hiện khí sắc thanh thoát. Bảng hiệu gỗ thì chạm nổi, đục lõm, thếp vàng. Các bảng hiệu Chấn Nam Hưng, Tường Lan, Tấn Ký được trang trí hoa dây, lá ngọc, hồi văn hay lưỡng long tranh châu, chim hạc, xung quanh có hoa vải đỏ.

Lại có một số bảng hiệu làm bằng bêtông đắp nổi trên tường, xung quanh trang trí một hay nhiều đường chỉ và hồi văn như Thái Vĩnh Xương, Nam Phát, Cẩm Thạch...