NGHE DANH HIỆU ĐỊA TẠNG BỒ TÁT HIỆN TẠI ĐƯỢC SỰ AN VUI THÙ THẮNG VI DIỆU, VÀ TRĂM NGÀN VẠN ĐỜI VỀ VỊ LAI THƯỜNG ĐƯỢC ĐOAN CHÁNH, SANH VÀO NHÀ TÔN QUÝ

Hòa Thượng Tuyên Hóa niệm "Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát" (Tiếng Hoa: Nam Mô Đi Giang Quang Bù Sa), tải ở đây để nghe: http://mp3.drbachinese.org/online_au..._Shang_Ren.mp3

Hòa Thượng Tuyên Hóa là một vị Phật Sống đã hoàn toàn chứng ngộ, ngài cũng là Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông. Tương truyền ngài chính là hóa thân của Đức Phật A Di Đà (Thân mẫu Ngài thọ chay trường, niệm Phật chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ bà mộng thấy Ðức Phật A Di Ðà hiện thân, phóng hào quang chiếu sáng khắp thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, bà ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh Ngài. Ngài vừa ra đời liền khóc suốt ba ngày đêm, chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta Bà này vậy... Xin xem thêm quyển Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp Của Hòa Thượng Tuyên Hóa để biết thêm về cuộc đời ngài).

Vì vậy khi nghe tiếng Pháp Âm của Hòa Thượng Tuyên Hóa niệm thánh hiệu: "Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát" (Tiếng Hoa: Nam Mô Đi Giang Quang Bù Sa) thì sẽ được vô lượng công đức và rất nhiều lợi ích. Vì ngài cũng đã từng phát nguyện: "Phàm là thấy được mặt tôi, nghe được tên tôi, hoặc quy y với tôi, hoặc tín chúng nghe tôi giảng kinh, tôi từng phát nguyện: Họ phải thành Phật trước tôi; nếu còn một người chưa thành Phật thì tôi cũng không thành Phật. Ðợi họ thành Phật hết rồi, thì tôi mới thành Phật. Dù một đời, trăm đời, tôi cũng phải đợi. Thậm chí một kiếp hoặc trăm kiếp, cũng phải đợi chờ."

KINH VĂN (Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm Thứ 6 Như Lai Tán Thán) chép:

"Vì Thế Phổ Quảng, Nên Biết Rằng Ðịa Tạng Bồ Tát Có Trăm Ngàn Vạn Ức Không Thể Nói Hết Sự Đại Oai Thần Lực Lợi Ích Như Thế.

Chúng Sanh Trong Cõi Diêm Phù Có Đại Nhân Duyên Với Vị Ðại Sĩ Này. Nếu Những Chúng Sanh Đó Được Nghe Danh Của Bồ Tát, Thấy Tượng Của Bồ Tát, Cho Đến Được Nghe Chừng Ba Chữ Hoặc Năm Chữ Trong Kinh Này, Hoặc Một Bài Kệ Hay Một Câu, Thì Hiện Tại Được Sự An Vui Thù Thắng Vi Diệu, Và Trăm Ngàn Vạn Đời Về Vị Lai Thường Được Đoan Chánh, Sanh Vào Nhà Tôn Quý."


GIẢNG GIẢI (Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng Giải):

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng: "Vì thế Phổ Quảng, nên biết rằng Ðịa Tạng Bồ Tát có trăm ngàn vạn ức không thể nói hết sự đại oai thần lực lợi ích như thế." Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát có sức oai thần vĩ đại, có thể đem lại trăm ngàn vạn ức sự lợi ích cho chúng sanh, số nhiều đến không thể kể xiết.

Ðức Phật nói tiếp: "Chúng sanh trong cõi Diêm Phù có đại nhân duyên với vị Ðại Sĩ này." Tất cả chúng ta đều có nhân duyên rất lớn với Ðại Sĩ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.

Quý vị thử nghĩ xem, Phật Giáo Trung Hoa được truyền bá đến nước Mỹ, thì Bồ Tát Ðịa Tạng cũng đến theo và hiện giờ Ngài là bạn đồng tu của quý vị, trợ giúp quý vị trong việc tu tập; đây quả là một nhân duyên vô cùng lớn lao. Thứ "đại nhân duyên" này không phải là đại nhân duyên mới kết trong đời hiện tại, mà là đại nhân duyên đã có sẵn từ nhiều đời nhiều kiếp về trước.

"Nếu những chúng sanh đó được nghe danh của Bồ Tát, thấy tượng của Bồ Tát, cho đến được nghe chừng ba chữ hoặc năm chữ trong Kinh này..." Tất cả chúng sanh chúng ta đều có nhân duyên với Bồ Tát Ðịa Tạng, cho nên nếu chúng ta được nghe đến danh hiệu của Ngài, hoặc được thấy hình tượng của Ngài, thậm chí chỉ được nghe tới ba tiếng "Kinh Ðịa Tạng" mà thôi, thì cũng phá trừ được Tam Hoặc rồi!

Tam Hoặc là gì? Ðó là ba loại mê hoặc—thô hoặc, tế hoặc, trần sa hoặc; và cũng chính là kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc. "Kiến hoặc" tức là "thô hoặc"; "tư hoặc" tức là "tế hoặc"; và "vô minh hoặc" chính là "trần sa hoặc." Chỉ cần nghe được ba tiếng "Kinh Ðịa Tạng" thì quý vị có thể phá được ba mối "hoặc" này, và cũng có thể tiêu trừ được ba mối chướng ngại—nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng.

Nghe giảng đến đây thì thế nào cũng có người thắc mắc: "Tôi đã nghe kinh nghe kệ lâu rồi, nhiều lắm rồi, nhưng vẫn chưa dẹp trừ được mối chướng ngại nào cả. Tôi vẫn còn nhiều phiền não, tánh tình vẫn còn nóng nảy, vẫn chứng nào tật nấy như hồi chưa hề nghe kinh vậy. Tôi cảm thấy các chướng ngại của mình vẫn còn nguyên vẹn!"

Nếu quý vị cảm thấy các chướng ngại của mình chưa được tiêu trừ, đó là dấu hiệu cho thấy rằng quý vị có ý muốn trừ khử chúng; bởi nếu quý vị cảm thấy chưa muốn tiêu trừ chúng tức là quý vị hoàn toàn không biết rằng mình có nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng hay không! Trước kia, lúc còn phiền não chướng, quý vị coi phiền não như là báu vật vậy, không hề có ý muốn vứt bỏ; thế mà bây giờ quý vị cảm thấy không bị mất mát, như vậy tức là quý vị đã bắt đầu không còn phiền não nữa rồi!

Ngoài ra, nghe được "ba chữ" trong Kinh Ðịa Tạng, quý vị có thể thành tựu được Tam Trí—Ðạo Chủng Trí, Nhất Thiết Trí và Nhất Thiết Chủng Trí; và cũng có thể chứng được Tam Ðức—Pháp Thân Ðức, Bát Nhã Ðức và Giải Thoát Ðức.

Lại nữa, nếu quý vị được nghe chừng "năm chữ" của Kinh Ðịa Tạng thì có thể phá được Năm Chỗ Trụ Phiền Não (Ngũ Trụ Phiền Não) của mình. Năm Chỗ Trụ Phiền Não là gì? Ðó là:

1) Chỗ trụ phiền não do cái thấy sanh yêu thích (Kiến ái trụ phiền não). Do "kiến" (cái thấy) mà nảy sanh lòng yêu thích (ái tâm)—thấy cái gì thì sanh tâm yêu thích và chấp trước vào cái đó.

2) Chỗ trụ phiền não do dục vọng sanh yêu thích (Dục ái trụ phiền não). Hễ có dục vọng là có phiền não, do vậy có yêu thích là có phiền não; nếu không có yêu thì cũng không có ghét, và như thế thì sẽ không có phiền não. Ðó là "vô ái, vô tằng, vô phiền não."

3) Chỗ trụ phiền não do sắc trần sanh yêu thích (Sắc ái trụ phiền não). "Sắc ái trụ" là đối với sắc trần còn sanh tâm chấp trước.

4) Chỗ trụ phiền não do vô sắc trần sanh yêu thích (Vô sắc ái trụ phiền não). Sanh đến cõi trời Vô Sắc Giới Thiên thì vẫn còn một thứ phiền não—vô sắc ái trụ phiền não.

5) Chỗ trụ phiền não do vô minh (Vô minh trụ phiền não).

Nếu được nghe Kinh Ðịa Tạng thì có thể phá Năm Chỗ Trụ Phiền Não (Ngũ Trụ Phiền Não), ra khỏi năm ngả luân hồi. Luân hồi vốn có sáu ngả, nhưng vì loài A Tu La ở tản mác trong các ngả đường kia cho nên nói là năm ngả luân hồi (Ngũ Ðạo).

Lại có thể vun trồng Ngũ Căn, rồi từ Ngũ Căn mà sinh trưởng Ngũ Lực. Ngũ Căn tức là Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Ðịnh Căn và Huệ Căn—Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh, Huệ. Ngũ Lực là gồm có Tín Lực, Tấn Lực, Niệm Lực, Ðịnh Lực và Huệ Lực.

Quý vị nghe Kinh Ðịa Tạng lại cũng có thể thành tựu được Ngũ Phần Pháp Thân. Ngũ Phần Pháp Thân là gì? Ðó là Giới, Ðịnh, Huệ, Giải Thoát và Giải Thoát Tri Kiến. Một khi ngay cả "tri kiến" cũng giải thoát được rồi thì có thể đắc Ngũ Phần Pháp Thân này.

"Hoặc một bài kệ hay một câu." Nếu nghe và thâm nhập được các đạo lý của một bài kệ thì có thể "nhất môn siêu xuất," bước vào con đường trang nghiêm, kỳ diệu. Nếu lãnh hội được đạo lý của một câu kinh, thì quý vị có thể "nhất tánh viên minh," tánh hải tròn sáng viên dung. Những đạo lý này ý nghĩa rất dông dài, có rất nhiều điều cần phải giải thích, cho nên tôi chỉ nêu ra những danh từ để quý vị nghe cho biết thôi, khi nào có cơ hội thì tôi sẽ giảng cặn kẽ hơn.

"Thì hiện tại được sự an vui thù thắng vi diệu, và trăm ngàn vạn đời về vị lai thường được đoan chánh, sanh vào nhà tôn quý." Ngay trong đời hiện tại, quý vị sẽ được hưởng sự yên vui, sung sướng lạ thường. Chẳng những như thế mà ngay cả về sau, trong suốt cả trăm ngàn vạn đời, quý vị sẽ luôn luôn có được tướng mạo đoan chánh, trang nghiêm.

Có rất nhiều người tướng mạo không được đoan chánh. "Không đoan chánh" tức là những trường hợp có đầu như đầu khỉ, mặt như mặt ngựa, mắt như mắt chuột. Người Trung Hoa có câu nói:

Ðầu thỏ, mắt rắn, tai chuột, má ưng.”

(Thố đầu, xà nhãn, thử nhĩ, ưng tai.)

Có nghĩa là người mà đầu có hình thù giống như đầu thỏ, mắt như mắt rắn, tai giống tai chuột, má giống má của chim ưng—những người như thế là có tướng mạo không đoan chánh. Con người mà có nhiều tướng súc sanh tập trung lại, biến thành một cái tướng mạo, thì đó là không tốt, không đoan chánh.

Như thế, nhờ được nghe tới Kinh Ðịa Tạng mà đời sau tướng mạo của quý vị sẽ được đoan chánh, và được sanh trưởng trong những gia đình nếu không là quan quyền chức tước thì cũng là phú hộ giàu có. Ở đây nói tới "quan quyền, phú hộ" thì đó chẳng phải là một thứ chủ nghĩa phong kiến sao? Không hẳn như thế! Những người giàu sang phú quý đề cập ở đây là những người có đức hạnh—nhờ có đức hạnh mới được giàu sang. Những người không có đức hạnh thì bị bần cùng hạ tiện, và đó là do họ đã từng chê bai, hủy báng Tam Bảo; còn những người có đức hạnh thì được sanh vào nhà tôn quý.