TAM THIÊN TỰ
CUỐN SONG NGỮ HÁN NÔM ĐỘC ĐÁO




Học có nhiều nghĩa, là mô phỏng, bắt chước, thu nhận kiến thức, luyện tập kỹ năng v.v... Nhưng chủ yếu vẫn là đọc đi đọc lại nghiền ngẫm cho nhớ, có điều làm sao cho dễ đọc, dễ nhớ, tức là nói đến phương pháp nào hay nhất, tốt nhất.

Chữ Hán lại là chữ khó học, khó nhớ, do đó, người xưa đã soạn những bộ sách vỡ lòng cho con em bằng lối văn vần và đối ngẫu. Câu có vần tất dễ đọc, lời đối nhau thì dễ nhớ. Cuốn Tam Thiên Tự là một bộ sách học chữ Hán vỡ lòng được soạn theo phương pháp đó. Mỗi câu có 4 chữ, chữ thứ tư câu đầu bắt vần với chữ thứ hai câu tiếp theo (cũng gọi là yêu vận), hai chữ trước đối với hai chữ sau, cứ thế kéo dài cho đến hết 3000 chữ, như: Thiên trời Địa đất - Cử cất Tồn còn - Tử con Tôn cháu - Lục sáu Tam ba... Đất vần với Cất, Còn vần với Con; Thiên trời đối với Địa đất, Tử con đối với Tôn cháu.


Theo tài liệu lưu trữ xưa thì sách Tam Thiên Tự là do Ngô Thì Nhậm soạn và đã được khắc in vào cuối thế kỷ 18. Sau này được học giả Đoàn Trung Còn biên soạn, sao lục, Chí Đức tùng thư xuất bản lần đầu năm 1959. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin cho ra mắt bạn đọc cuốn Tam thiên tự. ở đây, tôi muốn nói đến ấn bản lần thứ tư, có sửa chữa và bổ sung, như đã được Nhà xuất bản giới thiệu. Sách được trình bày khá đẹp, có phần phụ lục chữ Hán, chữ Nôm rất thuận tiện cho việc tra cứu, duy có điều là phải tìm đến trang cuối cùng mới biết được sách xuất bản năm 1999.

Trong Lời nói đầu Nhà xuất bản viết: “Theo tài liệu lưu trữ xưa thì sách Tam thiên tự là do Ngô Thời Nhậm soạn và đã được khắc in vào cuối thế kỷ 18. Sau này được học giả Đoàn Trung Còn biên soạn, sao lục, Chí Đức tùng thư xuất bản lần đầu năm 1959.”


Được đọc những dòng trên tôi rất muốn biết:

• Liệu bạn đọc có thể được cung cấp thêm thông tin về Tài liệu lưu trữ xưa - như đã nói ở trên không ?

• Nếu “Tài liệu lưu trữ xưa” này có giá trị khoa học đích thực, hoặc ít nhất đã được thực tế chấp nhận, thì việc chỉ ghi tên người “biên soạn, sao lục” là học giả Đoàn Trung Còn mà không ghi tên tác giả là Ngô Thì Nhậm, phải chăng đó là quy định mới ?



Thực tế cho thấy ấn phẩm tái bản lần thứ tư này không phải là bản Tam thiên tự duy nhất được in bằng chữ Nôm, chữ Hán và chữ Quốc ngữ, hoặc có gì khác lạ trong đó. Nếu có khác thì đó là Lời nói đầu và phần phụ lục. Một trong những bản như vậy (1) mà tôi được biết, đã có trước bản của Trí Đức tùng thư xuất bản lần đầu năm 1959 hàng nửa thế kỷ rồi. Người sao lục, khắc in, giới thiệu sách thời ấy cũng không rõ tác giả là ai và vì vậy đã cẩn thận thanh minh trước: “Ngã thực chuyết sĩ, Tẩn cảm tự căng?”, tự dịch ra chữ Nôm và chữ Quốc ngữ: “Ta đây vốn cũng là ngu, Nhẽ đâu lại dám trương phô khoe tài”, hoặc “Bất lận phí nhật, Vụ duyệt lại chi, Thị ngã đích kỳ, Thị dư thâm nguyện, Âm á tự biện, Kỳ vật tiếu thoa”: “Cam lòng tổn mấy ngày giời, Miễn là cho kẻ xem coi được nhờ, ấy là sự ta mong chờ, ấy là chính sự lòng ta chúc mòng, U ơ bập bẹ mấy dòng, Phụ thêm biện bác xin đừng cười chê”. Dù sao chăng nữa, việc Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin tạo cơ hội cho bạn đọc có được cuốn sách của cổ nhân trong tay cũng rất đáng được trân trọng. Nhân đây tôi muốn được lạm bàn đôi chút về cuốn sách độc đáo này.


Quả thật, tất cả mọi người dường như ai cũng có thể đọc dăm ba câu trong Tam thiên tự: Gia - nhà, Quốc - nước, Tiền - trước, Hậu - sau, Ngưu - trâu, Mã - ngựa... Điều đó cho thấy tính phổ biến của cuốn sách như thế nào ! Có lẽ, chủ yếu do tính truyền khẩu tạo nên bởi vần điệu rất gần gũi quảng đại quần chúng. Sở dĩ như vậy vì tác giả đã vận dụng các phương pháp độc đáo và thực tế cho thấy khá hấp dẫn. Đó là:



– Sách được viết bằng thể văn độc đáo với những ngắt đoạn ngắn sau cụm 4 từ một (thông thường là 2 từ Hán và 2 từ giải nghĩa bằng tiếng Việt; đôi khi 1 từ Hán được giải thích bằng 1 cụm gồm 2 từ Việt). Hình như xưa nay chưa có cuốn sách nào có cách viết dân dã như vậy (?). Các cụm 4 từ này liên kết với nhau bằng vần của chữ thứ tư câu trước với chữ thứ hai câu sau.

Thí dụ:
Thiên - trời, địa - đất

Cử - cất, tồn - còn

Tử - con, tôn- cháu

Lục - sáu, tam - ba
hoặc:

Huyết - máu, mao- lông

Tân - (lấy) chồng, thú - (lấy) vợ

Địch - rợ, manh - dân



Cách bắt vần này hoàn toàn giống cách bắt vần trong các bài đồng dao vốn rất phổ biến trong dân gian. Điều đó giải thích tại sao trẻ nhỏ thích học, dễ nhớ. Xin so sánh với những bài đồng dao cùng thể loại này:

Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lất rơm đun bếp



hoặc:

Ông Giẳng ông Giăng

Xuống chơi nhà tôi

Có nồi cơm nếp

Có ệp bánh chưng

Có lưng hũ rượu

Cái khướu đánh đu

...



– Tác giả cố ý đặt các từ trái nghĩa đứng cạnh nhau nhằm giúp người học dễ nhớ và có lẽ quan trọng hơn là biết sử dụng đúng các từ đó. Thí dụ:

Mộ - tối, triêu - mai

Trường - dài, đoản - ngắn

Xà - rắn, tượng – voi




– Ngoài ra tác giả sách còn xếp những từ có cùng “họ” hoặc có liên hệ với nhau về mặt ngữ nghĩa đứng cạnh nhau không ngoài mục đích để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ:

Mi- mày, mục - mắt

Diện - mặt, đầu - đầu

Tu - râu, phát – tóc




– Tuy nhiên, có lẽ do bí vần hoặc không liệt kê số từ đã được soạn nên có một số từ bị trùng lặp. Chính vì vậy gọi là Tam thiên tự nhưng nếu tính chính xác thì không đủ 3000 từ. Song với số lượng 3000 từ mà chỉ có khoảng trên dưới 10 từ bị trùng lặp thực rất đáng khâm phục. Một số từ được lặp lại như:

Lương - mát, bão- no

Khố - kho, quân - vựa



lặp lại trong:

Kỹ - bợm, bài - trò

Bão - no, Cơ - đói



hoặc:

Khuy - dòm, sát - xét

Miện - lét, chiêm – xem



lặp lại trong:

Vị - mùi, phong - thói

Bốc - bói, chiêm – xem



– Theo thiển ý của chúng tôi, do người soạn chú ý viết cho vần, dễ đọc, dễ nhớ nên không tránh khỏi những mặt hạn chế do chính thế mạnh đó gây ra. “Hầu hết trong sách này, người ta cố ý làm lấy vần và đối đáp cho dễ học, nên có ít nhiều chữ lấy nghĩa khí gạn...”(2) Trước năm 1954 cũng có người soạn sách tự học tiếng Pháp theo hướng này, nhưng thường ở thể lục bát. Đại loại có những câu như thế này:

Rõ ràng = ê-vit-đơ-măng (évidemment).

Anh hãy vội vàng = đê-pet-sê-vu (dépêchez - vous)

Gông-phờ-lê (Gonflé) = phồng, bủng, phù …



Còn đối với Tam thiên tự, do có vần, dễ đọc, dễ nhớ nên cũng dễ dẫn đến việc người học dễ học vẹt. Thực tế cho thấy, nhiều người có thể đọc thuộc lòng từng đoạn dài của Tam thiên tự nhưng lại không viết được, đọc được chữ nào trong đó. Học chữ Hán mà không viết được, đọc được chữ thì cũng đồng nghĩa với không học. Tuy nhiên, viết sách mà không hề nghĩ đến danh, khắc in sách mà không hề nghĩ đến lợi; thế mới biết cái tâm của người xưa đối với giáo dục thế hệ trẻ cao đẹp biết chừng nào!


- Vậy ai là tác giả cuốn sách độc đáo này? Thú thật, tôi chưa được may mắn gặp cuốn Tam thiên tự nào ghi rõ tên tác giả hoặc tên người sưu tầm trên bìa sách. Hơn thế nữa, trong cuốn Tam thiên tự giải dịch Quốc ngữ được trích dẫn trong bài viết này, người làm sách còn nói rõ “Thử thư thành tự, Cổ sĩ thông minh, Thậm tính thùy danh, Ngã sở bất thức”, được dịch ra chữ Nôm, chữ Quốc ngữ là: “Kẻ đã làm nên sách này (ý là tác giả sách), Là người thông thái khôn tày đời xưa. Đây ta không thể khảo tra, Tên hèm, tên họ gọi là chi chi”.


Tuy vẫn ý thức được hiểu biết về cổ học còn rất nông cạn, tôi vẫn đánh bạo đụng chạm đến vấn đề phức tạp này. Làm điều đó, tôi muốn có cơ may được bạn đọc gần xa chỉ bảo.


----------


(1). Tam thiên tự giải dịch Quốc ngữ - Phát Diệm tổng đường tàng bản, Duy Tân năm thứ hai (1908); Liễu Văn Đường in năm Duy Tân Kỷ Dậu (1909) và ất Mão (1915) (xem Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, tập 3, mục từ 3090).

(2). Phần “Dặn riêng mấy điều cần trước” trong tài liệu đã dẫn.

(*). Bộ Tam thiên tự giải âm là một quyển sách dạy vỡ lòng cho người mới học chữ Hán, ước chừng 3.000 chữ thông thường. Sách ấy đã từng có tác dụng quan trọng trong việc truyền dạy chữ Hán và ngày nay cũng còn giúp ích cho chúng ta trong việc nghiên cứu ngôn ngữ, văn tự của nước ta.

Về tác giả thì bản in nói trên và cả hai bản khác có chung nguồn gốc với nó là sách Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ của nhà Liễu Văn Đường và sách cùng tên của Tổng Đường Phát Diệm. Tuy vậy, trong bản khắc năm 1831 nói trên ta thấy có in một tên gọi khác của sách ấy là Tự học toản yếu. Xem sách Kim mã hành dư của Ngô Thì Nhậm (trong bộ Ngô gia văn phái, kí hiệu A. 117), ta thấy có bài tựa sách Tự học toản yếu, trong đó Ngô Thì Nhậm nói rõ về việc ông đã soạn sách này. Đọc bài tựa ấy, chúng ta có thể xác định sách Tam thiên tự giải âm, hay còn gọi là Tự học toản yếu, chính là công trình biên soạn của Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành và đem in lần thứ nhất vào cuối thế kỉ XVIII.

Khi đặt tên cho sách này, có lẽ Ngô Thì Nhậm chịu ảnh hưởng sách Tam thiên tự của Từ Côn Ngọc (Trung Quốc) mà Nguyễn Huy Oánh đã in trong sách Sơ học chỉ nam.

Link Download:
Code:
http://www.mediafire.com/file/uguuod1mzli/Tam%20Thien%20Tu-1959.pdf
pass: sachxua.net
Bản scan này là của bác vvn bên diễn đàn Sách Xưa scan. Ngoài ra, vẫn còn quyển định dạng PRC theo dạng từ điển. Bạn nào cần, tôi sẽ up lên luôn. Nếu không ai cần thì thôi vậy.