Vị khách đặc biệt của ngôi nhà 48 Hàng Ngang qua lời kể con trai cụ Trịnh Văn Bô

ĐỖ THƠM
07:05 02/09/18 THẢO LUẬN (0)
(GDVN) - Có một địa chỉ ở Hà Nội được nhiều người Việt Nam nhớ đến vào dịp Quốc khánh mùng 2/9, đó là ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập.

Đỗ ThơmTrong ký ức của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, ngôi nhà 48 Hàng Ngang gắn liền với bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Chính tại đây, từ ngày 28 đến ngày 30/8/1945, Người đã tập trung tâm lực, trí tuệ, bản lĩnh để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Nhưng được chính người người từng sống ở đây kể lại ấn tượng về vị khách đặc biệt “ông cụ dưới quê”, về không khí cách đây 73 năm, đó lại là một trải nghiệm mà không thể có được dù đọc nhiều tài liệu đến đâu.




Ông Trịnh Lương lật giở các tài liệu liên quan đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Và tôi may mắn có được cơ hội đó khi được ông Trịnh Lương - con trai cả cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ (chủ nhân ngôi nhà) từng dẫn đi tham quan ngôi nhà và chia sẻ những ấn tượng của gia đình họ về vị khách đặc biệt của ngôi nhà vào những ngày tháng lịch sử đó.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang hiện nằm ngay giữa khu phố sầm uất của Thủ đô. Dù vậy, chỉ cần bước qua bậc thềm căn nhà, mọi sự ồn ào của phố xá Hà Nội sẽ lùi lại phía sau.

Chiếc giường, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nghỉ tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, chiếc bàn gỗ nơi Bác làm việc…Những nét xưa cũ vẫn còn đó, tất cả đều như còn nguyên hơi ấm từ quá khứ vọng về.
73 năm đã qua, nhưng ông Trịnh Lương ngỡ như đang giữa những thời khắc gia đình được tiếp đón vị khách đặc biệt ngày nào.

Ông Trịnh Lương chia sẻ, lúc mẹ ông - cụ Hoàng Thị Minh Hồ còn sống, mẹ ông kể: “Lần đầu tiên đến nhà 48 Hàng Ngang, Bác ăn mặc rất giản dị, đội mũ dạ, đi đôi dép cao su.

Còn tôi khi đó hơn chục tuổi, chỉ biết đó là một “ông cụ dưới quê” lên chơi.
Khi Bác bước vào nhà, bố mẹ tôi ra chào và đưa Người lên gác 3, nơi mẹ tôi đã dọn sẵn một buồng đủ tiện nghi để Người ở.
Sau đó, Người lại xuống tầng 2 ở luôn cùng các đồng chí của mình và làm việc tại đó".

Theo các tài liệu ghi lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở đây từ ngày 25/8/1945 đến ngày 2/9/1945.
Đặc biệt, chính trong căn gác 2 của ngôi nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dù đã gần 90 tuổi nhưng kể về quãng thời gian đó, ông Trịnh Lương lại đầy hào hứng, tự hào.



Chiếc bàn ở gác 2 vẫn bài trí như cách đây 73 năm. (Ảnh: Đỗ Thơm)


Lật giở những bức ảnh đã ngả màu thời gian, ông Trịnh Lương chỉ vào bức ảnh chụp chiếc bàn gỗ trong căn gác hai, giọng ông trùng xuống: “Vị khách đặc biệt của gia đình (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) hay ngồi ở chiếc bàn này làm việc mỗi đêm.
Đặc biệt, sát ngày 2/9, ông cụ thường thức rất khuya. Tiếng đánh máy từ căn phòng phát ra khiến mẹ tôi nhận ra cụ vẫn đang làm việc.

Đến nay, ai đến thăm căn nhà 48 Hàng Ngang sẽ thấy lại toàn bộ các đồ vật Người từng dùng năm đó.
Mọi đồ vật trong căn phòng vẫn được bài trí đúng như cách đây 73 năm”.
Kể đến đây, giọng ông trở nên vui tươi lạ thường, ông bảo: “Khi đó tôi chỉ hơn chục tuổi nhưng tôi và bạn bè quanh khu này hoạt động sôi nổi lắm.

Chúng tôi tham gia vào các đội Hướng đạo sinh.
Các “sói con” đi khắp các khu phố, con đường dải truyền đơn ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Nguyễn Ái Quốc.
Nhưng có lẽ bất ngờ nhất với tôi là vào ngày mùng 2/9, vị khách dưới quê ở nhà mình lại chính là Nguyễn Ái Quốc, là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Không chỉ là một trong những địa chỉ đỏ của Cách mạng, chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ còn là những người nhiệt thành ủng hộ tài chính cho Cách mạng, cho Chính phủ.
Tính đến trước Cách mạng tháng Tám, gia đình họ Trịnh đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá bấy giờ.

Ông Lương nói thêm: "Sau Cách mạng tháng Tám, bố mẹ tôi được ông Khuất Duy Tiến, Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập.
Lúc đó, bọn Quốc dân Đảng cũng đến xin bà ủng hộ tiền nhưng bà nhất quyết không ủng hộ.
Mẹ tôi còn đi vận động các tập đoàn Phát Đạt, Lợi Quyền ủng hộ tiền và vàng cho Chính phủ lâm thời”, ông Lương kể.




Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. (Ảnh ông Trịnh Lương cung cấp)


Gia đình họ Trịnh đã ủng hộ Quỹ Độc lập hơn 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng. Trong Tuần lễ Vàng, gia đình đã đóng góp 117 cây vàng.

Có lẽ trong bối cảnh bấy giờ, khi toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng Đông Dương, đa phần không thể lưu thông thì tấm lòng của chủ nhân ngôi nhà 48 hàng Ngang là vô cùng giá trị.
Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Cách mạng, Chính phủ 5.147 lượng vàng.
Đến nay, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành di tích lịch sử văn hóa, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.