MƯỜI ĐẠI THỌ CỦA PHU NHÂN THẮNG MAN

1) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, đối với giới đã thọ không khởi tâm vi phạm.
2) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, đối với bậc tôn trưởng không khởi tâm kiêu mạn.
3) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, đối với chúng sanh không khởi tâm thù nghịch.
4) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đén khi giác ngộ, đối với sắc thân và các vật dụng của người khác không khởi tâm ganh tị.
5) Bạch Thế Tôn, con nguyên từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, đối với các pháp (trong và ngoài) không khởi tâm bỏn sẻn.
6) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, không vì bản thân mà nhận và tích trữ tài vật. Có nhận cái gì đều cốt để giúp đỡ, thành thục cho chúng sanh nghèo khổ.
7) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, không vì bản thân mà thực hành bốn nhiếp pháp nhưng vì tất cả chúng sanh; đem tâm không ái nhiễm, tâm không nhàm chán, tâm không chướng ngại để nhiếp thọ chúng sanh.
8) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, nếu thấy chúng sanh cô độc, bị nhốt, bị trói, bị tật bệnh, bị đủ thứ ách nạn, khốn khổ, thì con sẽ không bỏ qua dù trong chốc lát, mà phải làm cho họ an ổn, bằng nghĩa lợi mà giúp ích cho họ, khiến họ thoát hết các nỗi khổ, rồi sau mới rời bỏ.
9) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, nếu gặp các trường hợp ác luật nghi như săn bắn, hay chăn nuôi và người phạm giới, con sẽ không bỏ qua. Khi con có đủ năng lực, thì bất cứ ở chỗ nào thấy những chúng sanh này, đáng chiết phục thì con chiết phục họ, đáng nhiếp thọ thì con nhiếp thọ họ. Vì sao? Nhờ chiết phục và nhiếp thọ mà khiến Chánh Pháp được lâu bền. Chánh Pháp được lâu bền thì trời người đông đúc, ác đạo giảm bớt, có thể chuyển bánh xe Chánh Pháp mà Như Lai chuyển. Vì thấy cái lợi đó nên con cứu vớt và nhiếp thọ họ không bỏ.
10) Bạch Thế Tôn, con nguyện từ hôm nay cho đến khi giác ngộ, sẽ nhiếp thọ Chánh Pháp trọn không quên mất. Vì sao? Vì quên mất Chánh Pháp là quên mất Đại thừa. Quên Đại thừa là quên Ba la mật. Quên Ba la mật thì không có ý dục Đại thừa. Nếu Bồ tát không quyết tín Đại thừa thì không thể thành tựu ý dục nhiếp thọ Chánh Pháp, và tùy theo ý muốn mà ngộ nhập, vĩnh viễn không đương nỗi địa vị siêu việt phàm phu.
Vì con thấy vô số sai lầm to lớn như vậy, và cũng vì thấy vô lượng phước lợi của Đại Bồ Tát nhiếp thọ Chánh Pháp trong tương lai, cho nên con xin lãnh thọ những đại thọ này.