Thế giới đang cùng nhau... béo phì


Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa BMC Public Health Luân Đôn cho thấy một đứa bé được sinh ra ở Mỹ tính trung bình, nặng gần gấp đôi so với một bé ở Băng-la-đét.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm bùng nổ ở những nước giàu làm cho người ta lo lắng không kém gì sự bùng nổ dân số ở các nước nghèo. Một nghiên cứu cho thấy: Nếu tất cả mọi người có trọng lượng chuẩn trung bình, trái đất sẽ bớt đi được chi phí lương thực tương đương 298 triệu miệng ăn, bằng 6,2% dân số toàn cầu.
Thống kê cho thấy, người châu Á là cân nặng thấp nhất. Không tới 1/4 dân số ở đây quá cân. Một người châu Á trung bình (cả nam lẫn nữ) cân nặng 57,7 kg. Một người Bắc Mỹ trung bình nặng 80,7 kg và gần 3/4 dân số bị thừa cân. Khoảng 1/3 những người béo phì trên trái đất sống ở Bắc Mỹ. Bệnh béo phì không hoàn toàn phụ thuộc vào việc giàu nghèo mà có quan hệ tới văn hóa ẩm thực. Rõ ràng nước Nhật là nước có kinh tế cao, mức sống cao, nhưng người dân Nhật rất ít mắc phải bệnh béo phì. Thậm chí người ta còn tính nếu mỗi người trên thế giới đều nặng như một người Nhật, dân số thế giới sẽ nhẹ hơn 5%, tương đương 235 triệu người.

Bữa ăn truyền thống của người Nhật gồm một bát cơm, cá nướng, rau luộc, súp đậu hũ, trái cây tráng miệng và trà xanh. Họ không thường xuyên dùng thịt. Người Nhật tiêu thụ gần 10% thực phẩm cá của thế giới, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%. Khác với các nước vốn xem đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn là khoái khẩu thì người Nhật thích ăn thực phẩm tươi. Bí quyết nấu ăn cơ bản của người Nhật là sử dụng đồ tươi và đúng lúc. Nao-mi Mô-ri-y-a-ma - tác giả cuốn sách “Phụ nữ Nhật không già và béo” cho biết, siêu thị Nhật Bản luôn cung cấp đồ tươi. Thực phẩm đóng gói không chỉ đề ngày mà đề cả giờ đóng.

Nói tới Hàn Quốc, người ta không thể không nhắc tới kim chi. Mọi người thường cho rằng, người xứ lạnh phải tích lũy nhiều mỡ, nhưng kỳ thực Hàn Quốc mặc dù không khí rất lạnh nhưng phần lớn dân Hàn Quốc không hề béo phì. Anh Sung Ho, một kiến trúc sư Hàn Quốc nói rằng, sở dĩ người Hàn chống chọi được cái rét là nhờ có món kim chi.
Mỗi năm đất nước Hàn Quốc tiêu thụ hơn hai triệu tấn kim chi, một loại dưa món có rất nhiều ớt. Món ăn họ yêu thích là rau, có những bữa tiệc rau lên tới vài ba chục món. Những bữa tiệc như vậy, thịt bao giờ cũng là “số ít”. Tuy nhiên, giờ đây, thói quen ăn uống cổ truyền cũng dần mai một ở nhiều nước có thu nhập trung bình và thấp.
Theo đánh giá của WHO, có hơn 75% phụ nữ trên 30 tuổi hiện bị thừa cân tại nhiều nước như Ba-ba-đô, Ai Cập, Man-ta, Nam Phi và Mỹ. Tương tự, có 75% nam giới thừa cân tại nhiều nước thuộc khu vực từ Áchen- ti-na đến Hy Lạp cho đến Anh. Các đảo phía tây Thái Bình Dương như Nau-ru và Ton-ga có số người thừa cân cao nhất thế giới, với 9/10 người trưởng thành bị thừa cân.
Số liệu nghiên cứu cho thấy: Với cân nặng trung bình 51kg, Việt Nam xếp thứ tư từ dưới lên trong danh sách cân nặng toàn cầu, ít hơn mức trung bình gần 7 kg và chỉ hơn ba nước Nam Á là: Xri Lan-ca, Nê-pan và Băng-la-đét. Tuy nhiên, những năm gầy đây, tình trạng béo phì ở Việt Nam cũng tăng nhanh. Theo số liệu của ngành dinh dưỡng, tỷ lệ người thừa cân ở Việt Nam là 16,8% dân số trong độ tuổi từ 25- 64.

Nguyên nhân béo phì ở Việt Nam được đánh giá là do hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít vận động, phần trăm mỡ cơ thể cao, và tiêu thụ nhiều thịt, dầu, mỡ. Ngoài xu hướng sử dụng bơ sữa, các loại thịt rượu, bia, các loại thức uống có ga... người Việt Nam ở các thành phố cũng đang đánh mất đi văn hóa chợ búa truyền thống của mình mà bắt đầu mua sắm ở siêu thị, sử dụng đồ ăn đông lạnh dài ngày.
Người Mỹ đang tranh luận về việc có nên hạn chế việc tiêu thụ các loại thực phẩm gây béo phì và có sự cảnh báo đối với thức ăn gây béo phì hay không?
Các thức ăn càng ngon, càng hấp dẫn, bán chạy, càng có nguy cơ làm người ta béo phì, nếu con người không biết “tiết chế”. Nhưng tiết chế bằng cách nào khi những quảng cáo bắt mắt, hấp dẫn luôn đập vào mắt người tiêu dùng. Can thiệp hành chính sẽ ảnh hưởng đến tự do kinh doanh, nhưng nếu cứ để tình trạng người càng mập càng tiêu thụ nhiều năng lượng và càng tăng cân sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Nguyên nhân của tình trạng tăng số người béo phì, theo Tổ chức Y tế Thế giới, đó là hậu quả của quá trình toàn cầu hóa, trong đó “có cả sự thay đổi thói quen ăn uống trên toàn cầu với các thức ăn năng lượng cao hơn, nhiều chất béo, đường và muối hơn”.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra dự báo vào năm 2015 sẽ có 1,5 tỷ người thừa cân trên toàn thế giới. Béo phì và thừa cân làm tăng đáng kể các nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và các chứng bệnh mãn tính khác.
Việc ngăn chặn một thế giới trở nên béo phì, đòi hỏi một tư duy và chiến lược toàn cầu. Các chuyên gia văn hóa cho rằng, việc trở lại với các bữa ăn cân đối, nhiều rau quả, không chỉ là sự trở về với những thực đơn truyền thống. Nó đòi hỏi con người phải trở về với những bữa cơm gia đình, những nét riêng trong văn hóa ẩm thực từng vùng, từng quốc gia.

TRẦN QUỲNH CHÂU (Tổng hợp từ Biomedcentral, Sciencedaily