Biên cương nơi anh ngã xuống
06:00 - 28/07/2014 51

(TNO) 35 năm đã qua, nhưng những ngọn núi, thân cây dọc biên cương một dải phía Bắc vẫn còn đó những dấu ấn về cuộc chiến bảo vệ đất nước trước quân xâm lược Trung Quốc. Từ Móng Cái đến Lai Châu, từ huyện đến thôn bản nào cũng gặp các nhà bia ghi tên những người lính đã ngã xuống trong những tháng năm khốc liệt ấy.
Những ngày cuối tháng 7.2014, bên cạnh những nhà bia mái cong, nức nở mùi hương thơm gọi tên từng người ngã xuống.

Kỳ 1: Bức điện cuối cùng của đồn Pha Long


Bia trấn ải tại Pha Long

Lịch sử ngành Thông tin cơ yếu Quân đội không thể quên những bức điện vĩnh biệt đồng đội, gửi đi trong thời khắc cuối cùng của lằn ranh sinh - tử. Đó là một bức điện từ nhà giàn DK1 và một từ Đồn Biên phòng Pha Long (Lào Cai), ngay trong những ngày đầu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược.

“Dù còn 1 người cũng chiến đấu”


Đồn Biên phòng Pha Long đóng ở tận cùng mảnh đất Mường Khương, Lào Cai với cổng đồn uy nghiêm vững chãi, chốt giữ con đường dẫn ra cửa khẩu cùng tên. Bên trái cánh cổng, mới cứng tấm bia trấn ải mới được dựng hồi tháng 5.2013, chữ tô đỏ chót như máu: “Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non. Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định. Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng. Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an. Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ” (Tạm dịch nghĩa: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây).

Bên phải là đài tưởng niệm, ghi tên 37 người lính Biên phòng hy sinh tại Pha Long, đại đa số ngã xuống thời điểm tháng 2.1979, trong khi đánh trả quân Trung Quốc xâm lược.

Trung tá Phan Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long, kể: sáng sớm 17.2.1979, phía Trung Quốc dùng 2 trung đoàn bộ binh bất ngờ tấn công sang Pha Long, nhằm triển khai ý đồ chiến thuật cắt rời mảnh đất hình tam giác này ra khỏi thế trận liên hoàn toàn tỉnh Hoàng Liên Sơn.


Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Đồn Biên phòng Pha Long

Ngay từ 5 giờ sáng, Đồn Pha Long rơi vào thế cô lập, bị bao vây nhưng vẫn chiến đấu phòng ngự suốt 4 ngày đêm (17 - 20.2), chống trả số lính thiện chiến, có sự yểm trợ của pháo binh và đông gấp nhiều lần bên ta.

Đến bây giờ, những người già ở Mường Khương vẫn thường nhắc đến những địa danh đẫm máu trong trận chiến khốc liệt 4 ngày đêm ấy. Đó là trạm Biên phòng Lồ Cố Chin, nằm cạnh mốc 21 cách Đồn 5 km; pháo đài Lê Đình Chinh, cách Đồn khoảng 200 m; chốt cửa khẩu và đặc biệt là Đồn bộ...

Tính ra, trong 4 ngày đêm, lính Trung Quốc vây kín quanh Đồn, tổ chức 13 lần xung phong vượt cổng - vượt thành để chiếm Đồn thì 10 lần bị đánh trả quyết liệt phải tháo lui, yêu cầu pháo tầm xa và hỏa lực đi cùng bắn áp chế mục tiêu.


Bức điện tín cuối cùng phát đi tại Đồn Pha Long:
Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí!

Thượng tá Trần Quốc Khải, nguyên Trưởng Đồn Biên phòng Pha Long, hồi tưởng: “Quân đội đối phương được huấn luyện rất kỹ về đánh bộc phá, chúng lại giàu bộc phá để đánh công kiên, nhưng suốt 4 ngày đêm tấn công, chúng không đặt được 1 quả bộc phá nào vào chân lô cốt chỉ vì không tiếp cận được mục tiêu!”.

Đến giờ ông vẫn ngạc nhiên về tác phong chiến đấu lạ lùng của binh sĩ địch: chỉ sợ B40 và lựu đạn; thấy súng CKC bắn trả chỉ cười và tiến dồn đống trước hỏa lực đại liên, trung liên; đánh vào lô cốt ngầm thì không tìm góc chết; khi bị thương thì kêu la inh ỏi, túm tụm với nhau...

Chính những điểm yếu này của địch đã tạo cơ hội cho chiến sĩ ta đánh tiêu diệt, gây thương vong rất nặng cho chúng (khoảng 800 tên).

Thời điểm ấy, Đồn trưởng Pha Long đi công tác xa, việc chỉ huy do thượng úy Trần Ngọc, Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ Đồn. Mặc dù trước đó đã được tăng cường 3 Đại đội Cơ động của tỉnh, nhưng do bị vây đánh suốt mấy ngày liền, lương thực - đạn dược cạn dần, thương vong ngày càng cao... những người lính Pha Long đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Đến giờ, các nhân viên Thông tin - cơ yếu trong toàn quân lúc đó vẫn không quên nội dung 2 bức điện phát lên từ Pha Long: bức điện gửi trưa ngày 18.2 ghi: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều. Nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn 1 người cũng chiến đấu” và bức điện lúc 11 giờ ngày 19.2: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí!”.


Nghĩa trang Liệt sĩ xã Pha Long

32 người nằm lại Pò Hèn


Cũng làm nhiệm vụ Thông tin - cơ yếu như đồng đội ở Đồn Pha Long, nhưng chiến sĩ Đoàn Tiến Phúc (Đồn Pò Hèn, Quảng Ninh) không kịp gửi bức điện vĩnh biệt, bởi phút cuối cùng, đài vô tuyến của đồn bị hỏng.

Khi nhận được mệnh lệnh cuối cùng, trước khi ngã xuống của Chính trị viên Nguyễn Xuân Tảo: “Thiêu hủy tài liệu mật”, chiến sĩ Phúc chưa kịp thực hiện thì trúng đạn bị thương nặng. Biết không thể sống được, Phúc để tài liệu dưới bụng, nằm đè lên. Anh hy sinh bên cạnh Chính trị viên Tảo.

“Đâu rồi những chàng trai trẻ/Ùa xuống cổng đồn đón khách lên thăm/Chỉ còn bia mộ nghĩa trang?/Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng/Gặp điệp khúc tháng hai năm bảy chín/Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long”...
(Trích bài thơ “Ghi ở Pha Long” của nhà thơ Vương Trọng)


Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tại Đồn Biên phòng Pò Hèn là một trong những trận đánh ác liệt nhất trong ngày 17.2.1979. Lúc 5 giờ 30 phút, chiến sĩ gác Phạm Văn Điều phát hiện lính Trung Quốc trước cổng Đồn, cũng là lúc chúng hoàn thành việc triển khai bao vây Đồn bằng 3 hướng bộ binh đã tràn sang trước đó.

Cũng giống như ở Pha Long, Đồn trưởng Biên phòng Pò Hèn đi vắng, nên nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu dồn lên vai Đồn phó Đỗ Sĩ Họa và Chính trị viên Nguyễn Xuân Tảo. Cùng sát cánh chiến đấu với cán bộ chiến sĩ Đồn là Chủ tịch xã Pò Hèn đến chơi và chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhân viên Thương nghiệp huyện Hải Ninh (Quảng Ninh) lên thăm người yêu là anh Bùi Văn Lượng, cán bộ đội Vận động quần chúng của Đồn.

Cuộc chiến đấu không cân sức giữa những người lính Biên phòng, đánh trả từ chó chiến đấu Trung Quốc cho đến những tên lính bộ binh thiện chiến, kết thúc lúc 11 giờ 30 cùng ngày. Tất cả 32 cán bộ chiến sĩ Đồn Pò Hèn hy sinh.


Bộ đội Biên phòng Pha Long dựng nhà cho gia đình liệt sĩ

Ở Đồn Biên phòng Pha Long và Pò Hèn bây giờ, cứ gần đến ngày 27.7 là thêm nghi ngút khói hương và nằng nặng sắc hoa tươi bên Đài tưởng niệm. Những bông hoa, chủ yếu là màu trắng, bởi những người lính khi ngã xuống còn rất trẻ. Người già ở Pha Long, Pò Hèn bảo: hầu hết anh em đều mất thi hài bởi đạn pháo, nên linh hồn quất quýt quanh Đồn, cùng giữ biên cương... (Còn tiếp)

Theo tổng kết, tại hướng Hoàng Liên Sơn, phía Trung Quốc đã huy động 3 quân đoàn (11, 13, 14). Một trung đoàn địch đánh vào khu vực Pha Long ở phía Đông để yểm trợ cho cánh quân Mường Khương. Tại hướng này, 3 Đồn Biên phòng cửa khẩu là Lào Cai, Mường Khương, Pha Long và 2 Đồn Nậm Chảy, Na Lốc đã chiến đấu quyết liệt.

Ngay tại điểm chốt cầu Chui, 2 chiến sĩ Quách Văn Rạng và Lê Hồng Cầm (Đồn Biên phòng Cửa khẩu) đã bắn cháy 2 xe tăng - bọc thép của địch. Hết đạn, chiến sĩ Cầm bị thương, địch bao vây hòng bắt sống. Chiến sĩ Rạng băng bó, cõng Cầm giấu vào bụi cây, sau đó xách AK chạy ra hướng khác, bắn vào nhóm lính đang truy lùng, đánh lạc hướng. Địch dồn về phía Rạng, anh phá súng và tung quả lựu đạn cuối cùng. Hình ảnh cuối cùng mà Cầm nhìn thấy là Rạng tay không đánh địch và bị chúng bắt sống, nhưng cương quyết không khai. Điên khùng, chúng móc 2 mắt của người chiến sĩ biên phòng và tra tấn anh đến chết.


Mai Thanh Hải