Để là rõ hơn về 10 điều tà kiến theo kinh điển Pali:

1- Natthi dinnaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước-thiện bố thí không có quả tốt, an lạc.

2- Natthi yiṭṭhaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước-thiện cúng dường lớn không có quả tốt, an lạc.

3- Natthi hutaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước-thiện cúng dường nhỏ, đón rước, cũng không có quả tốt, an lạc.

4- Natthi sukatadukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipākaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Đã tạo thiện-nghiệp, ác-nghiệp rồi, không có quả an lạc của thiện-nghiệp, không có quả khổ của ác-nghiệp.

5- Natthi ayaṃ loko:Tà-kiến thấy sai rằng: Không có cõi này nghĩa là không có chúng sinh tái sinh đến cõi này.

6- Natthi paro loko: Tà-kiến thấy sai rằng: Không có cõi khác nghĩa là chúng sinh chết rồi là hết, không có tái sinh kiếp sau trong cõi khác.

7- Natthi mātā: Tà-kiến thấy sai rằng: Làm phước, làm tội đối với mẹ, không có quả tốt, quả xấu.

8- Natthi pitā: Tà-kiến thấy sai rằng: Làm phước, làm tội đối với cha, không có quả tốt, quả xấu.

9- Natthi sattā opapātikā: Tà-kiến thấy sai rằng: Không có các loài chúng sinh hóa sinh to lớn ngay tức thì, như chư thiên cõi dục giới, chư phạm thiên cõi sắc giới, chúng sinh địa ngục, loài ngạ quỷ, loài a-tu-la.

10- Natthi loke samaṇabrahmaṇā samaggatā sammā-paṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchiktvā pavedenti: Tà-kiến thấy sai rằng: Trong đời này, không có các Sa-môn, Bà-la-môn thực-hành pháp hành thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc, chứng đắc các phép thần thông; thực-hành pháp hành thiền tuệ, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả, Niết Bàn, thấy rõ biết rõ thế giới này, thế giới khác.

"
Và tà kiến theo bản dịch "Đại kinh bốn mươi" (Kinh Trung Bộ Kinh - HT Thích Minh Châu Việt dịch).

"Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà kiến?
1. Không có bố thí,
2. không có cúng dường,
3. không có tế tự,
4. không có quả báo các nghiệp thiện ác,
5. không có đời này,
6. không có đời khác,
7. không có mẹ,
8. không có cha,
9. không có các loại hóa sanh;
10. ở đời không có các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chánh hướng, chánh hạnh, sau khi với thượng trí tự mình chứng đạt lại tuyên bố lên.

Như vậy, này các Tỷ-kheo là tà kiến."

Rõ ràng bản Việt dịch đang thường dùng không đủ hết ý.


Còn cũng nội dung đó trong bản "Kinh Thánh Đạo"
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

“Thế nào là tà kiến?
“Đó là cho rằng không có bố thí, không có trai tự, không có chú thuyết, không có thiện, ác nghiệp, không có quản báo của thiện, ác nghiệp, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, không có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, trong đời này hay đời sau mà tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là tà kiến."


Các ví dụ trên cho thấy việc bám chấp văn tự trong kinh sách đầy lỗi dịch thuật là rất nguy hiểm.

Đọc kinh, nắm ý rồi thực hành tinh tấn là những việc cần làm.