kết quả từ 1 tới 20 trên 46

Ðề tài: Lịch Sử Môn HỒNG GIA VIỆT NAM

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Lịch Sử Môn HỒNG GIA VIỆT NAM

    Lịch Sử Môn HỒNG GIA VIỆT NAM

    Hà Nội, một buổi sáng mùa xuân, tiết trời hãy còn lạnh lắm...Bên trong một trang trại khá đồ sộ, ngăn nắp, người lui tới hoạt động, nhưng nếu có ai lưu ý sẽ thấy rằng họ rất khẩn trương, thiếu vắng tiếng nói, giọng cười...

    Chuyện gì đã và đang hay sắp xảy đến cho trang trại này...

    Một Hán tử trung niên, liếc nhìn đứa trẻ đang nằm trong chiếc quan tài nhỏ, chờ chết.....Ðứa bé hé mở mắt nhìn ông như van xin, như cầu cứu... Phải chăng cái hé mở mắt này đã làm chạnh lòng vị Hán tử trung niên? Ông nhẹ nhàng cầm lấy tay đứa bé, nhìn những lằn chỉ trong lòng bàn tay, rồi hai bàn tay, rồi ông đưa tay ra chẩn mạch, ông trầm ngâm, ưu tư, nhìn vào gương mặt gầy gò, bệnh hoạn của đứa bé...Ðoạn ông đứng dậy, đến bên cổng gọi người kêu cửa...Sau khi ông ngỏ ý với một lão gia nhân...khoảng 10 phút sau, đi ra với lão gia nhân lúc này là một thiếu phụ trang nhã, với nét mặt đầy âu lo, ôn tồn chào người khách lạ và thiếu phụ cho biết, bà là thân mẫu của đứa bé và cũng là chủ của trang trại này...

    Không để phí một chút thời giờ nào, Hán tử cho biết ngay ý định, xin nhận đứa trẻ này, may ra nếu còn sống sẽ là dưỡng tử của ông. Gần như muốn tranh chạy với thời gian, đưa tay vào bọc hành trang lấy mấy mủi kim, châm vào huyệt đản trung, kiên tỉnh rồi bỏ đứa bé vào trước ngực của mình, đoạn vội vã cất bước trước sự ngỡ ngàng nín lặng của thiếu phụ và gia nhân...Hán tử quay lại nói: "3 năm sau lên núi La Phù, xem sự sống chết của đứa trẻ ra sao".

    Thiếu phụ đứng lặng nhìn Hán tử ôm đứa bé đi xa dần trong đôi mắt mờ ngấn lệ, dòng lệ thương đau của người từ mẫu, lòng bà đứt từng đoạn ruột...
    Ðứa bé trai này là đứa con đầu lòng của bà. Ðứa bé ra đời trong gia đình dòng dõi trâm anh thế phiệt, thọ bẩm khí tiên thiên của cha mẹ nên rất thông tư đỉnh ngộ, nhưng sau khi tròn một tuổi cậu bé ngã bịnh mà hơn một năm rồi bao nhiêu danh y, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây đều bó tay và không sao tìm ra căn bệnh, dù cho trang chủ hết lòng chạy chữa...mà bịnh của cậu ngày càng nặng, thân thể khô kiệt, chỉ còn da bọc xương chờ chết...

    Sau khi châm mấy mủi kim vàng vào thân thể cậu bé, Hán tử bồng cậu đi hướng về phố chợ. Hai tay ông ấn vào huyệt đại chùy và đan điền, truyền nội lực chân khí vào cho cậu bé...Bước vào một tiệm thuốc Bắc, ông nói chuyện với người tài chủ, người tài chủ lấy trao cho ông mấy lát sâm, ông nhét vào miệng đứa trẻ, còn một ít và mấy món thuốc khác gói lại trao cho ông. Sau khi thanh toán tiền nong ông vội vã bế câu bé ra đi...

    Ban nảy ông nói tiếng Hoa! Ông là người Hoa? Chắc là vậy, vì ông nói núi La Phù, mà núi này thuộc tỉnh Quãng Ðông, Trung Hoa, và từ Hà Nội đi về núi này cũng không phải gần. Thường thì đi theo ngã Hải Phòng - lên Móng Cái, qua biên giới Việt-Hoa rồi lên núi. Miền Bắc Việt Nam bây giờ là xứ bảo hộ của Pháp, nên những người Việt Nam yêu nước nổi lên chống lại khắp nơi...cho nên cũng không được an ninh lắm...

    Suốt mấy ngày đêm ròng rã, Hán tử luôn ôm đứa bé trong lòng để truyền nội lực của ông vào người nó - và ông ôm nó liên tục sáu tháng trời trong thời gian chữa trị cho nó...Ðó là lời các vị sư huynh của cậu bé thuật lại sau này.

    Ba năm sau, vào mùa xuân, cây cỏ xanh tươi trăm hoa nở thắm, trên con đường đất lên núi La Phù người ta thấy thiếu phụ năm xưa cùng với hai người tùy tùng đang dấn bước. Họ bước nhanh hơn những người thường và hình như không chú ý gì đến phong cảnh đẹp đẽ của mùa xuân và vẻ hùng vĩ của núi đồi...Chắc là ba năm đợi chờ, tình mẫu tử đã làm cho bà phập phồng nôn nóng. Chuyến đăng sơn này, ba nuôi nhiều hy vọng. Bà hy vọng là các bậc chân nhân trên núi có thể cứu tử con bà...Bà đặt rất nhiều hy vọng vào các bậc thần tiên này...Miên man với các ý nghĩ về đứa con yêu quý bà quên chuyện trò với hai người đồng hành và đến đại sãnh từ lúc nào bà không biết...phải làm sao tìm vị Hán tử? Lúc ra đi, ông chỉ nói lên núi La Phù! Bà cũng quên hỏi tên của vị Hán tử hay chỗ cư ngụ. Bây giờ đông người, nhiều chỗ, bà ngần ngại một chút, rồi tìm một vị mặc áo đạo sĩ hỏi thăm tin tức về vị Hán tử và đứa bé ba năm về trước...

    Sau một lúc chờ đợi, bà đứng lên chào vị Hán tử trung niên và chạy đến ôm chầm đứa trẻ...Lạ lùng thay tình mẫu tử...thắm thiết thay cảnh mẹ con, cậu bé bây giờ đã mạnh khỏe, lớn hơn xưa nhiều, nhưng bà vẫn nhận ra, còn cậu thì không biết được bà nhưng sợi dây ruột thịt thiêng liêng đã làm cậu cảm nhận được...

    Trong những phút dây mừng mừng tủi tủi bà ngắm nghía cậu từ đầu đến chân, với đôi mắt đầy ngấn lệ vì xúc động, bà quay sang vị Hán tử như tỏ lời tạ ơn chân thành nhất vì không có lời nói hay bút mực nào có thể diễn đạt được sự sung sướng và lòng biết ơn của bà.

    Từ đó, hàng năm bà đến thăm con và cúng dường công đức, và cậu bé ở lại núi rèn văn, luyện võ...

    Văn đã khởi phụng đằng giao
    Võ thêm ba lược sáu thao ai bì.
    (Lục Vân Tiên)

    Cung một mùa xuân 18 năm sau, trong lúc tiễn mẹ ra về, chàng thanh niên chạy theo...Người sư phụ nhìn theo người học trò yêu mà lắc đầu...Hơn 20 năm tu luyện trên sơn động, mà lòng chàng cũng chưa dứt được căn duyên... và từ đó, hàng năm chàng được phép theo mẹ về quê ba tháng, học tiếng Việt. Rồi sau đó, chàng xin phép thầy sang Pháp du học. Tốt nghiệp kỹ sư công chánh.

    Ðể kết luận cho bài viết này - xin giới thiệu với quý vị...
    Người Hán tử trung niên là sư phụ Lý Văn Tân, chưởng môn của Thánh Ðịa La Phù Sơn.


    Nam Hải Chân Nhân

    Ðứa bé ấy là cháu 4 đời của cụ Tam Nguyên Yên Ðỗ Nguyễn Khuyến, và là người khai sáng Hồng Gia Việt Nam.
    Hiệu là Nam Hải Chân Nhân. Tên Nguyễn Mạnh Ðức.




    -----------------------------------------------------------------------------

    Trượng Phu Quyền


    La-Phù Sơn nằm giữa Quảng-Châu và Huệ-Châu. Trước thời nhà Ðường, vùng này thuộc đất Giao-Chỉ. Tương truyền tại La-Phù nửa đêm có thể nhìn thấy mặt trời. Núi có hai lầu đá, chùa Diên-Tường ở lầu Nam; động Chu-Minh ở phía sau Xung-Hư quán, được coi là động thứ bảy của cõi Bồng-Lai. Sau quán Xung-Hư có đàn Triều-Ðẩu (đàn ngắm sao) của Chu-Minh Chân-nhân. Vùng này nghe đồn có nhiều đan sa, nên Cát-Hồng tự Bảo-Phác-tử đời Ðông Tấn thích phép Ðạo-dẫn của thần tiên, đã đưa gia đình về đây để luyện tiên đan, trường sinh bất tử. Ngoài ra ngọn núi này cũng là nơi xuất phát của môn phái Hồng-Gia Quyền, Huyền Công La-Phù sơn.

    Từ nghìn xưa, Hồng-Gia là một môn phái đứng hàng đầu trong Thập Ðại danh gia của võ lâm Trung-quốc (Hồng, Lưu, Lý, Thái, Mạc, Phật, v.v...). Ðệ tử của giòng phái này được chia làm hai nhánh rõ rệt. Nhánh nội-gia gồm những người đã quyết-tâm rũ bỏ bụi trần, chọn con đường tu hành để tìm nguồn tịnh độ; nhánh tục-gia là hậu-duệ của những anh hùng, hào kiệt được tuyển chọn lên La-Phù, chịu sự rèn luyện, hun đúc để trở nên những bậc anh tài, văn võ kiêm toàn. Môn đệ Hồng-Gia quyền khi hành hiệp thấy việc nghĩa thì không thể không làm, nên thường được thiên hạ quý trọng đặt danh hiệu cho môn phái là "Trượng-Phu-Quyền". Vào những thế kỷ gần đây, khi quân Mãn Thanh xâm chiếm Trung-Hoa lục địa, triệt hạ nhà Minh và đặt ách cai trị khắc nghiệt trên toàn lãnh thổ, khắp nơi quần hùng nổi dậy. Với hoài bão "Phản Thanh, Phục Minh", trong cuộc trường kỳ kháng chiến, chỉ riêng Hồng-Gia đã hy sinh khá nhiều anh tài, nhân kiệt cho lý tưởng cao thượng này. Ðến đời chưởng môn thứ tư, năm 1949 Ðảng Cộng-Sản Trung-Hoa nổi lên cướp chính quyền, e ngại truyền thống cách mạng của La-Phù, Mao-Trạch-Ðông ra lệnh truy kích và tận diệt toàn bộ cơ cấu của Hồng-Gia Quyền. Sau cơn đột biến, chỉ có một số ít đệ tử Hồng-Gia thoát nạn. Trong số này có môn đồ Nguyễn-Mạnh-Ðức, hiệu Nam-Hải Chân-Nhân (1), sau này trở thành chưởng môn đời thứ năm của giòng phái Huyền-Công La-Phù Sơn, và ông cũng chính là Sư-tổ sáng lập môn phái Hồng-Gia Việt-Nam.

    Nam-Hải Chân-nhân thuộc giòng dõi của cụ Tam-nguyên Yên-Ðổ, một đại thần triều Nguyễn. Buổi thiếu thời mang trong người nhiều tật bệnh, nhờ cơ duyên được một vị Chân-nhân cứu tử, nhận làm dưỡng tử và đưa lên La-Phù truyền thụ võ công. Sẵn thiên khiếu, không những tinh thông thập bát ban võ nghệ ông còn am tường Dịch-học, và nắm vững toàn khâu của bộ Thái-Ất chân kinh. Khi lãnh địa La-Phù bị tàn phá bởi cơn Hồng-Thủy, để trả nghĩa sư phụ, ông đã xả thân giúp đỡ một số đông huynh đệ đào thoát qua Ðài-Loan, một số khác theo ông xuyên bộ trở về Bắc-Việt trong khi tình thế hết sức nguy kịch, khẩn trương. Ðiều này đã nói lên tinh thần tích cực, lòng đôn hậu, tính trọng nhân nghĩa của ông đối với tha nhân nói chung, và với đồng môn nói riêng, cho dù không cùng chung một huyết thống, giống nòi.

    Thời gian này, đất nước Việt-Nam hoàn toàn bị thống trị, dầy xéo bởi thực dân Pháp và bè lũ tay sai, tham quan, ô lại. Triều đình thì hủ bại, lây bệnh giáo điều của Tống-Nho, giới trí thức tân học bị ru ngủ bởi bả vinh hoa, phú quý, nên chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ quên mất hận vong quốc, khiến tinh thần nhân dân ly tán, sinh lực dân tộc ngày càng kiệt quệ. Thảm hại hơn nữa, chính quyền thực dân còn có cả những chính sách cai trị cực kỳ thâm hiểm. Họ chủ trương đầu độc, làm sa đọa thanh thiếu niên Việt-Nam, đồng thời hủ hóa và bóc lột giới trung lưu, là thành phần có học, tương đối lãnh đạo được nông, công nhân. Tất cả những thủ đoạn trên đây không ngoài mục đích làm suy yếu, hủy diệt tiềm năng tranh đấu, ý chí quật cường, truyền thống cách mạng của dân tộc.

    Trong một bối cảnh lịch sử nhiễu nhương, Nam-Hải Chân-nhân, đường đường Chưởng-môn đời thứ năm của một danh phái đã phụng mệnh sư phụ trở về quê mẹ, mang theo những tinh hoa Võ học, Dịch học, Y học của tiền nhân ưu ái trao lại cho người nước Nam. Là bậc võ công cái thế, văn võ song toàn, nhưng chỉ riêng tâm tư đầy ắp tình dân tộc của ông đã đủ là một hấp lực lôi cuốn thanh niên, nam nữ gia nhập Hồng-Gia Việt-Nam trong giai đoạn này. Giai đoạn đất nước qua phân, trật tự xã hội đảo lộn, luân thường, đạo lý trên đà suy thoái. Sự xuất hiện của Hồng-Gia Việt-Nam đã khiến nhiều người kinh ngạc, bàng hoàng và thán phục! Không hẳn vì những chiêu thức "Ma vân thủ" biến ảo khôn lường, chưa phải ở phần nội lực sung mãn của những "Thiết bố sam" hoặc "Kim chung cháo", hay ở bộ pháp linh hoạt, đầy địa sát khí của 108 thế "Ðịa đường tấn". Nhưng chính ở những tâm pháp "Xả kỷ tùng nhân", "Tiên ưu, hậu lạc", "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín", tuy là những sắc thái đặc thù của Nho học, nhưng khi được ông phát huy theo không gian, thời gian của giòng Việt-nho đã đánh động, chinh phục nhân tâm đang hoài vọng chạy theo những trào lưu Âu, Á. Trong khi đó tại non sông nhà cả một kho tàng văn hóa hiển lộng đã khiến văn học giới Tây phương không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt khi vừa chạm đến.

    Khi chuyên cần luyện tập nội công và quyền pháp của Hồng-Gia, chúng ta sẽ nhận ra những nét thuận nghịch của Âm Dương, khám phá được sức vận chuyển âm thầm nhưng tinh tế của ngũ hành. Hoặc đi xa hơn nữa qua Ðạo-Ðức kinh, ta lại bắt gặp ẩn tàng những tuyệt kỹ võ công mà tiền nhân đã có ý gởi gấm, trao lại cho hậu thế. Ngoài những quan niệm khá phổ thông như dùng hình ảnh "nước mềm mà làm mòn đá cứng" để ám chỉ việc lấy nhu nhược thắng cương cường, hoặc "không họa nào lớn hơn bằng khinh địch" nhắc nhở ta luôn cẩn trọng trước đối thủ. Còn có những ẩn dụ tinh diệu như "ba chục căm xe kết lại thành bánh xe, nhưng phải có chỗ hổng ở giữa bánh xe mới quay được" ngụ ý muốn nói cái chỗ không có gì cũng có cái công dụng của nó, tức quan niệm hư vô của Vô-Cực công (2), hay trong chương 66 "nước từ trăm nguồn đều chảy về biển, vì lẽ biển thấp hơn" hồ như muốn gợi ý cho chúng ta nên có tinh thần khiêm hạ, nhún nhường thì người khác mới tìm đến mình. Chợt đến khi áp dụng vào tấn pháp lại đạt đến trạng thái cực tĩnh để quán thông được nhất cử, nhất động của đối phương. Ðây chính là cái tĩnh của những bậc thánh hiền khi tâm tư đã lắng đọng để giao hòa cùng thiên nhiên, vạn vật.

    Hai mươi năm sau, thanh niên Lý-Hồng-Thái đứng lên nhận lãnh trọng trách từ tay Sư-phụ, và cũng là thân phụ của ông trao phó: xiển dương giòng phái, mang những tinh hoa võ học của người xưa truyền lại cho người Việt-Nam. Từ những võ quán của Hoa-kiều trong Chợ-lớn, đến những làng mạc hẻo lánh của những địa danh xa lạ như Tân-Khánh, Trà-Bà, U-Minh thượng, U-Minh hạ, v.v...Ông đã nhiều lần thi triển và trình bày sự ảo diệu của Hồng-Gia Quyền, khiến nhiều người ngưỡng mộ và cảm phục tặng ông danh hiệu "Ma Vân Thủ" (ý nói quyền pháp ẩn hiện như mây vờn, sóng lượn), một kỹ thuật tối cao của quyền thuật ngay cả những cao thủ trong làng võ lâm Trung-Hoa từng nghe nói đến, nhưng chưa được hân hạnh chân-diện-mục.

    Hiện nay tại quê nhà, danh hiệu Hồng-Gia Việt-Nam đã được nhiều người biết đến. Mười ba quận tại đô thành, là nơi 13 trung tâm huấn luyện của Hồng-Gia Việt-Nam đang luân phiên hoạt động. Lục tỉnh miền Tây, là sáu chi nhánh của giòng phái đang vươn mình lớn mạnh. Tại Hoa-Kỳ, ngoài trụ sở Tổng-Ðàn đặt tại thị xã Westminster, còn có sân tập của anh Chương tại San Jose, và ở Washington D.C. sẽ có thêm võ đường của anh Lê-Văn-Trí. Kế đến là Pháp, Ðức, Úc, Gia-Nã-Ðại là những nơi có đông đảo người Việt sinh sống đều có những sinh hoạt của Hồng-Gia Việt-Nam. Và trong tương lai rất gần Hồng-Gia Việt-Nam hy vọng cũng sẽ góp mặt tại Palaguan, Phi-Luật-Tân. Nơi có trên 2,000 người Việt tị nạn qua sự vận động của Hội-Ðồng Giám-Mục Phi, đã được chính quyền nước này cho phép định cư.

    Ngày nay, trên huy hiệu của giòng phái, ba chữ La-Phù-Sơn đã được gắn liền với sinh mệnh của Hồng-Gia Việt-Nam, như biểu hiện cho tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc này. Một dân tộc tuy nhỏ bé hiếu hòa nhưng bất khuất và hào hùng. Suốt giòng lịch sử đã dung hòa được Tam giáo để tiếp nhận những tinh túy của văn hóa Hán tộc, từ đó kết hợp với những nét đặc thù của văn hóa dân tộc để chế biến thành một lợi khí sắc bén trong công cuộc lập quốc, trấn quốc và kiến quốc, xứng đáng được những nước đồng văn nghiêng mình nể trọng, kiêng dè như một văn hóa chi bang!




    Đại sư Lý Hồng Thái, thế hệ truyền nhân thứ 1 của Hồng Gia VN ,từ NAM HẢI CHÂN NHÂN Sư Tổ

    Khổng-Trung-Linh

    --------------------------------------------------------------

    Thần Khí Đạo

    Thời xưa, con người biết kính trời, trọng đất nên trong cách ăn ở, xử thế luôn luôn làm sao cho thuận với ý trời, hợp với lòng người. Để được đền bù, thuở ấy mùa màng tươi tốt, cây trái xinh tươi, đất đai phì nhiêu, mầu mỡ, con người sống thái hòa giữa thiên nhiên và vạn vật. Ngày nay, chỉ mới có khả năng khám phá những tài nguyên phong phú trong vũ trụ, con người tưởng mình đã có thể phát minh, sáng tạo, đôi khi còn muốn cướp quyền tạo hóa. Khi quan sát những hiện tượng như thiên tai, bão lụt, động đất, chiến tranh, hạn hán, mất mùa, môi sinh ô nhiễm, bằng con mắt thiêng liêng, chúng ta không khỏi lo lắng, quan ngại cho tương lai nhân loại. Phải chăng vì cách ăn ở của con người thời nay đã làm mất đi sự quân bình âm dương, đảo lộn trật tự vũ trụ? Hay nói theo Đạo Đức Kinh thì: càng học, càng đi xa đạo. Vì xa đạo, nên con người quên mất đi vị thế của mình trong cõi quần sinh, đánh mất đi phần nào chân tính thuần hậu vốn đã có sẵn phần thiên tính của mình (Thiên dịa dũ vạn vật đồng nhất thể). Qua bài này và loạt bài kế tiếp, nguyện vọng của người viết là muốn mượn lời và ý của người xưa, cộng với những chứng nghiệm bản thân để tái xác định vị trí của con người trong vũ trụ. Xác định lại vị trí con người đối với thiên nhiên và vạn vật: Con người vốn là sinh vật cao quý, một gạch nối giữa Trời và Đất có khả năng vươn lên tận trời cao để thông linh với thần linh.

    Thần Khí Là Gì?

    Thần Khí còn gọi là Nguyên Thần hay Vô Thức tiên thiên, do cha mẹ truyền cho, một trạng thái tinh thần tiềm ẩn, trong sáng, biểu hiệu cho sự tồn tại cao cả và thiêng liêng nhất của con người. Nguyên Thần trong nhiều kinh sách còn được gọi là Nguyên Tính. Đổng Trọng Thư đời Tây Hán xem Nguyên là cái gì nguyên thủy nhất trong vũ trụ. Trong"Xuân Thu Phồn Lộ" Đổng Trọng Thư trình bày rõ về tầm quan trọng của Nguyên Khí, ông viết:"Nguyên tức là nguồn.. vì thế Nguyên là gốc của Vạn Vật". Thần Khí hay Nguyên Thần vốn không phải là hoạt động tư duy, hoạt động ý niệm, mà nó thể hiện như trạng thái thơ ngây của trẻ thơ, song lại rất linh hoạt và có cảm giác rõ ràng. Trong Thai Tức kinh, Ảo Chân tiên sinh chú thích: Thai kết thông qua phục khí, khí đã kết, thai sẽ sinh thai tức, khí tự nhiên sẽ đi vào cơ thể. Khí đi vào cơ thể là sống, thần rời khỏi hình là chết. Hiểu rõ về thần khí có thể trường sinh, hãy giữ ở trạng thái hư vô để dưỡng thần khí. Thần hoạt động, khí sẽ hoạt động theo, thần ngừng, khí cũng sẽ ngừng. Nếu muốn trường sinh, thần khí phải hòa hợp, không tách rời nhau.. Vì thế Đạo gia coi Thần là Thái cực nơi cơ thể con người. Thần chủ đạo việc phối hợp khí hóa âm dương mà ta thường gọi là thần khí, thần sắc. Nên thần mất thì mạng tuyệt, vì các tạng có nhiệm vụ: can tàng hồn, tâm tàng thần, thận tàng tinh, phế tàng phách và tỳ tàng trí, ý. Như the,á thần luân chuyển hoạt động, biến hóa khôn cùng, không có nhân sinh nào mà không có thần ngự trị.

    Tinh Khí Thần

    Theo quan niệm của Đạo gia, con người là một tiểu vũ trụ. Vì thế khi Trời có tam bảo là: nhật, nguyệt, tinh tú. Đất có nước, lửa, gió. Thì người cũng có ba phần chính la:ø tinh, khí, thần. Trời có tam bảo nên hóa sinh ra vạn vật, nuôi dưỡng muôn loài, luân chuyển càn khôn. Đất có tam bảo khiến cho mưa thuận, gió hòa, cỏ cây tươi tốt, thời tiết có bốn mùa rõ rệt. Người có tam bảo nên nuôi dưỡng được thân thể, thần trí thông minh, sáng láng.

    Tinh: là chất dinh dưỡng hấp thụ từ thực phẩm sau khi được chuyển hóa cấu tạo nên cơ thể và dinh dưỡng cơ thể. Những gì đem lại sự sống gọi là tinh. Tinh do thận tiết ra, mà thận là chủ của thủy nhận lấy những tinh hoa của ngũ tạng, lục phủ mà tàng trữ, cho nên ngũ tạng hưng phấn thì tinh sung mãn.

    Khí: Là chất nhỏ bé khó nhìn bằng mắt thường như tinh khí của đồ ăn thức uống vận hành trong cơ thể. Khí là sức hoạt động của nội tạng như khí lục phủ, khí ngũ tạng. Như vậy khí bao gồm cả hai loại trên. Theo Đạo học thì khí trời hít thở vào phổi và khí hóa sinh trong đồ ăn thức uống đều gọi là khí hậu thiên. Còn khí chứa ở thận gọi là khí tiên thiên, vì nó bao gồm khí nguyên âm (thận âm) và khí nguyên dương (thận dương) hấp thụ ở tiên thiên, nên còn gọi là nguyên khí. Hai khí tiên thiên và hậu thiên bao trùm bốn thứ: nguyên khí, tôn khí, dinh khí và vệ khí.

    Thần: Thần là thái cực, là cửa huyền bí của đại não nơi cơ thể con người. Thần chủ đạo việc phối hợp khí hóa âm dương. Trong quyển Tiên Học Tự Điển, nơi câu Thân, Tâm, Ý Tam Bảo sách viết rằng: Tinh thì sinh ở Thận, Khí thì tàng ở Tâm, Thần thì ẩn trong Ý. Thân mà bất động thì Tinh hóa, Tâm mà bất động thì Khí hóa, Ý mà bất động thì Thần hóa.

    Đôi khi Tinh, Khí, Thần còn được gọi bằng những danh từ khác như là Thân, Tâm, Ý.

    Riêng khi bàn về Tâm, Bảo Thiên kinh của Phật giáo Đại Thừa có nhận xét như sau: Vạn pháp khởi từ Tâm. Hiểu được Tâm thì hiểu được vạn sự. Tâm có thể bốc như lửa, đốt cháy rừng núi. Tâm có thể dâng cao như thủy triều, lôi cuốn mọi vật theo giòng nước lũ. Bồ tát là những vị đã thông hiểu vạn sự phải cảnh giác, luôn luôn đề phòng những phát động bất ngờ của Tâm để khỏi bị nó sai khiến và ngược lại, phải thường xuyên chế ngự Tâm. Hễ chế ngự được Tâm thì chế ngự được vạn sự..... Đối với bồ tát là những vị đã thông hiểu đuộc vạn sự mà còn phải thường xuyên đề cao cảnh giác trước những phát động bất ngờ của Tâm, thì đối với chúng ta, những người bình thường còn đang trên đường tu tập thì chế ngự Tâm là điều thật nan giải, đòi hỏi nhiều công năng luyện tập. Trong tinh thần trên, chúng tôi xin được trình bàyThần Khí Đạo như một phương pháp để giúp hành giả luyện tập hầu khắc chế những biến động của Tâm theo quan niệm thủ Khảm điền Ly (điều hòa thủy hỏa) của Đạo gia.

    Pháp Thủ Khảm Điền Ly

    Phương pháp này là pháp điều hòa phần thực của mối quan hệ Tâm-Thận trong nội tạng khi mối quan hệ này gây ra các hiện tượng tương tranh về nhiệt làm cho trên nóng dưới lạnh, hay ngược lại dưới nóng trên lạnh.

    Thông thường những việc xảy ra bên ngoài làm ta tổn Tinh, hao Khí, động Tâm, thương Thần đều cò thể tượng trưng bằng quẻ Ly (Lửa, Bám Víu, 30 Bát Thuần Ly), bởi vì dùng thất khiếu để nói, nghe, nhìn, động thuộc tính chất quẻ Ly. Không dùng thất khiếu, không dựa vào những sự vật bên ngoài mà hướng nội là thuộc tính chất quẻ Khảm (Nước, Nguy Hiểm, 29 Bát Thuần Khảm). Hào âm ở giữa quẻ Ly tượng trưng cho hiện tượng tâm trí theo đuổi màu sắc và âm thanh, còn hào Dương ở giữa quẻ Khảm tượng trưng cho hiện tượng bớt nghe, ít nhìn. Nói rộng ra, các quẻ Khảm Ly là Âm Dương, Âm Dương là Tính Mệnh, Tính Mệnh là Thân Tâm, Thân Tâm là Thần Khí, chỉ cần thu hồi Tinh Thần, làm cho Tinh Thần không biến đổi tùy theo sự biến đổi của hoàn cảnh và sự vật bên ngoài, nghĩa là khi Khảm Ly thực sự giao hòa, Thần Khí tương hợp sẽ đạt đến sự an nhiên tự tại.

    Nếu luận theo Ngũ Hành, Tâm thuộc Hỏa, Thận thuộc Thủy. Khi tâm trí bị âm thanh và sắc tướng chi phối, lý trí bị lu mờ, chúng ta phản ứng theo tình cảm hoàn toàn do Tâm chi phối. Nhưng khi biết cách điều tức, ta sẽ dùng Thận Thủy để điều chế Tâm Hỏa . Hãy lấy một thí dụ như sau để chúng ta thấy được sự ứng dụng của pháp Thủ Khảm Điền Ly:

    Ta lật ngửa hai lòng bàn tay, một tay thì gồng cứng, một tay thả lỏng, buông lơi, mềm mại (nói lên lòng khiêm cung, từ tốn, đơn sơ, điềm tĩnh và quả cảm). Rồi nhờ một người dùng hết sức đè lên bàn tay gồng cứng. Theo phản ứng tự nhiên, khi bị áp chế hay khiêu khích, chúng ta cưỡng chống lại bằng cách dùng sức đẩy ngược bàn tay người đè để thoát khỏi sự kềm chế của đối tượng. Nhưng khi càng kình chống, chúng ta lại càng thấy sức nặng của đối phương tăng dần. Có thể bằng một thủ pháp nào đó, chúng ta sẽ thoát được vòng kềm tỏa của đối phương, nhưng cũng hao tổn nhiều khí lực. Cũng một bàn tay lật ngửa như vậy, nhưng khi cảm thấy sức nặng đè lên tay, ta nhờ một người khác nhỏ xuống một giọt nước, khi giọt nước chạm vào lòng tay thì ta thở hắt ra một hơi (phình bụng hít vào, xẹp bụng thở ra cho hết thán khí). Sức nặng đè nén sẽ biến mất và bàn tay đang bị kềm tỏa vuột thoát một cách nhẹ nhàng, thoải mái.

    Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng: khi tâm trí chủ động chúng ta phản ứng một cách có ý thức, có tính toán và sự tính toán này đôi khi không đưa lại kết quả mong muốn. Nhưng khi phó thác cho thần khí cai quản thân tâm mình, thì chúng ta lại rất bình tĩnh, sáng suốt thoát được nhiều hiểm nguy. Trở lại vấn đề Thủy Hỏa, khi bị dồn nén, Tâm (Hỏa) của chúng ta bốc như lửa, nhờ hơi thở hắt ra hay nhờ tác dụng mát lạnh của giọt nước (cả hai đều là Thủy) Tâm chúng ta sẽ trở nên tĩnh lặng, an hòa. Đây chính là chỗ ảo diệu của Thân Tâm hợp nhất.

    Phương Pháp Luyện Tập Thần Khí Đạo

    Bộ nội công Hồng-Gia gồm mười hai thế nội công căn bản và từ những thế này chúng lại sinh ảo, biến hóa ra những thế nội công phụ, tương tự như 64 quẻ trong Kinh Dịch được lập thành từ Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng và Bát Quái. Thật ra đây là những Chuyển Pháp-Luân công pháp giúp hành giả hàm dưỡng thân, tâm, khí, kình, thần để có một thân xác kháng kiện, một tinh thần sảng khoái, linh hoạt. Tuy nhiên, để luyện tập Thần Khí Đạo một cách có hiệu quả, hành giả cần phối hợp thế Phất Thủ và Thai Tức pháp:

    Thực Hành

    Khởi đầu đứng theo dạng Thái Cực Mã tấn, hai tay thả lỏng mếm mại, cổ tay cong lại, năm đầu ngón tay chụm vào nhau. Hít vào thật nhẹ đoạn chuyển sang Đinh tấn, phất hai tay về trước, đồng thời ngực ưỡn ra và thở hắt ra bằng cách hóp bụng tống hết thán khí ra ngoài, song lại chuyển về Thái Cực Mã tấn. Luyện đủ 36 lần chân trái rồi đổi qua chân phải.

    Kết

    Con người nếu diệt được Tâm Thức thì Thần khí sẽ sống: điều này trái với lẽ thường. Người bình thường chỉ biết sống thuận theo năm tháng, không hề biết rằng trong sinh có tử, trong hợp có tan. Song người theo Đạo gia sống theo Đạo pháp tự nhiên, đói ăn, khát uống, nên quay ngược từ chết trở về, như thế mới gọi là vào tử tìm sinh, phản bổn quy nguyên.

    Hạt giống gieo xuống đất phải bị hư rữa, mục nát đi thì mầm non mới đâm chồi nẩy lộc. Tiểu ngã có chết đi, thì Đại ngã mới triển dương được. Và khi Đại ngã triển dương thì Nguyên Thần sống, có nghĩa Nguyên Thần hòa đồng với Tâm Vũ Trụ (Đạo), đưa thần thức con người đến gần với tạo hóa để từ đó con người được sống đại hòa với thiên nhiên vạn vật.


    Lý-Hồng-Thái

    Sưu tầm từ trang chủ http://www.hong-gia.org
    Last edited by Bin571; 14-07-2019 at 12:52 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •