Sau một đêm, tranh “Bảo vật quốc gia” chẳng khác hàng nhái

MINH THI | 07/05/2019 03:59 PM


Trích đoạn bức tranh sau khi “vệ sinh” khiến giới họa sĩ bị sốc vì bị phá hỏng (trái) so với nguyên tác (phải).Bi kịch “vệ sinh tranh bảo vật bằng nước rửa chén” là nỗi đau của rất nhiều họa sĩ, khi nhắc đến vụ phá hỏng bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vừa qua.



Phá hỏng tranh vì tắc trách

Nói về vụ việc này, họa sĩ Hứa Thanh Bình - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh - đã phải thốt lên: “Không còn lời nào để nói nữa!” Bởi ông cũng như nhiều họa sĩ khác đều bị sốc và phẫn nộ trước hành động rửa tranh cẩu thả khó tưởng tượng nổi này.

Không những thế, có ý kiến cho rằng nên xem kỹ vụ việc này. “Ai rửa, ai đồng tình rửa? Bảo tàng có nhiều họa sĩ, quan chức và tác phẩm này ai cũng biết là báu vật, tại sao để xảy ra sự việc tày trời như vậy? Cần đánh giá độ hư hại của tác phẩm.
Và không loại trừ, có thể là sự tráo đổi và bức giả thì hư, bức thật thì vào kho cá nhân. Đây là cách nhìn ban đầu, giờ chỉ có cơ quan thẩm tra hình sự điều tra mới tỏ tường.

Tài sản quốc gia không thể kết luận vội vàng...” - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đặt câu hỏi và cả nghi vấn.
Đánh giá mức độ hư hại của tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - cho biết, do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Lưu Minh P. đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 để vệ sinh.

Điều này đã khiến bề mặt bức tranh bị can thiệp quá mức dẫn đến hư hại lớn với bảo vật quốc gia. Do bị tác động làm mất đi lớp sơn bề mặt nên liên kết giữa các mảng son, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí.

Ông Thành cho biết, hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm trên 30%.
Bức tranh này được UBND TP.Hồ Chí Minh đã bỏ ra mua với giá khoảng 100.000USD vào năm 1990 và trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Tranh được trưng bày và lưu giữ từ đó đến nay tại đây.

Năm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí là “Bảo vật quốc gia”.
Theo ông Vi Kiến Thành - Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh - thì cần xây dựng phương án và giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh; Giao việc tu sửa phục hồi tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt - người đã trực tiếp làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, hoặc họa sĩ có chuyên môn, uy tín cao trong nghề làm tranh sơn mài.
Việc tu sửa tới đây cần có sự phối hợp giám sát của Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Bức tranh sau khi “vệ sinh” (dưới) và nguyên tác (trên). Ảnh: P.V

Hồi chuông cảnh báo

Tuy xét về phần tổng thể, bức tranh bị phá hỏng 30% song xét về phần hồn của bức tranh thì khó có thể khôi phục nguyên trạng. Đó là một tổn thất không nhỏ cho một bảo vật quốc gia. Chính vì thế, việc trùng tu, phục hồi, vệ sinh tranh cũng đòi hỏi các chuyên gia cao cấp.

Trong một buổi hội thảo về phục chế tranh mới đây, bà Bùi Thanh Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết: Thử thách trước mắt là vấn đề về nhân sự.
Vì nhân sự cho ngành bảo quản và phục chế tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải có học vấn, được đào tạo về mỹ thuật, có hiểu biết sâu sắc về khoa học tự nhiên và say mê với nghề nghiệp.


Chúng ta chưa có những nhân sự cao cấp đủ điều kiện để đầu tư đào tạo phát triển chuyên môn. Vì thế, bảo tàng đã nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Đức thông qua sự hợp tác với Viện Goethe và Trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức).
Các chuyên gia Đức sang làm việc tại bảo tàng, đồng thời cán bộ, nhân viên của trung tâm cũng được sang Đức để tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn.

Trước đây, ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác phẩm có giá trị bị hư hỏng nặng vẫn phải nhờ đến bàn tay của chuyên gia nước ngoài.

Đó là trường hợp của bức tranh “Em Thúy” (họa sĩ Trần Văn Cẩn) được các chuyên gia Anh phục hồi. Bức sơn mài “Nam Bắc một nhà” (họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ), “Hội chùa” (họa sĩ Lê Quốc Lộc) do chuyên gia từ Mỹ giúp đỡ tu sửa.
Bức “Mẹ con” (họa sĩ Lê Thị Kim Bạch), “Uống rượu cần” (họa sĩ Kà Kha Sam) có sự phối hợp phục chế của các chuyên gia Đức…

* “Không loại trừ, có thể là sự tráo đổi và bức giả thì hư, bức thật thì vào kho cá nhân. Đây là cách nhìn ban đầu, giờ chỉ có cơ quan thẩm tra hình sự điều tra mới tỏ tường. Tài sản quốc gia không thể kết luận vội vàng...” (theo nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng)

* Đang gióng lên hồi chuông báo động về cách ứng xử thô bạo, thiếu hiểu biết với các tác phẩm nghệ thuật. Trong vụ việc phá hỏng bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” nhất định phải làm rõ trách nhiệm của Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nếu không bi kịch này sẽ còn tiếp diễn.