Lập trình viên, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, "cha đẻ" của nhiều ứng dụng, viết sách...đó lý lịch trích ngang của Tanmay Bakshi, 14 tuổi.

Cậu bé gốc Ấn đang sống ở Ontario, Canada này còn là diễn giả tại TEDx Talk và các hội nghị thượng đỉnh IBM Watson trên khắp thế giới...

Tự học và tự học

Lúc lên 5, Bakshi được cha dạy lập trình.
Năm lên 7, cậu tự tạo cho mình một kênh trên YouTube để tải lên các bài hướng dẫn về lập trình và phát triển trang web. Với mỗi video, cậu luôn nhận được hàng ngàn câu hỏi từ nhiều người trên khắp thế giới.


Lên 8, cậu tự học cách viết ứng dụng trên hệ điều hành iOS. Khi chuẩn bị bước sang 9 tuổi, cậu chính thức có được ứng dụng đầu tay của mình trên Apple Store.
Nhưng rồi theo thời gian, cậu bắt đầu mất hứng thú với lập trình, vì "cháu luôn cảm thấy rằng công nghệ rất hạn chế. Mỗi khi cháu đưa ứng dụng nào đó lên là nó sẽ trở nên lỗi thời rất nhanh sau đó", cậu bé chia sẻ.

Ở tuổi 11, có một sự kiện khiến cậu quyết định rẽ sang một hướng đi mới. Số là trong lúc tải video lên YouTube, cậu tình cờ xem được một bộ phim tài liệu về chiếc máy Watson hoạt động bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của IBM và cách nó tham gia tranh tài trong chương trình truyền hình Jeopardy.


Đó là lần đầu tiên cậu nghe về AI, và ngay lập tức nó xua tan nỗi chán chường của cậu.




Tanmay Bakshi - (Ảnh: SBS).

Trong vòng một tuần, cậu đã tạo ra ứng dụng Watson đầu tiên của mình. Được đặt tên là "Ask Tanmay", ứng dụng này phản ứng với các câu hỏi bằng cách cân nhắc những câu trả lời tốt nhất trước khi phát ra câu trả lời.


Không lâu sau đó, cậu lại tình cờ bắt gặp một dịch vụ của IBM có tên là Document Conversion, vốn đang "hot" lúc đó. Mục tiêu chính của phần mềm này là chuyển đổi các tài liệu từ định dạng này sang định dạng khác, chẳng hạn như từ PDF sang HTML.
Trong vài phút "vọc" phần mềm này, Bakshi đã phát hiện ra một lỗi. Thế là, cậu đưa nó lên một trang web chuyên về lập trình và tài khoản Twitter của mình.
Không lâu sau IBM liên hệ với cậu, và hai trong số các nhân viên đó trở thành người hướng dẫn và giúp cậu cộng tác với IBM.
"Nhờ cha mẹ nuôi dưỡng đam mê"

Kể từ đó, gã khổng lồ công nghệ này đã dành cho cậu nhiều cơ hội nói chuyện tại các hội nghị mà công ty này tổ chức. Tại hội nghị Interconnect, Bakshi là diễn giả chính trước 25.000 người và tại hội nghị IBM Developer ở Bengal, Ấn Độ, cậu lại được nói trước 10.000 người.
Chuyên môn xuất sắc về AI đã mang lại cho cậu nhiều lời khen và phần thưởng giá trị. Sau khi diễn thuyết tại hội nghị thượng đỉnh ở Dubai hồi năm 2017, cậu được tặng giải thưởng Đại sứ kiến thức từ Đức vua Mohammed bin Rashid Al Maktoum. Cậu cũng được giải IBM Cloud Champions và hiện là cố vấn danh dự cho chương trình này.
Dẫu vậy, Bakshi không chỉ dành thời gian để nói chuyện tại các hội nghị và "sưu tầm" giải thưởng. Cậu thiếu niên này cũng đang nỗ lực để cải thiện cuộc sống của những người khác.
Công trình mới nhất của cậu là "mạng thần kinh", một hệ thống máy tính mô phỏng bộ não và hệ thần kinh của con người.
Về lý do vì sao lại chọn dự án hóc búa này, cậu giải thích rằng con người có thể phạm sai lầm hơn trong ngành chăm sóc sức khỏe. Đó cũng là môt lĩnh vực phải kết hợp "cả tấn dữ liệu" và sử dụng phương pháp "thử và sai", làm chậm đi nhiều quy trình y khoa.

Tuy nhiên, cậu thừa nhận kiến thức của mình vẫn còn hạn chế.
Để phát triển hơn trong quá trình học hỏi này, Bakshi dự định sẽ vào đại học nhưng vẫn chưa quyết định chọn trường nào.


Theo CNBC, các tên tuổi lớn như MIT, Stanford và Harvard đã lọt vào tầm ngắm của cậu vì "họ đã có các công trình nghiên cứu tuyệt vời về những đề tài mà cháu thấy hứng thú".




Tanmay Bakshi đang sắp viết xong quyển sách thứ hai - (Ảnh: CNBC).


Về công việc, cậu đang xem xét chuyện gia nhập các đội ngũ nghiên cứu và phát triển của những "đại gia" như IBM, Google, Microsoft và Apple, nhưng cho biết "sẽ không tự giới hạn mình".



Sau khi viết xong quyển sách "Xin chào Swift: Lập trình ứng dụng iOS dành cho trẻ em và người mới bắt đầu", giờ đây cậu đang cố gắng hoàn tất quyển sách thứ hai về chiếc máy Watson.


Cậu bé 14 tuổi này cho rằng thành công của mình là nhờ cha mẹ, những người đã nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu của cậu và luôn tự hào về công việc của con trai mình.
"Cha mẹ đã cho em được tiếp xúc với máy tính và cung cấp những tài nguyên phù hợp khi em cần chúng nhất. Nếu không có sự ủng hộ của gia đình thì giấc mơ của em sẽ không tiến xa được đến thế", cậu chia sẻ.


Theo Tuổi Trẻ