Lời tựa
Lời giới thiệu
1. Chú Lăng Nghiêm: vua cứu cánh kiên cố trong các định
2. Lực đại oai thần của chú Lăng Nghiêm

Phần thứ nhất: Tuyên Hóa Thượng nhân khai thị
1. Tôi dùng máu, dùng chân tâm của tôi mà giảng giải Chú Lăng Nghiêm
2. Tụng Chú Lăng Nghiêm để giúp đỡ cho trời đất
3. Linh văn cứu giúp thế giới tránh khỏi ngày tận thế
4. Tâm thành ắt linh
5. Hãy phát đại tâm vì toàn thế giới mà trì tụng Chú Lăng Nghiêm
6. Chân tâm thành ý tu tập Chú Lăng Nghiêm
7. Người học Chú Lăng Nghiêm chính là hóa thân của Phật
8. Đại đức đại thiện mới đạt được
9. Có Chú Lăng Nghiêm là có chánh pháp
10. Chí tâm trì tụng sẽ đạt được diệu định
11. Chú Lăng Nghiêm - Đại biểu cho Chánh Pháp
12. Trì giới tu định sanh trí tuệ

Lời Tựa

Lời Giới Thiệu




“Nay giảng chú Lăng Nghiêm này, là phát xuất từ trong lòng tôi, cũng có thể nói đó giống như máu của tôi, mồ hôi của tôi vậy. Tôi đã dùng chân tâm của chính mình để giảng giải.” Hòa Thượng Tuyên Hóa cả đời ra sức hoằng dương, tận tụy hộ trì Chú Lăng Nghiêm, và Ngài đã dùng từng bài kệ bốn câu để chú giải cho mỗi câu văn chú, đơn giản rõ ràng tiết lộ được hàm nghĩa thâm sâu của Chú Lăng Nghiêm.

Quyển “Thiên Địa Linh Văn Cứu Thế Giới” gồm có ba phần, trong đó ghi chép lại những lời khai thị và vấn đáp của Hòa Thượng có liên quan đến Chú Lăng Nghiêm, cùng nhiều bài tự thuật về những cảm ứng trong việc trì tụng chú này của các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Hòa Thượng. Hy vọng có thể khiến cho những người chưa tin tưởng sẽ tin tưởng, người đã tin rồi thì càng thêm tinh tấn, tất cả cùng nhau phát tâm trì tụng bài văn linh thiêng cứu giúp cho thế giới không đến ngày tận thế này – Chú Lăng Nghiêm.





1. Chú Lăng Nghiêm — Vua Cứu Cánh Kiên Cố Trong Các Định

Người có đức hạnh mới có thể gặp được pháp này, người không có đức hạnh cho dù được gặp thì cũng không thể nào hiểu được!


◎ Hòa Thượng Tuyên Hóa



Có bài kệ tụng rằng:

Cứu cánh kiên cố định trung vương,

Trực tâm tu học chí đạo trường.

Thân khẩu ý nghiệp tu thanh tịnh,

Tham sân si niệm yếu tảo quang,

Thành tắc cảm ứng hoạch hiện chứng,

Chuyên năng thành tựu đại thần thông.

Hữu đức ngộ tư linh diệu cú,

Thời khắc mạc vong thiệu long xương.

Tạm dịch:

Vua cứu cánh kiên cố trong các định,

Trực tâm tu học đến đạo tràng.

Nghiệp thân khẩu ý nên thanh tịnh,

Niệm tham sân si phải quét sạch.

Thành ắt cảm ứng đạt hiện chứng,

Chuyên nhất thành tựu đại thần thông.

Có đức gặp được câu linh diệu,

Giờ khắc chớ quên hoằng dương tiếp.

Lăng Nghiêm là tiếng Phạn, dịch là tất cả mọi việc đều chắc chắn rốt ráo, cũng tức là nghĩa của “định”, định này là vua trong tất cả các định.

“Cứu cánh kiên cố Định trung Vương”: (Là vua cứu cánh kiên cố trong các định): Chú Lăng Nghiêm là vua, đứng đầu trong tất cả các loại định lực.

“Trực tâm tu học đến đạo trường”: Chúng ta tu Đạo thì phải dùng tâm ngay thẳng, không nên dùng tâm quanh co. Chỉ có trực tâm--tâm ngay thẳng--mới có thể giúp chúng ta đạt được mục đích. Nếu quý vị cứ dùng tâm khúc mắc quanh co mà tu Phật Pháp thì không thể nào tu thành được.

“Thân khẩu ý nghiệp phải thanh tịnh”: Tu pháp này, chúng ta cần phải về miệng thì không nói lời gian dối, không nói lời không thật, không nói lời thêu dệt trăng hoa, không nói lời đâm thọc (hai lưỡi), cũng không nói lời độc ác; về thân thì không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

“Niệm tham sân si phải quét sạch”: Trong từng ý niệm một đều không được khởi lòng tham, sân, si. Như thế, khi ba nghiệp thân khẩu, ý đều được thanh tịnh, tức là “tổng tâm” vậy!

“Thành ắt cảm ứng đạt hiện chứng”: Phải có lòng thành mới có thể có đại cảm ứng, hiện tại liền chứng đắc năng lực không thể nghĩ bàn của thần chú.

“Chuyên nhất sẽ thành tựu được đại thần thông”: Nếu tâm quý vị được chuyên nhất, tâm không phóng túng, không có tạp niệm, thì có thể thành tựu đại thần thông. Chú Lăng Nghiêm gồm có năm hội, với ba mươi mấy đoạn pháp. Trong chú lại có rất nhiều pháp như pháp hàng phục, pháp dẫn dụ, pháp trừ tai, pháp tăng ích, pháp thành tựu, pháp kiết tường...

“Có đức gặp được câu linh diệu”: Người có đức hạnh mới có thể gặp được giáo pháp này. Người không có đức hạnh cho dù có gặp được thì cũng không hiểu được chương cú thần diệu thâm sâu không thể nghĩ bàn này.

“Giờ phút chớ quên hoằng dương tiếp”: Trong từng giây từng phút, chúng ta không được quên mất giáo pháp này, nếu chúng ta có thể thành tâm chuyên nhất thì sẽ khiến cho Phật Pháp được hưng thịnh.

Trên đây là giảng đại khái về Chú Lăng Nghiêm, nếu nói tỉ mỉ thì không thể nào nói cho hết được. Quý vị muốn hiểu rõ hơn thì phải tự mình nghiên cứu cho tường tận. Đây là diệu pháp mà cả trăm ngàn muôn kiếp e rằng khó gặp được, do đó, quý vị chớ nên để vuột mất cơ hội hiếm có này.



2. Đại Oai Thần Lực Của Chú Lăng Nghiêm

Tôi muốn đời đời không ngừng giữ gìn giáo pháp phi thường và sự tu tập này,

bởi vì sự tiêu vong của chúng chính là bước mở đầu cho sự hủy diệt của Phật Giáo!

Bài viết của Tỳ Kheo Ni Hằng Trì
Dịch ra tiếng Hoa: Tôn Lệ Ngọc



Tín đồ Phật Giáo quyết định phương pháp tu hành như thế nào? Trong tất cả các pháp môn thì phương pháp nào là thích hợp với tôi, với chúng ta, với họ nhất? Chúng ta nên theo tiêu chuẩn nào để lựa chọn phương pháp tu hành cho mình trong đời này?

Đó chính là vấn đề mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều sau khi gặp được Phật Giáo. Lúc đó là vào những năm cuối của thập niên 60, sự “tìm kiếm” Phật Giáo của tôi trong đời này đã dẫn dắt tôi đến với ngôi Giảng Đường Phật Giáo tại khu phố Hoa kiều (China town) ở San Francisco. Lúc đang cùng với một nhóm người ngồi tĩnh tọa dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Tuyên Hóa trong một thính đường nhỏ, tôi tự hỏi không biết là do một đoạn nhân duyên nào đó trong đời quá khứ, đã bắt đầu dẫn dắt tôi hướng đến Phật Giáo vào thời điểm này trong đời này? Quan trọng hơn nữa là tôi bắt đầu kiểm điểm, để ý xem tôi nên gieo xuống hạt giống gì trong đời này, ngõ hầu có thể bảo đảm trong đời sau và những đời vị lai của mình, tôi đều có thể tiếp tục kết nhân duyên với Phật Giáo.

Trên băng ghế dài trong thính đường bày biện đơn sơ, tôi ngồi thiền từ giờ này qua giờ khác, hồi tưởng về ấn tượng ban đầu của tôi đối với vị Thượng sư thông thái của chúng ta–Tuyên Hóa Thượng Nhân—mà sự giáo huấn đầy trí huệ của Ngài đã ảnh hưởng sâu sắc tới tinh thần của tôi, đến nỗi dư âm vang vọng lại thì có một số vẫn còn có thể nhớ rõ rệt được, song còn có một số thì mờ nhạt không thể nào tìm thấy. Hòa thượng vô cùng khiêm tốn, hòa nhã hiền từ; vả lại, không còn nghi ngờ gì nữa, tuy đối với trong ngoài gì của mỗi chúng ta, Ngài đều rất thấu rõ, nhưng Ngài lại dùng phương thức chính diện để giáo dục chúng ta, khiến cho chúng ta vẫn giữ được sự tự tôn.

Mùa hè năm đó, Sư Phụ giảng giải Kinh Lăng Nghiêm, và khuyến khích mọi người chăm chỉ học bộ kinh này. Trong phần bổ sung nói rõ thêm, Ngài đặc biệt chú trọng Chú Lăng Nghiêm, việc ăn chay trường và ngồi thiền (tĩnh tọa). Ngoại trừ rất nhiều lời dạy dỗ khai thị Ngài để lại cho chúng ta ra, Ngài từng nói rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy cho chúng ta rằng ngay trong thế giới và thời đại mà chúng ta đang sống này, đối với nhân loại mà nói, pháp diệt thật ra vẫn là xu thế tất nhiên!

Sau khi học Kinh Lăng Nghiêm, tôi ngồi thiền trở lại, và khám phá ra tầm nhìn của bản thân không chỉ mở rộng đến việc tương lai trong Phật Giáo tôi phải nỗ lực như thế nào, mà cho đến việc tôi nên làm gì để có thể thực sự bảo vệ được tương lai của Phật Giáo. Tự suy gẫm, thì đó phải chăng chính là thời khắc mà sơ phát tâm của tôi vừa mới sanh khởi? Tôi là một tín đồ Phật Giáo, cũng nguyện cho đời hiện tại và đời vị lai, người người đều có cơ hội trở thành tín đồ Phật Giáo, làm cho chúng ta cuối cùng đều được cùng nhau đến Viên giác.

Hiện tại tôi đã biết được đời này mình nên nỗ lực trong việc tu tập như thế nào. Tôi phải làm cho giáo pháp phi thường và sự tu luyện này được giữ gìn đời đời, không bị mất đi, bởi vì sự tiêu vong của nó chính là bước khởi đầu cho sự hủy diệt của Phật Giáo. Sư Phụ nói với chúng tôi rằng giáo pháp này chính là: Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm. Bản thân tôi đã làm gì để giữ cho Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm không bị suy tàn? Mỗi ngày, tôi lật kinh điển ra, đọc tụng, nghiền ngẫm, rồi học thuộc lòng. Tôi đã gia nhập hàng ngũ dịch kinh từ Hoa ngữ sang Anh ngữ; tôi cũng đã học thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm, sau đó còn chuyên cần tụng đọc thêm. Tôi lấy kinh giáo làm quy tắc chuẩn mực để làm việc, nguyện cùng chia sẻ với những người hữu duyên muốn nghe những điều này.

Thế giới không tốt đẹp hoàn toàn, chúng ta cũng không hoàn toàn tốt đẹp. Chúng ta sống trong môi trường mà tất cả mọi sự đều là tương đối, không tránh khỏi lúc nào cũng phải đối mặt với việc phải đưa ra sự lựa chọn “cân nhắc chọn một trong hai điều hại.” Muốn tìm ra đáp án trong vô cùng vô tận pháp tương đối này, chúng ta phải mạnh dạn, phải có dũng khí “người sau tiếp bước người trước,” vượt qua gian khổ. Xoay chuyển tình thế khó khăn, bảo toàn thân mạng mà lùi bước, là những thách thức mà suốt đời chúng ta phải đối mặt. Nhưng để ứng phó với thử thách, năng lực chúng ta cần phải có chính là duy trì tâm thái linh động, luôn luôn sẵn sàng đưa ra những quyết định ngay thẳng công bằng, không thiên vị, phải giữ sự quân bình; làm việc tất nhiên phải nhanh nhẹn linh hoạt, một khi đề cập đến vấn đề nguyên tắc thì không còn chỗ để thương lượng.

Đối với tôi mà nói, tôi chưa từng làm chuyện vô ích, đây cũng chính là lý do vì sao kể từ ngày tôi được học Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm từ Hòa Thượng, tôi bắt đầu phát nguyện lập chí đối với kinh chú, quyết không thay đổi. Kinh này nói rõ nơi chúng ta đang ở là một thế giới như thế nào, chúng ta phải làm sao để có thể sống chung được với nó, dứt khoát buông bỏ thói “muốn gì làm nấy” của người đời; tất cả những điều này đều là những chỉ dẫn trong cuộc sống thường nhật của tôi. Năng lực tiềm ẩn và không khí thanh tịnh của chú này mang lại cũng khiến cho tôi kinh ngạc vô cùng; từ âm đầu tiên cho đến âm cuối cùng, tụng đi tụng lại, biến này sang biến khác, giống như có một sợi dây, đem đại oai thần lực của nó đan kết thành những sợi ngang sợi dọc trong sinh mạng của chúng ta một cách chắc chắn vậy.







Phần Thứ Nhất: Lời Khai Thị Của Hòa Thượng Tuyên Hóa



1. Tôi Dùng Máu Của Tôi, Chân Tâm Của Tôi Để Giảng Giải Chú Lăng Nghiêm

Hễ người nào niệm thì người đó được có cảm ứng, người nào trì tụng thì người đó được Bồ Tát Kim Cang Tạng hộ trì!




Chú Lăng Nghiêm là bài chú dài nhất, cũng gọi là “linh văn”, bởi vì nó quá linh thiêng, quá vi diệu, kỳ diệu không thể nói được, hễ ai đọc thì người đó có cảm ứng, ai trì tụng thì người đó liền được Bồ Tát Kim Cang Tạng hộ trì. Cho nên quý vị tu thần chú này thì cần phải chánh tâm thành ý, tu thân, cách vật; thế nào là “cách vật”? Tức là xa rời tất cả vật dục, cũng chính là không có tâm tham; nếu quý vị có thể “cách vật trí tri,” thành ý chánh tâm, và tu thân (sửa mình), thì trì chú này sẽ có được cảm ứng rất lớn.

Có người không hiểu ý nghĩa của chú, dám nói một cách khinh suất rằng Chú Lăng Nghiêm là do rất nhiều chú nho nhỏ khác hợp lại mà thành, nên mới dài như vậy. Người nói ra những lời này thì không bằng cả đứa trẻ con, lời trẻ con nói cũng là do nghe người lớn nói rồi chúng lập lại theo, không biết là sai nghiêm trọng đến như vậy.

Chú Lăng Nghiêm, từ câu mở đầu là quy y hết thảy chư Phật trong mười phương tận hư không khắp pháp giới, rồi quy y hết thảy chư Bồ Tát trong mười phương tận hư không khắp Pháp giới, rồi lại quy y các bậc Thánh nhân hàng Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả A La Hán, và sau đó mới quy y thiên.

“Quy y thiên” ở đây không phải là phụng hành pháp của chư thiên, đó chẳng qua chỉ là cung kính chư thiên mà thôi. Vốn dĩ là người xuất gia thì cũng không cần lễ bái ai cả, người xuất gia thì ứng thọ sự cúng dường của chư thiên, vậy thì vì sao phải cung kính chư thiên? Chư thiên lễ bái quý vị, là vì quý vị có đạo đức, có tu hành, tuy nhiên bản thân quý vị không được có tâm cống cao ngã mạn mà nói rằng: “Quý vị có biết không? Tất cả hộ pháp chư thiên đều khấu đầu đảnh lễ tôi!” Quý vị không được sanh tâm cống cao ngã mạn, cảm thấy bản thân mình rất tài giỏi như vậy. Cho dù bản thân quý vị đạo đức đã viên mãn rồi, cũng nên coi như không có gì cả--có cũng như không có, thực cũng như hư, bản thân có đạo đức mà không chấp trước, cho dù quý vị có học vấn thật sự cũng không nên tự mãn, như vậy mới đúng là một người tu đạo. Cho nên, người tu hành trì tụng thần chú này, cũng nên cung kính chư thiên thiện thần. Không những phải cung kính thiện thần, cho dù là đối với ác thần, quý vị cũng phải cung kính họ. Do đó, quý vị cần phải dẹp bỏ cái tập khí cống cao ngã mạn của mình.

Cho nên những điều lợi lạc trong việc thọ trì Chú Lăng Nghiêm, có nói cũng nói không hết được; tôi cũng không muốn nói rốt cuộc có điểm tốt nào, bởi vì nếu tôi nói ra thì e rằng lúc tụng trì, trong lòng quý vị lại nảy sanh một thứ tâm tham--tụng trì Chú Lăng Nghiêm để đạt được điều tốt lành, lợi lạc gì đó! Như thế càng không phải là quý vị thực sự muốn trì tụng Chú Lăng Nghiêm. Nếu quý vị thực sự muốn trì tụng Chú Lăng Nghiêm, thì phải coi việc tụng Chú Lăng Nghiêm quan trọng giống như việc ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ vậy, chúng ta phải nên làm như vậy, thậm chí quý vị cũng không còn nghĩ đến việc mình sẽ có được sự cảm ứng hoặc linh nghiệm gì nữa cả. Bởi vì quý vị vừa nghĩ như thế, thì đó cũng là khởi vọng tưởng, là chưa thành công, làm sao lại có thể vọng tưởng như vậy chứ? Cũng giống như một đứa trẻ mới được sinh ra, ngay cả ngồi cũng không ngồi được, mà đã muốn chạy rồi! Đi còn chưa vững, còn chập chững, chưa biết đi, thì làm sao mà chạy được? Vì sao đứa bé lại muốn như vậy? Chính bởi vì nó không hiểu! Đợi đến lúc biết chạy rồi, thì lại muốn biết bay, quý vị nói xem, điều này có thể làm được không? Căn bản là việc không thể thực hiện được, thế thì vì sao lại muốn làm? Vốn dĩ mình đã không phải là chim chóc, cũng không thể mọc cánh, thế mà lại muốn bay, vọng tưởng này đúng là quá lớn rồi vậy!

Trì tụng Chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, tu hành là tu hành, không nên có tâm mong được sở đắc, nói tôi nhất định phải như thế nọ như thế kia. Như quý vị nói tôi nhất định không chết, song đến lúc rồi thì cũng phải chết thôi, chẳng có cách gì để không chết cả. Cho nên mong muốn này chỉ là vọng tưởng, nếu quý vị có thể chăm chỉ tu hành, chứng quả rồi, chấm dứt được sự sanh tử rồi, thì mới tính. Bấy giờ, quý vị muốn không chết thì không chết, chứ không phải ở đó mà nghĩ ngợi vẩn vơ: “Tôi không chết, tôi sẽ không chết, tôi phải bảo vệ cái túi da thối tha này!” Quý vị cứ bảo vệ đi, bảo vệ lại, song đến lúc phải ra đi thì đành nói hai tiếng “tạm biệt” nó rồi chạy đi mất thôi!

Chú Lăng Nghiêm là bài văn linh thiêng, mỗi câu có hiệu lực của mỗi câu, quý vị không nên nghĩ: “Tại sao tôi trì Chú Lăng Nghiêm lại không thấy có hiệu nghiệm gì cả?” Quý vị ăn cơm cho khỏi đói là được rồi, nếu quý vị lại muốn ăn bữa cơm này rồi mãi mãi không bị đói, thì làm sao có chuyện đó được! Đến lúc quý vị vẫn phải ăn nữa, tụng trì Chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, quý vị ngày ngày tụng, thì không hề uổng công, lâu dần sẽ có công dụng của nó.

Quý vị tụng trì Chú Lăng Nghiêm thì có Bồ Tát Kim Cang Tạng thường đi theo, và luôn ở bên cạnh để hộ trì cho quý vị – đó là sự thật. Nhưng lúc tụng chú, quý vị không nên vọng tưởng lung tung, bằng không, nếu Bồ Tát Kim Cang Tạng nhìn thấy sẽ cho rằng: “Các người không có chí khí, không có tiền đồ gì cả, như thế chỉ làm lãng phí thời gian của ta mà thôi!” Bồ Tát hộ pháp có thể sẽ giận, sẽ nổi nóng, cho nên quý vị phải rất chú ý.

Vì thế, trì chú Lăng Nghiêm thì điều quan trọng nhất là nghiêm trì Giới Luật, nếu quý vị không trì giữ Giới Luật, thì tụng trì thế nào cũng không được linh nghiệm; nếu quý vị có thể trì Giới Luật, không tật đố chướng ngại, không tham sân si, thì quý vị tụng trì Chú Lăng Nghiêm càng có đại cảm ứng, đại lợi ích. Tôi nói cho quý vị biết là trì tụng Chú Lăng Nghiêm được lợi nhuận còn nhiều hơn buôn bán vàng bạc, tụng một biến Chú Lăng Nghiêm có giá trị bằng cả mấy vạn vạn ounce vàng vậy, thế nhưng, quý vị không được dùng tâm tham để trì tụng.

Cách giảng Chú Lăng Nghiêm như của tôi, cũng không thể nói là không được tốt, nhưng xưa nay chưa có ai giảng như vậy cả. Lúc giảng chú Đại Bi, mỗi một câu chú tôi làm bốn câu kệ tụng để hình dung năng lực và công dụng của nó; đương nhiên là dùng bốn câu kệ tụng để giải thích một câu chú thì không thể nào giải thích cho hết được, bởi vì diệu nghĩa của chú là vô cùng vô tận, bốn câu kệ tụng làm sao có thể nói cho hết được? Chỉ là nói ra được một phần nhỏ mà thôi, vẫn biết là “nói được một điều mà thất thoát cả vạn điều”; song le, nhờ từ một phần nhỏ này mà quý vị hiểu được ý nghĩa của một câu chú, bởi vì bốn câu kệ tụng này rất dễ nhớ, từ cạn đến sâu, từ ít đến nhiều, từ gần đến xa, nhờ đó mà quý vị có thể thâm nhập nghĩa lý của câu chú vậy.

Chú vốn không thể giảng, cũng không thể giải thích, nhưng miễn cưỡng giảng qua thôi, cũng chính là “ném đá để tìm ngọc,” vì thế hiện nay tôi giảng Chú Lăng Nghiêm, bất luận tôi nói có ý nghĩa hay không, hoặc có đúng hay không, thì đó cũng là lưu xuất từ trong tâm tôi, lại cũng có thể nói đó giống như máu, như mồ hôi của tôi vậy – tôi dùng chân tâm của tôi mà giảng giải, hy vọng quý vị sau khi nghe xong sẽ hiểu được nghĩa lý chân chánh của thần chú, và quý vị sẽ hiểu còn sâu xa hơn, nhiều hơn và rộng hơn tôi nữa, đây là tấm lòng của tôi. Cho nên nói “ném đá để tìm ngọc,” hy vọng trí tuệ của quý vị sẽ hiển lộ, có thể khiến cho quý vị được thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. Người học Phật Pháp thì nên “tinh ích cầu tinh,” đã tốt rồi lại muốn tốt hơn; chớ nên nói suông “tôi hiểu rồi,” nhưng lại không biết tu tập. Quý vị phải tu hành một cách nghiêm túc, cho dù quý vị biết rồi, mà không chịu tu hành thì cũng vô dụng. Cho nên, tu hành thì nên thật sự chăm chỉ tu tập, áp dụng vào thực tế, không được tự dối mình dối người (bịt tai ăn cắp chuông). Những bài kệ tụng bốn câu mà tôi viết ra cũng có thể nói là để giới thiệu trí lực của tôi, bộc bạch tâm tư của tôi – tôi đã dùng chân tâm của chính mình để giảng giải Chú Lăng Nghiêm, hy vọng quý vị có thể hiểu rõ đôi chút.



2. Tụng Chú Lăng Nghiêm Giúp Đỡ Cho Trời Đất

Thường xuyên tụng Chú Lăng Nghiêm cũng sẽ giúp đỡ được trời đất,

giải trừ khí độc và trị được các chứng bệnh của trời đất.



Con người có bệnh của con người, đất có bệnh của đất, trời cũng có bệnh của trời. Chẳng qua chúng ta ở trên mặt đất, không biết gì về bệnh của trời. Thường xuyên tụng Chú Lăng Nghiêm cũng sẽ có thể giúp đỡ được trời đất, có thể giải trừ được khí độc và trị được các bệnh của trời đất. Quý vị chỉ cần trì tụng, vô hình trung, đối với trời, đối với đất, đối với tất cả mọi thứ đều có được sự trợ giúp và cảm ứng.

Chú Lăng Nghiêm không thể chỉ niệm một câu, bởi đây là từng đoạn từng đoạn. Tuy mỗi câu đều có ý nghĩa của mỗi câu, nhưng câu trước và câu sau đều có quan hệ nhất quán với nhau. Trong Chú Lăng Nghiêm có từng đoạn, từng đoạn nhỏ, quý vị cần phải biết chỗ bắt đầu và kết thúc của từng đoạn nhỏ này.

Bất luận tu pháp môn nào, trước tiên cần phải chú trọng đến đức hạnh; nếu không đủ đức hạnh thì sẽ phát sanh ma chướng. Quý vị cũng cần phải lập công, lập đức. “Lập công” chính là hộ trì đạo tràng, cần cù chịu khó. “Lập đức” tức là không nên gây trở ngại cho người khác, không làm cho cuộc sống của nguời khác sinh phiền não. Bất luận tu theo pháp môn nào, nếu không sửa đổi các tập khí, không đoạn trừ phiền não, thì quý vị sẽ không đạt được sự lợi ích của pháp môn đó. Sau khi xuất gia, việc trước tiên là phải lập công lập đức. Có được công đức rồi, sau đó quý vị tu pháp môn gì cũng đều dễ dàng. Có câu:

“Chặt thì căng, lơi thì chùng,

Không lơi, không chặt mới thành công.”

Tâm tu hành dõng mãnh thì dễ phát, song cái tâm lâu dài vĩnh cửu thì khó giữ, do đó quý vị phải phát cái tâm kiên trì hằng viễn, cái tâm không thối chuyển.

Có rất nhiều nguyên nhân về sự an nguy trong việc tham thiền, chứ không phải chỉ có một loại. Có người muốn tu hành, nhưng rồi tâm ích kỷ nặng quá, ngã kiến sâu dày quá, luôn không quên được “cái ta,” cứ giữ cái tâm ích kỷ, tự lợi, vì thế dễ dàng bị vướng vào ma chướng. Người chân chánh tu hành Bồ Tát đạo, thì không có tâm nóng vội, không muốn dùng pháp nào đó để cho mình được sớm khai ngộ, được sớm thành Phật, toàn là thích cho nhanh, hoặc có người hiếu kỳ, luôn muốn khoe khoang điều kỳ lạ, hoặc hy vọng đắc thần thông, hoặc có được cảnh giới khác với người ta, vì thế dễ dàng bị sa vào lối ma.

Nếu quý vị chỉ nhất tâm tham thiền, không khởi vọng tưởng nào khác, thì bấy giờ quý vị có muốn rước ma vào nhà thì cũng chẳng có con ma nào để rước cả, bởi vì quý vị không khởi nhiều vọng tưởng, cũng không có tà tri tà kiến. Người ta sở dĩ bị vướng vào ma chướng đều là do tà tri tà kiến. Nếu quý vị chỉ có tâm chí công vô tư, không muốn nhanh, không muốn vượt trội hơn người khác, chỉ là một lòng chuyên nhất dụng công, thì ma nào cũng không hiện hữu cả. Chắc chắn không phải do tham thiền mà gặp sự nguy hiểm gì. Ăn cơm thì không nguy hiểm, nhưng ăn nhiều quá sẽ làm cho bụng căng tức; ăn ít quá thì không no, song vì lòng tham ham hố vị ngon khiến quý vị dễ dàng sinh bệnh. Hoàn toàn không phải ăn thức ăn làm sinh bệnh, mà là vì ăn không thích đáng. Tham thiền cũng như vậy.





3. Linh Văn Cứu Giúp Thế Giới Tránh Khỏi Ngày Tận Thế

Trên đời, nếu có một người biết niệm Chú Lăng Nghiêm,

thì thế giới này sẽ không bị hủy diệt, giáo pháp cũng sẽ không bị diệt vong.



Hiện tại tôi giảng Chú Lăng Nghiêm cho quý vị nghe, Chú Lăng Nghiêm này trong trăm ngàn vạn kiếp cũng chưa có ai giảng được một lần, mà cũng không dễ gì giảng được một lần. Lúc tôi giảng cho quý vị, tôi biết là không có ai nghe mà liền hiểu được ngay cả. Cho dù có người tự cho rằng mình hiểu được, thì đó cũng không phải là thực sự hiểu. Có người tự cho là mình đã hiểu rồi, cho nên không chú ý nghe, thì đó cũng giống như không hiểu vậy. Chú Lăng Nghiêm là linh văn cứu giúp cho trời đất không bị hủy diệt. Chú Lăng Nghiêm cũng là linh văn cứu giúp thế giới tránh khỏi ngày tận thế. Cho nên, tôi thường nói rằng, trên đời này nếu có một người biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì thế giới này sẽ không bị hủy diệt, giáo pháp cũng không bị diệt vong. Đợi đến lúc thế giới không còn có ai biết niệm Chú Lăng Nghiêm nữa, bấy giờ Phật Pháp đành phải bị diệt vong!

Hiện tại đã có một số thiên ma ngoại đạo, ngông cuồng tung ra lời đồn đại rằng Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm đều là giả, là ngụy tạo. Đó chính là con cái cháu chắt của loài ma do các thiên ma ngoại đạo phái đến để tung ra những lời đồn đại ngông cuồng này, khiến cho người ta không còn tin tưởng vào Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm nữa. Đến lúc người người đều không còn tin tưởng Chú Lăng Nghiêm, thì sẽ không có ai niệm Chú này nữa, bấy giờ thế giới này sẽ mau chóng bị hủy diệt! Nếu muốn thế giới không bị diệt vong, thì quý vị hãy nhanh chóng niệm Chú Lăng Nghiêm, đọc tụng Kinh Lăng Nghiêm. Nếu quý vị có thể ngày ngày niệm Chú Lăng Nghiêm, thì sự nguy hiểm của bom nguyên tử, bom khinh khí cũng sẽ không thể xảy đến cho quý vị. Vì thế, quý vị nên nhất tâm niệm Chú Lăng Nghiêm.

Hiện tại tôi giảng Chú Lăng Nghiêm cho quý vị, thì ngay lúc này đây, có thể không có một người nào hiểu được, nhưng mười năm, một trăm năm, hoặc một ngàn năm sau, có người đọc được những chú giải đơn sơ cạn cợt này của tôi, biết đâu lúc đó họ sẽ hiểu được một cách rõ ràng sâu sắc hơn về Chú Lăng Nghiêm. Quý vị được nghe Chú Lăng Nghiêm rồi, thì không nên vội cho rằng điều này là quá dễ dàng. Bốn câu kệ tụng này xem ra thì rất đơn giản, nhưng đó là những gì từ trong tâm tánh tôi lưu xuất ra, hoàn toàn không phải là do tôi sưu tầm, trích dẫn, hoặc sao chép từ các sách vở khác. Quý vị theo học với tôi, bất luận là kệ tụng hay hay dở, đó đều là theo cách nhìn của tôi—tôi y theo những hiểu biết về Chú Lăng Nghiêm của tôi mà viết ra. Nếu quý vị muốn thật sự hiểu được Chú Lăng Nghiêm, thì phải chú ý học hỏi, chớ để thời gian trôi qua lãng phí!



4. Tâm Thành Ắt Linh

Thế nào là “thành”? Đó chính là không có tâm hoài nghi!



Quý vị tụng kinh, trì chú, tu tất cả các pháp môn tất phải thành tâm, trai giới tắm gội, thân tâm thanh tịnh, trừ diệt tất cả vọng tưởng, để tu pháp môn này, thì mới có thể đạt được sự cảm ứng đạo giao, như tiếng vang ứng theo tiếng gọi vậy. Nếu quý vị không thành tâm, thì chú linh nghiệm thế nào cũng đều không còn linh nữa. Cho nên nói: “Tâm thành tắc linh,” tâm nếu không chân thành ắt sẽ không linh nghiệm.

Thế nào là “thành”? Chính là không có tâm hoài nghi. Phải chân chánh tin rằng năng lực của thần chú là không thể nghĩ bàn, chân chánh tin rằng năng lực của thần chú là không có gì mà chẳng thành tựu được cả. Nếu quý vị có thành tâm chân chánh, thì tu hành sẽ có thành tựu. Có người tu hành thời gian rất lâu song cũng không có cảm ứng gì cả, đó phải chăng là do Phật Pháp không linh? Hay là do kinh và chú không có năng lực cảm ứng đạo giao? Không phải vậy! Đó chẳng qua là vì quý vị không thành tâm, chỉ phô diễn qua loa, làm đại khái cho xong chuyện mà thôi! Cho nên chúng ta học Chú Lăng Nghiêm thì cần phải có đầy đủ tâm chân thật, đây là điều quan trọng nhất!

Trong Chú Lăng Nghiêm có rất nhiều tên của loài quỷ, cũng có rất nhiều tên của các vị thần và thiên long bát bộ. Quý vị vừa tụng đến tên của quỷ thần vương nào trong thần chú, thì tất cả quyến thuộc của con quỷ đó đều phải ngoan ngoãn, y giáo phụng hành, không dám không tuân theo quy củ. Cho nên người xuất gia ngày ngày trì tụng Chú Lăng Nghiêm, chính là giúp cho thế giới này tránh khỏi tất cả tai bay vạ gió, khiến cho thế giới được bình an. Người xuất gia sáng sớm thì tụng công phu sáng, chiều tối lại tụng thời khóa chiều, vô hình trung làm cho tất cả mọi người đều được bình an vui vẻ.

Hễ chúng ta tụng Chú Lăng Nghiêm, tức là chúng ta vừa làm cho không khí ô nhiễm của thế giới được trở nên trong sạch. Chúng ta vừa tụng Chú Lăng Nghiêm thì liền làm cho ôn dịch, bệnh truyền nhiễm trong hư không cũng đều bị tiêu diệt. Trong không trung vốn sẵn có khí độc, quý vị niệm Chú Lăng Nghiêm thì liền làm cho độc tố đó được giải trừ, chính là có được lợi ích lớn lao như vậy đấy! Vì thế, quý vị không nên xem thường Chú Lăng Nghiêm! Nếu quý vị có thể niệm hết cả bài chú thì tốt nhất; nếu không thể niệm hết được trọn bài, quý vị chỉ niệm được một đoạn nào đó thôi, thì cũng có được năng lực rất lớn, vì thế quý vị không nên “thấy vàng mà cho là đồng thau,” bởi như thế là sai lầm. Các vị nghiên cứu Phật học thì không được không trì tụng Chú Lăng Nghiêm!





5. Hãy Phát Đại Tâm Vì Toàn Thế Giới Mà Trì Tụng Chú Lăng Nghiêm

Học Chú Lăng Nghiêm chính là trở thành hóa thân của Phật,

không những là hóa thân của Phật mà còn là hóa Phật trên đảnh của Phật!



Mỗi một câu trong Chú Lăng Nghiêm đều có vô lượng ý nghĩa, mỗi một nghĩa đều có vô lượng công năng. Người muốn học Chú Lăng Nghiêm, trì tụng Chú Lăng Nghiêm tốt nhất là có thể phát tâm rộng lớn, trì tụng cho toàn thế giới, đem tất cả công đức hồi hướng cho toàn thế giới. Như vậy thì quả báo công đức thành tựu mới lớn, bởi vì trong đó không có lòng ích kỷ, không phải tự cầu cho mình, cho nên trong bài văn Đại Sám Hối có nói:

“Con nay phát tâm không vì cầu phước báo nhân thiên, Thanh Văn Duyên Giác, cho đến chư vị Bồ Tát Quyền Thừa. Duy theo Tối Thượng Thừa mà phát tâm Bồ Đề. Nguyện cùng với hết thảy chúng sanh trong toàn Pháp Giới, đồng thời chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”

Người học Phật tốt nhất nên tinh thuần, không được vừa học Phật vừa tạo nghiệp tội, làm cho bản thân mình cứ bị nghiệp thiện ác trói buộc mãi không thôi. Thế nào là “vừa học Phật vừa tạo nghiệp ác”? Đó chính là học Phật không phải vì muốn lợi tha, mà chỉ vì muốn tự lợi cho riêng mình. Hoặc là lúc mới bắt đầu học Phật thì còn có một chút tâm lợi tha, lâu ngày chày tháng, tập khí tự tư tự lợi đều lộ rõ ra hết.

Thí dụ như có người học Phật mà còn đi đánh bạc, có tâm lừa dối người khác, dùng mọi thủ đoạn để hại người, lợi mình, đây đều là thiện ác không rõ ràng. Cho đến có người làm ăn buôn bán, dựa vào mối quan hệ với Phật tử trong đạo tràng để lừa gạt người khác, thậm chí trộm cắp, đây đều là những ví dụ về nghiệp thiện ác không rõ ràng. Người học Phật nếu có những hành vi này thì nhất định phải sửa đổi, nếu không, sẽ không thể nào ra khỏi Tam Giới, bởi vì người đó đã bị nghiệp thiện ác xen tạp dính chặt ở đó rồi.

Người tu đạo tu hành trong đạo tràng cũng không nên vừa tu hành, vừa khởi vọng tưởng, đây cũng gọi là “thiện ác không thuần,” bởi trong thiện có ác, trong ác có thiện, xen lẫn không rõ ràng, cho nên trong tương lai lúc chịu quả báo cũng sẽ rất phức tạp. Giống như một số tu sĩ Phật Giáo ở Việt Nam, Cao Miên, Campuchia, vì sao lại bị suy bại như vậy? Đây đều là vì trong quá khứ, lúc tu hành ở nhân địa, họ đã gieo trồng các nhân ác – hoặc là tước đoạt tài sản người khác, hoặc là cướp sanh mạng người – vì thế hiện tại họ phải sống trong hoàn cảnh đó, sinh mạng tài sản đều không có gì được bảo đảm cả, thậm chí xuất gia rồi, sinh mạng cũng khó giữ; tài sản thì càng không cần phải nói tới nữa, bởi vì người xuất gia căn bản không có tài sản gì cả.

Cuộc sống phiêu bạt rày đây mai đó như vậy đều do quá khứ gieo nhân không chính đáng mà ra, cho nên hiện tại sống ở các đất nước này, họ phải gặp cảnh lầm than, khổ sở. Những tình cảnh đó đều là “hiện thân thuyết pháp” cho chúng ta – chúng ta phải hồi quang phản tỉnh, trong quá trình tu đạo, nhất định không được để cho mình bị rơi vào cảnh giới như thế. Chúng ta nên tránh kiểu tai nạn này, càng phải hiểu cho rõ ràng khi còn ở nhân địa, không nên đợi đến lúc chịu quả báo, tay chân lại luống cuống; cho nên có câu nói rằng:

“Lúc ở nhân địa không chân thật,

nên chiêu cảm quả báo gian nan, gập ghềnh!”

Những người sống trong khuôn viên của Vạn Phật Thành cho đến những người từ bên ngoài đến, tất cả đều phải cẩn thận – lúc tu đạo phải đặc biệt thận trọng, để tương lai khỏi phải hối hận!



6. Chân Tâm Thành Ý Tu Tập Chú Lăng Nghiêm

Chỉ cần nhất tâm tu hành Chú Lăng Nghiêm,

nhất định quý vị sẽ thành tựu được Lăng Nghiêm Tam Muội.



Tu tập pháp môn Lăng Nghiêm, quý vị cần phải dùng chân tâm, thành tâm mà tu tập. Thế nào là “chân tâm”? Chính là để tu trì Chú Lăng Nghiêm, quý vị quên hết thời gian, cảm thấy không gian cũng không còn nữa, là ngày hay đêm mình đều không biết, ăn cơm hay chưa mình cũng không nhớ, ngủ nghỉ hay chưa mình cũng chẳng hay! Cái gì quý vị cũng quên hết, cái gì cũng không còn hiện hữu nữa, một niệm mà thấy dài bất tận giống như vô lượng kiếp vậy, vô lượng kiếp làm thành một niệm. Quý vị cần phải có tinh thần như vậy – ăn cơm, ngủ nghỉ, cái gì cũng quên hết, chỉ một lòng một dạ tu hành Chú Lăng Nghiêm. Nhất định là mình phải thành tựu được Lăng Nghiêm Tam Muội, nếu không được như thế thì không thể nói là mình thực sự tu pháp môn Lăng Nghiêm.

Không chỉ tu pháp Lăng Nghiêm là phải như thế, mà khi quý vị tu tập các pháp môn khác thì cũng phải như vậy – đi mà không biết là mình đang đi, ngồi mà không biết là mình đang ngồi, khát mà không biết là mình đang khát, đói mà không biết là mình đang đói. Như vậy không phải mình đã trở thành người ngu si rồi sao? Đúng là phải như vậy! Vậy mới gọi là:

“Dưỡng thành đại ngốc mới là hay,

Học đến như ngu mới thần kỳ!”

Nếu quý vị có thể học ngu si đến như thế, thì bất luận quý vị tu pháp môn nào, cũng có thể đắc được Tam Muội, đều sẽ có được sự thành tựu.

Do quý vị chưa thể thành kẻ “đại ngốc,” chưa có thể thực sự thâm nhập cảnh giới Tam Muội, cho nên tu đi tu lại cũng không thấy tương ưng. Quý vị có thể tu đến nỗi bản thân mình còn sống hay là chết mình cũng không biết, còn thở hay không mình cũng chẳng hay, vậy thì càng tốt. Có người cho rằng pháp môn này đáng sợ quá! Nếu quý vị thấy sợ, thì hãy mau mau lùi ra sau, đừng học nữa. Ở đời, muốn làm bất cứ việc gì, cũng chẳng hề có chuyện không nhọc công mà đạt được. Có câu:

“Chẳng trải một phen lạnh thấu xương,

Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương!”

Quý vị xem, hoa mai sở dĩ có được mùi hương thơm ngát là nhờ nó đã từng chịu rét chịu lạnh. Nó phải chịu đựng cái lạnh giá buốt, sau đó mới tỏa ra hương thơm ngào ngạt như thế. Người tu đạo cũng nên như vậy.

Có nhiều người ở bên ngoài đồn đãi rằng người ở Vạn Phật Thành tu hành cực khổ, tôi tuyệt đối phủ nhận lời đồn như vậy. Chúng tôi không phải “khổ tu,” mà là “lạc tu,” tu hành một cách an lạc. Người nào chịu khổ sở tu hành cũng đều là do người đó cam tâm tình nguyện, không phải do miễn cưỡng; bởi chúng tôi đều rất muốn buông bỏ cái giả tạm xuống, để cầm lấy cái chân thật lên. Có câu:

Không xả bỏ được cái giả thì không thể thành được cái thật;

Không bỏ được sự chết thì không thể đổi được sự sống!

Việc tu đạo không giống như pháp thế gian, dùng một thủ đoạn là có thể đạt đến Tam Muội. Tu hành là không được dùng thủ đoạn gì cả, quý vị chỉ cần trung thực thật thà, chân chánh dụng công tu hành một cách nghiêm túc là được. Nếu quý vị có mảy may hư ngụy, gỉả dối thì sẽ không có được sự thành tựu. Ở mọi nơi, mọi lúc, quý vị phải thực sự dụng công, nhẫn chịu những điều mà người ta không thể nhẫn được, nhường nhịn những điều mà người ta không thể nhường nhịn được, phải ngày đêm sáu thời hằng thường tinh tấn, mới có thể có được tin tức tốt đẹp. Chư Phật mười phương sẽ gửi cho quý vị một điện báo nói rằng: “Lành thay! Lành thay! Ngươi đích thật là một phần tử trong Phật Giáo.” Điện báo mà mười phương chư Phật gửi cho quý vị, thì không phải như điện báo của người thế gian chúng ta là phải dùng ký tự, mà là lấy tâm ấn tâm, “quang quang tương chiếu, tâm tâm tương ấn,” làm cho quý vị được khai mở đại trí huệ, đắc đại biện tài, được đại an lạc. Cho nên nói: “Việc của đại trượng phu đã hoàn tất”; việc mà bậc đại trượng phu nên làm đều làm xong cả rồi!



7. Người Học Chú Lăng Nghiêm Chính Là Hóa Thân Của Phật!

Người học hiểu Chú Lăng Nghiêm thì chúa trời không dám đấu lại; người học hiểu Chú Lăng Nghiêm, dám thi đấu với chúa trời!



Có câu nói rằng:

“Biết niệm Chú Đại Bi, dám thi đấu với Diêm Vương;

Niệm được Chú Đại Bi, quỷ thần không dám đấu lại!”

Hai câu trên ý nói rằng, khi quý vị biết niệm Chú Đại Bi, nếu quý vị dám thi đấu với ông lão Diêm Vương, thì ông lão Diêm Vương cũng hết cách. Quý vị niệm được Chú Đại Bi, quỷ thần không dám đấu với quý vị, cũng không dám chọc phá quý vị, quỷ thần cũng nể sợ quý vị rồi. “Sợ” đây không phải là giận dữ, mà là bởi vì quý vị có một năng lực thực sự, có quyền lực thực sự, tức là quý vị có đức hạnh, có đạo đức, khiến cho Diêm Vương cũng phải tử tế với quý vị, quỷ thần cũng không dám chọc phá quý vị, chứ không phải vì quý vị hung hăng quá mà khiến cho mọi người sợ hãi, quỷ thần phải kính nể mà tránh xa. Biết niệm Chú Đại Bi thì có được năng lực như vậy, thế thì niệm được Chú Lăng Nghiêm thì thế nào? Có thể có được năng lực như vậy chăng? Đương nhiên là hơn hẳn rồi, quý vị học thuộc được Chú Lăng Nghiêm rồi thì chúa trời không dám thi đấu với quý vị nữa, người nào học được Chú Lăng Nghiêm thì dám thi đấu với chúa trời.

Nói như vậy phải chăng Chú Lăng Nghiêm này không nói lý lẽ? Không phải vậy! Phải chăng là tôi dùng lời gượng ép để giành lấy lẽ phải? Cũng không phải! Quý vị biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì bảy đời về sau trong tương lai, quý vị đều được giàu có giống như ông vua dầu hỏa của Mỹ vậy, bảy đời đều được làm viên ngoại (viên ngoại là người giàu có). Có người nói: “Hay lắm! Vậy tôi phải nhanh chóng học Chú Lăng Nghiêm, để đấu với chúa trời, để bảy đời được làm viên ngoại.”

Nếu kỳ vọng của quý vị nhỏ nhoi như vậy, thì quý vị không cần học Chú Lăng Nghiêm nữa! Bảy đời làm viên ngoại bất quá cũng chỉ là thời gian trong nháy mắt, quý vị đấu với thiên chúa, đấu qua đấu lại vẫn là lưu chuyển trong lục đạo luân hồi mà thôi! Thế thì niệm Chú Lăng Nghiêm là nên hy vọng những gì? Phải hy vọng rốt ráo được làm Phật, đắc đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Tam Miệu Tam Bồ Đề. Không nên cầu cảnh giới nhỏ nhoi hoặc mục tiêu nhỏ bé như vậy, trên thực tế người học Chú Lăng Nghiêm chính là hóa thân của Phật, không những là hóa thân Phật, mà còn là hóa Phật trên đảnh của Phật, là hóa Phật của hóa Phật, cho nên sự kỳ diệu của Chú Lăng Nghiêm không thể nghĩ bàn, nếu có người thực sự có thể trì Chú Lăng Nghiêm thì trong phạm vi bốn mươi do tuần nơi người ấy ở, không có tai nạn nào xảy ra cả, tất cả đều được hóa nguy thành an!



8. Đại Đức Đại Thiện Mới Đạt Được

Từng câu một của Chú Lăng Nghiêm, quý vị đều phải đặc biệt chú ý,

không nên coi đó là bình thường – đây chính là diệu pháp mà trong trăm ngàn muôn kiếp khó thể gặp được!




Có bài kệ rằng:

Tam quang phổ chiếu thấu tam tài,

Diêm Phù thế giới thủ bất lai,

Đại đức đại thiện năng ngộ đắc,

Vô đức vô thiện bất minh bạch.

Tạm dịch:

Tam quang chiếu khắp thấu tam tài,

Khắp cõi Diêm Phù tìm không thấy,

Đại đức đại thiện mới gặp được,

Vô đức vô thiện không hiểu được.

Hiện tại tôi giảng giải Chú Lăng Nghiêm này, quý vị nên đặc biệt chú ý từng câu một, không nên xem đó là chuyện bình thường, bởi vì đây đích thật là diệu pháp mà trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được. Có lẽ quý vị cho rằng trên thế giới có rất nhiều người giảng Chú Lăng Nghiêm, kỳ thật, không có ai giảng cả. Người khác nghe giảng Chú Lăng Nghiêm còn không dám tin nữa là! Có người cũng giảng, nhưng e rằng họ còn chưa hiểu rõ được nghĩa lý thực sự trong Chú Lăng Nghiêm. Vậy thì, quý vị hỏi tôi có hiểu rõ hay không? Tôi cũng không hoàn toàn hiểu rõ, nhưng hiểu được một ít, tôi chỉ đem một ít này viết thành kệ tụng để giải thích chú văn. Nếu quý vị muốn học Phật Pháp, thì không nên bỏ lỡ cơ hội này.

Tại Hồng Kông tôi có hơn hai mươi người đệ tử, và họ cứ mời tôi giảng Chú Lăng Nghiêm, song tôi đều không nhận lời. Sau khi tôi đến nước Hoa kỳ, trong lớp hè đầu tiên, tôi bắt đầu giảng Kinh Lăng Nghiêm, giảng trong 96 ngày thì hoàn tất. Thời kỳ này thì tôi chỉ giảng trong thời gian nghỉ vào mỗi ngày thứ bảy mà thôi. Sau đó, tôi lại khai đàn giảng giải Lục Tổ Đàn Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa, Kinh Địa Tạng, tiếp đó tôi bắt đầu giảng Kinh Hoa Nghiêm, đã giảng là giảng ròng rã luôn chín năm rưỡi, tôi vốn dự trù giảng trong vòng mười năm là xong, song vì hiện nay là thời đại tên lửa, cho nên hoàn tất nhanh hơn dự định nửa năm. Giảng xong Kinh Hoa Nghiêm, thì tôi không muốn giảng thêm gì nữa cả.

Hiện tại quý vị yêu cầu tôi giảng Chú Lăng Nghiêm, tôi không ngần ngại đem những gì tôi biết giảng cho quý vị nghe. Đây là giảng về nhân duyên của Chú Lăng Nghiêm, cũng là điều không thể nghĩ bàn, đối với từng câu từng chữ quý vị cũng không nên dễ dàng xem thường mà bỏ qua. Tôi không biết quý vị là người nghe giảng thì như thế nào? Còn tôi là người giảng kinh thì tuyệt đối không thể nào giảng qua loa, sơ sài. Quý vị không cần hỏi: “Hôm nay Thầy có giảng kinh hay không?” Trừ khi tôi không đến, đến rồi thì tôi nhất định sẽ giảng. Tôi không giảng kinh thì không ăn cơm; giảng kinh rồi, tôi cũng chỉ ăn no tám phần thôi, nếu không thì mập quá, người ta sẽ mắng tôi: “Hòa Thượng suốt ngày chỉ biết ăn, ăn đến mập ù, việc gì cũng không làm cả!” Thế nên, ăn ít một chút không phải là rất tốt sao? Tin rằng không chỉ một mình tôi ăn ít, người trong Vạn Phật Thánh Thành đều ăn ít, đều gầy trơ xương, nhưng xương cốt lại rất chắc chắn. Con người cứng cỏi như tôi đây đã huấn luyện ra những người trẻ trung rắn rỏi đó. Đối với chúng tôi thì không có cơm ăn không quan trọng, không có áo mặc cũng không sao cả, không được ngủ nghỉ cũng chẳng hề chi – ăn, mặc, ở đều không phải là chuyện to tát đối với chúng tôi!

Tu hành như leo lên cây cao trăm thước, tụt xuống thì dễ, leo lên nữa thì khó, sự khó khăn đó ví như lên trời vậy. Bất luận gặp cảnh giới nào, nếu quý vị không phá được cảnh giới đó, thì sẽ dễ bị gặp ma chướng, tất cả chỉ sai khác nhau có một niệm mà thôi. Chỉ cần một niệm sai trái, một niệm tà vạy, thiên ma ngoại đạo liền chui lọt vào tâm trí quý vị. Nếu là chánh niệm, Phật và quý vị sẽ hợp thành một thể. Trong Lục Tổ Đàn Kinh có chép:

“Lúc chánh niệm, Phật ở trong nhà;

Lúc tà niệm, ma ở trong nhà.”

Chính là đạo lý này vậy.

Chỉ cần có một chút tâm tranh, tâm tham, tâm mong cầu, tâm tự tư tự lợi dấy khởi, ma quỷ liền vào điện. Nếu như quý vị không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, cũng không tự lợi, thì yêu ma quỷ quái gì cũng không có cơ hội chen vào được, chúng không có cách gì nhiễu loạn quý vị được. Nếu quý vị không đấu đá tranh chấp với người khác, thì ma cũng chẳng có cách nào mà thâm nhập được. Quý vị không tham cái lợi, không tham thần thông, hoặc bất cứ điều tốt nào, thì cho dù người ta dùng cảnh giới hư ngụy để mê hoặc quý vị, quý vị cũng không bị mắc bẫy của họ.

Nếu quý vị lại có thể trong ngoài đều không mong cầu, tất cả đều quên hết, quên người quên mình--quên người rồi, mình cũng quên nốt--người quên pháp mất; nếu quý vị lại có thể không ích kỷ, đối với bất cứ việc gì cũng không chỉ nghĩ cho riêng mình, không so đo nhiều ít về lợi lộc mà không nghĩ đến người khác; nếu quý vị có thể như vậy, thì ma vương cũng hết cách với quý vị, không thể làm gì quý vị được. Nếu trong tâm quý vị không chỉ nghĩ đến cái gì có lợi cho bản thân mình, thì bất cứ chú thuật gì của yêu ma quỷ quái cũng không còn linh nghiệm nữa. Đây chính là thần chú tốt nhất để đối phó với thiên ma ngoại đạo, nếu quý vị có thể ứng dụng triệt để năm điều này—không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi--thì ma gì cũng không tồn tại nữa, chúng ma sẽ không làm gì được quý vị! Vì sao chúng ma có cơ hội xâm nhập, chi phối quý vị? Chỉ vì trong lòng quý vị còn có mong cầu, còn có tâm tham, còn có tâm tranh, còn có tâm ích kỷ, còn có lòng tự lợi, nên chúng bèn nhân đó mà chui vào tâm trí, khiến cho đầu óc quý vị bị mê mờ, đánh mất đi trí tuệ!



9. Có Chú Lăng Nghiêm Là Có Chánh Pháp

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các chú, cũng là chú dài nhất trong các chú,

chú này có liên quan đến sự hưng suy của toàn bộ Phật Giáo.



Tên của Chú Lăng Nghiêm là “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Thần Chú”. “Ma ha” là tiếng Phạn, dịch nghĩa là lớn – thể, tướng và dụng đều lớn. “Thể,” khắp mười phương, tận hư không khắp Pháp Giới là đại dụng của Chú. Nói đến “tướng,” Chú này không có tướng, Chú thì có tướng gì chứ? Tuy nhiên, Chú này là “vô tướng” nhưng lại không “vô tướng.” Cũng có thể nói Chú không có “dụng” gì, nhưng không có gì là không “dụng,” tận hư không khắp Pháp Giới không có gì là không “dụng.” “Dụng” này là đại dụng, “tướng” là đại tướng, “thể” là đại thể, đây chính là ý của “Ma Ha.”

“Tát Đát Đa” cũng là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “màu trắng” (bạch sắc), cũng có nghĩa là “thanh tịnh,” tức là không bị nhiễm ô. Cho nên nói:

Tướng mà dứt tuyệt mọi ô nhiễm được gọi là “trắng.”

(Tướng tuyệt chư nhiễm viết “bạch.”)

Chú Lăng Nghiêm là pháp “bạch tịnh”—một thứ pháp thanh tịnh, không ô nhiễm.

“Bát Đát La” cũng là tiếng Phạn, dịch nghĩa là cái lọng (tản cái). Đây là một tỷ dụ, Chú Lăng Nghiêm ví như một cái lọng báu dùng để che mát cho vạn vật, che chở cho tất cả những người có đức; ai có đức hạnh thì người đó có thể gặp được pháp này, người không có đức hạnh thì không thể nào gặp được pháp này. Cho nên nói:

“Tam quang phổ chiếu thấu tam tài.”

Có một số người nhất định cho rằng “ba thứ ánh sáng (tam quang)” là ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao là ba ánh sáng ở bên ngoài. Quý vị trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì ba nghiệp thân khẩu ý đều phóng hào quang – trên thân có thân quang, trong miệng có khẩu quang, trong tâm có tâm quang. Quý vị đã từng nghe nói về điều này chưa? Đây là quý vị được nghe điều chưa từng nghe, thấy điều chưa từng thấy vậy.

Hào quang từ trên thân phóng ra là hoàng quang (ánh sáng màu vàng); khi quý vị tu thành công rồi thì nó biến thành kim quang (ánh sáng màu vàng kim). “Kim quang vạn đạo” tức là hàng vạn luồng ánh sáng màu vàng kim. Quý vị bắt đầu tu Chú Lăng Nghiêm thì trên thân có ánh sáng màu vàng nhạt, lâu ngày chày tháng, lại biến thành màu vàng kim. Cho nên nói muôn ánh sáng màu vàng tía đầy khắp Pháp Giới, đây đều là nhờ tu Chú Lăng Nghiêm mà thành tựu được.
Ánh sáng phóng ra từ miệng là ánh sáng màu đỏ (hồng quang), ánh sáng từ trong tâm phóng ra là màu trắng (bạch quang). Nhưng có lúc, trong miệng cũng phóng ra ánh sáng màu vàng (hoàng quang), có lúc lại phóng ra ánh sáng màu xanh (thanh quang), có lúc lại phóng ra ánh sáng màu đen (hắc quang). Có lúc thì lại phóng ra ánh sáng đủ các màu sắc – xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, nhưng đây đều phải tu thành mới được.

“Bát Đát La” ví như cái lọng lớn màu trắng che chở cho tất cả những chúng sanh có đức, những chúng sanh thọ trì Chú Lăng Nghiêm. Cho nên nói:

“Tam quang phổ chiếu thấu tam tài” (tam quang chiếu khắp tận tam tài.) “Tam tài” tức là trời, đất, và con người.

“Diêm phù thế giới thủ bất lai” (đi khắp cõi Diêm Phù mà không tìm thấy.) Ở cõi Diêm Phù quý vị tìm khắp mọi nơi mà tìm không ra; nhất định phải thọ trì Chú Lăng Nghiêm mới có thể có được loại hào quang này.

“Đại đức đại thiện năng ngộ đắc” (đại đức, đại thiện, mới được gặp.) Phải là người có đức hạnh lớn, có thiện tâm lớn, mới có thể gặp được pháp môn này.

“Vô đức vô thiện bất minh bạch” (vô đức, vô thiện, chẳng hiểu được.) Người không có đức hạnh, không hiền lương, không có thiện công đức, thì không thể nào hiểu được. Nếu quý vị không có đức hạnh, không có công đức thiện lành, thì cho dù quý vị có gặp được rồi, thì cũng sẽ để vuột qua ngay trước mắt, bị lỡ mất cơ hội mà thôi. Quý vị nhìn thấy vàng lại cho đó là đồng thau, nhìn thấy kim cương lại ngỡ là thủy tinh, nhìn thấy Chú Lăng Nghiêm lại cho rằng đó chẳng qua cũng là thứ rất tầm thường, không đáng gì cả, chẳng biết đó là quý báu, không biết được sự vi diệu của nó, không biết rằng công đức của Chú Lăng Nghiêm là không thể nghĩ bàn!

“Tâm quang” tức là ý niệm, là thức thứ sáu. Nhưng nếu quý vị không chịu tu hành, thì diệu dụng gì cũng không có được, nếu siêng năng tu hành thì sẽ phóng hào quang. Hào quang vừa nói đến, vẫn không phải chỉ ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thì phóng ra ánh sáng thanh tịnh, mà còn có hồng quang chung quanh. Quý vị tụng Chú Lăng Nghiêm thì tự nhiên sẽ có hào quang màu đỏ bao quanh thân của quý vị, cho nên nói:

“Thiên đóa hồng liên hộ trụ thân” (ngàn đóa sen hồng che chở quanh thân). Hoa sen hồng phóng ra ánh sáng màu đỏ.

“Tọa câu kỵ trước mặc kỳ lân” (ngồi trên mình con kỳ lân đen).- Trong thời đại khoa học này mà nói như vậy e rằng sẽ bị người học khoa học chê cười đến rớt cả răng. Nhưng như vậy cũng tốt, nếu không cười rớt răng, ngày ngày cứ ở đó mà khoa học, khoa học mãi.

“Vạn yêu nhất kiến vãng viễn đóa” (hàng vạn yêu tinh trông thấy liền chạy trốn). Bất cứ yêu ma quỷ quái gì hễ trông thấy tướng oai đức của pháp thân được “thiên đóa hồng liên hộ trụ” này thì đều “chạy trốn ra xa.”

“Tế Công Pháp sư hữu diệu âm” (Pháp sư Tế Công có diệu âm). Lúc tụng Chú Lăng Nghiêm lại có ánh sáng màu tím đẹp đẽ, ánh sáng màu trắng xoay tròn. Vì sao hễ vừa tụng Chú Lăng Nghiêm, thì yêu ma quỷ quái không dám xuất hiện? Bởi vì Chú có năng lực lớn quá, khắp cả Pháp Giới hư không, nơi nào cũng chan hòa ánh sáng an lành, và có khí lành bao phủ. Cho nên, có người tụng Chú Lăng Nghiêm chính là bổ sung thêm chánh khí chưa đủ cho trời đất – một người tụng Chú Lăng Nghiêm thì có năng lượng của một người, trăm người tụng Chú Lăng Nghiêm thì có năng lượng của một trăm người, nhờ đó yêu ma quỷ quái trên đời đều sẽ trở nên hiền lành, ngoan ngoãn.

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các chú, cũng là chú dài nhất trong các chú. Chú này liên quan đến sự hưng suy của toàn Phật Giáo, trên đời nếu không còn một người nào biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì thế giới này sẽ nhanh chóng bị hủy diệt, vì trên đời không còn có Chánh Pháp nữa. Chỉ có Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm là bộ kinh và chú quan trọng nhất trong Chánh Pháp. Đức Phật tuyên thuyết Kinh Lăng Nghiêm là để nói ra Chú Lăng Nghiêm, là giải thích Chú Lăng Nghiêm, tán thán Chú Lăng Nghiêm. Trong Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn nói về phương pháp kết đàn rất tỉ mỉ, nếu quý vị muốn hiểu biết cho tường tận, có thể tìm xem đoạn kinh văn này.

Chú Lăng Nghiêm còn được gọi là “Phật Đảnh Quang Minh,” là do hóa thân trên đảnh Phật tuyên thuyết, cho nên là pháp vi diệu không thể nghĩ bàn. Mỗi một câu có mỗi một công dụng riêng, mỗi chữ có mỗi sự áo diệu khác nhau, thảy đều không thể nghĩ bàn. “Phật đảnh quang minh” chính là biểu thị năng lực của chú có thể phá trừ tất cả tối tăm, hắc ám, đồng thời có thể thành tựu mọi công đức. Nếu quý vị có thể thọ trì Chú Lăng Nghiêm, tương lai nhất định sẽ được thành Phật, nhất định sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. (Không nhìn chú văn mà vẫn có thể đọc được thì gọi là “tụng”; nhìn vào chú văn mà đọc thì gọi là “đọc.”) Nếu quý vị có thể thường xuyên tụng niệm Chú Lăng Nghiêm, thì sẽ khiến cho nghiệp chướng đời trước được tiêu trừ. Đây là diệu dụng của Chú Lăng Nghiêm.

Thế nào gọi là “vô”? Vô cùng cao minh. “Cao minh vô cực,” sáng đến cực điểm rồi, không có gì chiếu sáng hơn ánh sáng này nữa. “Thượng” là tôn quý, trên cao, không gì sánh bằng, không có gì tôn quý hơn, cao cả hơn điều này được. “Thần” chính là không thể nghĩ bàn, cũng chính là ý nghĩa uy linh khó lường. “Chú” chính là “cảm ứng đạo giao,” nó có một loại năng lực, quý vị niệm chú liền có cảm ứng.



10. Chí Tâm Trì Tụng Sẽ Đạt Được Diệu Định

Tất cả mười phương chư Phật đều từ trong Chú Lăng Nghiêm mà sinh xuất ra,

cho nên có thể nói rằng Chú Lăng Nghiêm là mẹ của chư Phật!



Nếu muốn nói về điểm tốt của Chú Lăng Nghiêm, thì nói mấy năm cũng không nói hết được, bởi có quá nhiều. Tất cả mười phương chư Phật đều từ Chú Lăng Nghiêm mà sinh xuất ra, cho nên có thể nói Chú Lăng Nghiêm là mẹ của chư Phật. Mười phương Như Lai đều nhờ Chú Lăng Nghiêm mà đắc thành Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác. Mười phương Như Lai có thể ứng thân đến nhiều quốc gia như số vi trần để chuyển bánh xe Pháp giáo hóa chúng sanh, xoa đảnh thọ ký cho chúng sanh trong mười phương, cứu giúp các khổ của chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát khỏi mọi tai họa lớn nhỏ, đều là nhờ vào năng lực của Chú Lăng Nghiêm này.

Giả sử muốn đắc quả A La Hán, quý vị nhất định phải tụng Chú này, mới có thể không bị ma chướng. Trong thời kỳ mạt pháp, nếu như có người có thể đọc thuộc Chú Lăng Nghiêm, hoặc là khuyên bảo người khác tụng đọc Chú Lăng Nghiêm, thì lửa không thể thiêu đốt người đó, nước cũng không thể dìm chết người đó, bất luận độc hại lớn nhỏ gì cũng không hãm hại được người đó. Tất cả các chất độc hại vào đến miệng của người trì tụng Chú Lăng Nghiêm này đều sẽ biến thành vị ngọt cam lồ!

Người thọ trì Chú Lăng Nghiêm sẽ không phải thác sanh vào những nơi không tốt, cho dù người đó có muốn cũng không được. Vì sao vậy? Bởi vì Chú Lăng Nghiêm này sẽ níu kéo, cầm giữ người đó lại, bảo rằng: “Không nên đi! Không nên đi vào chỗ đó!” Những chúng sanh trì tụng Chú Lăng Nghiêm, cho dù bản thân họ không làm được việc phước đức gì, chỉ niệm Chú Lăng Nghiêm mà thôi, song công đức của tất cả mười phương Như Lai đều sẽ được hồi huớng cho người này. Quý vị nói xem, như vậy có lợi lạc quá không? Quý vị niệm Chú Lăng Nghiêm thì có thể thường được sinh ra vào thời có Đức Phật xuất thế, được cùng huân tu với Đức Phật.

Giả sử tâm niệm của quý vị vô cùng tán loạn, không thể chuyên nhất, hơn nữa quý vị cũng không có định lực, nhưng nếu trong thâm tâm quý vị nhớ nghĩ đến Chú Lăng Nghiêm mà Phật đã thuyết, miệng liền trì tụng, thì Bồ Tát Kim Cang Tạng Vương liền dùng loại tâm rất tinh chân thuần thục, đi theo người trì tụng Chú Lăng Nghiêm có tâm tán loạn như quý vị, âm thầm đến thúc giục, từng chút từng chút làm cho tâm tán loạn của quý vị không còn nữa, dần dần từng chút một giúp cho quý vị có thể đạt được định lực. Bồ tát âm thầm hỗ trợ quý vị, giúp quý vị khai mở trí huệ của mình, khiến cho tâm niệm của quý vị được chuyên nhất, những sự việc trước đây trong thời gian dài như tám vạn bốn ngàn hằng hà sa kiếp, quý vị đều hiểu rõ, sáng tỏ hết tất cả.

Nếu quý vị có thể đọc được Chú Lăng Nghiêm rồi, có thể đọc thao thao bất tuyệt giống như từ trong tâm quý vị mà tuôn chảy ra vậy, thì Chú Lăng Nghiêm cũng chính là tâm của quý vị, tâm quý vị cũng chính là Chú Lăng Nghiêm. Đạt đến Trì Chú Tam Muội, quý vị tụng được lưu loát như nước chảy vậy, tuôn chảy không ngừng. Như vậy, quý vị ít nhất cũng có thể trong bảy đời đều sẽ được giàu có giống như vua dầu mỏ của Mỹ, bảy đời đều được làm người giàu có, có rất nhiều tiền. Có người nói: “Tốt như vậy ư? Thế thì tôi phải nhanh chóng học Chú Lăng Nghiêm để được giàu có suốt trong bảy đời!” Nếu cảnh giới của quý vị chỉ nhỏ nhoi như vậy thôi, thì quý vị không nên học Chú Lăng Nghiêm làm gì, bởi bảy đời làm ông viên ngoại giàu có chẳng qua cũng là khoảng thời gian bằng chừng một nháy mắt mà thôi!

Vậy thì niệm được Chú Lăng Nghiêm nên hy vọng những gì? Nên hy vọng rốt ráo được làm Phật, đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Quý vị chớ nên cầu cảnh giới nhỏ nhoi như vậy, trên thực tế, người học Chú Lăng Nghiêm, chính là hóa thân của Phật; không những là hóa thân của Phật, mà còn là hóa Phật trên đỉnh của Phật, hóa Phật trong hóa Phật, cho nên điều kỳ diệu của Chú Lăng Nghiêm thật không thể nghĩ bàn.

Nơi nào có người thực sự có thể trì Chú Lăng Nghiêm, thì tại nơi đó, trên hư không liền xuất hiện một cái lọng báu lớn màu trắng (bạch tản cái). Nếu công phu của quý vị vừa lớn, vừa cao cường, thì hễ quý vị niệm Chú Lăng Nghiêm, thì trong vòng mấy ngàn dặm của nơi quý vị ở đều sẽ không có tai nạn xảy ra; nếu công phu của quý vị nhỏ, thì cái lọng báu này ở ngay trên đầu quý vị, nó cũng có thể bảo hộ, che chở cho bản thân quý vị. Nếu quý vị là bậc cao tăng đại đức, có đạo hạnh, thì quý vị vừa niệm, thậm chí cả một đất nước này đều được lợi ích, đều không có tai nạn gì xảy ra nữa. Dù có xảy ra tai nạn, thì nạn lớn cũng hóa thành nhỏ, nạn nhỏ cũng hóa thành không có!

Bất luận đất nước nào gặp nạn đói kém, có dịch bệnh truyền nhiễm, hoặc là có chiến tranh, trộm cướp, nhiều tai nạn xảy ra, nếu mọi người có thể biên chép Chú Lăng Nghiêm rồi để trên bốn cửa thành, hoặc để ở những nơi bảo vệ như pháo đài, lô cốt, hoặc có thể khiến cho tất cả chúng sanh trong đất nước đều đón tiếp, cung kính khấu đầu đảnh lễ Chú Lăng Nghiêm, một lòng cung kính như cúng dường Đức Phật, hoặc có thể khiến cho mỗi người dân trong đất nước này đều giữ trên mình một quyển Chú Lăng Nghiêm, hoặc để thờ trong nhà họ đang ở, thì mọi tai nạn đều được tiêu trừ hết.

Nơi nào có Chú Lăng Nghiêm thì ở nơi đó, thiên long đều hoan hỷ, cho nên cũng không có những tai họa như mưa to gió lớn nữa, tất cả ngũ cốc cũng đều được mùa, nhân dân đều được no ấm bình an. Cho nên công đức này của Chú Lăng Nghiêm là không thể nghĩ bàn, quý vị có tưởng tượng cũng không thể mường tượng ra được, có nghĩ cũng không nghĩ ra được--đây chính là chỗ diệu dụng của Chú vậy.



11. Chú Lăng Nghiêm – Đại Biểu Cho Chánh Pháp

Có thể niệm Chú Lăng Nghiêm chính là đem lại lợi ích cho chúng sanh,

không thể niệm thì không thể làm lợi ích cho chúng sanh.



Mỗi một câu Chú Lăng Nghiêm đều có vô lượng ý nghĩa, mỗi một nghĩa đều có vô lượng công năng. Quý vị phải hiểu rõ rằng Chú Lăng Nghiêm là linh văn trong trời đất, là linh văn trong các linh văn, là bí mật trong bí mật, là pháp bảo vô thượng, là pháp bảo cứu mạng tất cả chúng sanh. Nó bao quát vạn hữu, trên từ mười phương chư Phật, dưới đến A Tỳ địa ngục, Tứ thánh Lục phàm đều phải tuân theo pháp Chú Lăng Nghiêm. Trong mười pháp giới, bất luận là pháp giới nào cũng không vượt qua khỏi phạm vi này bởi tất cả các loại quỷ, các loại thần, tất cả chủng loại hộ pháp chư thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Phật Thừa, đều được bao hàm trong Chú Lăng Nghiêm.

Những điều được nói ra trong Chú Lăng Nghiêm đều là tên của các quỷ thần vương, hễ quý vị vừa niệm đến tên của quỷ thần vương nào, thì những quyến thuộc của quỷ vương hoặc thần vương này đều tín phục, tuân theo quy củ, không dám phóng túng nữa. Quý vị ngày ngày tụng Chú Lăng Nghiêm thì có thể khiến cho yêu ma quỷ quái trên đời này trở nên ngoan ngoãn, hiền lành hơn một chút, không dám ngang nhiên xuất hiện hại người. Chú Lăng Nghiêm là toàn thể đại dụng, có thể nói là bao quát tất cả giáo nghĩa của Phật Giáo, nếu có thể hiểu rõ Chú Lăng Nghiêm, thì có thể hiểu rõ được tinh hoa bí mật của Phật Giáo.

Những sự việc thâm áo kỳ diệu trong trời đất, những điều không thể nghĩ bàn trong trời đất, thảy đều nằm trong Chú Lăng Nghiêm. Nếu quý vị biết Chú Lăng Nghiêm, thì không cần học Mật Tông, Bạch Giáo (trắng), Hắc Giáo (đen), Hoàng Giáo (vàng), Hồng Giáo (đỏ)… gì cả. Giáo pháp nào quý vị cũng không cần phải học cả, bởi vì đây chính là pháp Tam Muội căn bản, là mật pháp rốt ráo nhất, nhưng không có ai hiểu được, cũng không có ai biết được mật pháp này! Người bình thường tuy học mà không hiểu, họ chỉ biết đọc suông chứ không biết được ý nghĩa của nó. Quý vị vốn không cần phải biết ý nghĩa của Chú, chỉ cần biết đó là linh văn không thể nghĩ bàn là đủ rồi!

Niệm được Chú Lăng Nghiêm chính là đem lại lợi ích cho chúng sanh, không thể niệm thì không thể lợi ích chúng sanh. Quý vị hãy nhanh chóng học và tìm hiểu Chú Lăng Nghiêm, hãy học thuộc lòng, rồi nghiên cứu cho tường tận--đó mới là hành vi nên có của tín đồ Phật Giáo. Người muốn học Chú Lăng Nghiêm, trì tụng Chú Lăng Nghiêm, tốt nhất là nên phát tâm quảng đại, tụng trì cho toàn thế giới, đem tất cả công đức hồi hướng cho toàn thế giới. Trong Phật Giáo không có gì quan trọng hơn Chú Lăng Nghiêm, Chú Lăng Nghiêm là đại biểu cho Chánh Pháp--có Chú Lăng Nghiêm thì có Chánh Pháp, không có Chú Lăng Nghiêm thì không có Chánh Pháp; không thuộc Chú Lăng Nghiêm thì không xứng danh là tín đồ Phật Giáo!

Chú Lăng Nghiêm còn được gọi là “Lăng bán niên,” (Lăng Nghiêm nửa năm) bởi nếu ngày ngày niệm Chú Lăng Nghiêm, thì phải niệm suốt nửa năm trời mới thuộc nằm lòng được. Chúng ta, những người có thể tụng Chú Lăng Nghiêm, đều là nhờ từ vô lượng kiếp đến nay đã từng vun bồi đại thiện căn, cho nên nay mới có thể đọc thuộc Chú Lăng Nghiêm; học thuộc lòng rồi, vĩnh viễn cũng không quên, đây chính là biểu hiện của thiện căn. Nếu quý vị không có thiện căn, thì chẳng những quý vị không thể niệm, mà ngay cả cái tên của Chú Lăng Nghiêm quý vị cũng không gặp được, cho dù có gặp được rồi cũng không thể nào hiểu nổi, không niệm được. Cho nên hiện tại chúng ta có thể niệm, có thể học thuộc được, đều là nhờ chúng ta có đại thiện căn.

Pháp Lăng Nghiêm là pháp môn trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được, chúng ta học được một câu, hiểu được công năng của một câu, thì nên theo đó mà thực hành. Nhưng cũng không phải vì nghe nói pháp có đại linh cảm, diệu dụng và năng lực mà tùy tiện sử dụng nó. Nếu quý vị dùng pháp nhưng không trì giới, giống như những người không hiểu biết gì cả, tùy tiện sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu, rồi tới lúc cần kíp mới vội vàng niệm Ngũ đại tâm chú, thì đó là hành vi bôi nhọ pháp, không có công đức. Đã vậy, quý vị lại còn muốn chi phối quỷ thần và chư Hộ pháp nữa, như thế thì chỉ tăng thêm nghiệp tội cho chính quý vị mà thôi, bản thân quý vị tất sẽ phải chịu tai bay vạ gió.

Cho nên người tu pháp, đầu tiên phải trì giữ giới luật, phải chú trọng đức hạnh, nhất định phải không tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, không nói vọng ngữ. Bởi nếu quý vị không đủ đạo đức, thì cũng giống như mạo xưng quốc vương, truyền thánh chỉ giả, đó là việc không thể được. Hiện nay, có những người không chú trọng đến đạo đức phẩm hạnh của mình, do đó cho dù họ có niệm cũng không có được công lực.

Cho nên, quý vị muốn học pháp môn Chú Lăng Nghiêm, thì hành vi của quý vị phải chánh trực, tâm ý của quý vị phải chân thành, không khởi những vọng tưởng không thanh tịnh, không làm những việc không thanh tịnh. Quý vị không được lơ là, lãng quên việc tu hạnh thanh tịnh. Nếu quý vị một mặt thì tu pháp môn Chú Lăng Nghiêm, một mặt thì không tuân giữ quy củ cho đúng đắn, ắt sẽ xảy ra những vấn đề rất lớn--mọi người cần phải hiểu rõ điểm này!

Nếu quý vị không giữ chánh niệm, không thực hành chánh hạnh, tất sẽ khiến cho Bồ Tát Kim Cang Tạng không khâm phục, không muốn bảo hộ cho quý vị nữa! Chư Phật, chư Bồ Tát là các đấng từ bi, các ngài sẽ không làm tổn hại chúng sanh, sẽ không nổi giận mà hại người; nhưng tất cả tùy tùng, tất cả các vị hộ pháp của các ngài, cùng chư thiên long, quỷ thần, đều là hàng dễ nổi nóng. Những ác quỷ, ác thần này, khi nhìn thấy người tu đạo trì chú như quý vị phạm lỗi lầm, họ sẽ giáng cho quý vị một chút tai họa--hoặc khiến cho quý vị không được tự tại, hoặc làm cho quý vị gặp phiền phức rất lớn. Quý vị có thể sẽ gặp phải đủ thứ tai nạn, chịu đủ thứ quả báo, đó là điều không thể mảy may xem thường được. Cho nên, quý vị cần phải trai giới, tắm gội sạch sẽ, trong tâm phải thanh tịnh, không khởi ý niệm nhiễm ô, thân cũng thanh tịnh, không thực hành các pháp môn ô nhiễm, luôn luôn duy trì sự thanh tịnh, trong sạch, không được có mảy may hành vi không tuân thủ quy củ nào.

Trì tụng Chú Lăng Nghiêm được lợi còn nhiều hơn là buôn bán vàng bạc. Tụng Chú Lăng Nghiêm một biến, thì giá trị cũng tương đương như có được hàng vạn vạn ounce vàng vậy. Thế nhưng, quý vị không thể dùng tâm tham để trì tụng. Nếu có thể trì giới luật, không đố kỵ, không chướng ngại, không tham sân si, thì trì tụng Chú Lăng Nghiêm mới có được cảm ứng lớn, lợi ích lớn. Nếu quý vị có những hành vi không tuân thủ quy củ, thì khi tu pháp môn này, quý vị cũng không có được sức cảm ứng lớn. Đó hoàn toàn không phải là do chú không linh nghiệm, mà là vì quý vị không giữ quy củ, khiến cho hộ pháp thiện thần tránh xa quý vị, cho nên dù có sự việc gì xảy ra cho quý vị thì họ cũng không quan tâm nữa!

Cho nên, phàm là người đọc tụng Chú Lăng Nghiêm, chúng ta không nên có lòng dạ quỷ quyệt, xảo trá, không nên có những hành vi tạo tác nghiệp tội. Bất cứ lúc nào quý vị cũng phải quang minh chính đại, chỉ biết lợi tha, không màng tới lợi mình, phải có tâm lượng của bậc Bồ Tát, thực hành hạnh môn của bậc Bồ Tát!



12. Trì Giới, Tu Định, Sanh Trí Tuệ

Quý vị trì niệm Chú Lăng Nghiêm, thì bất luận tội nặng như thế nào cũng đều được tiêu diệt!



Vốn phá giới là điều không thể bổ khuyết, cứu chữa được, nhưng nếu quý vị biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì có thể khôi phục được giới căn thanh tịnh của quý vị. Nhưng biết niệm, không phải chỉ là niệm mà thôi, nhất định phải đạt đến Tụng Chú Tam Muội. Chú này chính là phải từ trong tâm quý vị mà niệm ra, chú này lại có thể trở lại trong tâm quý vị; cho nên nói là “chú tâm tâm chú”--tâm và chú hợp lại thành một, không có phân biệt, quý vị muốn quên cũng không quên được, đây gọi là “không niệm mà niệm, niệm mà không niệm.”

Quý vị niệm Chú thì phải niệm sao cho tất cả vọng tưởng tạp niệm đều không còn nữa, chỉ một lòng một dạ chuyên nhất trì tụng Chú Lăng Nghiêm mà thôi, đó gọi là “đả thành nhất đoàn”--xâu thành một chuỗi, kết thành một đoàn, trở thành một thể với nhau. Tư tưởng ý niệm của quý vị đã kết lại thành một khối rồi, không còn niệm thứ hai nữa, cũng giống như dòng nước tuôn chảy bất tận–con sóng trước đẩy con sóng sau, cuồn cuộn không dứt, như vậy, “nước chảy, gió động, diễn ma ha”--âm thanh của nước chảy và âm thanh của gió thổi, đều là tâm chú của Chú Lăng Nghiêm. Nếu quý vị có thể niệm đến mức như vậy, tới lúc đó cho dù quý vị có phá giới, thì quý vị cũng vẫn có thể đạt được giới căn thanh tịnh; còn nếu quý vị chưa thọ giới, thì quý vị cũng sẽ được thọ giới. Nếu quý vị vốn không hướng thượng tinh tấn, không nghiên cứu Phật Pháp, nhưng nếu quý vị có thể niệm Chú Lăng Nghiêm, niệm được thời gian lâu rồi, thì quý vị cũng tự nhiên nảy sanh tâm tinh tấn; người không có trí tuệ cũng sẽ được khai mở trí tuệ.

Nếu quý vị tu hành không được thanh tịnh, phá trai phạm giới, nhưng nhờ quý vị không quên Chú Lăng Nghiêm, cho nên quý vị sẽ được nhanh chóng khôi phục lại sự thanh tịnh. Nếu như trước kia, khi chưa biết trì chú, chưa được thọ giới, mà quý vị phạm phải giới cấm, thì sau khi quý vị trì Chú Lăng Nghiêm, tất cả những điều phá trai phạm giới, những tội lỗi bất luận là nhẹ hay nặng, thậm chí những tội không thể sám hối như Ba La Di, Ngũ Nghịch, Tứ Khí (bốn tội Ba La Di), Bát Khí (tám tội Ba La Di) mà quý vị đã trót gây ra, thảy đều có thể được xóa sạch. Quý vị vừa niệm Chú Lăng Nghiêm, bất luận tội nặng như thế nào đều tiêu trừ được, ngay cả nhiều bằng chừng một sợi tóc cũng không còn nữa, cho nên năng lực của Chú Lăng Nghiêm là không thể nghĩ bàn.

Có nhiều người nghe nói Chú Lăng Nghiêm linh nghiệm như vậy, họ bèn chỉ niệm chú mà thôi, cũng không chịu tu hành nữa, đây là một hành vi thái quá. Bởi vì tu đạo, bất luận tu theo pháp môn nào, chúng ta đều cần phải giữ trung đạo, không nên “thái quá,” cũng không nên “bất cập.” Chú này cố nhiên là linh nghiệm, nhưng chúng ta vẫn cần phải tu định lực nữa. Chú Lăng Nghiêm nói chú này linh nghiệm, nhưng “phản văn văn tự tánh,” tu pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông cũng là một trong những điều quan trọng nhất vậy.

Lúc quý vị tụng Chú, thì cũng nên “phản văn văn tự tánh,”--quay lại lắng nghe tự tánh, phải tự mình “hồi quang phản chiếu.” Đoạn trước không phải tôi đã nói rồi sao? Tụng Chú này, thì Chú chính là tâm, tâm cũng chính là Chú, tâm và Chú không tách rời nhau; “tâm, Chú, nhị nhi bất nhị”--tâm, chú là hai mà không phải hai. Quý vị nếu có thể đạt đến như vậy là tốt rồi; bấy giờ, quý vị cầu điều gì thì đều có thể toại nguyện như ý, nhất định sẽ thành tựu được. Vậy thì nếu quý vị có thể hợp nhất tâm và Chú lại với nhau, đây cũng coi như là quý vị đã đạt đến Thiền Định Tam Muội, đắc được định lực chân chánh rồi, thế nên về điểm này, mỗi chúng ta đều nên biết.