Có đường tắt đến Thiên Đàng?



TP - “Hội thánh Đức Chúa Trời” trong mấy tuần qua rơi vào tâm điểm của dư luận.


Trước phản ứng gay gắt của giới truyền thông, những can thiệp chủ động của các cơ quan chức năng địa phương, sự lên tiếng theo hướng phản đối của một số tổ chức tôn giáo chính thức, các nhóm mới hình thành của “Hội thánh” có nguồn gốc ở nước ngoài này vẫn có dấu hiệu tiếp tục hoạt động và lan rộng ở một số tỉnh thành.

Đâu là bản chất hiện tượng này và tại sao một hiện tượng như thế vẫn tỏ ra hấp dẫn một bộ phận cư dân?

Thoạt nghe, cái tên “Hội thánh” gợi lên hình ảnh về đạo Tin Lành, vốn hiện diện với sự phong phú về hệ phái ở Việt Nam. Điểm chung của các hệ phái đó là niềm tin duy nhất đặt vào Chúa Trời, sự nhấn mạnh vào quyền uy của Kinh Thánh (chủ yếu là Tân ước) và việc các cá nhân tín đồ nghiêm cẩn thực hành các nguyên tắc đạo đức.

Các hệ phái ấy có những mục sư quản nhiệm và người truyền đạo có hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh, sự tận hiến cho cộng đồng tín đồ và sống một cuộc sống gương mẫu về đạo đức. Đây cũng là các tiêu chí căn bản nhất để các cộng đồng Tin Lành thừa nhận sự tồn tại của nhau dù có thể khác nhau về cách thức luận giải Kinh Thánh hoặc hình thức tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập thể.


Nhưng “Hội thánh Đức Chúa Trời” xuất phát từ Hàn Quốc này bị nhiều cộng đồng Tin Lành chính thống trong và ngoài quốc gia này phản đối. Cụ thể là do những khác biệt khó được chấp nhận trong việc giải thích Kinh Thánh, việc coi người tạo lập là hiện thân của Đức chúa Jesus Christ, và những tiên tri sai về ngày Tận thế (cho rằng diễn ra vào năm 1988).

Hiện tại, người tạo lập “Hội thánh” là Ahn Sahng-hong đã qua đời vào năm 1985. Về bản chất, “Hội thánh” này không thể được coi là một hệ phái Tin Lành, dù là mới tạo lập hay là kết quả bản địa hóa đạo Tin Lành bởi người Hàn Quốc. Sự phát sinh và lan rộng của “Hội thánh” này tốt nhất được hiểu như một trong hàng ngàn “phong trào tôn giáo mới” xuất hiện trên thế giới kể từ sau thế chiến thứ hai.

Một trong những mục đích của các phong trào này là nhằm phá bỏ vị thế độc quyền của các truyền thống tôn giáo lâu đời, cung cấp những giải pháp tôn giáo có tính thay thế.

Vừa cạnh tranh để thu hút người tin theo và tồn tại, các phong trào ấy thường nhấn mạnh vào những thông điệp khác lạ đến mức gây “sốc” về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế dưới các dạng thức mới và về “tấm vé vớt” trên chuyến tàu tốc hành lên Thiên Đàng dành cho người chớp thời cơ trở thành tín đồ khi ngày phán xét được khẳng định là cận kề.


Lịch sử cho thấy một số phong trào như thế đã trở nên cực đoan trong đường hướng hành động, kết thúc bằng các hình thức bạo lực hướng vào nội bộ tín đồ (tự sát tập thể) hoặc hướng ra công chúng bên ngoài (tấn công khủng bố nơi công cộng). Phần lớn các phong trào tôn giáo mới thực ra sau cùng tàn lụi khi giáo chủ qua đời và do thất bại trong việc tìm kiếm sự hợp pháp hóa từ chính quyền và sự thừa nhận của các truyền thống tôn giáo chủ lưu hay cộng đồng xã hội.


“Hội thánh Đức Chúa Trời” đã qua giai đoạn phát triển nhất của mình nhưng lại được một số cá nhân tiếp nhận vào Việt Nam gần đây. Những người đi “truyền đạo” và tổ chức các “nghi lễ” mà báo chí và mạng xã hội phát hiện đều tỏ ra chưa thuyết phục về phẩm chất và động cơ. Rõ ràng có dấu hiệu của sự khai thác những yếu tố “mê tín” nhất của phong trào này, đồng thời là sự lợi dụng niềm tin tôn giáo vì những mục đích không là thuần túy tôn giáo.


Trong thực tế, một bộ phận người dân, thường hy vọng vào một sự “đổi đời” tức thì. Nếu một tôn giáo mới lạ chào mời rất nhiều hứa hẹn về một con đường tắt đi đến sự sung sướng, giàu có và an ổn, nên họ quyết thử đi theo?


Điều họ nên hiểu ra là con đường để đạt sự giải thoát hay cứu rỗi, dù là theo tôn giáo nào, luôn dài, lắm gian nan và nhiều thử thách. Để có cuộc sống bớt đi những gian khó, chẳng có cách nào tốt hơn trước hết phải dựa vào chính mình nhờ nỗ lực học hành, chăm chỉ lao động và phấn đấu vươn lên mỗi ngày.

HOÀNG VĂN CHUNG
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam