Giáo phái cực đoan Trung Quốc yêu cầu tín đồ rời bỏ gia đình




21/04/2018 2128 GMT+7


Người gia nhập Tia chớp phương Đông phải đoạn tuyệt với cuộc sống trước đây để tôn thờ người phụ nữ tự cho là hiện thân của Chúa.
Wang Jiannan, người có chị và mẹ đã gia nhập giáo phái Tia chớp phương Đông. Ảnh: BBC.
Qi Jianguo, một kỹ sư tại nhà máy phụ tùng xe hơi năm 2014 mất vợ khi cô này bỏ nhà theo Toàn năng thần giáo, bỏ lại anh với đứa con 5 tuổi. "Bạn có thể thấy giáo phái này lệch lạc so với Kito giáo như thế nào. Kito giáo dạy rằng gia đình là điều quan trọng. Ai lại đi khuyên một người mẹ bỏ rơi con mình cơ chứ?", anh nói.
Toàn năng thần giáo, hay còn gọi là Tia chớp phương Đông, là một biến tướng từ Kito giáo, được thành lập ở Trung Quốc vào năm 1991. Những người theo giáo phái này tin rằng Chúa Jesus đã tái sinh trong hình hài người phụ nữ Trung Quốc hơn 40 tuổi tên là Dương Hướng Bân, đôi khi được gọi với cái tên Đặng Lôi. Năm 1995, giáo phái này bị Trung Quốc cấm nên Dương cùng người tình Triệu Duy Sơn, cựu giáo viên vật lý và là người sáng lập giáo phái, trốn chạy sang Mỹ, theo talkradio.
Emily Dunn, một học giả nghiên cứu châu Á tại Đại học Melbourne, ước tính nhóm Tia chớp phương Đông có vài trăm nghìn đến một triệu thành viên. Trang web của giáo phái được viết bằng 12 ngôn ngữ và nói rằng họ có đường dây nóng ở 21 quốc gia cũng như các đặc khu hành chính của Trung Quốc như Hong Kong và Macau. Bà cho biết việc Tia chớp phương Đông bị cấm khiến các thành viên hoạt động ngày càng bí mật. Họ có thể chỉ biết nhau qua biệt danh nhằm tránh các thành viên khai báo nhau cho giới chức.
Cách chiêu mộ
Giáo phái này ban đầu tập chung chiêu mộ phụ nữ, đặc biệt là các bà nội trợ hay những người ít học ở nông thôn. Tuy nhiên nhóm sau đó cũng cũng nhắm cả vào những người có học thức. Một cảnh sát đặc nhiệm tại Quảng Châu từng lĩnh án 3 năm tù sau khi chỉ huy phát hiện anh ta là tín đồ giáo phái. Tuyển mộ viên thường nhắm mục tiêu vào những người có hoàn cảnh, như người bị bệnh hay có người thân bị bệnh nặng, người vừa mất việc hay ly dị, theo BBC.
Tháng 7/2017, cảnh sát ở Trung Quốc bắt giữ 18 người được cho là thành viên Tia chớp phương Đông sau một cuộc điều tra 6 tháng. Cảnh sát cho biết hầu hết những người này đang trong tình trạng tinh thần suy nhược, có dấu hiệu trầm cảm. "Một số người đã ly dị và dường như không có chỗ nào để trút bỏ tâm tư", cảnh sát Dong Jianfeng nói. "Một số gia đình từng trải qua tai nạn tồi tệ khiến họ trở nên chán nản".

Một cựu tín đồ giấu tên ở Dương Châu cho biết cô bắt đầu tham dự các buổi giảng đạo do bị bạn thân rủ rê. "Chiến lược của họ là từ từ lôi kéo bạn, giống như tham gia các lớp học tại trường. Họ nói với chúng tôi có ba bước để tin vào Chúa. Trước tiên, bạn tin vào thánh Joseph, sau đó là Chúa, và cuối cùng là hóa thân nữ của Chúa", ý nói đến bà Dương Hướng Bân, cô kể lại.
"Họ yêu cầu chúng tôi phải tuyên truyền để cải đạo nhiều người hơn, nếu không, Chúa sẽ buồn phiền. Các buổi giảng đạo được dẫn dắt bởi các 'thầy'. Tín đồ mới như tôi không thể hỏi về đời sống riêng tư họ. Tôi chỉ biết thầy của tôi gọi là Tiểu Hồng, tôi thậm chí còn không biết tên thật của bà ta", cô cho biết thêm.
Dương Hướng Bân (trái) và Triệu Duy Sơn, hai người đứng đầu nhóm Tia chớp phương Đông. Ảnh: CNN.
Tai tiếng
Tia chớp phương Đông được cho là liên quan đến các vụ bạo lực, tống tiền và bắt cóc. Năm 2014, tại một quán ăn nhanh ở tỉnh Sơn Đông, 5 người nhà họ Trương lao vào đánh đập đến chết một phụ nữ chỉ vì cô này từ chối gia nhập giáo phái. Nhà Trương không hề tỏ vẻ hối hận gì khi ra tòa. "Cô ta là một con quái vật. Cô ta là linh hồn ma quỷ. Chúng tôi không sợ pháp luật", một người nói trước tòa.
Chị và mẹ của một thanh niên có tên Wang Jiannan sống ở đông Trung Quốc cũng đi theo Tia chớp phương Đông. Tháng 1/2013, chị của Wang đánh bố mình đến chết. Giống như những kẻ giết người ở quán ăn nhanh, cô coi bố mình là "con quỷ cần phải tiêu diệt". Chị của Wang sau đó ra đầu thú.
Cảnh sát Trung Quốc nói giáo phái này chia ra nhiều cấp bậc, thành viên nào đóng góp tài chính nhiều thì họ sẽ được thăng cấp. "Mọi thành viên đều sẵn sàng quyên góp tiền cho họ, với số tiền dao động từ 10.000 NDT (gần 1.500 USD) đến hàng chục nghìn NDT", cảnh sát Dong Jianfeng cho biết. "Họ được dụ dỗ rằng miễn là họ quyên góp, Chúa toàn năng sẽ giúp họ thoát khỏi mọi loại bệnh tật".
5 tín đồ bị xét xử vì vụ giết người ở quán ăn nhanh năm 2014. Ảnh: Xinhua.
Giáo phái buộc các thành viên cắt đứt tất cả mối quan hệ với cuộc sống trước đây để hoàn toàn mộ đạo. "Giáo phái có tư tưởng chống gia đình, chống chính phủ. Họ vứt bỏ các mối quan hệ gia đình và khuyến khích nhau làm vậy", một người đàn ông giấu tên có vợ đã bỏ đi để gia nhập giáo phái cho biết. "Họ biến những người tử tế thành điên rồ và cực đoan".
Tại tỉnh Sơn Đông, vợ của Peng Baoshun năm 2014 cũng bỏ đi biệt tích. "Khi về nhà, tôi thấy xe của chúng tôi, quần áo, chứng minh nhân dân và tất cả đồ đạc của cô ấy còn nguyên, nhưng cô ấy thì mất tích", Peng kể lại. Khi đó, hai vợ chồng anh mới chỉ kết hôn được một năm và hiếm khi cãi cọ.
Trước khi những người vợ bỏ nhà ra đi, anh Peng và anh Qi đều thấy vợ mình dần mất hứng thú trong công việc và dành phần lớn thời gian để xem video trực tuyến. Peng nhớ rằng thời gian còn ở với gia đình, vợ anh đã tỏ ra rất bí hiểm. "Cô ấy rất bí ẩn, luôn luôn giữ bí mật và không bao giờ cho phép bất cứ ai xem điện thoại di động của mình. Cô ấy giấu nó dưới gối vào ban đêm. Cô ấy thôi làm việc và chỉ dành thời gian để lên mạng", Peng nói.
Vào thời điểm truyền thông đổ dồn sự chú ý về vụ giết người ở quán ăn nhanh năm 2014, các thành viên điều hành phiên bản tiếng Anh của trang web giáo phái nói với CNN rằng đảng Cộng sản Trung Quốc cố tình đổ lỗi vụ giết người cho Tia chớp phương Đông. Giáo phái đã đăng một số phim ngắn được sản xuất công phu, mô tả chính quyền Trung Quốc đang cầm tù và tra tấn các tín đồ Kito giáo.
Tuy nhiên, chính các nhóm Kito giáo khác ở Trung Quốc từ lâu đã lên án Tia chớp phương Đông. ChinaAid, tổ chức nhân quyền Kito giáo quốc tế, năm 2012 ra tuyên bố: "Hầu như tất cả nhóm Kito giáo ở Trung Quốc đều ủng hộ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xử lý theo pháp luật Tia chớp phương Đông, nhóm tự gọi mình là một giáo phái Kito nhưng từ lâu đã sử dụng bạo lực để gây nguy hiểm cho trật tự xã hội".
Theo Phương Vũ (VnExpress.net