Pháp Vị trong Thiền

TRÍCH:http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-vbud/vbthn065.htm

...Tiếp đến là Pháp vị trong thiền. Chỉ có thiền mới đem lại cho chúng ta nhiều Pháp vị nhất. Những vị tu Tiên, tu Phật đều nhờ hưởng được Pháp vị trong thiền mà hoan hỉ với đường tu suốt một đời. Trong đoạn này chúng ta sẽ nói đến thiền vị và nhân đây tôi xin đề cập đến vài lỗi lầm đáng tiếc trong thiền mà nhiều người thời nay mắc phải.

Có một Phật tử đến hỏi tôi về thiền. Vị này muốn thực hành những phương pháp luyện tâm có thể đạt được những năng lực siêu nhiên như có thần thông, có thiên nhãn thấy được những cảnh giới nhiệm mầu, hội nhập với Thượng Ðế, hay có thể đưa thần thức đi chu du khắp cõi thiên đường, địa ngục. Ðồng thời, vị này cũng muốn thực hành theo đường lối chánh đạo trong Phật giáo để vừa gặt hái được lợi ích trong thiền, vừa an toàn vui sống trong thế giới hàng ngày. Vì đây là vấn đề mà có lẽ nhiều đạo hữu vẫn còn mắc phải nên tôi xin được kể lại câu chuyện lầm lẫn trong việc hành thiền của hành giả HT ra đây (với sự hoan hỉ cho phép của HT).

"... Lúc còn nhỏ mới mười lăm tuổi tôi đã thích thiền, nhưng tôi chỉ biết tò mò tìm kiếm chứ chẳng hề thấy ai thực hành. Một hôm vào thư viện chơi, đang đọc quyển sách thiền của Phật giáo, tôi được một người bạn tặng tôi một cuốn cẩm nang hành thiền dạy những phương pháp huyền bí về luyện tâm. Tôi vui mừng hí hửng, nghĩ rằng mình có duyên với thiền nên ơn trên đã phò hộ chỉ mình con đường về với cõi Phật, đất Tiên.

"Nhận được cuốn cẩm nang huyền diệu, tôi quí nó vô cùng liền về nhà đọc ngấu nghiến cuốn sách cho kỳ hết. Cuốn sách mỏng chỉ khoảng độ năm mươi trang dẫn tôi vào một thế giới mê ly huyền ảo, chỉ rõ cách thức thực hành và những lời hứa gặp Tiên thấy Phật hấp dẫn vô cùng. Lúc nhỏ tôi thích đọc truyện Tàu. Những hồi chuyện ly kỳ như Tiết Ðinh San và Phàn Lê Huê đấu phép với Ngũ Long Công Chúa, những bửu bối nhiệm mầu của Lê Sơn Thánh Mẫu tưng bừng vũ lộng thần thông và chuyện đằng vân giá võ của thiên tiên, địa tiên thường lởn vởn trong tâm trí con nít của tôi. Hồi đó còn nhỏ, tôi đinh ninh những chuyện này là có thật, và nếu biết cách trở về thì cũng gặp các Ngài như ngày xưa. Nay duyên lành đã đến, tôi được cuốn cẩm nang hành thiền này, đúng là mình đã có duyên lành với Phật Tiên Thánh rồi!

"Tôi kiên nhẫn chờ cho đến lúc nữa đêm khi mọi người đã ngủ say liền bắt đầu hạ thủ công phu. Tập trung tư tưởng, bế mạch, chận huyệt, hít thở chuyển khí, tôi nhất nhất làm theo những lời dạy trong sách chẳng sai một mảy nào. Vài tháng sau, tôi đã có thể ngồi thiền ba giờ đồng hồ liên tục vào lúc nửa đêm mà chẳng chút mỏi mệt. Buổi sáng tôi vẫn tỉnh táo và khỏe mạnh, đi học như thường.

"Dần dần, tôi nhận được thêm bản tin và thơ khuyến tu của nhóm thiền này. Tôi mừng vô cùng khi biết rằng trong số những người hành theo phương pháp này có rất nhiều vị là bác sĩ, kỹ sư, luôn cả những vị cư sĩ tại gia thuộc làu Thập Chú. Tôi tự bảo mình nên vững tâm thực hành phương pháp này, vì theo những gì tôi nghe được thì không những rất nhiều người thực hành phương pháp này đã thành công, mà họ lại là người lớn, có nhiều kiến thức, lại đã thành công trong đời.

"Thế là tôi càng hăng say tập luyện. Thời gian luyện thiền càng tăng dần và dĩ nhiên là tôi thiền lén, vì ba tôi cấm bặt không cho tôi thiền. Ông nghĩ rằng phương pháp hành thiền này mập mờ đầy vẻ hoang đường và do đó không an toàn. Nhưng tôi vẫn bí mật hành thiền, mỗi đêm say sưa đưa tâm đi vào các cõi thiền bí mật. Tôi nào biết mình đang sống trong tưởng tượng! Lúc ấy tôi mê mệt với những điều cao siêu kỳ bí tả rõ trong cuốn cẩm nang hành thiền. Cuộc sống thời niên thiếu của tôi dường như đã được định hướng: mình đang trên con đường đi vào cõi siêu nhiên cao thượng để hội nhập với thần tiên.

"Càng ngày, tôi càng nghe nhiều điều thành công của các đạo hữu trưởng bối. Có vị đã gặp tiên ông râu bạc cùng tiên bà ung dung cỡi gậy bay qua giãi ngân hà. Có vị thấy quần tiên trên mặt trời đang dùng quạt ba tiêu quạt đỏ lò bát quái để luyện tiên đơn. Có vị đã được diễm phúc hòa nhập với ánh sáng của Ngọc Hoàng Thượng Ðế mặc dù định lực chưa đủ mạnh để thấy rõ ngài. Có vị được Tiên Cô xuống thăm, khuyến khích tu mau kẻo sắp đến ngày tận thế. Nhưng nhiều hơn hết là có nhiều vị trong lúc hành thiền được bay đi chơi đây đó, sung sướng vô cùng. Tôi rất vui thích khi nghe những điều này. Tôi cầu nguyện ơn trên cho tôi một chuyến thiền du thượng giới, chỉ cần gặp thần tiên dù một phút thôi cũng mãn nguyện lắm rồi. Nhưng nào có thấy gì! Tuy nhiên, những ấn chứng tu hành mà các đạo hữu ấy đã kể ra đều là tiếng trống cổ động thúc đẩy tôi siêng năng hành đạo mỗi đêm.

"Rồi một hôm, trong buổi họp mặt của các đạo hữu để chia xẻ kinh nghiệm hành thiền, cô trưởng nhóm hảnh diện bảo rằng một đêm nọ, phát xuất từ lá gan, bên hông cô mở ra một đạo lộ thiên đường. Cô bảo rằng đây là một điều lạ vì xưa nay trong lúc hành thiền cảnh tiên thường hiện ra trước mắt cô chứ chưa bao giờ xuất phát từ "lá gan" bao giờ. Mọi người rất tôn trọng và tán thán thành quả siêu việt của cô. Tôi suy nghĩ: "Chà, hay thật! Làm sao mà thiên đường phát xuất từ lá gan được nhỉ"?

"Rồi đến một buổi họp mặt khác, lần này các đạo hữu tụ tập đông hơn. Cả một khối người lớn trẻ đông đúc ngồi chật một sảnh đường. Ðến lúc chia xẻ kinh nghiệm hành thiền, một bác đạo hữu nói rằng nhờ hành thiền bấy lâu nay nên bác đã được thanh lọc nhiều, đêm hôm qua ngài Quán Thế Âm Bồ-tát đã giáng xuống thay tim cho bác. Bác kể trong cơn mơ, bác được Quán Thế Âm Bồ-tát mổ ngực, lấy búp sen đổi làm tim cho bác, cọng sen làm mạch máu và lá sen làm da. Lúc thức dậy thân và tâm của bác trong sạch hoàn toàn. Bác quả quyết chuyện này mặc dù là trong mơ nhưng lại đã xảy ra thực và tuyên bố bây giờ thân tâm của bác đã hoàn toàn trong sạch và bác là con của Bồ-tát Quán Thế Âm. Chẳng biết mọi người nghĩ sao về chuyện này, nhưng phần tôi thì hoang mang vô cùng vì thấy sao nó na ná như chuyện Na Tra nhập xác bông sen trong truyện Phong Thần.

"Về sau, khi quan sát kỷ các vị luyện tâm theo lối này, tôi thấy đức tin của họ thiếu căn cứ, hình như phần nhiều là tưởng tượng theo những câu chuyện thêu dệt của văn hóa bên Tàu. Họ có những lối nhìn đời không thực tế, tâm tánh của họ hơi bất bình thường, và đời sống gia đình nhiều khi bị xáo trộn. Tuy tôi cũng hưởng được ít nhiều tâm định tỉnh an vui trong thiền, nhưng vì thấy những tấm gương của các đạo hữu khác nên tôi e ngại không dám đi sâu thêm. Mặc dù rất muốn hành thiền, nhưng tôi thấy cần phải hiểu rõ thêm về căn bản thiền học trong Ðạo Phật rồi mới thực hành sau ..."

Nghe câu chuyện này, tôi bảo anh HT: trên thế gian này, con người bị tâm tham ái thúc dục, nên mọi động cơ làm, nói và suy nghĩ của mọi người thường bắt nguồn từ tham ái. Ðến khi không thỏa mãn được với những gì trong đời, nhiều người đến với thiền, họ cũng lại với tâm tham ái mong tìm những gì mầu nhiệm cao siêu hơn. Khi đến với thiền, nhiều người rất thích đạt được những gì phi thường, như thấy Tiên gặp Phật, luyện phép thần thông, đi mây về gió, đạp hổ cỡi rồng. Tham ái là động cơ thúc đẩy nhiều người đi vào con đường hành thiền như vậy.

Tham ái là then chốt của mọi sự đau khổ và sai lầm. Trong vô minh, chúng ta không biết đường nào đúng để đi; chúng ta để mặc cho tham ái tự do dẫn dắt mà luôn nghĩ rằng con đường ta đi là chân chính, mầu nhiệm phi thường. Ðức Phật dạy rằng tham ái là nguồn cội của mọi sự đau khổ. Chỉ có diệt trừ được tham ái mới tận diệt được khổ đau.

Thông thường khi đến với thiền, người ta không biết rằng đến với thiền là để mà "mất" chứ không phải để mà "được". Tìm kiếm điều này điều nọ để thỏa mãn tham ái là tâm tánh của tất cả chúng sanh đã quen thói trong nhiều kiếp luân hồi. Lòng "muốn được" thì không bao giờ thỏa mãn. Ðức Phật dạy tâm tham ái của chúng sanh thì không bao giờ đủ, ví như người khát nước mà uống nước biển thì mãi hoài khát thêm. Vì vậy chúng ta nói rằng đến với thiền để mà "mất": mất đi sự động loạn của nội tâm, mất đi sự căng thẳng tinh thần, mất đi sự dao động tâm trí, mất đi sự cô đơn buồn khổ, mất đi sự tham ái không ngừng, mất đi những phiền não triền miên. Nếu có muốn gì trong thiền thì chúng ta hãy muốn mất đi những đau khổ ấy. Nhưng dầu sao đi nữa, thì khi hành thiền, chúng ta đừng muốn được cũng không mong mất, hãy theo phương pháp của chánh đạo mà thực hành, cụ thể là đơn thuần có chánh niệm ghi nhận đề mục như có giải rõ trong phương pháp hành thiền của thiền quán Tứ Niệm Xứ là xong. Thực hành như vậy thì chúng ta sẽ đạt được kết quả rất an toàn.

Hành thiền mà mãi tưởng tượng, mong cầu được điều này, thấy điều nọ thì không an toàn chút nào. Khi hành thiền, với tâm định tĩnh, chúng ta có thể phát giác được rằng tâm con người rất mạnh và rất sâu, có thể nói là vô biên giới, và khả năng thành tựu tâm linh thật không có gì đo lường được. Nhưng ngược lại, sự tưởng tượng của con người cũng rất phong phú, nếu hành thiền mà tưởng tượng cao độ thì sẽ dễ dàng bị lạc thiền, tâm rơi vào những trạng thái hoang tưởng, lạc tưởng, rồi dần dần sẽ tạo ra được những thế giới kỳ ảo đúng theo trí tưởng tượng của mình. Ðến lúc đó, tâm người hành thiền sai lạc sẽ chìm sâu vào ảo giác, sống rất nhiều với ảo giác trong lúc hành thiền cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Sức khỏe về tinh thần cũng như thể xác của người này có thể bị suy sụp, công ăn việc làm bị ảnh hưởng rất nhiều, và đời sống gia đình sẽ gặp khó khăn.

Trong khi hành thiền, tâm nguyện và mục đích của chúng ta phải chân chính và cách hướng tâm cũng phải chân chính. Tâm nguyện và mục đích chân chính là mong muốn thoát khỏi những đau khổ vì tham sân si, mong muốn làm cho tâm trở nên trong sạch, thanh tịnh hoàn toàn. Hướng tâm chân chính là có tinh tấn chánh niệm, chú tâm trên những đề mục làm cho tâm được an lạc định tỉnh, rồi dần dần sẽ được sáng tỏ thêm nhờ trí tuệ hiển bày. Sự hướng tâm chân chính rất quan trọng. Khi hành thiền, hướng tâm tà vạy là hướng tâm về với những gì thuộc về tham ái, sân hận. Hành thiền mà suy tưởng, ước muốn được gặp Tiên thấy Phật, hay mong muốn đắc thần thông để chiến đấu với ai, hay là móng tâm cầu đạt những điều phi thường, hay muốn được chu du cảnh này giới nọ v.v... là hướng tâm tà vạy. Sự hướng tâm tà vạy này khởi lên vì tham ái, mà nếu động cơ hành thiền là tham ái thì lối luyện tâm ấy đã đối nghịch với thiền!

Thiền và tham ái thì như dầu với nước, không hòa lẫn với nhau được. Khi tâm đầy dẫy tham ái thì tâm rất dao động và yếu ớt, tâm không thích an trụ chút nào. Khi tâm có tham ái mong cầu thì không thể nào nhất tâm, không thể đạt được sự an tịnh định tỉnh. Ngược lại, khi tâm được định tỉnh rồi thì tham ái không có mặt. Hành giả nào khi hành thiền mà tâm đã được định tỉnh sâu xa, thì tất cả những việc gặp Tiên thấy Phật, hay chu du thiên đường địa ngục - giả sử nếu có - thì đối với họ đều là phiền toái. Khi tâm được an tịnh định tỉnh rồi thì tâm rất an vui trụ chắc trong sự định tỉnh ấy, hành giả hưởng hạnh phúc cao diệu tuyệt vời, vượt xa tất cả những hạnh phúc tầm thường của giác quan. Lúc ấy hành giả không muốn tâm bị dao động chút nào.

Còn nếu hành giả muốn luyện thần thông để đạt được thiên nhãn thiên nhĩ, có thần túc thông biến hóa v.v..., thì trước hết phải có sự định tâm hoàn toàn cái đã. Nếu hành giả chăm chú hành thiền cho đến khi tâm không còn dao động, tâm như mặt hồ tuyệt đối phẳng lặng, chẳng một gợn sóng li ti, thì gọi là bắt đầu vào định. Lúc ấy, năm chướng ngại hành thiền là mọi sự tham ái (về 5 giác quan và ý thức), sân hận, dã dượi-buồn ngũ, hối quá-phóng dật, và hoài nghi đều vắng bóng. Mọi tư tưởng, tạp niệm, vọng tâm, suy nghĩ, dao động v.v... đều không có. Ngay cả một gợn tư tưởng nhỏ li ti làm tâm hơi rung động cũng không hiện lên được. Lúc này, theo Thanh Tịnh Ðạo thì tâm đã đi vào cận định, sắp sửa lọt vào sơ thiền, tầng thiền thứ nhất của tứ thiền. Lúc này, tâm hành giả miệt mài trên đề mục, bám sát đề mục, một sự hoan hỉ mát mẻ dâng đầy thân tâm, an lạc ngập tràn và được nhất tâm, tâm hoàn toàn định tỉnh. Ðược năm pháp này (gọi là năm chi thiền: tầm, tứ, hỉ, lạc, định) thì hành giả đã đạt được sơ thiền, hay là tầng thiền thứ nhất. Tâm hành giả lúc ấy an lạc sung sướng vô cùng. Rồi hành giả phải luyện thêm nửa, vào nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, biết cách nhập định xuất định tùy ý, di chuyển luân lưu từ tầng thiền này đến tầng thiền khác, rồi phát nguyện trong thiền v.v... mới bắt đầu luyện được thần thông. Ðây chúng ta tạm nói sơ qua về tiến trình tu luyện thần thông theo phương pháp thực hành thiền vắng lặng (samatha).

Dĩ nhiên mục đích hành thiền của hành giả không phải lúc nào cũng giống nhau. Có người hành thiền vì muốn quên lãng chuyện đau buồn nào đó, có người hành thiền vì muốn chạy trốn sự cô đơn, có người hành thiền vì thích sự an lạc định tỉnh, có người hành thiền vì nghe nói sẽ được gặp Tiên thấy Phật, có người hành thiền vì nghe nói sẽ được chu du khắp chốn, có người hành thiền vì muốn trừ diệt tham sân si, có người hành thiền vì muốn tạo được năng lực siêu nhiên. Dù động cơ ban đầu của hành giả là gì đi nữa, nhưng nếu vị ấy gặp được phương pháp hành thiền của chánh đạo và được thiền sư dẫn dắt đi đúng con đường thì cũng sẽ gặt hái nhiều lợi ích khả quan.

Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rõ rằng tất cả mọi phiền não đau khổ đều phát sanh vì ô nhiễm tham sân si trong tâm ta, và mọi điều hạnh phúc có được cũng phát sanh từ tâm trong sạch. Vậy thì chúng ta hãy điều chỉnh lại ý hướng của mình khi đến với đạo hầu tu hành mau tiến hơn. Ðiều thực tế nhất là chúng ta hành thiền không phải vì để đạt được thần thông hay thấy cảnh này giới nọ để thỏa mãn trí tưởng tượng hoặc tò mò, mà mục đích hành thiền của chúng ta là để được an lạc và giải thoát, có thể đem lại hạnh phúc cao thượng cho mình và người.

Nếu hiểu biết đúng đắn thì chúng ta sẽ hành thiền rất an toàn, đạt được nhiều an lạc nội tâm. Khi hành thiền chúng ta cần phải loại bỏ những tư tưởng mong cầu đạt được những điều phi thường ảo diệu. Hành thiền với tâm mong cầu như vậy mà muốn có định và tuệ thì chẳng khác gì bắt trăng trong nước, vẽ hình trên không. Những gì được gọi là phi thường, tuyệt diệu và quí báu chỉ có giá trị khi chúng làm cho ta hết khổ, được vui. Còn nếu thấy được điều này việc nọ trong thiền, nhưng lại không chánh niệm, để tâm mê đắm vào các ảo tưởng đó đến nổi tâm bị kẹt trong ảo tưởng, sanh bệnh, ảnh hưởng đến đời sống, tạo khó khăn cho gia đình, thì rõ là được khổ, hết vui.

Tiếc rằng sở thích của nhiều vị khi đến với thiền là nhắm vào những gì phi thường như đã nghe người khác nói, mà phần lớn những điều phi thường này là sản phẩm của trí tưởng tượng như đã nói ở trên. Vì vậy nên lắm người đã bỏ nhiều năm tháng quí báu đi theo ảo mộng thần tiên. Cho dù những điều phi thường mà chúng ta ước muốn ấy là tốt đi nữa, chẳng hạn như muốn tâm tuyệt đối bình an tỉnh lặng, tâm chìm vào ánh sáng, tâm mở rộng có khả năng rãi tâm từ khắp nơi v.v... thì trước hết chúng ta cần phải tập cho có chánh niệm cái đã. Những điều phi thường này chỉ có được khi chúng ta đã nắm vững được cái bình thường, đó là chánh niệm. Khi chánh niệm chưa có thì ngồi thiền mà mong cầu ấn chứng cách mấy cũng chẳng có gì. Hơn nữa, hành thiền mà không có chánh niệm thì tinh tấn sẽ trở thành tà tinh tấn, định sẽ là tà định, thay vì có chánh tưởng [1] lại có tà tưởng, vì hành giả thực hành thiền định với si mê. Chánh niệm là sự sáng suốt tỉnh thức của tâm, nó rất là trong sạch và quí báu chứ chẳng tầm thường chút nào. Chúng ta có thể nói: Ðẹp hơn vàng, quí hơn ngọc, rực rỡ hơn kim cương, đó là chánh niệm.

Chỉ khi nào thực hành vững những điều bình thường thì chúng ta mới có thể đạt được những cái phi thường. Chánh niệm khi đã vững thì tâm sẽ được định tỉnh. Tâm định đã vững thì trí tuệ sẽ phát sanh. Trí tuệ phát sanh thì vô minh chấm dứt, được chứng ngộ Niết-bàn.

Chánh niệm là then chốt căn bản của mọi sự tốt lành phát sanh được trong tâm. Chúng ta cần thực hành thiền quán, tập chú tâm quán sát các đề mục nơi thân như hơi thở, đi, đứng, nằm, ngồi; hay chú tâm vào những cảm thọ, hay quán sát tâm và các trạng thái của tâm v.v... Những phương pháp bình thường này, mới nhìn qua thì thấy chẳng có gì là siêu việt, nhưng rất khó làm và đòi hỏi tinh thần kỷ luật cùng sự nổ lực và kiên nhẫn vững bền. Tâm đạo cần phải bền vững. Nếu tu tập phương pháp này chưa nóng đã nhảy qua phương pháp khác, thì cuối cùng không vẫn hoàn không.

Thiền là phương pháp luyện tâm làm cho tâm được mạnh khỏe hầu giúp chúng ta được an lạc hơn. Những điều giác ngộ giải thoát cao siêu sau này sẽ đến, nếu chúng ta hành thiền nhiều. Thật là vui mừng nếu đây là động cơ thúc đẩy chúng ta tu hành. Ðừng bao giờ hành thiền vì muốn gặp Lê Sơn Thánh Mẫu hay vì cầu đến được cõi Tiên! Chuyện xưa có kể lại rằng, có một ông vua hỏi vị quan văn rành nghề thi họa: "Này khanh, khanh nghĩ trên đời này vẽ cái gì là khó, vẽ cái gì là dễ"? Viên quan đáp: "Tâu hoàng thượng, vẽ voi vẽ ngựa thì khó còn vẽ ma vẽ quỉ thì dễ. Vì sao? Vì voi và ngựa thì ai cũng thấy, nên khi vẽ phải giống mới được. Còn ma quỉ thì đâu có ai thấy bao giờ, nên muốn vẽ ra sao thì vẽ". Là người Phật tử, chúng ta đừng ham vào những phương thức huyền hoặc. Hãy có đức tin thực hành thiền quán mà Phật đã dạy thì an toàn hơn. Thời nay có nhiều phương pháp hành thiền, có nhiều lối dạy thiền. Chúng ta phải xét xem những gì mà chúng ta thực hành có đưa lại lợi ích thực tiễn không hay là đó chỉ là những điều mà người ta bày vẻ để thỏa mãn nhu cầu tham ái và trí tưởng tượng của số đông.


SƯ NA TIÊN.