kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Vĩnh Phúc: Hòn đá thiêng nghìn năm không ai dám động tới

  1. #1

    Mặc định Vĩnh Phúc: Hòn đá thiêng nghìn năm không ai dám động tới

    Vĩnh Phúc: Hòn đá thiêng nghìn năm không ai dám động tới



    Hòn đá thiêng có tự bao giờ thì người già nhất thôn Vèo, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng không thể lý giải nổi.


    Chỉ biết rằng, hòn đá thiêng mọc ở đó từ rất lâu rồi, và nằm ở đó khi nào thì không ai có thể giải thích được.


    Chính vì thế mà cứ vào mùng một hoặc ngày rằm là họ lại mang lễ vật ra để cúng tế "thần đá". Hòn đá mọc giữa đường dân sinh, tuy nhiên không một ai dám có ý định chuyển nó đi chỗ khác bởi cứ phạm vào nó là người ốm, người chết một cách đầy bí ẩn…

    Hòn đá mọc có hồn người

    Cụ Hoàng Văn Bang năm nay đã 101 tuổi, không thể đi đâu xa được nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Nghe chúng tôi có ý định tìm hiểu về nguồn gốc của hòn đá mọc được thờ cúng tử tế tại làng mình, cụ Bang vui vẻ vuốt chòm râu bạc chầm chậm kể: "Tuổi của tôi cao nhất làng này. Vậy mà tôi cũng không biết được nguyên do vì đâu hòn đá lại mọc lên ở đấy.

    Ngày trước, vì tò mò tôi cũng hỏi chuyện những người cao niên trong thôn. Nhưng ai ai cũng bảo là khi lớn lên đã thấy hòn đá rồi.

    Người ta cứ gọi đó là hòn đá mọc vì nó mọc lên ở đó. Nó thiêng lắm, là thần giữ đất của làng tôi đấy. Chính vì vậy, người ta thường xuyên phải thắp hương và thờ cúng hòn đá những ngày lễ trong năm…".

    Hòn đá nằm giữa ngã ba của làng Vèo nhưng không ai dám động tới (Ảnh: Đào Tấn).

    Nhiều tháng qua, hòn đá có hình thù nhẵn nhụi, trông không khác so với những hòn đá bình thường khác. Tuy nhiên, khi nhắc tới hòn đá, người ở thôn Vèo ai ai cũng tỏ thái độ đầy tôn kính như sợ phạm vào "thần đá".

    “Nhà tôi ở ngay sát đó nhưng cũng không biết là do đâu hòn đá lại có mặt ở đó. Trước đây nó thuộc vào khu vực vườn nhà tôi, sau này khi làm đường dân sinh thì nó lại nằm ngay ở giữa đường. Nhưng không ai dám động tới đâu, hòn đá này thiêng lắm", bà Hoàng Thị Nụ 72 tuổi tâm sự.

    Cụ Đỗ Thị Nối 93 tuổi kể: "Tôi không nắm rõ về hòn đá. Chỉ biết rằng nghe những người già trong làng kể lại là nó rất linh thiêng.

    Ai mà phạm vào, nhẹ thì ốm liệt giường chẳng hiểu nguyên do. Còn nặng thì chết bất đắc kỳ tử cũng chẳng rõ nguyên nhân.

    Nghe đâu hòn đá là hồn của thần nữ cai quản đất đai của làng này"?. Cụ Nối tiếp lời: "Những năm trước đây, khoảng năm 1986 hay 1987 gì đó, khi con đường làng được mở rộng ra, hòn đá mọc vẫn sừng sững đứng giữa con đường mà không ai dám sờ vào.

    Người lái máy ủi vô tình ủi vạt vào một bên của hòn đá thì bỗng chiếc xe ủi bị đẩy lùi lại…". Cũng kể từ đó, lớp người hậu thế lại càng tin hơn vào sự linh thiêng, huyền bí của hòn mọc ngay giữa làng mình là thật.

    Người trong làng còn truyền miệng với nhau, vào những đêm mưa to, gió lớn, những người qua đường thường thấy "thần đá" đi đi lại lại quanh đó.

    Xung quanh là những quan binh, đệ tử canh phòng nghiêm ngặt. Người lại nói, cứ vào buổi đêm khuya khi những cơn mưa chuẩn bị kéo tới, chớp trên bầu trời lóe sáng thì lạ thay người ta thấy những thân cây tre bay qua, bay lại như có người vác trên vai để chạy bão còn người áo trắng đầy bí ẩn nào đó thì cứ đi lại quanh quẩn hòn đá.

    Người lại đồn rằng, ở khu vực hòn đá, có những đêm xuất hiện những người thổi sáo, kéo nhị nghe rất bùi tai… Không biết câu chuyện nào là thật, câu chuyện nào là hư cấu.

    Nhưng những người dân thôn Vèo càng tin rằng hòn đá mọc lên giữa làng họ là một vị thần đang cai quản mang lại cho mảnh đất họ đang sinh sống một sự bình an, yên ấm.

    Trưởng thôn Vèo, ông Đỗ Văn An chia sẻ: "Chúng tôi là lớp hậu sinh, không biết rõ về gốc tích của hòn đá mọc đó.

    Chỉ biết rằng các cụ trong làng truyền lại nó rất linh nên làng đã huy động xây bệ xung quanh hòn đá để thờ cúng và cảm ơn công đức của vị thần đã phù hộ cho làng.

    Không biết những câu chuyện quỷ thần mà người ta vẫn kể cho nhau nghe có thật hay không nhưng ai trong làng cũng tin là như vậy và thờ cúng "thần đá" với lòng thành kính".


    Mang dấu tích lịch sử


    Trưởng thôn Đỗ Văn An còn cho chúng tôi biết thêm, ở cạnh hòn đá mà người dân vẫn thờ cúng ấy ngày trước có rất nhiều cây lộc vừng, cây sữa bao bọc.

    Sát hòn đá là một cái giếng mà người ta gọi nó là giếng Già nhưng hiện nay miệng giếng đã bị lấp. Bên cạnh cái giếng đó là một cái ao, khi nông thôn đổi mới con đường nơi hòn đá mọc đó được lát bê tông nhưng hòn đá vẫn ngụ ở đấy mà không ai dám di chuyển nó đi nơi khác.

    Những người già trong thôn bảo, ở nơi hòn đá ngụ trước đây là Điếm làng, hiện nay Điếm đã được di chuyển về khu vực gần nhà văn hóa thôn và bát hương cũng đã được chuyển về đó để thờ cúng.

    Khi làm đường, người ta còn phát hiện ra 3 hòn đá nữa nhỏ hơn ở cạnh đó, người làng đã cẩn thận làm lễ và chôn cạnh hòn đá lớn.

    Còn với ông Hoàng Văn Bình 52 tuổi, người dịch cuốn Ngọc phả trong ngôi Điếm của làng thì lý giải: "Trước đây thôn Vèo được gọi bằng cái tên khác là Nương Phao thôn, thuộc Tổng Định Trung.

    Nơi đây là điếm thờ thổ thần và cũng là nơi dành cho đội quân tuần phiên đi tuần dừng chân nghỉ ngơi. Khi mở rộng đường dân sinh thì 3 gian Điếm đã được dịch chuyển.

    Thời tiền cổ nơi đây gọi là Điền trang của nghĩa quân Lỗ Đình Sơn được xây dựng cách đây 700 năm và là Trại nông binh của 7 anh em nhà họ Lỗ…".

    Được biết, năm 1258, 7 anh em nhà họ Lỗ thuộc thời của vua Trần Thái Tông đã phát động một cuộc khởi nghĩa.

    Trên đường di chuyển từ vùng Tam Đảo tới khu vực Nương Phao thôn thì dừng lại và lập Nông trang và củng cố nghĩa quân ngay tại đây.

    Họ đã giúp vua Trần Thái Tông đánh đuổi giặc ngoại xâm và giúp dân làng có được cuộc sống no ấm nên để tưởng nhớ nghĩa quân của 7 anh em nhà họ Lỗ người ta đã lập Miếu thờ họ ở khu vực đó.

    Miếu này gọi là Miếu thờ Lỗ Đình Sơn, Thất vị Đại vương. Chính vì điều này nên ngày 25/1/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã công nhận nơi này là di tích văn hóa.

    Cũng theo ông Đỗ Văn Bình, cuốn Ngọc phả của ngôi Điếm đã nêu rất rõ điều này và ông cũng đang hoàn thiện bản dịch của mình giúp làng, cho lớp hậu thế về sau hiểu được ý nghĩa của quê mình.

    Còn riêng về hòn đá ấy thì không thấy ghi rõ trong tài liệu, nhưng rất có thể đây là một phần của Miếu thờ còn sót lại.

    Những câu chuyện quỷ thần mà người dân vẫn truyền miệng thì chưa ai dám khẳng định và vẫn là những câu chuyện mang màu sắc huyền bí…







    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Sự thật hòn đá 'biết đi', 'diệt trừ ma quỷ' ở Huế




    Người dân ở vùng quê Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) hàng trăm năm qua vẫn lưu giữ và tôn thờ cúng bái một hòn đá mà họ cho rằng “biết đi” và “trừ ma quỷ”.


    Hòn đá kinh dị mà chúng tôi nói đến hiện đang lưu giữ tại làng An Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

    Để làm rõ những điều kỳ bí được đồn thổi xung quanh hòn đá này, chúng tôi đã tìm đến đình làng An Thành để tìm hiểu.

    Theo quan sát của chúng tôi, hòn đá được đặt trong ngôi miếu nhỏ dưới những cây xà cừ cổ thụ ngay bên mép đường bê tông cuối làng và mặt quay về hướng sông Bồ. Trước mặt hòn đá dân làng đặt bát hương để thờ cúng theo tín ngưỡng.

    Hòn đá có hình dánh chữ nhật, được dựng đứng cố định bằng móng bê tông. Chiều cao khoảng 80cm, chiều ngang khoảng 50cm, có màu xanh đen do rong rêu bám vào.

    Những chuyện thêu dệt


    Chính các các bậc cao niên trong làng An Thành cũng không biết hòn đá nêu trên có từ khi nào và từ đâu mà ra. Cũng không có bất cứ tài liệu hay sách vở chính thống nào ghi chép lại lai lịch cũng như nguồn gốc lịch sử của hòn đá này.
    Dân làng cho rằng hòn đá rất linh thiêng và đã nằm ở vị trí kể trên suốt hàng trăm năm. Ngày rằm, mồng một hoặc lễ tết người dân trong làng lại đổ đến thắp hương, khấn vái đá thần.

    Thế nhưng, khi được hỏi vì sao họ lại cúng bái hòn “đá thần” thì hầu hết chỉ mơ hồ kể một câu chuyện rằng, năm 1960 trong làng có một cô gái rất xinh đẹp đi gánh nước gần sông Bồ thì trúng bom Mỹ chết ngay cạnh hòn đá.

    Hòn đá được đồn thổi là biết đi và diệt trừ ma quỷ ở Huế - Ảnh: Xuân Trường.
    Từ đó, vào đêm khuya ngày rằm hoặc mồng một nhiều người vẫn thường nhìn thấy cô gái mặc áo trắng xõa tóc ngang lưng ngồi trên hòn đá. Họ cho rằng, đó chính là oan hồn của cô gái yểu mệnh.


    Ngoài câu chuyện hồn cô gái chết bom nhập vào hòn đá thì dân làng An Thành còn truyền nhau câu chuyện hòn đá vô tri ấy biết đi.

    Bà Bùi Thị Tuyết (dân làng An Thành) kể, hòn đá này đã nhiều lần bị dời đi nơi khác nhưng không hiểu sao vài ngày sau lại thấy nó nằm ngay ngắn ở vị trí cũ. Thậm chí, có thời gian, một số người đã âm thầm đem nó xuống đặt gần mép bờ sông, nhưng ngày hôm sau, hòn đá lại dịch chuyển về chỗ cũ.

    Dân làng còn đồn rằng, hòn đá đã từng bị khiêng trộm đi nhưng chỉ vài ngày sau nó đã trở lại vị trí cũ. Trước những sự việc lạ liên tiếp xảy ra như thế, dân tình ở đây hết sức xôn xao và hoang mang.

    Thế rồi, không ai bảo ai, dân làng An Thành và các làng lân cận tấp nập kéo nhau về khấn vái nguyện cầu "thần đá" phù hộ cho mình có sức khoẻ, gặp nhiều điều lành. Cũng kể từ đó, con cháu trong làng không ai dám bẻ một cành cây hay lá nhỏ ở xung quanh hòn đá.

    “Tất cả chỉ là đồn thổi”

    Đó là câu khẳng định của ông Lê Quang Hai – Trưởng thôn An Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

    Ông trưởng thôn An Thành một mực khẳng định là không có và không tin vào những lời đồn huyền bí và có phần huyễn hoặc về hòn đá “thần” đang được dân làng thờ cúng. Sở dĩ vì gia đình đã mấy đời nay sống gần hòn đá mà vẫn chưa hề thấy hoặc chứng kiến bất kỳ một sự lạ nào.

    Chính vì tin vào sự linh thiêng mà người dân tôn thờ một hòn đá vô tri - Ảnh: Xuân Trường








    Ông Lê Quang Hai cũng bày tỏ bức xúc khi trước đây có rất nhiều người về đưa tin nhưng hoàn toàn viết sai, viết quá và làm huyễn hoặc những câu chuyện kỳ dị có phần mê tín di đoan về hòn đá.

    “Thật sự thì không hề có chuyện thấy cô gái mang áo trắng, quần đen xoã tóc ngang lưng ngồi trên hòn đá vào đêm khya. Cũng không có người nào rảnh rỗi lại đi khiêng trộm hòn đá, và không có chuyện hòn đá lại biết đi. Cũng chẳng có chuyện hòn đá lại biết trừ tà diệt quỷ. Tất cả đều do người dân tự đồn lên như vậy”, ông Hai khẳng định.

    Hòn đá gắn bó với lịch sử đình làng An Thành - Ảnh: Xuân Trường.

    Ông Hai cho hay, thực ra vào ngày rằm và mồng một hoặc lễ tết nhiều người sống gần hòn đá có ra thắp hương cho hòn đá. Tuy nhiên, thường thì do đó là họ tiện có việc đi qua thì thắp hương chứ không có hề có “lệ hương khói” như nhiều người vẫn đồn.

    Theo ông Hai, có thể dân làng thắp hương thờ hòn đá vì nó gắn liền với đình làng An Thành. Đình làng An Thành có lịch sử hơn 400 năm và thờ ngài Nguyễn Quý Công – người khai canh lập làng. Đây cũng từng là đồn chỉ huy đại đội 921 của thực dân Pháp.

    Trong chiến tranh đình làng bị tàn phá nặng nề, sau này dân làng và con cháu xa gần đã góp tiền để xây lại chánh điện để thờ cúng thể hiện lòng biết ơn với người khai canh lập làng.

    “Hòn đá này chỉ là một câu chuyện truyền thuyết thôi, có thiêng thì có thờ, nói về tâm linh thì mình không thể bác bỏ, mọi việc xưa bày nay làm.

    Đời các ông, các bác thờ thì mình cũng thờ thế thôi, chứ thực sự thì không có tập tục hay tín ngưỡng gì hết. Hoàn toàn không hề có chuyện như các báo đã đưa tin, nói dây cà ra dây muống”, ông Hai nói.

    Theo Nguyễn Vương – Xuân Trường – Trần Anh/VTC

    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Huyền bí “ngài đá” linh thiêng đem lại may mắn cho cả làng


    (Kiến Thức) - “Ngài đá” linh thiêng ấy tồn tại bao đời nay tại làng Thanh Bình, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Người dân nơi đây lập đền thờ để thờ phụng “ngài” với niềm tin có thể giúp họ tìm được vật nuôi thất lạc hay thi cử đỗ đạt…


    Theo lời kể của những cụ cao niên trong làng thì “ngài đá” linh thiêng ấy có từ xa xưa, cũng không ai xác định rõ là năm nào. Khi hỏi chuyện thì ai nấy đều bảo rằng khi họ đến đây sinh sống thì phiến đá đã có từ trước rồi, tuy hồi đó phiến đá chưa được mọi người lập đền thờ như bây giờ nhưng người dân vẫn thường hay đến cầu nguyện. Mãi đến sau này khi có điều kiện và có chính quyền đứng ra thì phiến đá ấy mới được lập đền thờ.


    Phiến đá thiêng được lập đền thờ




    Phiến đá ấy được đặt trong một khu vườn ở làng Thanh Bình, xã Thiên Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh), bên ngoài có biển chỉ dẫn là “Di tích bàn thổ”. Theo quan sát của chúng tôi thì đó là một phiến đá lộ thiên có màu xanh rêu hình bầu dục, chiều dài của phiến đá khoảng 2m, chiều rộng và chiều cao khoảng gần 1m. Bao quanh đền thờ phiến đá là một khuôn viên được xây dựng rộng gần 1.000m2, khuôn viên có đầy đủ mái che, đèn thờ, lư hương và nến để cho mọi người tới thắp hương cầu nguyện.

    Phiến đá thiêng được người dân lập đền thờ.
    Thoáng nhìn qua thì có thể thấy đó là một phiến đá rất bình thường, thế nhưng người dân nơi đây luôn coi phiến đá là một “vị thần”. Thấy tò mò, chúng tôi hỏi về việc tại sao cả làng lại lập đền thờ một phiến đá như vậy, vì như thế rất dễ gây sự hiếu kỳ cho mọi người. Khi tôi chưa dứt lời thì cô Thanh – người nhà bên đền thờ phiến đá bảo rằng phiến đá ấy giống như một thạch trụ để mang lại đức tin và may mắn cho cả làng: “Nó thiêng lắm chú ơi, thiêng cực kỳ, dân làng ở đây hễ ai mất vật nuôi như trâu bò, ngựa, hay là ai muốn cầu điều gì tốt lành thì đến trước hòn đá đưa lễ và cầu nguyện. Linh nghiệm lắm”!

    Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, cụ bà Nguyễn Thị Kỳ (89 tuổi, người dân địa phương), cho hay rằng “ngài đá” rất thiêng và linh nghiệm. “Đứng trước đền thờ mà có ý gian tà hoặc mưu đồ xấu thì sẽ không bao giờ cầu nguyện được. Nếu chú (PV) cầu nguyện gì, thì phải có ít lễ vật để tỏ lòng thành kính với “ngài”. Trong lòng phải có ý hướng thiện, không được gian tà. Nếu như tâm không trong sáng, cầu và làm việc mờ ám thì sẽ không thu được kết quả tốt đâu” - bà giải thích.

    “Ngài đá” linh thiêng tìm vật nuôi và mang lại may mắn?

    Tiếp mạch câu chuyện, cụ bà Nguyễn Thị Kỳ cho biết rằng cụ sống ở đây cũng nhiều năm, cũng từng chứng kiến rất nhiều trường hợp gặp may mắn nhờ cầu nguyện phiến đá. Theo lời cụ Kỳ thì trong làng xã hễ ai mất vật nuôi đều đi tìm và không thấy, thế nhưng sau khi đến thắp hương cầu nguyện ở phiến đá thì ít lâu sau có người mách bảo và chỉ chỗ tìm vật nuôi cho.

    Khuôn viên xung quanh đền thờ "ngài đá".
    Nói rồi cụ Kỳ nhớ lại thời điểm cách đây khoảng 5 năm, có anh Sơn ở trong làng Thanh Bình bị mất một con trâu 2 năm rồi. Anh Sơn đi tìm đâu cũng không thấy trâu, thế nhưng sau khi nghe lời mọi người và đến thắp hương cầu nguyện ở phiến đá thì ít lâu sau đó có người báo cho gia đình anh Sơn biết là có phát hiện một con trâu giống trâu của nhà anh ở một địa điểm khác, và khi anh Sơn đến thì đó chính xác là trâu của nhà anh. Đó là một trong rất nhiều trường hợp được cụ Kỳ kể lại.

    Tiếp lời cụ Kỳ, cô Hồng – nhà bên cạnh cụ Kỳ cũng kể về một trường hợp, chuyện là hôm đó cô đi chợ huyện mua đồ đạc thì gặp một người đàn ông đang đi tìm ngựa do bị thất lạc. Khi hỏi chuyện thì người kia bảo rằng đã bị mất ngựa hơn 3 ngày rồi, thấy vậy cô Hồng liền bảo người kia rằng: “Anh không phải đi tìm ở đâu nữa đâu, cứ mua một ít lễ vật với nén hương, đi về cùng tôi rồi tôi chỉ cho”. Nghe cô Hồng nói vậy thì người đàn ông kia nửa tin nửa ngờ và làm theo lời cô Hồng đến thắp hương cầu nguyện phiến đá, khi người đàn ông đó cầu nguyện xong và vừa đặt chân về đến nhà thì ngựa đã được một người khác tìm được và tới giao cho gia đình, sau đó thì người kia đã mua lễ vật để cảm tạ lại “ngài đá” – vẫn lời cô Hồng.

    Thấy mọi người luôn kể về việc tìm vật nuôi, tôi đã tò mò hỏi về việc phiến đá giúp mọi người cầu may mắn, khi tôi hỏi thì cụ Kỳ đã lý giải rằng về việc cầu may mắn thì cụ cũng không rõ là mọi người cầu gì và kết quả ra sao, bởi vì nếu cầu vật nuôi thì khi vật nuôi trở về cụ mới biết. Cụ chỉ biết một trường hợp là có một người họ hàng của ông Thành trong làng có người con trai đã lấy vợ nhiều năm mà không có con. Khi nghe chuyện thì người đó cũng về làm thử và “xin” trước “ngài đá”, sau đó ít lâu thì nghe dân làng bảo rằng người vợ của người con trai đó đã có tin vui, nói đến đó cụ bảo tiếp: “Nói chung là có sự may mắn, người dân trong làng có con cái thi đi thi cử đều đến cầu nguyện, và đa phần thì ai cũng đạt được kết quả như mong muốn”.

    Người dân ở nơi đây cũng cho biết thêm rằng danh tiếng của “ngài đá” ngày càng một vang xa, trước đó thì chỉ bó hẹp trong khuôn viên làng xã còn bây giờ thì hàng ngày có rất nhiều người tới thắp hương và cầu nguyện trước đền của “ngài”. Cô Hồng cho biết cứ vào ngày mồng 1 và ngày 14 âm lịch, lượng người tới thắp hương ở đền “ngài đá” đông nghịt, có nhiều người ở những tỉnh xa như Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình cũng tới. Biết sự linh thiêng của “ngài đá” nên mọi người đến thường cầu phúc, an lành, mong cho gia đình yên ổn, con cái thi cử đỗ đạt…


    Cũng chính vì sự linh thiêng ấy, mà người dân ở trong làng cứ đến mùa là làm lễ “nếp mới” để dâng lên “ngài đá” nhằm cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, làm ăn bội thu. Sự linh thiêng của “ngài đá” còn thể hiện ở các cây cối xung quanh khuôn viên không bao giờ bị đổ gãy, cho dù mưa to gió lớn đến thế nào.

    Vén màn bí ẩn

    Để hiểu rõ hơn về những gì mà người dân trong làng kể về phiến đá, tôi đã tìm đến nhà ông Lê Đình Luyện – một cán bộ về hưu trong làng, ông Luyện là người thường xuyên dẫn các đoàn người từ xa tới thắp hương ở phiến đá và cũng là người hiểu rõ chuyện nhất về những chuyện đồn đại ly kỳ xung quanh phiến đá. Tiếp tôi, ông Luyện cho biết đó là một ngôi đền thờ thổ thần, tức là tổ thần của người dân bản xứ, của làng xã. Hiệu của ngôi đền ấy là “bản thổ phúc thần, càn long chi tử”, ông giải thích rằng “phúc” là mang lại sự may mắn nên phiến đá ấy được người dân tôn là vị thần có phúc, hay thường gọi là “thần đá”.

    Theo lời ông Luyện từ năm ông 15 tuổi thì phiến đá ấy đã có, và các cây cối xung quanh trong khuôn viên cũng có từ ngày đó và không bao giờ đổ, khi hỏi chuyện về việc phiến đá mang lại may mắn cho dân làng và giúp tìm lại vật nuôi thì ông Luyện bảo: “Ở mỗi vùng quê thì người ta tường tôn lên những thứ gì linh thiêng để phù hộ cho mình. Cái này gọi là tâm linh và đức tin của con người nhằm an ủi gia sự, cổ vũ động viên tinh thần để cuộc sống tốt hơn. Ngày xưa thì người dân chỉ cầu xin tìm vật nuôi, vì xưa thì chỉ có trâu bò là tài sản quý, và thường hay bị mất nên người ta hay cầu, thấy cũng có kết quả. Từ đó trở đi thì người ta lại đi cầu nguyện làm ăn, đi xa, thi cử…”. Xong rồi ông Luyện giải thích rằng tất nhiên thì cũng có ít linh ứng, nhưng không phải là mê tín một cách mù quáng, tin nhất nhất nhất vào nhờ phiến đá mà sẽ được may mắn tức thì không đúng. Mất trâu bò thì vẫn phải đi tìm, sau đó thì có người mách hộ thôi, còn cầu nguyện may mắn thì cũng có, nhưng cũng xuất phát từ phía cái tâm của con người, sự cố gắng của bản thân là chính.

    Ông Luyện luôn nhấn mạnh vào đức tin. Theo ông thì người dân ở đây lập đền thờ “ngài đá” cũng như việc thờ các vị thần thánh ở khắp các ngôi đền, ngôi miếu khác: “Cũng không hẳn là mê tín và tin vào tuyệt đối, nhưng mà có thờ có thiêng, phải không chú”! – ông Luyện chia sẻ.

    Nói rồi ông Luyện dẫn tôi tới nhà anh Sơn – người mà theo lời kể của cụ bà Nguyễn Thị Kỳ là cách đây vài năm có mất một con trâu và sau đó cầu nguyện phiến đá thì tìm lại được trâu. Khi tôi hỏi chuyện, anh Sơn liền cười và bảo: “Đúng là hồi đó tôi cũng có mất trâu, tưởng là mất rồi nhưng sau đó thì tìm lại được”. Sau đó anh Sơn cũng giải thích rằng việc nhà anh tìm được trâu là do may mắn và do phúc lộc trời ban, còn việc nhờ phiến đá giúp tìm vật nuôi thì anh bảo rằng đó cũng là do sự trùng hợp, vì anh cũng không dám khẳng định là việc phiến đá giúp anh tìm được trâu, như thế sẽ gây ra sự mê tín cho mọi người. Việc thờ phiến đá thì anh là người ở trong làng, tất nhiên anh cũng có thờ, tuy nhiên anh đều thành tâm và xuất phát từ đức tin của phía bản thân, không hề có sự mê tín.

    Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi về phiến đá lạ ở làng Thanh Bình được người dân thờ phụng, ông Lê Văn Nhiếu - chủ tịch UBND xã Thanh Lộc cũng khẳng định là không hề có sự mê tín dị đoan, mua thần bán thánh gì ở đây cả. Về việc người dân thờ cúng phiến đá thì ông cho rằng đó là đức tin của con người, nên vẫn để mọi người tín ngưỡng, vấn đề là không hề để sự mê tín lấn áp là được. Ông Nhiếu cũng cho biết là chính quyền xã cũng đã giao cho Hội người cao tuổi của xã đứng ra quản lý ngôi đền, nên sẽ không phát sinh và xảy ra bất cứ vấn đề gì.



    Đức Hùng - Hà Kiề

    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 28-10-2014, 12:59 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •