Vĩnh Phúc: Hòn đá thiêng nghìn năm không ai dám động tới



Hòn đá thiêng có tự bao giờ thì người già nhất thôn Vèo, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng không thể lý giải nổi.


Chỉ biết rằng, hòn đá thiêng mọc ở đó từ rất lâu rồi, và nằm ở đó khi nào thì không ai có thể giải thích được.


Chính vì thế mà cứ vào mùng một hoặc ngày rằm là họ lại mang lễ vật ra để cúng tế "thần đá". Hòn đá mọc giữa đường dân sinh, tuy nhiên không một ai dám có ý định chuyển nó đi chỗ khác bởi cứ phạm vào nó là người ốm, người chết một cách đầy bí ẩn…

Hòn đá mọc có hồn người

Cụ Hoàng Văn Bang năm nay đã 101 tuổi, không thể đi đâu xa được nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Nghe chúng tôi có ý định tìm hiểu về nguồn gốc của hòn đá mọc được thờ cúng tử tế tại làng mình, cụ Bang vui vẻ vuốt chòm râu bạc chầm chậm kể: "Tuổi của tôi cao nhất làng này. Vậy mà tôi cũng không biết được nguyên do vì đâu hòn đá lại mọc lên ở đấy.

Ngày trước, vì tò mò tôi cũng hỏi chuyện những người cao niên trong thôn. Nhưng ai ai cũng bảo là khi lớn lên đã thấy hòn đá rồi.

Người ta cứ gọi đó là hòn đá mọc vì nó mọc lên ở đó. Nó thiêng lắm, là thần giữ đất của làng tôi đấy. Chính vì vậy, người ta thường xuyên phải thắp hương và thờ cúng hòn đá những ngày lễ trong năm…".

Hòn đá nằm giữa ngã ba của làng Vèo nhưng không ai dám động tới (Ảnh: Đào Tấn).

Nhiều tháng qua, hòn đá có hình thù nhẵn nhụi, trông không khác so với những hòn đá bình thường khác. Tuy nhiên, khi nhắc tới hòn đá, người ở thôn Vèo ai ai cũng tỏ thái độ đầy tôn kính như sợ phạm vào "thần đá".

“Nhà tôi ở ngay sát đó nhưng cũng không biết là do đâu hòn đá lại có mặt ở đó. Trước đây nó thuộc vào khu vực vườn nhà tôi, sau này khi làm đường dân sinh thì nó lại nằm ngay ở giữa đường. Nhưng không ai dám động tới đâu, hòn đá này thiêng lắm", bà Hoàng Thị Nụ 72 tuổi tâm sự.

Cụ Đỗ Thị Nối 93 tuổi kể: "Tôi không nắm rõ về hòn đá. Chỉ biết rằng nghe những người già trong làng kể lại là nó rất linh thiêng.

Ai mà phạm vào, nhẹ thì ốm liệt giường chẳng hiểu nguyên do. Còn nặng thì chết bất đắc kỳ tử cũng chẳng rõ nguyên nhân.

Nghe đâu hòn đá là hồn của thần nữ cai quản đất đai của làng này"?. Cụ Nối tiếp lời: "Những năm trước đây, khoảng năm 1986 hay 1987 gì đó, khi con đường làng được mở rộng ra, hòn đá mọc vẫn sừng sững đứng giữa con đường mà không ai dám sờ vào.

Người lái máy ủi vô tình ủi vạt vào một bên của hòn đá thì bỗng chiếc xe ủi bị đẩy lùi lại…". Cũng kể từ đó, lớp người hậu thế lại càng tin hơn vào sự linh thiêng, huyền bí của hòn mọc ngay giữa làng mình là thật.

Người trong làng còn truyền miệng với nhau, vào những đêm mưa to, gió lớn, những người qua đường thường thấy "thần đá" đi đi lại lại quanh đó.

Xung quanh là những quan binh, đệ tử canh phòng nghiêm ngặt. Người lại nói, cứ vào buổi đêm khuya khi những cơn mưa chuẩn bị kéo tới, chớp trên bầu trời lóe sáng thì lạ thay người ta thấy những thân cây tre bay qua, bay lại như có người vác trên vai để chạy bão còn người áo trắng đầy bí ẩn nào đó thì cứ đi lại quanh quẩn hòn đá.

Người lại đồn rằng, ở khu vực hòn đá, có những đêm xuất hiện những người thổi sáo, kéo nhị nghe rất bùi tai… Không biết câu chuyện nào là thật, câu chuyện nào là hư cấu.

Nhưng những người dân thôn Vèo càng tin rằng hòn đá mọc lên giữa làng họ là một vị thần đang cai quản mang lại cho mảnh đất họ đang sinh sống một sự bình an, yên ấm.

Trưởng thôn Vèo, ông Đỗ Văn An chia sẻ: "Chúng tôi là lớp hậu sinh, không biết rõ về gốc tích của hòn đá mọc đó.

Chỉ biết rằng các cụ trong làng truyền lại nó rất linh nên làng đã huy động xây bệ xung quanh hòn đá để thờ cúng và cảm ơn công đức của vị thần đã phù hộ cho làng.

Không biết những câu chuyện quỷ thần mà người ta vẫn kể cho nhau nghe có thật hay không nhưng ai trong làng cũng tin là như vậy và thờ cúng "thần đá" với lòng thành kính".


Mang dấu tích lịch sử


Trưởng thôn Đỗ Văn An còn cho chúng tôi biết thêm, ở cạnh hòn đá mà người dân vẫn thờ cúng ấy ngày trước có rất nhiều cây lộc vừng, cây sữa bao bọc.

Sát hòn đá là một cái giếng mà người ta gọi nó là giếng Già nhưng hiện nay miệng giếng đã bị lấp. Bên cạnh cái giếng đó là một cái ao, khi nông thôn đổi mới con đường nơi hòn đá mọc đó được lát bê tông nhưng hòn đá vẫn ngụ ở đấy mà không ai dám di chuyển nó đi nơi khác.

Những người già trong thôn bảo, ở nơi hòn đá ngụ trước đây là Điếm làng, hiện nay Điếm đã được di chuyển về khu vực gần nhà văn hóa thôn và bát hương cũng đã được chuyển về đó để thờ cúng.

Khi làm đường, người ta còn phát hiện ra 3 hòn đá nữa nhỏ hơn ở cạnh đó, người làng đã cẩn thận làm lễ và chôn cạnh hòn đá lớn.

Còn với ông Hoàng Văn Bình 52 tuổi, người dịch cuốn Ngọc phả trong ngôi Điếm của làng thì lý giải: "Trước đây thôn Vèo được gọi bằng cái tên khác là Nương Phao thôn, thuộc Tổng Định Trung.

Nơi đây là điếm thờ thổ thần và cũng là nơi dành cho đội quân tuần phiên đi tuần dừng chân nghỉ ngơi. Khi mở rộng đường dân sinh thì 3 gian Điếm đã được dịch chuyển.

Thời tiền cổ nơi đây gọi là Điền trang của nghĩa quân Lỗ Đình Sơn được xây dựng cách đây 700 năm và là Trại nông binh của 7 anh em nhà họ Lỗ…".

Được biết, năm 1258, 7 anh em nhà họ Lỗ thuộc thời của vua Trần Thái Tông đã phát động một cuộc khởi nghĩa.

Trên đường di chuyển từ vùng Tam Đảo tới khu vực Nương Phao thôn thì dừng lại và lập Nông trang và củng cố nghĩa quân ngay tại đây.

Họ đã giúp vua Trần Thái Tông đánh đuổi giặc ngoại xâm và giúp dân làng có được cuộc sống no ấm nên để tưởng nhớ nghĩa quân của 7 anh em nhà họ Lỗ người ta đã lập Miếu thờ họ ở khu vực đó.

Miếu này gọi là Miếu thờ Lỗ Đình Sơn, Thất vị Đại vương. Chính vì điều này nên ngày 25/1/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã công nhận nơi này là di tích văn hóa.

Cũng theo ông Đỗ Văn Bình, cuốn Ngọc phả của ngôi Điếm đã nêu rất rõ điều này và ông cũng đang hoàn thiện bản dịch của mình giúp làng, cho lớp hậu thế về sau hiểu được ý nghĩa của quê mình.

Còn riêng về hòn đá ấy thì không thấy ghi rõ trong tài liệu, nhưng rất có thể đây là một phần của Miếu thờ còn sót lại.

Những câu chuyện quỷ thần mà người dân vẫn truyền miệng thì chưa ai dám khẳng định và vẫn là những câu chuyện mang màu sắc huyền bí…