Các chuyên gia lý giải chuyện trấn yểm ở Việt Nam




Những câu chuyện về cột đồng Mã Viện, trấn yểm của Cao Biền, trận đồ bát quái dưới lòng sông Tô Lịch, Nguyễn Văn Thiệu trấn yểm long mạch ở Sài Gòn, hay hòn đá ở Đền Hùng… là những chuyện ly kỳ mà khoa học vẫn còn đang lý giải.


Trấn yểm, theo các nhà nghiên cứu không còn là phạm trù tâm linh mà trở thành một môn khoa học đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay những lý giải về trấn yểm mới chỉ ở mức mơ hồ, tranh tối tranh sáng khiến nhiều người lầm tưởng trấn yểm là một chuyện bịa.


Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp.


Trấn yểm là gì?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến thời điểm hiện tại, ở nước ta chưa có bất cứ một công trình nghiên cứu khoa học nào thực sự công phu, tỉ mỉ về đề tài trấn yểm. Số nhiều chỉ là những câu chuyện trong cuộc trà dư tửu hậu, rồi qua mỗi người câu chuyện ấy lại được thêm chút ít cho thành huyền thoại.

Phàm là người phương Đông, đặc biệt là ở Việt Nam, không ai mà chưa một lần được nghe về chuyện trấn yểm. Thế nhưng, vấn đề càng trở nên bí ẩn, nửa hư nửa thực và thậm chí đã khiến không ít người phủ nhận sự tồn tại của trấn yểm và coi đó là chuyện bịa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh.

“Thực tế thì trấn yểm là điều có thật và tồn tại từ rất lâu rồi. Bởi vì nó là một môn khoa học chưa được giải thích thấu đáo nên còn nhiều vấn đề mơ hồ. Gạt bỏ qua những câu chuyện chưa được kiểm chứng, chúng ta đi giải thích thuật ngữ trấn yểm thì sẽ tìm được ý nghĩa trước mắt”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương cho biết.

Theo ông Tuấn Anh, “trấn” nghĩa đen là đè xuống; “yểm” là dấu đi đồng nghĩa với ếm, ém, nghĩa đen là làm cho một đối tượng bị ếm, ém, yểm không phát triển được. Đây là một thuật ngữ trong phong thủy mô tả một phương pháp làm cho cái xấu, hoặc tốt không phát huy được.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hóa & Khoa học – Công nghệ: “Trấn yểm là dùng các vật thể nào đó để phá hoại đối phương về long mạch, mồ mả, kinh tế, sức khỏe. Nhưng cũng có những cách trấn yểm đem lại lợi lộc như trừ đi khí xấu để bảo vệ sức khỏe”.

Học giả Trung Trí lại luận giải thế này: Trấn yểm là hai từ Hán – Việt. Trong Hán ngữ, “trấn” thuộc bộ Kim. Nếu là danh từ, nó vừa có nghĩa là dụng cụ dùng để đè, chặn, vừa có nghĩa là cái căn gốc làm cho một nước nào đó được yên định, tỷ như “phù bất vong cung kính, xã tắc chi trấn dã” (Không quên cung kính, đó là cái căn gốc làm cho xã tắc yên định). Nhưng nếu là động từ, “trấn” có nghĩa là áp chế, ngăn chặn, dìm ém, trùm đậy, thường thấy nơi từ “trấn thủ” hoặc “trấn tà”.

“Yểm” thuộc về bộ Thủ. Là động từ, nó cũng có nghĩa tương tự chữ “trấn”. Như vậy ở đây, trấn yểm thường được gọi chếch ra thành trù ếm, hay trù úm, chỉ có thể hiểu trong tư cách một động từ, nên phải mang nghĩa của một động từ, đó là hành vi trùm ém, dìm nén, đì đè xuất phát từ một vật hay người này lên một vật, hay người kia, nhằm triệt tiêu năng lực hưng thịnh khơi dậy nơi đối tượng bị trấn yểm.

Trấn yểm với khoa học hiện đại

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, các loại hình trấn yểm nói chung nên coi là kinh nghiệm trong xây dựng nhà của người phương Đông, loại bỏ những yếu tố mê tín, chúng ta cần nhìn nhận về giá trị của nó và nghiên cứu dưới góc độ khoa học. Thực tế cho thấy việc sử dụng các vật khí trấn yểm mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện môi trường khí, mang lại sự cát lành cho ngôi nhà.


Chuyên gia phong thủy Phạm Cương.

Trong quá trình xây cất nhà cửa, mồ mả chúng ta có thể gặp những thế đất không tốt. Khi đó phải có những biện pháp để hóa giải. Một trong những cách hóa giải là dùng vật khí để trấn yểm.

Tác dụng chung của trấn yếm là trừ tà hóa sát, biến hung thành cát. Tuy nhiên, “trấn” và “yểm” là hai khái niệm khác nhau. Trấn là đặt các vật khí phong thủy hiện hữu trên mặt đất và nhìn thấy được còn yểm là các vật đó được đem chôn dưới đất, được gói bọc kín.

Bùa chú cũng chính là một loại hình trấn yểm. Bùa là giấy có vẽ hình hoặc viết chữ lên trên. Bùa thường do những người có công năng vẽ ra để dùng vào một mục đích cụ thể như trấn trạch, cầu an trừ tà, cầu tài lộc, chữa bệnh… Dân gian thường quan niệm sức mạnh và độ bền hoạt động của bùa chú phụ thuộc vào quyền năng của người vẽ.

Cũng theo chuyên gia Phạm Cương, trấn yểm có mối liên hệ chặt chẽ với khoa học hiện đại. Bởi thực tế, trấn yểm chính là sự tổng hòa của tri thức kiến trúc, phong thủy, khoa học, tâm linh hòng tìm và phát huy cái tốt, trừ khử cái xấu để cuộc sống con người, xã hội phát triển ổn định hơn.

Nếu nói về các hoạt động liên quan đến trấn yểm trong lịch sử Việt Nam phải kể đến các truyền thuyết về Cao Biền trấn yểm long mạch thành Đại La. Đầu tiên là truyền thuyết Cao Biền trấn yểm núi Tản Viên, với việc sử dụng đến 8 vạn cái tháp bằng đất nung để trấn yểm.

Gần đây người ta còn đào được những cái Tháp đất nung đó tại khu vực Hà Nội. Tiếp theo là truyền thuyết Cao Biền dùng hơn 4 tấn sắt, đồng… chôn để trấn yểm đền Bạch Mã là nơi vị thần sông Tô Lịch trú ngụ. Cao Biền còn nhiều lần dựng đàn tràng, dùng 4 thứ kim loại: sắt, đồng, vàng, bạc trấn yểm nhiều nơi trên bờ sông Tô Lịch. Theo sử sách, Cao Biền đã đặt Bùa trấn yểm tới 19 nơi dọc theo dòng sông này.

Ở Sài Gòn trước năm 1975 có hai công trình hình bát giác được cho là biểu tượng phong thủy để trấn yểm long mạch, đó là hồ Con Rùa, với rất nhiều giai thoại mang màu sắc huyền bí, ly kỳ xung quanh mà cho đến bây giờ khoa học vẫn chưa lý giải được hết.

“Trấn yểm không phải là điều mê tín mà nó đã tồn tại từ xa xưa rồi. Nó có mối liên hệ rất chặt chẽ với khoa học hiện đại mà chúng ta cần đi sâu nghiên cứu, bóc tách, giải thích từng vấn đề. Làm được như vậy, chúng ta mới xóa bỏ những mơ hồ tâm linh để hướng tới thực tiễn khoa học mà trấn yểm mang lại”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hóa và Khoa học – Công nghệ.

Theo Trần Hòa/Khoahocdoisong