Bài pháp này được giảng vào ngày 28-01-2018.

Trong bài pháp giảng, theo mình hiểu thì đức mẫu Diêu Trì giảng về những nội dung như thế này:

+ Ở những nơi mà lòng người thiếu rộng lượng bao dung, tâm cách con người còn thấp, nhiều chuyện phức tạp trong nội bộ thì nơi đó chánh pháp chưa ổn định được.

+ Những vấn đề về dinh dưỡng, và kinh tế gia đình các phần linh tử bận rộn tâm trí nên khó tỉnh táo hơn.

+ Những lời giảng của các Đấng đưa xuống thông qua xác cô Lan cần có sự chung tay góp sức của những người có tâm cống hiến và phụng sự thì mới có thể truyền rao đi khắp nơi được, mới có thể thấm vào lòng người được.

+ Mẫu Diêu Trì giảng giải cho các học viên hiểu như thế nào là một phần chân cách cao ở giữa cõi trần miền loạn động này.

+ Mẫu giảng thêm về sự bảo trợ của các Đấng ngôi cao đối với những người đang làm công việc phò trì cho sư trưởng đang gặp phải những hoàn cảnh éo le.

Mình chỉ tóm tắt lại vài nội dung mà mình hiểu được qua bài pháp giảng này. Xin mời mọi người cùng xem.


PHÁP GIẢNG TẠI ĐẠO TRÀNG VỊ LAI PHÁP
LINH ĐIỂN ĐỨC PHẬT MẪU DIÊU TRÌ THUYẾT GIẢNG
Ngày thuyết giảng: 28-01-2018

- Mẫu Diêu Trì:

Ở nơi đây, ta cũng không muốn ngồi lại ở chỗ này. Khi mà lòng người còn thiếu hòa hợp thì nơi đó chánh pháp còn ngửa nghiêng, khi nào mà tâm cách con người còn chưa đủ dung hòa thì lúc đó đạo pháp vẫn còn đang dong thuyền trong cơn bão tố, khi nào mà thế sự còn chưa an thì lúc đó tâm pháp chưa thế nào có thể an định được. Đi kèm với nhau là sự bình an của tâm thức và sự bình an của ngoại cảnh. Sự bình an của ngoại cảnh đi kèm với sự bình an của quốc gia, của dân tộc, của đất nước, của thế giới. Diêu trì ta ở đây, ở tại đạo tràng Vị Lai Pháp này, cô Lan các con không muốn nói về chính sự, không muốn can dự Thì Diêu Trì ta cũng không thích lạm bàn. Nhưng ý ta muốn nói rằng: Lòng người còn bất ổn thì chuyện chiến tranh can qua loạn lạc không cần phải bàn luận vẫn có.

Từ chỗ vận mệnh của một pháp môn, của một địa phương, của một dân tộc, của một đất nước, từ cái nhỏ đi đến cái lớn, từ ở trong nhà ra tới ngoài phố, một con người ở trong nhà mang tất cả những gì cảm nhận được qua một ngày một đêm bước ra ngoài phố, mang theo trong mình suy nghĩ, cảm nhận, tất cả những tâm thức những tâm cảm qua một ngày một đêm ở trong nhà đem ra đường. Và từ ở chỗ đó, con người bước ra ngoài đường phố kia mang theo cái vui cái buồn cái thương cái giận đã có ở trong tâm mà chuyển ra ngoài đường phố, ra ngoài xã hội. Gia sự có bình an thì tâm thức mới ổn định, tâm thức có ổn định thì mới nên bước ra va chạm với cõi loạn động ở ngoài kia. Tâm ta ổn định thì cõi loạn động này không thể hành xử ta nặng hơn. Cái tâm ta có loạn động thì ta phù hợp với cái vọng động ngoài kia, thì cái vọng động đó ắt hẳn sẽ tìm đến với ta. Một con người đang chạy chiếc xe trên đường kia trong một tâm trạng giận dữ uất kết như là do con ở lại lớp, vợ chồng cãi nhau, ngày hôm nay cơm thiêu canh thối… Mang tâm trạng uất kết đó đi ra đường thì tâm trạng uất kết đó chan rãi, hòa vào trong dòng chảy ngoài kia. Một con người trong một gia đình, triệu con người trong triệu gia đình cùng bước ra ngoài đường, cùng hành xử, cùng sống, cùng làm việc, cùng chung đụng, cùng dịch chuyển thì loại khí nào tồn tại trong khu vực, trong vùng miền, trong địa phương đó, loại khí của tất cả những người chủ gia đình, của tất cả những thành viên trong gia đình này mang ra hòa vào trong dòng người kia. Một trăm gia đình, một triệu gia đình đều mang dòng khí đó, là khí nộ, khí sân, khí si, khí hận, khí uất kết, khí cân phân, khí so đo, khí tính toán, khí đố kỵ nhỏ nhen. Ở thời điểm này nhân tâm con người tha hóa rất nhiều, tồn tại với đa số con người bây giờ có ý nghĩa gì?- Chỉ muốn ôm vào trong mình vợ chồng gia đình con cái, gia sự, tiểu gia xong rồi tới đại gia. Từ một họ đi lấy vợ lấy chồng ra đến 4 họ, 4 họ ra đến họ cha họ mẹ là 6 họ, nhân lên nhân lên cho tới cửu huyền thất tổ, cho đến bách gia chi họ. Mỗi một con người như thế cứ lo ôm trong mình số phận nhỏ bé của chính mình, đi đến số phận của gia đình chính mình. Một gia đình với một ông chủ, với một người vợ, với 2 người con. Một gia đình nhỏ này lo làm sao cho đứa lớn học trọn vẹn để nó được lên lớp, rồi lo làm sao cho đứa nhỏ vào lớp vào trường. Đứa nhỏ sức khỏe yếu, hay bệnh, gia đình nhỏ lo lắng làm sao cho sức khỏe nó tốt hơn, lo lắng làm sao cho người vợ này bị bệnh tim hay bị hành, lo lắng làm sao cho bà mẹ già. Từ chỗ đó những phần linh tử ngủ quên trong gia sự của chính mình, quên đi bổn phận ngôi cao, quên đi rằng cõi trần miền này không phải là nơi chốn để một mình ta tạo tác cho bản thân ta thụ hưởng. Lúc đó chỉ lo ôm vào bản thân gia sự của chính mình, quên mất nhân tâm đồ thán ngoài kia.

Rồi bây giờ, với những vấn nạn của một tiểu gia đình, một gia đình đi với một trăm gia đình, đi với một triệu gia đình. Một con người đi với một trăm con người, một triệu con người rời bỏ gia đình mình, mang theo tâm trạng ở trong căn nhà này hòa vào dòng người kia. Một triệu con người mang tâm trạng không được viên mãn, không được trọn đầy, không được hạnh phúc. Hạnh phúc sao được khi thế gian như nhà lửa, hạnh phúc sao được khi mà ngày hôm nay đứa em này đang nghiện xì ke, ngày hôm nay đứa con gái mới 15-16 tuổi cặp bồ cặp bịch, làm sao đang là đứa học đại học mà nay tối ngày theo bạn bè đi chơi đi du lịch, làm sao mà cô vợ ngày hôm nay đi đánh đôi đánh đỏ, đi xà bát nhiều chuyện bên đây bên kia, làm sao khi bản thân mình vào trong xí nghiệp hôm nay bị giám đốc quở phạt, cấp dưới quyền làm sai mọi việc làm cho mình nổi đóa, làm mình sân hận. Biết làm sao được?- Xã hội bây giờ là thế. Một người nội trợ xách cái giỏ bước ra ngoài đường đi chợ, nhìn vào đây thấy cả trăm món bày ra đây bắt mắt đủ mọi loại, món nào ăn vào không bị độc, món nào ăn vào sẽ bị độc. Người nội trợ phải ra sức toan tính để cho một bữa ăn được thanh sạch, đầy đủ chất dinh dưỡng cho chồng cho con cho gia sự. Những điều này đã bào mòn ý chí tiến thủ, bào mòn tâm lực, bào mòn tâm thức tu tập rồi. Tu sao được nữa khi bản thân sống trong cuộc đời này luôn luôn phải mở mắt cho to ra, dỏng tai lên, cẩn trọng đi ra ngoài đường. Chỉ cần lơ mơ là chiếc xe này va quẹt chiếc kia, đi ra ngoài chợ chỉ cần lơ mơ một chút là mua nhầm thức ăn có hóa chất độc hại, đi ra ngoài đường chỉ cần lơ mơ một chút xíu thì từ chỗ có thể là chạm nhau một chút, cười với nhau xin lỗi nhau rồi đi, mà từ chỗ đó chỉ chạm vào nhau một chút là có thể lao vào nhau đánh đấm.

Tại làm sao trong thời điểm này, trong thời điểm dịch chuyển càn khôn của thời kỳ mạt pháp này nhân tâm ly tán, thế sự suy đồi thì làm sao con người ta và đạo pháp được viên mãn và trọn đầy. Mà đạo pháp không viên mãn không trọn đầy thì chỉ 1 người chủ trì đại đạo đâu có được. Một người chủ trì đại đạo mới chỉ là có một, cái cần là những cái chân rết. Một con rết chủ trì, một trăm cái chân rết phò trì mới kéo nổi một chủ trì dịch chuyển. Một Vị Lai Pháp ngồi một chỗ đây đưa ra những lời có cánh, những lời thuyết giảng, những lời dạy của các Đấng vào trong lỗ tai của những con người trần miền đây, mỗi người nghe một cách, mỗi người hiểu một cách, mỗi người thâm nhập một cách, mỗi người ngộ một cách thì nói gì đến xã hội loạn động ngoài kia. Vị Lai Pháp chỉ ngồi một chỗ thuyết giảng, không đăng đàn thuyết giảng, không làm sân khấu trình diễn, không buông màn, không rèm che sáo phủ, không ăn mặc sang trọng, để cho xứng đáng với một bậc ngôi cao thì lời nói đó của cô Hai Vị Lai Pháp cho dẫu có chánh pháp thì được mấy kẻ phụng hành. Những kẻ phụng hành là những kẻ đủ minh triết, đủ giác ngộ, đủ tâm, đủ thức để có thể thấy rằng đây là một chân căn cao và đang dìu dẫn chúng sanh. Còn kẻ khác: ‘Trời ơi mở miệng ra mà chẳng có một bộ đồ cho đẹp, chẳng ngồi trên ghế cao, chẳng xứng đáng gì, ăn mặc loàng xoàng mà bày đặt xưng là các Đấng ngôi cao’. Thấy chưa, trần miền là thế, cõi trần này là thế, thời mạt pháp này là thế.

Ta nói rồi, chỉ một người phụ nữ với một cái giỏ đi ra ngoài chợ kia để chọn lấy những món đồ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng mà không đem độc hại đến cho gia đình đã là một sự phấn đấu đến mệt mỏi thì đường đạo làm sao mà thông được. Một người đàn ông khi bước ra ngoài đường mang theo những vấn nạn trong nhà như vợ mình ngồi lê đôi mách, con mình đứa này thì bỏ học, đứa kia theo bạn xấu đây. Uất kết, sân si, giận giữ, bực bội, tất cả những vấn nạn đó làm loạn chuyển trong thần thức. Bước ra đời, hòa vào trong dòng người, một người đưa ra một loại khí, một trăm người một trăm cái khí uất, một triệu người là một triệu cái khí uất, thì cái khí uất này làm tối cả càn khôn chưa các con? Khí uất này làm tối cả càn khôn, thì bây giờ trách làm sao trong thời điểm này người đi tìm chánh đạo không có mấy bởi vì người ta có lực đâu nữa mà cầu tìm, người ta lo chống đỡ những vấn nạn thời hiện đại này đã là nặng nề rồi. Chuyện cầu tìm thì mệt mỏi quá. Thí dụ như bây giờ, con tui bỏ học mà tui chưa lo cho nó học được. Bây giờ, con tui bỏ học đi theo mấy đứa bạn xấu mà tui chưa lôi kéo nó vào được. Vợ tui còn sa đà, tối ngày còn trang điểm phấn son, đi xà bát, tui chưa dạy được vợ tui. Làm sao mà tu nữa, làm sao mà hành nữa bây giờ! Cho nên tu trong thời mạt pháp khó là như vậy. Thời mạt pháp không còn Chánh pháp nữa rồi, khi mà không còn chánh pháp thì nhân tâm ly tán, thế sự suy đồi. Lúc đó con người của chúng ta chạy theo dòng dịch chuyển của bánh xe định nghiệp. Bánh xe định nghiệp nhỏ nhất là của bản thân, thêm chút nữa là gia đình, thêm chút nữa là tới tộc tổ tông đường, thêm chút nữa mới tới xã hội. Từ chỗ nhỏ, những bánh xe nhỏ, những mắc xích nhỏ tạo nên một dòng dịch chuyển lớn. Những dòng dịch chuyển lớn đó cuốn bánh xe định nghiệp xuôi dòng đi tới, và sự càn quét của bánh xe định nghiệp thì không chừa một ai. Bánh xe định nghiệp càn quét không chừa một ai, đương nhiên sẽ đẩy ra bên ngoài những con người, những nhân tố không phù hợp với dòng chảy của bánh xe.

Ta nói rồi, một chiếc máy bay rớt, một tầng nhà siêu thị bị cháy, một tòa tháp đôi của Mỹ bị máy bay đâm đột ngột chết bao nhiêu người, nhưng có những người thoát chết một cách thần kỳ: ‘Ngày hôm đó họ bỏ việc, ngày hôm đó bị bệnh, bị lỡ chuyến xe’. Đó là những con người chưa bị lưới càn khôn tảo phạt, sàng sẩy để lọt lưới. Những người này bị đẩy ra khỏi cuộc càn quét đó để được ở lại. Những người được ở lại là những con người đã đủ nhân duyên để tiếp tục cuộc hành trình, những con người tiếp tục được hành trình tức là đã vượt qua được rào chắn mà triệu triệu con người khác chưa thế vượt qua. Thì dễ hay khó ở một con người trong xã hội này với màn vô minh còn che phủ, với tính cách còn coi trọng hiện vật hữu hình hơn là đền đài tâm thức, với những con người mà cứ nghĩ rằng mang tiền bạc cống phẩm đến các cửa tụng đình, đến các cửa quan tham, các cửa đền đài miếu mạo bái lạy quị quỳ để cầu an. Ta nói lại: “Để cầu an”. Có ai tới cửa Phật mà bảo rằng con cầu tìm chân lý không?- Không có đâu, mà cầu an. Gần như là 1 triệu con người tới cửa phật này thì 99% chỉ để cầu an, thí dụ ‘con cầu xin cho con qua ách nạn này, con cầu xin cho con có việc làm, con cầu xin cho chồng con đừng theo vợ bé, con cầu xin cho con của con đừng thi rớt năm nay’… chỉ để cầu an thôi! Có thấy kẻ nào nói ‘tôi đi cầu đạo đâu’, không có đâu. Những con người cầu đạo hiếm hoi như là một viên kim cương rơi giữa loạn cuồng bão cát. Cuộc trần này bây giờ cát chạy đá bay, một trận dịch chuyển của càn khôn kéo theo những cơn lũ của lịch sử. Những cơn lũ của lịch sử cuốn theo rác rưởi, cát bụi, sỏi đá, đền đài miếu mạo, xe cộ, vận mệnh, sinh mệnh. Tất cả kéo nhau theo cơn lũ dịch chuyển, tràn tới càn quét chẳng nương tay, rồi còn lại cái gì, còn lại là chất ngọc nằm lại lẫn vào cát bụi. Nhưng nhà cửa có thể tan nát, tất cả con người có thể biến thành tro bụi, nhưng chất ngọc không bao giờ phai nhòa. Cái chất ngọc có bị lầm lụi ở dưới muôn vàn sỏi cát của đời thường thì viên ngọc vẫn là viên ngọc, viên kim cương vẫn là viên kim cương, không bao giờ thay đổi.

“Một phần chân cách lớn có lạc giữa cõi trần miền thời mạt pháp thì phần chân cách đó không bao giờ để thất mất chân tâm, phần chân cách đó luôn luôn vẫn sẽ sáng lên cho dù ở giữa chốn lầm lụi bụi bùn, phần chân cách đó bao giờ cũng để lộ hình tích của mình cho tất cả mọi chúng sinh thấy rằng đây là một phần cao. Đấy mới xứng là con người của các Đấng, đấy mới xứng đáng là kẻ áo mão cân đai, đấy mới xứng đáng là con người thay trời hành đạo, mới xứng đáng là con người đứng cao hơn tất cả những con người ở cõi trần miền này. Đó là con người biết chấn chỉnh chân cách của mình, chân tâm của mình, đó là một con người biết tự dịch chuyển chính mình, biết tự tìm ra đường đi, tìm ra sinh lộ, tự biết thay đổi chính mình để ngày hôm nay được trở nên tốt đẹp và đầy đủ hơn ngày hôm qua. Đó mới chính là con người của Mẫu.”

Còn những kẻ hiện tại bây giờ mà áo mão cân đai ngất ngây bên rượu thịt, những kẻ bây giờ quyền bính ở trong tay hành hà khảo đảo cõi trần miền này, những kẻ đó là những kẻ loạn thần, tà thần, hí thần, lộng thần. Những kẻ đó cũng là người của Mẫu này, nhưng đi xuống trần miền để làm nhiệm vụ tạo tác, xoay chuyển, dịch chuyển để làm cát bay đá chạy nghe chưa! Các vị loạn thần, trào thần, hí thần, ngạo thần, nghịch thần, những loại đó xuống trần miền này để cùng nhau làm cho cát bay đá chạy, làm cho dịch chuyển càn khôn, làm cho thế gian biến cải vũng nên đồi. Để chi vậy?- Để cho lộ ra những viên kim cương, qua tất cả mọi dòng dịch chuyển vẫn là chất ngọc. Diêu Trì ta nói như vậy đó. Hãy chứng tỏ mình là một viên ngọc để qua tất cả mọi cuộc cọ xát của nhân gian mà không phải ố lem bùn bụi. Đấy mới là viên ngọc thật sự, và viên ngọc thật sự thì mới chính là một phần chân cách ngôi cao, không bao giờ bị lu mờ bởi áo mão cân đai của trần miền hỷ lạc.

(mẫu Diêu Trì nói với người được soi căn là một vị Long Thần, người này đến từ Châu Đốc)

Diêu Trì ta đem tâm huyết của mình nói với con bởi vì ta biết con có tài có lực, có quyền bính, con có đủ cả. Con lo cho gia sự của con đủ rồi, bây giờ con hãy đem những gì con có, bắt đầu dấn bước, chia sẻ, cầu tìm, con tạo tác, hành xử. Để rồi từ bàn tay dũng mãnh của một vị chân thần, con có thể nâng lên mình những uế nhiễm của nhân gian, nâng lên trên bàn tay mình những số phận lầm lụi khác. Con nâng lên và dùng khả năng của mình dìu đỡ những bất hạnh đang chực chờ, con có thể cho tựa vào vai mình những linh hồn thống khổ, con có thể dìu đỡ một con người đang ngã trên đường. Ta muốn như vậy, và chính vì ta muốn như vậy nên ngày hôm nay Diêu Trì ta về đây nói cái file giảng này để cho các con lưu truyền lên trang mạng Vị Lai Pháp để cho truyền rao 5 châu 4 bể tâm huyết của Diêu Trì Địa Mẫu ta đây. Ta nói rồi, ở mỗi một đền điện miếu mạo ta nói một kiểu khác: ‘Ở chỗ của các bậc chân thần, ta nói giọng của các vị chân thần, ở chỗ của các vị nộ thần ta nói giọng của kẻ nộ thần, ở chỗ của người tâm pháp căn cơ ta nói giọng của người mẹ hiền thủ thỉ với con trẻ, ở nơi chốn trần miền náo loạn ta nói bằng giọng của kẻ ngôi cao. Chính vậy, Diêu Trì ta về đây nói bằng giọng của bậc chân thần, nói với tư cách của các vị chân thần. Và hãy nghe ta như nghe phần ngôi cao, phần khai mở tâm căn, cái phần mà có thể ban cho các con những lời huấn thị, ban cho các con những lời khuyên làm kim chỉ nam trong cõi trần miền đang trong thời điểm loạn lạc, tên bay đạn lạc, thời điểm mà cuộc sống trần miền trở thành địa ngục khi con người ta chỉ mơ ước đến chuyện thu vén chính bản thân và gia đình mình mà quên trui rèn tâm cách, chỉ lo lợi lạc bản thân mà quên nghĩ đến lợi lạc của tha nhân, của những người khác.

Thôi, ta giảng chỉ đến đây. Ta muốn nói chuyện tiếp với cô Lan các con một chút.

- Cô Lan:

Dạ con xin Mẹ, Mẹ dạy con điều gì vậy Mẹ?

- Mẫu Diêu Trì:

Con tưởng, đó đâu phải là một trò đùa. Cái án ở cõi trần miền này có 2 loại án, một là loại án giả, và một là loại án thật. Cái án để làm gì?- Để chặn lại một dòng chảy, một dòng đang dịch chuyển. Án là gì?- Án là “chặn”, chặn lại một sự tạo tác, một sự dịch chuyển. Chúng ta đang tìm mọi cách chuyển xoay nghiệp lực để cho con được hộ trì gia hộ. Cái án của chồng con là cái án đã được định bày để bắt buộc nó phải có sự lựa chọn. Con nói với nó là như vậy cho ta để bắt buộc nó phải có sự lựa chọn, một là phụng trì chánh pháp hay là sẽ ra đi trong bệnh tật, trong đau đớn. Đó là cái án mà nó được quyền chọn lựa. Nếu nó chấp nhận phụng trì Chánh pháp thì các Đấng tạo tác phải bảo trì hộ trì gia hộ để nó có lực mà cống hiến. Con hãy với nó như vậy thay ta, Diêu Trì ta muốn nói như vậy.

Còn lại tất cả mọi việc khác ta tùy con định liệu. Ta đã nói rồi, con muốn hoằng pháp trực tiếp hoặc gián tiếp ta để con định liệu.

- Cô Lan:

Dạ thưa Mẹ, những lời giảng của Mẹ chúng con luôn lắng nghe và trân trọng. Con biết rằng con có phúc hơn người khi con có thể cầu kỉnh Mẹ về, và khi con cầu xin thì mẹ thương mà về cùng con trẻ. Dạ thưa Mẹ, Mẹ có điều gì dạy chúng con nữa hay không?

- Mẫu Diêu Trì:


Thôi, ta chỉ nói đến thế. Ta đi đây, chào các con!

----------------------------------------------HẾT----------------------------------------------