Chuyên gia: Phương Tây “mù quáng chiến lược” trước sức mạnh vũ khí của Nga




Tên lửa hành trình với tầm bắn không giới hạn được tiết lộ trong thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT
Theo chuyên gia của TASS, các đối tác phương Tây đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khi quá ảo tưởng về lợi thế công nghệ mà bỏ qua những khả năng tiềm ẩn của vũ khí Nga.



Ngày 4/3, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời một nguồn tin quân sự - ngoại giao cho biết, nước này đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm động cơ hạt nhân thu nhỏ để trang bị cho các tên lửa hành trình và tàu lặn không người lái.

"Nga đã hoàn tất việc thử nghiệm các động cơ hạt nhân thu nhỏ dùng cho tên lửa hành trình có tầm bắn không giới hạn và cho các tàu lặn tự động của một hệ thống đa nhiệm dưới đại dương. Cho tới nay, chỉ duy nhất Nga mới thiết kế và đưa vào sử dụng được những công nghệ này".

Nguồn tin của TASS cũng tiết lộ, trước đây Nga đã từng phát đi các tín hiệu tới "những đối tác phương Tây không có thiện chí hợp tác" với mục đích để cho họ thấy rõ "tính vô dụng trong những nỗ lực nhằm vô hiệu hóa khả năng của Nga qua việc triển khai hàng loạt các lá chắn tên lửa".

Những tín hiệu này gồm cả việc cố tình để lộ thông tin về dự án chế tạo các tàu lặn với tầm tấn công không giới hạn từ vài năm trước nhằm thúc đẩy đối thoại an ninh toàn cầu với các đối tác phương Tây.

Chiếc tàu lặn mà nguồn tin của TASS đề cập tới chính là hệ thống đa nhiệm dưới biển Status-6, được "vô tình tiết lộ" bởi một chương trình phim tàu liệu phát trên truyền hình Nga.

Trong bản dự thảo Đánh giá Vị thế Hạt nhân (NPR - Nuclear Posture Review) công bố đầu tháng 1/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã buộc phải xác nhận sự tồn tại của Status-6, một loại tàu lặn hạt nhân không người lái được Nga phát triển và vận hành mà Lầu Năm Góc chưa bao giờ công khai thừa nhận trước đây.

Status-6 được phát triển bởi Cục thiết kế Rubin, tổ chức lớn nhất trong số 3 hãng chế tạo tàu ngầm chính của Nga. Chiếc tàu lặn này có tầm hoạt động khoảng 10.000 km, vận tốc tối đa trên 185 km/h và có thể lặn xuống độ sâu 1.000 m so với mặt nước biển. Status-6 có thể được trang bị một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 100 megaton (triệu tấn thuốc nổ TNT).


Status-6 được Nga cố tình tiết lộ trên truyền hình cuối năm 2015. Ảnh: Sputnik

"Thế nhưng, các đối tác phương Tây của chúng ta lại mắc phải một sai lầm nghiêm trọng do họ quá ảo tưởng về lợi thế công nghệ và tính vượt trội về vũ khí của mình. Họ đã chọn cách phớt lờ những tín hiệu của chúng ta, và giờ đây chính họ mới là bên phải chạy theo và gánh chịu mọi hậu quả liên quan", nguồn tin của TASS nhấn mạnh.

Ông gọi các chính sách của phương Tây đối với Nga là "sự mù quáng chiến lược về các khả năng của Nga".

"Điều đó giả thích tại sao, một trong những ý tưởng quan trọng đã được nêu ra trong thông điệp liên bang của Tổng thống Vladinir Putin là đề xuất ngăn chặn bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang mới và cần bắt tay vào tìm ra các giải pháp duy trì hòa bình".

Ngày 1/3, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Putin đã tiết lộ về những hệ thống vũ khí chiến lược tiên tiến nhất của Nga, được phát triển để đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) cũng như hoạt động triển khai các lá chắn tên lửa ở cả trong và ngoài nước Mỹ.

Theo đó, những vũ khí mới nhất của Nga gồm có tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat; hệ thống vũ khí siêu thanh Kinzhal; tên lửa hành trình vũ trang hạt nhân; và một thiết bị không người lái dưới nước có thể mang theo cả các đầu đạn hạt nhân và thông thường.