Những “người Mohican cuối cùng”

20/02/2018 06:48 GMT+7

Cuộc không chiến giữa máy bay MiG17 và F4 được ví như cuộc đối đầu giữa một kẻ đi xe đạp cầm dao và 1 kẻ đi xe máy cầm cả dao lẫn súng. Cuộc đối đầu giữa MiG21 với F4 thì giống cuộc chiến của 2 kẻ đi xe máy cầm dao và súng như nhau”.

Đi tìm các huyền thoại sống

Mấy tháng cuối năm 2017 tôi được nghe thông tin về chuyến đi Mỹ của ACE số 1 Việt Nam- anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy theo lời mời của các cựu binh phi công Hải quân Hoa kỳ. Điều làm tôi tò mò tìm hiểu, là trong số 19 ACE của Không quân Việt Nam, vì sao chỉ có ông Nguyễn Văn Bảy đã vượt để được tôn vinh là ACE huyền thoại số 1?

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy lái MiG 17- người đã bắn rơi 7 máy bay có người lái bằng ca nông được tôn vinh ACE huyền thoại (thứ hai từ trái qua). Ảnh do tác giả cung cấp.

Sau nhiều tháng ngày mò mẫm, tôi may mắn gặp ông Từ, nguyên phi công lái Mig17, và cũng là lính của cụ ACE Nguyễn Văn Bảy.

Trong ngôi biệt thự gần Tân Sơn Nhất, dưới rặng tre, có nhiều hạt nắng đong đưa trên mặt hồ nước nhỏ, làn gió se lạnh như bao mùa thu Hà Nội, lời bài hát “làm sao về được mùa đông, dòng sông đôi bờ cát trắng” vọng ra từ chiếc đài nhỏ, tôi phần nào cảm nhận được nỗi lòng của người xa xứ.

Ông Từ niềm nở, “mời cô nước vối nhà trồng trên gác”.

Tôi từng nghe kể về gia đình “danh gia vọng tộc” của anh hùng phi công Từ Đễ, giờ được gặp ông bằng xương bằng thịt. Quan sát phong thái an nhiên, đĩnh đạc của vị anh hùng, tôi chắc ông đang làm theo lời dạy của cụ thân sinh: “mỗi giọt nắng phải trồng 1 cái cây bất kỳ để tiết kiệm”.

Dường như hiểu sự sốt ruột của vị khách không mời, ông Từ vào ngay câu chuyện.
Ông Từ cắt nghĩa, ACE là danh hiệu mặc định dành cho phi công, những người đã bắn rơi 5 máy bay của đối phương. Sau này, Bác Hồ đã lấy chính tiêu chí này làm tiêu chuẩn để xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng cho lực lượng phi công Việt Nam.

Phi công nào bắn rơi máy bay Mỹ cũng được Bác Hồ tặng thưởng một chiếc huy hiệu của người.
Nhấp ngụm nước vối, ông Từ nhìn thẳng vào tôi: “Đấy mới là phần thưởng cao quí hơn bất kì tấm huân chương nào. Còn danh từ “huyền thoại” là để tưởng thưởng cho các phi công đã làm được những chuyện phi thường, chuyện “không tưởng” như thế hệ các phi công Nguyễn Văn Bảy, Lê Hải, Lưu Huy Chao (đã mất).

Bằng những chiếc MiG17 cổ lỗ sĩ, mỗi người họ đã bắn rơi đến 6-7 máy bay phản lực có người lái của không quân và Hải quân Hoa Kỳ bằng súng ca nông 37 ly.

Dừng một chút (có thể là ông đang tìm cách diễn tả hình ảnh – PV), ông Từ tiếp tục câu chuyện: “Tôi mượn hình tượng thế này để cô dễ tưởng tượng nhé. Cuộc không chiến giữa máy bay MiG 17 và F4 được ví như cuộc đánh nhau giữa một kẻ đi xe đạp cầm dao với 1 kẻ đi xe máy cầm cả dao lẫn súng. Còn cuộc đối đầu giữa MiG21 với F4 thì khác– nó là cuộc chiến của 2 kẻ đi xe máy cầm dao và súng như nhau”.

Cách ví von của ông Từ quả thực rất sống động, càng khiến tôi tò mò hỏi: “Trong tương quan đó, ông Nguyễn Văn Bảy đã chiến đấu thế nào để trở thành ACE số 1 của Việt Nam? Để trở thành huyền thoại phi công?”
Cùng lúc phải nhìn tứ phương

Bỏ qua sự sốt ruột của một người trẻ, ông Từ cắt nghĩa điềm đạm. Thế này nhé, kĩ thuật bắn súng trong không chiến đòi hỏi kĩ thuật lái máy bay cực kì chuẩn xác do do thời cơ rất hiếm: nhanh - mạnh - dứt điểm.

Bắn pháo máy bay đòi hỏi phi công phải đưa được mục tiêu vào vòng ngắm và giữ ổn định trong 1-2 giây, sao cho phi công phải thấy luồng đạn găm vào máy bay đối phương – tức là điều khiển luồng đạn phải luôn trúng mục tiêu mới kết thúc bắn. Trong khi máy bay đối phương liên tục cơ động: thay đổi độ nghiêng, độ cao, nhất là tốc độ góc và phụ tải đè lên người khiến điểm ngắm luôn nhảy múa. Phụ tải là vấn đề cực khó đỡ cho các phi công khi phải vượt qua, vì mắt thường bị mờ đi, sức chịu đựng giảm dần và điều xấu nhất xảy ra là tốc độ máy bay tụt nhanh dẫn đến phi công phải giảm độ nghiêng vòng lượn, thế là mục tiêu văng mất.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

Hơn nữa, nếu không tỉnh táo, quá ham đeo bám thì dễ bị máy bay khác chui vòng phía sau để phóng tên lửa. Do các phi công MiG vừa phải nhìn trước ngắm bắn mục tiêu, vừa phải nhìn sau coi chừng máy bay đối phương có đang ngắm mình không, đồng thời còn phải nhìn lên trên coi chừng tên lửa của Hải quân ngoài biển, và phải nhìn cả mặt đất phòng tránh tên lửa của ta bắn nhầm. Đúng là cùng lúc phải nhìn tứ phương!

Kể tới đây, ông Từ bật cười và đi lạc đề. Tôi kể cô nghe hồi tôi là học sinh trường Chu Văn An, Hà Nội, ở cái tuổi đầy mộng mơ say mê mọi thứ. Hồi đó được xem bộ phim Liên Xô, tôi nhớ có thể không chính xác là “Bầu trời Ban Tích”. Bộ phim nói về thời chiến tranh thế giới thứ hai, mô tả cuộc sống chiến đấu, tình yêu của một viên phi công tiêm kích… Có một cảnh tôi vẫn nhớ như in: anh phi công ngồi bên người yêu. Anh ta ôm hôn cô gái chưa được 5 giây thì dừng lại và quay nhìn phía sau rồi quay lại hôn tiếp. Cứ thế lặp đi lặp lại mấy lần liền. Cô gái đỏ mặt hỏi: anh sợ chỉ huy hay sao mà phải ngó nghiêng như vậy?”. Anh phi công trả lời tỉnh queo: “Đó là phản xạ của phi công. Không được say bất kì cái gì quá 5 giây. Nghe tới đó, cô gái đứng dậy, phủi váy và không quên tát cho anh chàng một cái trước khi bỏ đi.

Hồi đó tôi tin sái cổ chuyện trên phim. Sau này khi đi học, sợ bị ăn tát nên chẳng dám ôm cô bạn nào cả”, ông Từ cười hào sảng.

“Đây. Kẻ hù dọa các ông đây”

Câu chuyện về những người anh hùng tiếp tục sôi nổi qua ký ức của ông Từ.
Điều nguy hiểm nhất của phi công chiến đấu thể hiện ở chỗ, nếu anh không nhanh chóng bắn rơi đối phương thì họ sẽ bắn rơi anh. Nhược điểm của Mig17 là động cơ yếu không đủ sức tăng tốc độ và lấy độ cao để thoát ra khỏi trận đánh khi đạn đã hết, dầu lại cạn.

Thời học bay ở Liên Xô cách nay hơn nửa thế kỉ, tâm hồn chúng tôi đều thấm đẫm những tấm gương dũng cảm của phi công Xô Viết, dùng cánh quạt cắt cánh máy bay phát xít Đức để bảo vệ mục tiêu mặc dù hành động đó có thể hi sinh thân mình.


Thế hệ phi công của chúng tôi lái MiG17 khi bị máy bay Hoa Kỳ bao vây tứ phía, anh hùng Lê Hải đã tìm cách đối đầu đâm vào máy bay đối phương để thoát khỏi trận đánh hay chuyện anh hùng - liệt sĩ Vũ Xuân Thiều lái MiG21 đâm vào B52!

Phi công lái MiG17 muốn tiếp cận máy bay đối phương thì phải lộ diện từ xa nên mất yếu tố bí mật bất ngờ, đối phương lại càng dễ đối phó. Nếu bị trúng tên lửa hầu như phi công MiG17 không thể nhảy dù vì máy bay nhỏ phi công bị sức ép của tên lửa nổ dễ bị choáng và hơn nữa hệ thống phóng ghế rời khỏi máy bay rất phức tạp.

Từ kinh nghiệm không chiến, anh hùng Lê Hải đã từng đúc kết, “đâm cả hai cùng chết lãi hơn! nên trong cả 2 tình huống đối đầu của tôi, phi công Mĩ đều né tránh - thế là thoát !”

Thế hệ các ACE lái MiG17 đầu tiên của Việt Nam đã phá vỡ chiến thuật không chiến chuẩn mực phi công Hoa Kỳ. Buộc họ phải cấp tập tổ chức trường tập huấn chương trình “Top Gun “dành cho phi công Hải quân tập các ngón đòn chống lại MiG 17 trước khi đưa sang tham chiến tại Việt Nam. Chương trình huấn luyện này đã phát huy tác dụng. Họ đã tìm được các cách vô hiệu hóa MiG17 của ta, và gây cho trung đoàn 923 của tôi nhiều thiệt hại. Cụ thể, nếu thấy MiG17 bám phía sau họ chẳng dại gì vòng lại mà cứ tăng tốc độ bay thẳng khiến Mig17 hầu như không thể bắn trúng.

Anh hùng LLVTND, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy đã tiếp vợ chồng cựu phi công F4 Marshall Michel lll tại quê nhà: Lai vung - Đồng Tháp. Ảnh do tác giả cung cấp.

Hôm 10/5/1072 biên đội 4 máy bay Mig 17 gồm Nguyễn Văn Thọ, Tạ Đông Trung (AHLLVT), Đỗ Hạng và Trà Văn Kiếm đã không chiến dữ dội với các máy bay của hải quân Hoa Kỳ. Phi công Tạ Đông Trung đuổi theo 1 máy bay A7 ra biển, máy bay đối phương tăng tốc độ bay thẳng mặc cho Mig 17 bay phía sau tha hồ nhả đến hết sạch đạn. Cuối cùng anh Tạ Đông Trung phải quay về.

Hồi tháng 9/2017 vừa qua trong cuộc giao lưu với các cựu binh phi công Hoa Kỳ tại Mỹ, cơ duyên đã kết nối ông Từ gặp lại viên phi công hải quân, người từng lái A7 tham gia trận chiến mà anh Tạ Đông Trung bắn hết đạn và buộc phải quay về.
Ông cựu binh già đã kể lại bổ sung thêm nhiều chi tiết: “Ngày ấy, tôi được phân công ném bom A7 tấn công 1 kho hàng tại Bắc Giang, sau khi trút hết bom tôi tăng tốc đến 800km/h và bám theo chỉ huy của mình ở cự li 1500m. Bỗng phát hiện 1 chiếc MiG 17 bám đuổi chiếc A7 chỉ huy ở phía trước, tôi liền thông báo và không dám phóng tên lửa vì sợ trúng vào máy bay của chỉ huy. Khi chiếc Mig 17 nhả đạn vào chiếc A7 chỉ huy, tôi lại tiếp tục thông báo cho phi công chỉ huy và sau 3 lần vào bắn không trúng, chiếc Mig 17 của các ông đã phải quay về.

“Chúng tôi áp dụng thành công bài chống MiG 17 được dạy tại Top Gun”, viên phi công hồ hởi khoe. Ông Từ cũng góp chuyện: “thực ra các ông đã gặp may đấy, vì lúc đó chúng tôi đã cải tiến lắp cho Mig 17, Mig 19 tên lửa hồng ngoại vác vai của bộ binh A72 (Strenla1- manpad), nhưng do mới thử nghiệm nên bắn được lúc không (do tốc độ ban đầu lớn quá). Chúng tôi sử dụng chiến thuật này để buộc các ông phải bay vòng tránh, từ đó lùa các ông vào bẫy của MiG 17, 19. Những cải tiến đó đâu có được dạy trong chương trình Top Gun.

Viên phi công già Hoa Kỳ nghe vậy, nhìn ông Từ không khỏi nghi ngờ, hỏi lại: Thế các ông đã dọa ai chưa? Ông Từ nhanh nhảu dẫn kẻ “tò mò” qua gặp phi công lái MiG 19 Phùng Tiến Quảng, con người đẹp trai, ga lăng nhất của trung đoàn 925 ngày nào và giới thiệu: “Đây. Kẻ hù dọa các ông đây”.

Sau cái bắt tay thân thiện, cựu phi công Phùng Tiến Quảng đã kể cho lại cho viên cựu binh phi công Hoa Kỳ nghe về một cuộc không chiến hồi năm 1972 khi máy bay của ông đụng với chiếc F105 của không quân Hoa Kỳ.

Cuộc đọ râu của các cựu phi công chiến đấu - những người đã từng đọ súng trên bầu trời Việt Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.

“Hôm đó là ngày 2/9/1972, biên đội 2 chiếc của chúng tôi có nhiệm vụ đánh chặn tốp F105 và F4 hỗn hợp. Tôi nhờ tốc độ cao nên xông lên ngang máy bay F105, biết rằng máy bay MiG19 (MiG17) chỉ có súng, viên phi công lái F105 theo kinh nghiệm được phổ biến mới đây của phi công lái A7 - cứ theo bài bay thẳng. Tôi liền mở dãn cách lùi lại và phóng quả A72 nhưng do cự ly còn xa nên tên lửa nổ tự hủy. Lập tức tôi đã xáp gần và phóng nốt quả A72 còn lại. Tên lửa kéo khói chạy lòng vòng phía sau khiến viên phi công Mỹ hoảng nên lượn tránh, thế là hở lưng. Tôi liền lao vào sử dụng 3 khẩu ca nông 30mm nhả 1 loạt đạn. Chiếc F105 rơi tức thì.

Nghe tới đây, viên phi công già Hoa Kỳ lè lưỡi, lắc đầu: “thế mà tụi tôi không được thông báo gì về cải tiến này của MiG 19. Lạy Chúa tôi! Nếu Mig 19 mà lắp tên lửa R3S thì chắc chả cần cú nhử như thế đâu. Ông ấy nói và làm dấu thánh.

Theo ông Từ, những chiếc MiG21 là loại máy bay được thiết kế có tốc độ lớn, dùng tên lửa diệt máy bay mang bom nguyên tử của đối phương trong thời chiến tranh lạnh. Thời gian đầu các phi công Việt Nam theo kinh nghiệm chỉ sử dụng lối đánh quần giống như MiG 17 nên không thành công vì thời cơ phóng tên lửa rất hiếm phụ tải lớn một chút là tên lửa phóng không ra. Với phi công lái MiG21việc phóng tên lửa đối với họ chỉ cần chọn thời cơ phụ tải nhỏ, ngắm vào máy bay đối phương, chờ khi tín hiệu cho phép phóng sáng thì họ ấn nút phóng và sau đó tăng lực kéo cao, thoát li rời trận đánh khiến máy bay F4 không đủ sức theo bám theo.

Việc trúng hay không hoàn toàn do tên lửa chứ phi công hết trách nhiệm, khác hẳn với bắn pháo khi phi công phải chịu trách nhiệm đến cùng với dòng đạn của mình thì với phi công MiG 21 không cần. Do vậy, tướng Trần Mạnh- kiến trúc sư chiến thuật của không quân Việt Nam đã vạch ra cách đánh mới: dùng tốc độ siêu âm, bí mật tiếp cận lao từ trên xuống đội hình máy bay Hoa Kỳ, phóng tên lửa và tăng lực thoát li trận đánh. Các phi công Hoa Kỳ gọi cách đánh này giống kiểu con chó “cắn và chạy” - “Hit and run”, như cách gọi đầy hình ảnh cách đánh quần của MiG17 là “dogfight – chó quần nhau”.

Với đối ứng thông minh, các phi công Việt Nam đã phát huy hết tính ưu việt của máy bay MiG 21 và họ đã gắn mác vinh quang cho hãng MiG của Liên Xô - trở thành máy bay chiến đấu huyền thoại được sản xuất nhiều nhất trên thế giới.
“Giờ chúng tôi chỉ là các lão già vô tích sự”

Ông Từ kể tiếp với giọng đầy tự hào, chẳng thế mà các phi công lão làng đều có suy nghĩ rằng 1 phi công lái Mig17 mà bắn rơi 1 máy bay đối phương thì có giá trị tương đương 2 máy bay bị bắn rơi bằng tên lửa của MiG21. Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng và trong chiến tranh, mọi chiến thắng đều phải đánh đổi bằng máu.

Giây phút thảnh thơi của cụ ACE Nguyễn Văn Bảy trong cái lạnh của Sài Gòn. Ảnh do tác giả cung cấp

"Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy lái MiG 17 đã bắn rơi 7 máy bay có người lái bằng ca nông được tôn vinh ACE huyền thoại là từ những trận đánh như vậy. Ngoài ông ấy, chưa có ai bắn rơi hơn 7 máy bay có người lái cả”. Kể lại câu chuyện của người chỉ huy một thời, ông Từ ngừng chút và nói chậm từng chữ: “Việc không quân non trẻ của ta với MiG17,19 và 21 đã chiến thắng không quân Hoa Kỳ trong các cuộc không chiến từ 65 đến 73 với tỉ số 2-1 thì không thể phủ nhận đó là huyền thoại tuyệt vời nhất, lớn nhất!”.

Tại cuộc giao lưu với các cựu phi công Hải quân Hoa Kỳ, ông Từ đã được các phi công Hoa Kỳ tán thưởng khi ông nhận xét: “Đây là những trận không chiến cuối cùng do con người trực tiếp điều khiển máy bay nên con người luôn luôn là yếu tố quyết định. Do không có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo AI nên các cuộc gặp gỡ của các ông già phi công Việt-Mỹ hôm nay thực sự là kỉ niệm khó quên của cả thế hệ phi công như những kẻ đã đụng độ kiểu cổ điển cuối cùng của thế giới – last man-pilots!”
Ông Từ cười hào sảng, tôi nói tiếng Anh không giỏi vậy mà khi ví những trận đối đầu giữa không quân Việt Nam và không quân Hoa Kỳ trên bầu trời Việt Nam như cuộc chiến của những người Mohican cuối cùng. Thú vị là các phi công Hoa Kỳ đều là những người rất thông minh, họ nhanh trí và đều hiểu mới hay chứ!

Là người có nhiều cơ duyên được gặp các cựu phi công Việt Nam, tôi hiếm khi nghe các cựu phi công chiến đấu Việt Nam tự khen mình. Mỗi khi được gặng hỏi, họ đều nói giản dị, “giờ chúng tôi chỉ là các lão già vô tích sự”. Nhưng với tôi và rất nhiều bạn đọc, thế hệ anh hùng như cụ ACE Nguyễn Văn Bảy thực sự là các huyền thoại, họ đã làm được những điều phi thường.

Tuần Việt Nam