Vượt qua gạo, dầu thô: Khát vọng 10 tỷ USD của trái cây Việt




Nền nông nghiệp của chúng ta có cơ hội, tiềm năng rất lớn. Hiện nay, thanh long Việt đứng hàng thứ nhất thế giới; chuối nằm trong top 11 của thế giới, chanh leo đứng thứ 3 thế giới…



Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 2017 đã cán mốc kỷ lục với 3,45 tỷ USD, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo, cà phê, thậm chí cả dầu thô. Tuy nhiên, đằng sau con số mơ ước đó là hành trình vượt khó, nỗ lực thầm lặng của các doanh nghiệp tiên phong khai mở thị trường.


Trái cây Việt chinh phục hơn 60 quốc gia

Trong năm 2017, kinh tế thế giới biến động mạnh, gần đây nhất là thị trường Trung Quốc đã tác động lớn đến thương mại nông nghiệp Việt Nam.ở trong nước, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, nhân tai nhưng nông nghiệp Việt vẫn tiếp tục bứt phá.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản đã cán mốc kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay với tổng giá trị xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong bức tranh chung đó, rau quả được đánh giá là “điểm sáng” nổi bật của toàn ngành nông nghiệp khi tiếp tục có những bứt phá đem về kim ngạch cao cho toàn ngành nông nghiệp.

Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỷ USD thì xuất khẩu hàng rau quả năm 2017 ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo, cà phê, thậm chí cả dầu thô.

Mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, thời gian qua, ngành rau quả cũng tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand...


Hành trình “xuất ngoại” của chanh leo tươi

Cuối năm 2017, 3 tấn chanh leo tươi của Mộc Châu (Sơn La) đã lên máy bay để sang châu Âu. Là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc xuất khẩu chanh leo tươi sang châu Âu thành công, ông Lê Hoài Hưng – Giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc chia sẻ: “Đây là hành trình vô cùng gian nan, ngặt nghèo mà doanh nghiệp đã nỗ lực cố gắng để đạt được”.


Dù đã có hơn 20 năm trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm xuất khẩu 7.000-8.000 tấn chanh leo cô đặc sang châu Âu, song ông Hưng cũng phải thừa nhận, để quả chanh leo tươi vào thị trường này, quả không hề đơn giản.
Ông Hưng kể, ý tưởng xuất khẩu chanh leo tươi của Nafoods xuất phát từ chuyến đi tham quan Pháp năm 2016. Tại các siêu thị Pháp, chanh leo tươi được bán với giá 14 Euro/kg, tương đương khoảng 380- 400 nghìn đồng/kg.


“Người châu Âu rất thích quả chanh leo. Lúc đó, chúng tôi mới nghĩ, tại sao mình đã có kiến thức cơ bản về chanh leo lại không tính xuất khẩu trái chanh leo tươi”, ông Hưng nói.
Xuất phát từ ý tưởng đó, Nafoods bắt đầu nghiên cứu tiêu chuẩn để vào được châu Âu. Đó là chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).

“Chúng tôi mất tròn 1 năm nghiên cứu, đến tháng 3/2017 bắt đầu trồng chanh leo theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mặc dù trồng đại trà hàng nghìn ha nhưng vùng trồng chanh leo đủ tiêu chuẩn mới chỉ có 8ha ở Mộc Châu (Sơn La)”, ông Hưng cho hay.

Nafoods bắt đầu nghiên cứu tiêu chuẩn để vào được châu Âu. Đó là chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).

Sau 4 tháng, cây chanh leo cho thu hoạch quả. Doanh nghiệp lại trải qua một quá trình khắt khe khác là test (kiểm tra) quả: quả chanh leo được xay cả vỏ để kiểm tra với 734 chỉ số cơ bản và 8 chỉ tiêu nâng cao.
“Sau khi trao đi đổi lại, gửi hàng mẫu, bay đi bay lại để đàm phán, chúng tôi mới chốt được đơn hàng đầu tiên là 2 tấn chanh leo tươi sang châu Âu vào cuối tháng 11/2017”, ông Hưng nói.
Sau lô hàng đầu tiên, đối tác tiếp tục đặt thêm đơn hàng 1 tấn nữa vào ngày 7/12/2017.

Khát vọng 10 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh nhận định: “Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay và những lợi thế khả năng của chúng ta có được, ngành rau quả hoàn toàn có thể cán mốc xuất khẩu đạt 10 tỷ USD”.
Từ kinh nghiệm thành công khi đưa được chanh leo vào thị trường châu Âu, ông Hưng chia sẻ: “Trong năm 2018, Tập đoàn Nafoods đặt mục tiêu xuất khẩu 600 tấn chanh leo. Chúng tôi đang tìm hiểu những thị trường mới như Hà Lan, Anh, Nhật, Canada…căn cứ nhu cầu thị trường để phát triển vùng nguyên liệu, chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu dài hơi”.

Bên cạnh sản phẩm chủ lực là chanh leo, Nafoods đang lên kế hoạch để xuất khẩu các sản phẩm khác như bơ, thanh long, rau cải Mộc Châu...


Rau quả được đánh giá là "điểm sáng" nổi bật của toàn ngành nông nghiệp khi tiếp tục có những bứt phá đem về kim ngạch cao cho toàn ngành nông nghiệp.

Để ngành rau quả tiếp tục cán những cột mốc mới trong những năm tới, ông Khuê đề nghị Chính phủ, các ban, ngành đàm phán với các nước về thuế suất, đàm phán hiệp định thương mại để thuế suất của Việt Nam có sức cạnh tranh, về hàng rào kỹ thuật; đồng thời tập trung nghiên cứu các giống cây ăn quả chủ lực để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhận định về tiềm năng của ngành rau quả trong những năm tới, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho hay:

“Nền nông nghiệp của chúng ta có cơ hội, tiềm năng rất lớn. Hiện nay thanh long Việt đứng hàng thứ nhất thế giới; chuối nằm trong top 11 của thế giới, chanh leo đứng thứ 3 thế giới… Tương lai chúng ta sẽ là đối trọng lớn trên thế giới về xuất khẩu rau quả”.

Còn theo ông Hưng, trong mối liên kết “4 nhà”, cần có sự tham gia sâu hơn của nhà khoa học. Khoa học phải nghiên cứu thật sự, gắn với sản phẩm, thị trường, được doanh nghiệp nghiệm thu chứ không phải đặt trong phòng thí nghiệm.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, năm 2018 sẽ là bức tranh sáng về thị trường rau quả khi nhận thức canh tác, tư duy làm nông nghiệp đã thay đổi, đặc biệt là sự vào cuộc thực chất, quyết liệt từ Bộ NN&PTNT đến các địa phương. Sự hỗ trợ này khiến doanh nghiệp rất phấn khởi và tự tin vào một năm mới sẽ thành công.