Giai thoại kỳ bí về “Linh Khuyển” trấn yểm thương cảng xứ Đàng Trong

Đã gần 500 năm, lưỡng tượng “Linh Khuyển” vẫn còn quá nhiều bí ẩn đang chờ đợi sự giải đáp từ các nhà khoa học. Những câu chuyện tâm linh, những giai thoại về lưỡng tượng này cứ thế dày thêm theo thời gian.

Hé lộ 24 giai thoạiTP.Hội An, tỉnh Quảng Nam bao đời rọi bóng xuống Hoài Giang nét rêu phong, trầm mặc. Đến phố Hội, ai cũng muốn một lần ngang qua chùa Cầu để thành tâm chiêm bái. Sự linh thiêng ở nơi đây là điều không ai có thể phủ nhận được.Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Giám đốc trung tâm Bảo tồn Di sản – Văn hóa Hội An cho biết, chùa Cầu là một di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh.

Nó gắn liền với sự thịnh suy của một thương cảng bậc nhất xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Đồng thời nó là linh hồn, biểu tượng của người phố cổ mấy trăm năm qua.Nói về điều đặc biệt và có lẽ gây nhiều tranh cãi nhất về chùa Cầu, ông Minh cho rằng đó là bộ lưỡng tượng “Linh Khuyển” và “Linh Hầu” (đôi tượng chó gỗ và khỉ đá ở 2 đầu cầu – PV). Theo quan sát của chúng tôi, bờ Tây (đầu cầu) đặt 2 tượng “Linh Hầu” chắp tay kính cẩn dâng đào, bờ đông (đuôi cầu) là lưỡng tượng “Linh Khuyển”. “Linh Khuyển” gồm một đực (dương), một cái (âm) được xếp quay mặt vào nhau.

Cả 2 bệ vệ như hình tượng chó thật canh giữ nhà ở ngoài đời. Đặc biệt, đằng sau vẻ uy nghi, đôi “Linh Khuyển” toát lên sự khoan thai, 2 chân sau có vẻ chổm lên như tư thế sẵn sàng xông ra giữ của.


Tượng Linh Khuyển ở chùa Cầu, Hội An.



Theo ông Minh, lưỡng tượng “Linh Khuyển” này mang trong mình những bí ẩn tâm linh đặc biệt. Đến nay, đã có 24 giai thoại về nơi này. Bí ẩn chưa có lời giải về “Linh Khuyển”Trong nhiều năm nghiên cứu, ông Minh cùng đồng nghiệp đã tìm ra nhiều tài liệu quan trọng. Thời đó, cầu do người Phù Tang xây dựng.


Họ vốn theo Thần đạo, tức làm gì cũng phải có biểu tượng trấn yểm. Chó trong quan niệm của họ là biểu tượng của sự thông minh, dũng cảm nên rất được coi trọng. Tượng “Linh Khuyển” được hình thành đặt ngay cổng các nơi tâm linh để trấn giữ vùng đất, chống lại thứ xấu xa. Luận về thuyết âm dương cái gì cũng đôi cũng cặp.


Chuyên gia Nguyễn Đức Minh là một trong những người tâm huyết trong nghiên cứu, bảo tồn văn hóa phố Hội.



“Chúng ta phải hiểu rằng, phố Hội xưa là thương cảng sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong, nhưng cũng là vùng trũng phía dưới thường xảy ra lụt lội, thiên tai. Việc trấn yểm của người Phù Tang, người Minh Hương là vì những điều này. Khi họ hay bất cứ ai đến mảnh đất này, bước vào đầu cầu sẽ được “Linh Hầu” dâng đào chào đón. Nhưng khi khách ở Hội An mà gây ảnh hưởng xấu thì ngay cổng ra đã có “Linh Khuyển” trấn giữ nhắc nhở”, ông Minh giải thích.

Cũng theo vị này, cặp câu đối bằng Hán ngữ ở chùa Cầu: “Thiên cẩu song tinh an cấn thổ - Tử vi lưỡng tượng định khôn thân”, nó được giải nghĩa là “hai tượng chó như 2 vì tinh tú làm yên ổn vùng đất vốn biến động - Trong cung tử vi thì 2 tượng khỉ chính quẻ khôn định đoạt mọi việc”, đã thể hiện phần nào ý nghĩa trấn yểm của những bộ tượng này. Ông Minh bác bỏ những giả thuyết truyền miệng rằng, “Linh Hầu” và “Linh Khuyển” được lập nên ở chùa Cầu chỉ đơn giản là vì xây dựng vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất.Đồng quan điểm, ông Võ Phùng, Giám đốc trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An cho rằng, nói đến chùa Cầu hay tượng “Linh Khuyển” thì phải thiên về câu chuyện truyền thuyết, tâm linh.

Hai linh vật này được thờ theo tín ngưỡng vật tổ của người Phù Tang. Một số tài liệu cho rằng vì muốn khống chế “thủy quái”, người ta thờ thần Khỉ và thần Chó trên 2 đầu cầu. Ở Việt Nam, tục thờ chó không nặng nhiều về trấn yểm mà thiên hướng bảo hộ. Tục cũng có từ lâu đời thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Người ta tâm niệm rằng, tượng chó canh cổng như vị thần bảo hộ trừ tà ma, cầu phúc.
Chùa Cầu luôn ẩn chứa những giai thoại bí ẩn, tâm linh.



Một cao niên phố Hội kể với chúng tôi rằng, “Linh Khuyển” linh thiêng một cách kỳ lạ, những biến động gì của Hội An xưa cũng gắn với nó. Có giai thoại rằng, khoảng năm 1960, “Linh Khuyển” đột ngột biến mất. Kỳ lạ hơn, thời gian này Hội An liên tiếp bị nhấn chìm trong mưa gió, bão lũ mà điển hình là đại họa lịch sử năm Thìn 1964. Từ đó người tin rằng, chính việc mất tích của “Linh Khuyển” đã khiến bùa trấn thủy quái con “Cù” mất tác dụng. “Cù” trở mình động đậy trở lại sau hàng trăm năm.

Càng kỳ lạ hơn, khoảng 20 năm sau, tức những năm 1980, khi tìm được lưỡng tượng này về thì vùng đất mới trở lại như xưa.Nếp rêu phong mỗi dày thêm nơi gác mái chùa Cầu là thêm những lớp trẻ được cha ông kể lại các tích xưa. Qua đó, các bậc cao niên cũng gửi gắm những lời dạy con cháu tu tâm, sống đúng đạo nghĩa, thành kính nơi chốn linh thiêng.

Đến nay, những bí ẩn về "linh khuyển" vẫn chưa có lời giải, cũng như cơ sở xác thực, thế nhưng các giai thoại tâm linh, huyền bí cứ vẫn đang sống mãi với người phố cổ.Lưỡng tượng “Linh Khuyển” gồm một đực, một cái. Sau khi hoàn thành, tượng được sơn màu rêu y như màu đá. Nằm trong quần thể chùa Cầu, “Linh Khuyển” được xem là di tích đặc biệt, đến nay đã có 7 lần trùng tu với sự tham gia của Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa.