Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ mê tin dị đoan, đốt vàng mã tại các chùa




Ảnh minh họa.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu các cơ sở thờ tự, cần tuyên truyền, vận động Tăng ni, Phật tử trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.


Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn do Hòa thượng Thích Thanh Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, TƯ GHPGVN yêu cầu cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.

"Đề nghị chư tôn đức Tăng ni nêu cao tinh thần bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Trong các bài giảng chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội. Lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn", công văn nêu rõ.

GHPGVN cũng nêu rõ, vì sự trang nghiêm đạo pháp, tôn vinh những giá trị tốt đẹp, văn hóa của lễ hội tôn giáo tại các Tự viện, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự rất mong các Ban Trị sự phổ biến sâu rộng và có hiệu quả tinh thần công văn này đến Tăng ni, trụ trì tự viện, Phật tử.

Chia sẻ trước đó với PV, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, đốt vàng mã là quan niệm ở dân gian còn trong toàn bộ kinh Phật không có điều nào khuyên nên làm như vậy.
Theo Hòa thượng Nhiễu, đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc và do chúng ta ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên mới xuất hiện tục này.

"Phật tử đến chùa nghe giảng thì đã hiểu rằng không nên đốt vàng mã và muốn có phúc thì nên giảm bớt việc ác, chăm làm nhiều việc thiện chứ không phải cứ đốt nhiều vàng mã là được phúc. Đốt vàng mã nhiều vừa ảnh hưởng kinh tế lại gây ô nhiễm môi trường", Hòa thượng Nhiễu nói.

Hòa thượng nhấn mạnh thêm, báo hiếu cho ông bà cha mẹ, gia đình, Tổ quốc thì nên làm các việc thiện, cứu người, giúp người, vì khi mình làm được thì cái công đức đó rất nhiều, không những cho mình mà cho tất cả mọi người.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tại một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ cao.

Do đó, Bộ yêu cầu các địa phương cần có biện pháp như phân công người kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ, hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định, không để xảy ra chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức lễ hội cần tuyên truyền để người tham gia lễ hội ứng xử có văn hóa; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, chửi thề gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của di tích và lễ hội.