Kinh văn: (Chữ in đậm là Kinh văn)

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Bồ Tát Trí Thủ rằng: Phật tử ! Ở trong Phật pháp, trí là trên hết. Tại sao Như Lai hoặc vì chúng sinh khen ngợi bố thí, hoặc khen ngợi trì giới, hoặc khen ngợi nhẫn nhục, hoặc khen ngợi tinh tấn, hoặc khen ngợi thiền định, hoặc khen ngợi trí huệ, hoặc lại khen ngợi từ bi hỷ xả, mà chẳng chỉ dùng một pháp để được giải thoát, thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Giảng giải: (Chữ thường là giảng giải)

Sau khi Bồ Tát Pháp Thủ nói bài kệ rồi thì lúc đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hướng về Bồ Tát Trí Thủ để thỉnh pháp, bèn hỏi : "Phật tử ! Ở trong Phật pháp, trí huệ là pháp môn hàng đầu. Tại sao Phật có lúc khen ngợi pháp môn lục độ ? Có lúc lại khen ngợi pháp môn tứ vô lượng tâm ? Ðây là đạo lý gì ? Xin Ngài từ bi khai thị". Hoặc vì chúng sinh khen ngợi pháp môn bố thí. Bố thí có ba :
1. Bố thí tài : Lại phân ra nội tài và ngoại tài. Nội tài tức là thân tâm tánh mạng, đầu mắt tủy não, đây là tài sản trong thân. Ngoại tài tức là vàng bạc châu báu, đất nước vợ con, đây là tài sản ngoài thân.
2. Bố thí pháp : Tức là vì chúng sinh giảng Kinh nói pháp, giáo hóa tất cả chúng sinh, khiến cho họ lìa khổ được vui, chấm dứt sinh tử.
3. Bố thí vô uý : Tức là khi chúng sinh gặp hoạn nạn, hoặc sinh mạng bị uy hiếp, hoặc tinh thần bị bức bách, rất sợ hãi. Lúc đó dùng đủ phương pháp để khuyên nhủ, để an ủi, dạy họ đừng sinh tâm sợ hãi.
Hoặc là vì chúng sinh khen ngợi pháp môn trì giới. Trì giới tức là giữ quy cụ, tức cũng là ngừa ác phòng quấy. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, đều bao quát ở trong giới luật. Giới tức là đừng làm các điều ác, làm các điều lành. Phàm là việc lợi ích chúng sinh, đều có thủy có chung, làm cho viên mãn, tuyệt đối đừng đầu cọp đuôi rắn, phế bỏ giữa đường. Ðối với việc chẳng có lợi cho chúng sinh, thì tuyệt đối đừng làm. Bằng không thì tổn người lợi mình, hành vi như thế chẳng phải là hành Bồ Tát đạo. Người hiện nay, đa số đều là ích kỷ lợi mình, cho nên dẫn đến gia đình không hòa, xã hội không an. Người với người không thể hòa bình với nhau, đều có tư tưởng không tốt. Vì đạt được mục đích, bất chấp thủ đoạn, do đó mà tạo thành thế giới bất an, chiến tranh bùng nổ. Nếu mọi người đều giữ:
1. Không sát sinh.
2. Không trộm cắp.
3. Không tà dâm.
4. Không nói dối.
5. Không uống rượu.
Năm giới căn bản nầy, thì thế giới nhất định sẽ hòa bình. Còn có giới bát quan trai (giới cư sĩ), giới sa di mười giới.
Hoặc vì chúng sinh khen ngợi pháp môn nhẫn nhục, nhẫn nhục có ba :
1. Sinh nhẫn : Tức là nhẫn thọ người phỉ báng, hãm hại, tha thứ cho họ, khoan hồng cho họ, do đó có câu : "Lấy đức báo oán", hoặc "lấy thành đãi nhau", thì tự nhiên sẽ cảm hóa họ, hòa bình với nhau.
2. Pháp nhẫn : Tức là nhẫn thọ mưa gió nóng lạnh của thiên nhiên, hoặc đói khát …
3. Vô sinh pháp nhẫn : Tức là trong tâm an định, chẳng có vọng tưởng, tức là chẳng thấy có chút pháp sinh, chẳng thấy có chút pháp diệt, nhẫn nơi tâm. Pháp vô sinh tức là lý chân như, nhẫn tức là trí huệ.
Hoặc vì chúng sinh khen ngợi pháp môn tinh tấn. Tinh tấn có hai :
1. Thân tinh tấn : Tức là siêng tu giới định huệ, chẳng phạm sát, trộm, dâm.
2. Tâm tinh tấn : Tức là tiêu diệt tham sân si, chẳng khởi hoặc tạo nghiệp thọ báo. Tóm lại, tinh tấn thì chẳng giải đãi. Học Phật pháp như thuyền đi ngược dòng, chẳng tiến thì lùi. Một ngày chẳng tu hành, thì đạo nghiệp sẽ thối lùi, cho nên phải ngày tinh tấn, đêm tinh tấn, một ngày sáu thời thường tinh tấn, đây là điều kiện của người tu đạo.
Hoặc vì chúng sinh khen ngợi pháp môn thiền định. Thiền là tiếng Phạn, đầy đủ là thiền na. Ðịnh là tiếng Tàu, đầy đủ là chánh định. Danh từ nầy vừa tiếng Phạn và tiếng Tàu hợp lại, thiền định là gì ? Tức là tĩnh lự. Tĩnh là vắng lặng, lự là tư lự, nghĩa là đình chỉ mọi vọng tưởng của ý thức, lúc đó tâm sẽ thanh tịnh; đến cảnh giới một niệm không sinh, một niệm không diệt, thì là lúc trí huệ giải thoát, tức cũng là khai ngộ. Do đó:

"Vọng niệm không sinh là thiền
Ngồi thấy bản tánh là định»,

Đây là chú giải về thiền định. Ngồi thiền, ngồi đến lúc hỏa hầu, thì sẽ rõ tâm thấy tánh, tức cũng là phát minh chân tâm của mình, nhìn thấy chân tánh của mình. Chân tâm là tâm thanh tịnh, chân tánh là Phật tánh.
Hoặc vì chúng sinh khen ngợi pháp môn Bát Nhã. Bát Nhã dịch là trí huệ. Thời xưa dịch Kinh có năm quy định không dịch, tức là :
1. Bí mật.
2. Tôn trọng.
3. Ða hàm.
4. Thuận cổ.
5. Thử phương vô.

Bát Nhã có ba :
1. Văn tự Bát Nhã : Dùng văn tự để nói rõ đạo lý thật tướng Bát Nhã và quán chiếu Bát Nhã.
2. Quán chiếu Bát Nhã : Có Kinh điển văn tự rồi, thì phải quán sát chiếu soi, mới thấu hiểu nghĩa chân thật của Kinh điển.
3. Thật tướng Bát Nhã : Thấu hiểu chân lý rồi, thì biết đạo lý các pháp thật tướng. Bát Nhã là phá các tướng, thấu hiểu tất cả pháp tánh vốn không; cho nên tu tất cả công đức đều khiến cho viên mãn.
Hoặc lại khen ngợi từ bi hỷ xả bốn tâm vô lượng. Từ là gì ? Tức là ban vui cho tất cả chúng sinh. Bi là gì ? Tức là cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Hỷ là gì ? Tức là thấy được người làm điều thiện, hoặc người ta vui, thì mình sinh hoan hỉ. Xả là gì ? Tức là xả bỏ tâm thương ghét, oán thân đều bình đẳng, đối đãi kẻ oán người thân đều như nhau. Hành Bồ Tát đạo thì trước hết phải dùng bốn pháp nhiếp (Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), sau đó đầy đủ bốn tâm vô lượng, thì mới có thể làm sự nghiệp lợi người. Người học Phật pháp, đây là pháp môn căn bản, phải thiết thực mà làm, bằng không thì quay lưng lại với giáo nghĩa Phật pháp, chẳng có tinh thần hy sinh tiểu ngã để hoàn thành đại ngã.
Tuy nhiên ở trước Phật khen ngợi lục độ và bốn tâm vô lượng, song, pháp môn nhiều như thế, chúng sinh thủy chung chẳng y một pháp mà được thoát khỏi tam giới, liễu sinh thoát tử, chứng thành vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ðây đều là nguyên nhân gì ? Xin Ngài hãy từ bi giải đáp.

Bấy giờ, Bồ Tát Trí Thủ dùng kệ đáp rằng.

Lúc đó, Ðại Bồ Tát Trí Thủ dùng kệ để trả lời những vấn đề mà Bồ Tát Văn Thù đã hỏi.

Phật tử rất hy hữu
Biết được tâm chúng sinh
Theo nghĩa Ngài đã hỏi
Lắng nghe nay tôi nói.


Bồ Tát Trí Thủ nói : "Phật tử ! Ngài rất là ít có, Ngài có đại trí huệ, Ngài là thượng thủ trong các đại Bồ Tát. Ngài đại biểu cho chúng sinh để hỏi pháp, vì Ngài khéo biết được tâm niệm của tất cả chúng sinh. Bây giờ tôi căn cứ theo những vấn đề Ngài đã hỏi, mà nói rõ nghĩa lý. Xin Ngài hãy chú ý lắng nghe".

Các Đạo Sư quá khứ
Hiện tại và vị lai
Chẳng có nói một pháp
Mà khiến người đắc đạo.


Ðời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai, ba đời chư Phật Ðại Ðạo Sư, chẳng phải nói một pháp môn, mà là nói tám vạn bốn ngàn pháp môn. Chẳng có vị Phật nào chỉ nói một pháp môn, mà có thể khiến cho chúng sinh chứng đắc quả vị Phật Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Phật biết tâm chúng sinh
Căn tánh đều khác nhau
Tùy theo sự độ được
Như vậy mà nói pháp.


Có câu :

"Chúng sinh có bao nhiêu thứ tâm
Như Lai đều biết đều thấy",

Cho nên Phật biết tâm chúng sinh. Căn tánh của chúng sinh đều khác nhau. có người hoan hỉ pháp môn nầy, có người hoan hỉ pháp môn kia. Phật hoàn toàn biết được tâm chúng sinh, người đáng dùng thân gì độ được, thì thị hiện thân đó để nói pháp, khiến cho họ được độ. Pháp của Phật nói ra, là tùy theo căn tánh của chúng sinh mà nói tất cả các pháp, do đó "theo bệnh cho thuốc", tức cũng là vì người nói pháp.

Người tham khen bố thí
Người huỷ phạm khen giới
Người nhiều sân khen nhẫn
Người lười khen tinh tấn.


Nếu gặp chúng sinh xan tham chẳng xả bỏ, thì vì họ giảng giải công đức bố thí, khen ngợi lợi ích của sự bố thí. Bố thí nhìn trước mắt là trực tiếp bố thí cho người, kỳ thật gián tiếp là bố thí cho mình. Do đó, "Trước hành gió xuân, sau được mưa thu". Nhà nho nói: "Mình giúp người, thì người giúp mình", đây là đạo lý nhân quả. Sau đó lấy thân làm phép tắc, bố thí tất cả để cứu giúp người nghèo khổ, khiến cho họ hoan hỉ, dần dần sẽ cảm hoá, thì họ mới sinh tâm trắc ẩn, mà đồng tình thọ nạn khổ của chúng sinh.
Nếu gặp chúng sinh chẳng giữ gìn giới luật, thì hãy vì họ khen ngợi sự quan trọng của giới luật như thế nào. Do đó :

«Vật chẳng có dụng cụ
Làm sao thành vuông tròn.
Người chẳng có quy cụ
Thì chẳng thành Thánh hiền».

Trước hết mình phải giữ giới luật, tơ hào đừng cẩu thả, làm như thế thì lâu dần sẽ khiến cho người cảm động, biết giữ giới là hành vi của Phật giáo đồ phải có.
Nếu gặp chúng sinh sân hận quá nặng thì khen ngợi pháp môn nhẫn nhục quan trọng như thế nào. Ai ai cũng nhẫn nhục, thì thiên hạ chẳng có chiến tranh. Người xưa có nói :

"Nhẫn nại thì an
Biết đủ thì vui".

Đây là nói về kinh nghiệm, khiến cho họ nhẫn nại nơi tư tưởng, thiệt thòi là triết lý chiếm tiện nghi, sửa đổi hành vi của họ, phải từ từ để khuyên nhủ. Bằng không, sẽ phát sinh tác dụng ngược trở lại, khéo léo trở thành vụng về. Người có tâm sân hận, thì tâm lý chẳng chánh thường, như có việc chẳng như ý bèn oán trời trách người, hận đến xương tủy, hy vọng đối phương hoành tử, chết chẳng toàn thân. Hoặc ngồi máy bay thì bị nổ, máu thịt bắn rơi lung tung, chết chẳng có đất chôn thân, như thế mới giải nỗi hận trong tâm. Thứ người nầy đều là tâm lý biến thái, cho nên phải tìm cách cải đổi tư tưởng của họ, chỉ có một biện pháp là vì họ giảng giải về đạo lý nhân quả báo ứng.
Nếu gặp chúng sinh giải đãi chẳng chịu tu hành, thì đừng trực tiếp phê bình họ là người giải đãi; bằng không thì họ sẽ nổi giận mà khởi tác dụng ngược trở lại, ngược lại càng chẳng lạy Phật, chẳng tụng Kinh, chẳng tham thiền, chẳng trì chú. Cho nên họ chẳng muốn làm việc, thì phải tự động trợ giúp họ làm. Do đó, có câu : "Gần xích thì đỏ, gần mực thì đen", lâu dần thì họ sẽ cảm động, chẳng còn giải đãi. Những người tu hành ở chùa Kim Sơn đều dậy sớm ngủ trễ, dụng công tu hành. Ngày ăn một bữa, đêm ngủ ngồi. Tại sao phải tu khổ hạnh như thế. Vì muốn đắc được đại trí huệ, minh bạch thế gian là pháp hữu vi, là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thấu hiểu được pháp xuất thế là pháp vô vi, là thường, lạc, ngã, tịnh. Như thế mới liễu sinh thoát tử, ra khỏi ba cõi. Sau đó khen ngợi pháp môn tinh tấn rất quan trọng, cường điệu tinh tấn là chìa khóa khai ngộ.

Ý loạn khen thiền định
Ngu si khen trí huệ
Bất nhân khen từ mẫn
Nộ hại khen đại bi.


Nếu gặp chúng sinh tâm ý tán loạn, thì nên hướng về họ giảng giải thiền định, hay khống chế vọng tưởng là phương pháp tốt nhất, sẽ khiến cho họ tâm tịnh như nước, trí huệ sẽ hiện tiền. Chủ yếu là thân thể lực hành thì mới diệu dụng của thiền định. Pháp môn thiền chẳng phải nói mà là pháp môn thực hành. Do đó, có câu : "Như người uống nước, nóng lạnh tự biết", cứ nói mà không làm thì chẳng ích gì. Khiến cho tâm họ điều phục rồi thì mới khen ngợi sự diệu dụng của thiền định; quá khứ bao nhiêu vị Tổ đều do thiền định mà khai ngộ.
Nếu gặp chúng sinh ngu si, thì ngàn vạn đừng bao giờ nói họ chẳng có trí huệ. Phải khuyên họ nên học Phật pháp, xem nhiều Kinh điển, trì chú niệm Phật, lâu dần thì sẽ đắc được trí huệ. Phải hàm súc một điểm để khai đạo, không thể nói thẳng rằng : "Anh quá ngu si ! Tại sao không học Phật pháp»? Nếu nói như thế, thì việc chẳng thành công, họ sẽ phật ý, chẳng tinh tấn học tập. Trước hêt hãy vì họ khen ngợi trí huệ là pháp môn chủ yếu. Bất cứ tu pháp môn gì, nếu chẳng có trí huệ thì đừng nói đến, căn bản chẳng được thành tựu.
Nếu gặp chúng sinh chẳng có nhân từ, thì hãy dùng tâm từ để giáo hóa họ, khiến cho họ có hành vi thương xót chúng sinh, đồng tình chịu khổ nạn, bố thí cho người nghèo khổ. Ðối với họ nói về sự giúp đỡ người là gốc của sự an vui, là việc an vui nhất trong thiên hạ. Do đó: "Làm thiện là vui nhất» vậy, sự an vui nầy chẳng có gì sánh bằng. Ðừng có quá ích kỷ, tư tưởng nầy chẳng thể chấp nhận được.
Nếu gặp chúng sinh thích phát nộ hận, hoặc thích sát sinh hại mạng, thì hãy hướng về họ khen ngợi tầm quan trọng của tâm đại bi. Người tu đạo, nhất định phải có tâm đại bi, bằng không thì dù tu đến trình độ nào, tuyệt đối chẳng thành tựu. Tại sao ? Vì chẳng có đức hạnh. Dùng đức hạnh để cảm hoá người, dùng tâm thành để đối đãi người, đây là điều kiện bắt đầu tu đạo. Tôi thường nói :

«Hãy nhận thật lỗi mình
Đừng nói lỗi người khác
Lỗi người tức lỗi mình
Đồng thể gọi đại bi".

Đây là chú giải về tâm đại bi. Một khi họ khởi tâm đại bi, thì hòa bình nhân từ đối đãi với tất cả chúng sinh, chẳng có tâm giết hại chúng sinh. Phàm là động vật có trí giác, đều tham sống sợ chết, cũng có thể nói là thiên tánh. Con kiến còn tham sống, hà huống là trâu bò dê gà chó mèo ? Ðời nầy bạn giết nó, thì đời sau nó giết bạn, oán oán báo với nhau, vĩnh viễn chẳng kết thúc. Nếu ai ai cũng có tâm đại bi, đừng giết hại, thì thế giới sẽ hoà bình, chẳng có chiến tranh. Tại sao có chiến tranh ? Vì giết hại quá nặng, Cổ đức có nói : "Muốn thế giới chẳng có kiếp đao binh, thì chúng sinh đừng ăn thịt". Cho nên giới thứ nhất trong năm giới là không giết hại, không giết hại mới có lòng từ bi.

Sầu lo thời khen hỉ
Tâm cong khen ngợi xả
Lần lược tu như vậy
Dần đủ các Phật pháp.


Nếu gặp chúng sinh sầu lo, thì khen ngợi pháp môn hoan hỉ an vui, phải nghịch đến thuận thọ, tất cả phải nghĩ cho ra, phải buông xả tất cả, thì tự nhiên chẳng có việc gì phải sầu lo.
Thời xưa có người, hằng ngày đều sầu lo, trong tâm thường nghĩ : "Chẳng biết trời lúc nào sập xuống ? Chẳng biết lúc nào đất hãm xuống ? Tương lai biết làm thế nào»? Ðây tức là :

“Thiên hạ vốn chẳng có việc
Mà người lo, cứ lo xa“.

Người thời nay, vốn chẳng có việc gì để lo, nhưng họ cũng sầu lo, sầu lo con gái của mình chừng nào tốt nghiệp đại học, chừng nào đậu bác sĩ ? chừng nào kết hôn ? Lúc nào sẽ sinh con. Gặp những người nầy thì nói với họ :

«Tự cổ thần tiên vô biệt pháp
Chỉ sinh hoan hỉ bất sinh sầu»

Hoan thiên hỷ địa thì mới trăm bệnh không sinh. Bây giờ y học đề xướng mỗi ngày cười ba lần, là thuốc làm cho thân khỏe mạnh. Người xưa nói :

«Quan phong tế nguyệt, tảo mộc hân hân
Nộ phong tật vũ, cầm điểu thê thê".

Cho nên nói:

«Trời đất không thể một thời chẳng có hòa khí;
Tâm người không thể một khắc không có thần vui".

Bạn hãy nhìn xem, ở trong cửa chùa, một khi bước vào thì thấy Bồ Tát Di Lặc mở miệng cười với bạn, khiến cho bạn sinh hoan hỉ vui tươi, mà quên đi tất cả phiền não.
Nếu gặp chúng sinh tâm cong vạy chẳng thẳng, thì hãy vì họ khen ngợi công đức xả bỏ. Xả bỏ đi tâm cong vạy, biến thành tâm ngay thẳng, do đó "tâm thẳng là đạo tràng». Người tâm cong vạy, thì bất cứ gặp việc gì cũng đều có đủ mánh khóe, bày kế hại người, chuyên làm việc giết người chẳng thấy máu.
Như ở trước nói về pháp môn lục độ và từ bi hỷ xả, phải lần lược y theo pháp tu hành, như thế thì dần dần sẽ đầy đủ tất cả các Phật pháp.

Như trước xây nền móng
Sau đó tạo nhà cửa
Thí và giới cũng vậy
Là gốc hạnh Bồ Tát.


Giống như xây nhà cửa, thì trước hết phải lập nền móng cho thật vững chắt, nền móng chẳng vững chắc, thì chẳng được lâu bền, đây là đạo lý tự nhiên. Tường vách cũng phải vững chắc, bằng không thì có thể dễ nghiêng ngã. Nền móng xây tốt rồi, thì xây phòng ốc sẽ rất vững chắt. Nếu ở sa mạc xây nhà cửa mà chẳng có nền móng, thì nghĩ sẽ biết ngay, chịu chẳng được gió mưa, chẳng lâu thì sẽ ngã sập. Người tu đạo thì phải dùng bố thí và trì giới để làm nền móng tu hành, nếu chẳng có bố thí và trì giới làm nền móng, thì đạo nghiệp chẳng thành tựu. Do đó, Bồ Tát dùng bố thí và trì giới làm gốc rễ hành Bồ Tát đạo. Như vậy mới có thể thành tựu đạo nghiệp.

Ví như xây thành quách
Để bảo hộ dân chúng
Nhẫn và tấn cũng vậy
Phòng hộ các Bồ Tát.


Ví như xây thành quách, thì phải xây thành đô ở ngoài thành, như vậy sẽ bảo hộ tác dụng với nhau. Do đó: "Thành trong ba dặm, quách ngoài bảy dặm". Tại sao phải xây thành quách ? Vì muốn bảo vệ tánh mạng và tài sản của dân chúng được an toàn, bảo vệ kẻ địch xâm lược. Nhẫn nhục và tinh tấn, cũng như thế, là bảo hộ Bồ Tát sơ phát bồ đề tâm, không bị địch vô minh công phá, không bị ma lười biếng xâm lược. Nếu hay nhẫn nhục thì sẽ chiến thắng kẻ địch vô minh. Nếu hay tinh tấn thì sẽ chiến thắng vua lười biếng giải đãi.

Ví như đại lực vương
Cả nước đều nguỡng vọng
Định huệ cũng như vậy
Chỗ Bồ Tát nương tựa.


Ví như ông vua có thế lực lớn, ông ta cai trị hết toàn vẹn lãnh thổ, đất nước đều mưa hoà gió thuận, quốc thái dân an, nhân dân cơm no áo ấm, an cư lạc nghiệp, cho nên đối với ông vua có đạo đức rất là ngưỡng mộ, kính ngưỡng. Tu thiền định và trí huệ cũng như vậy. Ðịnh huệ hai độ là pháp chánh, còn các pháp khác là trợ pháp. Do đó, Bồ Tát hành Bồ Tát đạo phải nương tựa pháp môn định huệ để tu hành, có định có huệ thì nhất định thành tựu quả vị Phật.

Cũng như chuyển luân vương
Ban vui cho tất cả
Bốn lượng tâm cũng vậy
Ban vui các Bồ Tát.


Cũng giống như chuyển luân Thánh vương, hay ban đủ thứ khoái lạc cho tất cả nhân dân, dân chúng thiếu gì thì vua khiến cho họ đắc được thứ đó, tại sao lại được như thế ? Vì ông ta có châu như ý. Châu như ý nầy là một trong bảy báu. Bảo châu nầy từ đâu mà có ? là trực tiếp từ hư không rơi xuống. Vì chuyển luân Thánh vương, thuở xưa tại nhân địa thì tu phước tu huệ, phước huệ đầy đủ, cho nên đời nầy đầy đủ ba mươi hai tướng, đủ thứ sự trang nghiêm. Nếu chẳng làm chuyển luân Thánh vương thì sẽ thành Phật làm tổ. Ðức Phật Thích Ca từ bỏ ngôi vị chuyển luân Thánh vương, vào nuí tuyết tu hành, mới chứng đắc Phật quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lúc vua chuyển luân vương quán đảnh (kế thừa ngôi vua, dùng nước bốn biển để quán đảnh, cử hành nghi thức), thì tự nhiên từ hư không rơi xuống bảy báu, làm đồ lễ mừng. Châu như ý là một trong bảy báu. Gián tiếp là quả tim của chim đại bàng cánh vàng. Khi chim đại bàng cảnh vàng chết, thì thịt và cốt đều tán hoại, chỉ có quả tim của nó còn nguyên vẹn, ánh sáng rực rỡ. Rồng lấy được hạt châu nầy giữ gìn thì phá được ngàn năm tối. Vua chuyển luân đắc được gọi là châu như ý, hay cứu được tất cả nạn. Hạt châu nầy ai ai cũng đều có, tức là diệu minh châu tâm, bất quá mọi người chẳng dùng được mà thôi.
Từ bi hỷ xả bốn vô lượng tâm cũng như thế, hay ban cho Bồ Tát tất cả sự khoái lạc. Phàm là người có giác ngộ mà còn muốn trợ giúp người khác, tức là Bồ Tát. Người chẳng có giác ngộ mà trợ giúp người khác, tức là hành Bồ Tát đạo, chưa phải là Bồ Tát. Bồ Tát có thể ba ngàn ngày chẳng ăn cơm, ai có thể làm được thì người đó là Bồ Tát. Làm Bồ Tát phải trải qua sự thử thách, mới có tư cách làm Bồ Tát, chứ chẳng phải tùy tùy tiện tiện thì có thể làm Bồ Tát được. Chẳng phải nói, thọ Bồ Tát rồi, tức là Bồ Tát. Ðây bất quá là bước đầu tiên, bắt đầu hướng về con đường Bồ Tát mà thôi.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Bồ Tát Hiền Thủ rằng : Phật tử ! Các đức Phật Thế Tôn, chỉ dùng một thừa mà được giải thoát. Tại sao nay thấy tất cả cõi Phật, có đủ thứ sự khác nhau, nào là thế giới, chúng sinh giới, thuyết pháp, điều phục, thọ lượng, quang minh, thần thông, chúng hội, giáo nghĩa, pháp trụ thế, đều khác nhau. Không có vị nào không đủ tất cả Phật pháp, mà thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Sau khi Bồ Tát Trí Thủ nói bài kệ xong rồi, thì lúc đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hướng về Bồ Tát Hiền Thủ thỉnh pháp, hỏi rằng : "Phật tử ! Mười phương ba đời tất cả chư Phật Thế Tôn, đều dùng một thừa pháp (Phật thừa) mà được thoát khỏi ba cõi, tại sao hiện tại thấy tất cả cõi Phật, tất cả sự việc đều khác nhau ? Ðây là đạo lý gì ? Xin Ngài hãy từ bi khai thị.
Nào là thế giới có đủ thứ khác nhau, có thế giới ô nhiễm, giống như thế giới Ta Bà, lại có đời ác năm trược. Có thế giới thanh tịnh, như thế giới Cực Lạc. Cõi Phật có lớn có nhỏ. Sở y sơn hà đại địa nhà cửa phòng ốc, y báo thọ báo cũng chẳng giống nhau. Có cái hình tròn, có cái hình vuông. Có thế giới dùng vàng làm đất, có cõi nước dùng đất đá làm đất. Có thế giới thành tựu bằng hoa sen, có thế giới thành tựu bằng lưu ly. Mỗi đạo tràng của mỗi vị Phật, có đủ thứ sự trang nghiêm khác nhau. Có thế giới thì thanh tịnh, có thế giới thì dơ dáy. Có thế giới có Phật ra đời, có thế giới chẳng có Phật ra đời. Có thế giới là kiếp trụ, có thế giới thời gian rất dài. Có thế giới là kiếp chuyển biến, có đủ thứ sự khác nhau.
Ở trong chúng sinh giới lại có đủ thứ chúng sinh, cũng đều khác nhau. Phật thuyết pháp để điều phục chúng sinh, cũng có đủ thứ khác nhau. Thọ lượng của Phật có dài, có ngắn. Giống như Phật Nguyệt Diện. Sau khi thành Phật rồi, trong một ngày đêm bèn vào Niết Bàn. Phật Tu Phiến Ða, sáng sớm thành Phật, thì buổi tối vào Niết Bàn. Phật Phạm Thanh, tuổi thọ là mười ức tuổi. Phật A Di Ðà có tuổi thọ vô lượng vô biên A Tăng Kỳ Kiếp. Quang minh của Phật cũng khác nhau, thần thông cũng khác nhau, chúng hội cũng khác nhau, nghĩa thức thuyết giáo cũng khác nhau, pháp trụ thế cũng khác nhau. Mỗi thứ đều có tướng khác nhau. Song, chẳng có vị Phật nào chẳng đầy đủ lục độ vạn hạnh tất cả Phật pháp mà thành vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Các vị ! Các vị có biết công dụng của lục độ chăng ? Bố thí độ xan tham, trì giới độ huỷ phạm, nhẫn nhục độ sân hận, tinh tấn độ giải đãi, thiền định độ tán loạn, trí huệ độ ngu si. Phải biết có trí huệ rồi, thì lập tức tiêu diệt ngu si. Chúng ta học Phật pháp tức là học trí huệ. Trí huệ tức là chánh tri chánh kiến, ngu si tức là tà tri tà kiến. Phật pháp là chánh tri chánh kiến, ngoại đạo là tà tri tà kiến. Thiện tri thức là chánh tri chánh kiến, ác tri thức là tà tri tà kiến. Phàm là dạy bạn chịu thiệt thòi tức là thiện tri thức; dạy bạn chiếm tiện nghi tức là ác tri thức. Hy vọng mọi người gần gũi bậc thiện tri thức, xa lìa bậc ác tri thức.

Bấy giờ, Bồ Tát Hiền Thủ dùng kệ đáp rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Hiền Thủ dùng bài kệ để trả lời những vấn đề Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi:

Văn Thù pháp thường vậy
Pháp Vương chỉ một pháp
Tất cả bậc Vô Ngại
Một thừa dứt sinh tử.


Bồ Tát Hiền Thủ nói : "Ðại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ! Phật pháp thường thường là như vậy. Pháp Vương (Phật) đều dùng một thừa pháp mà thành tựu Phật quả. Tất cả hiền Thánh nhân (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) chẳng có chướng ngại, các Ngài đều dùng một thừa pháp để liễu sinh thoát tử, thoát khỏi luân hồi ba cõi".

Thân tất cả chư Phật
Chỉ là một pháp thân
Một tâm một trí huệ
Sức vô uý cũng vậy.


Thân tướng của mười phương ba đời tất cả chư Phật, tuy nhiên là vô lượng, nhưng pháp thân là một, do đó:

"Mười phương Phật ba đời
Đều cùng một pháp thân".

Một pháp thân là tận hư không, khắp pháp giới. Pháp thân của mỗi vị Phật, tuy đầy khắp pháp giới, nhưng hổ tương chẳng chướng ngại. Phật tâm giống nhau, Phật trí giống nhau, do đó : "Phật Phật đạo đồng". Mười lực và bốn vô sở uý của chư Phật cũng đều như thế, chẳng có gì khác biệt.
Mười lực tức là :
1. Trí lực biết xứ phi xứ.
2. Trí lực biết nghiệp báo ba đời.
3. Trí lực biết các thiền giải thoát tam muội.
4. Trí lực biết các căn thắng liệt.
5. Trí lực biết đủ thứ giải.
6. Trí lực biết đủ thứ giới.
7. Trí lực biết tất cả chí xứ đạo.
8. Trí lực biết thiên nhãn vô ngại.
9. Trí lực biết vũ trụ vô lậu.
10. Trí lực biết vĩnh đoạn tập khí.

Bốn vô sở uý :
1. Nhất thiết trí vô sở uý.
2. Lậu tận vô sở uý.
3. Thuyết chướng đạo vô sở uý.
4. Thuyết tận khổ đạo vô sở uý.

Như gốc hướng bồ đề
Hết thảy tâm hồi hướng
Được cõi nước như vậy
Chúng hội và thuyết pháp.


Giống như Phật ở tại nhân địa phát tâm bồ đề, hướng về Bồ Ðề. Khi hành Bồ Tát đạo, thì đem tất cả công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sinh. Phát tâm bồ đề gì thì tương lai sẽ đắc được cõi nước đó. Tất cả chư Phật thuở quá khứ cũng pháp tâm bồ đề, sau đó phát đủ thứ nguyện, vì chúng sinh hồi hướng. Ví như Phật A Di Ðà phát bốn mươi tám đại nguyện, nguyện thế giới của Ngài chẳng có các thứ khổ, chỉ hưởng các thứ vui. Nguyện mười phương thế giới chúng sinh, đều sinh về cõi nước của Ngài. Ðây đều là tại nhân địa phát nguyện, mới đắc được pháp hội thuyết pháp như vậy.

Tất cả các cõi Phật
Trang nghiêm đều viên mãn
Tùy chúng sinh tu khác
Như vậy thấy khác nhau.


Hết thảy tất cả cõi nước chư Phật, đều rất trang nghiêm viên mãn, mà còn sáng lạng. Tùy theo chúng sinh tu hành pháp môn khác nhau, nên cảnh giới thấy cũng chẳng giống nhau. Bổn lai cảnh giới của Phật chẳng có khác biệt, vì tâm chúng sinh khác nhau, nên thấy cũng khác nhau.

Cõi Phật và thân Phật
Chúng hội và lời nói
Các Phật pháp như vậy
Chúng sinh chẳng thấy được.


Cõi nước Phật, chúng sinh nhìn đều thấy cảnh giới khác nhau, song, bổn thể cõi Phật đều như nhau. Pháp thân của Phật, chúng sinh hoàn toàn không thể thấy được, tức là chúng hội thuyết pháp và tất cả lời nói, như vậy đủ thứ Phật pháp khác nhau, chúng sinh không thể thấu hiểu được.

Khi tâm đã thanh tịnh
Các nguyện đều đầy đủ
Người thấu suốt như vậy
Mới thấy được nơi đây.


Trừ khi tâm chúng sinh đã thanh tịnh, chẳng còn vọng tưởng, chẳng còn phiền não. Tại nhân địa phát đủ thứ nguyện lực, và tu hành đủ thứ pháp môn, đều đầy đủ viên mãn. Người tâm thanh tịnh như thế, nguyện cũng đầy đủ, mới có đại trí huệ thông đạt vô ngại. Ðối với cõi nước và cảnh giới của Phật, cùng với sự thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, tất cả lời nói tam muội, mới minh bạch được, mới thấy được Phật.

Tùy tâm chúng sinh thích
Và nhờ sức nghiệp quả
Thấy khác nhau như vậy
Do oai thần của Phật.


Phật quán sát tất cả nhân duyên, để giáo hóa chúng sinh. Tùy theo tâm ưa thích của chúng sinh, mà nói pháp chúng sinh hoan hỉ. Do đó có câu:

«Muốn khiến vào Phật trí
Trước dùng câu dục móc".

Muốn khiến cho người đắc được trí huệ của Phật, thì trước hết phải tùy thuận ý muốn trong tâm của chúng sinh để giáo hóa, từ từ khiến cho họ vào sâu Tạng Kinh, mà đắc được trí huệ như biển. Tuy nhiên tùy theo tâm chúng sinh ưa thích, nhưng phải quán sát sức nghiệp quả báo ứng của chúng sinh, họ căn tánh gì, thì nói pháp đó. Do đó: "Vì người nói pháp". Chúng sinh khác nhau, thấy cảnh giới khác nhau, đây là do đại oai thần lực của Phật.

Cõi Phật chẳng phân biệt
Chẳng ghét cũng chẳng thương
Chỉ tùy tâm chúng sinh
Thấy đặc thù như vậy.


Cõi nước của mười phương ba đời tất cả chư Phật, vốn chẳng có phân biệt, ở trong cõi nước chư Phật, chẳng có tâm ghét hận, cũng chẳng có tâm luyến ái, chỉ tùy theo tâm chúng sinh, nên thấy có đặc thù, đây là vì nghiệp quả khác nhau của chúng sinh, cho nên thấy cũng khác nhau.

Do đó nơi thế giới
Chỗ thấy đều khác nhau
Chẳng phải các Như Lai
Bậc Đại Tiên có lỗi.


Ðủ thứ nhân duyên ở trên, ở trong tất cả thế giới, tất cả chúng sinh thấy đều khác nhau. Ðây chẳng phải là lỗi của tất cả các Như Lai và Ðại Tiên (Phật), cố ý để mê hoặc chúng sinh, mà là nghiệp lực của chúng sinh khác nhau, nên chỗ thấy khác nhau.

Tất cả các thế giới
Người đáng được giáo hóa
Được thấy Nhân Trung Hùng
Các Phật pháp như vậy.


Ở trong tất cả thế giới, hết thảy tất cả chúng sinh đáng được Phật giáo hóa, thì họ thường thường thấy được Nhân Trung Hùng (Phật), Phật là Ðại hùng đại lực đại từ bi, cho nên điện Phật (chánh điện) gọi là "Đại hùng bảo điện". Pháp của chư Phật là như vậy.

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Giảng Giải

Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)