CHUYỆN DU TỊNH Ý GẶP THẦN BẾP
Tổng hợp có sửa đổi theo bản dịch của Nguyễn Minh Tiến
và bản do Như Hòa dịch 20 bài giảng của Pháp sư Tịnh Không


1. Làm lành gặp dữ?
Trong khoảng niên hiệu Gia Tĩnh triều Minh, có người họ Du ở tỉnh Giang Tây, tên húy là Đô, tên tự là Lương Thần (sinh năm 1525), kiến thức uyên bác lại có nhiều tài năng. Từ năm 18 tuổi (1542) đã thi đỗ tú tài, mỗi lần vượt qua các kỳ thi đều có thứ hạng cao.
Thời tuổi trẻ, nhà nghèo nên Du Đô mở lớp nhận học trò, lại cùng các bạn đồng học khoảng hơn mười người thành lập nhóm Văn Xương Xã, [khuyến khích nhau] thực hành những việc như giữ gìn kính tiếc [giấy có] chữ viết, phóng sinh cứu vật, răn ngừa những sự tham dâm, giết hại, nói dối... Thực hành như vậy được nhiều năm. Trước sau ông đã tham dự đến 7 khoa thi Hương nhưng đều không đỗ [lên Cử nhân].
Ông Du Đô sinh được 5 đứa con trai thì có đến 4 đứa bị bệnh chết sớm. Còn lại đứa thứ ba rất thông minh tuấn tú, dưới lòng bàn chân trái có 2 nốt ruồi, vợ chồng ông hết sức yêu quý. Đến năm lên 8 tuổi, đứa con trai ấy đi chơi trong làng bỗng lạc mất không về, chẳng biết đi đâu. Ông sinh được 4 đứa con gái cũng chỉ còn lại một. Vợ ông thương khóc con đến nỗi mù cả hai mắt.
Ông Du Đô vất vả quanh năm nhưng ngày càng nghèo túng hơn. Ông thường tự xét mình không phạm tội lỗi gì lớn, chẳng biết vì sao bị trời trừng phạt nặng nề bi thảm đến như vậy.
Từ năm ông Du Đô được hơn 40 tuổi (1564), mỗi năm đến cuối tháng chạp đều tự tay viết một tờ sớ trên giấy vàng [kể lể than vãn về gia cảnh của mình], cầu khẩn với thần Bếp xin chuyển đạt lên [Ngọc đế]. Đã nhiều năm như vậy nhưng chẳng thấy kết quả gì.

2. Thần Bếp giáo huấn
Cho đến năm 47 tuổi (1571), vào đêm giao thừa cuối năm, ông Du Đô đang ngồi trong nhà với đứa con gái và người vợ mù, [cảnh nhà túng quẫn nên] cả nhà đều buồn bã, thê lương tĩnh lặng, không khí ngập tràn đau thương chua xót. Bỗng nghe có tiếng gõ cửa, ông liền cầm đuốc đi ra xem, nhìn thấy một người mặc y phục màu đen, đầu đội khăn vuông kiểu đạo sĩ, râu tóc xem chừng đã vào khoảng năm, sáu mươi tuổi. Người ấy chắp tay vái chào rất lịch sự rồi [đi theo vào nhà] ngồi xuống, tự giới thiệu mình là người họ Trương, từ xa đến đây, nghe biết nhà ông có chuyện buồn khổ nên đặc biệt tìm đến an ủi.
Ông Du Đô thấy người khách có vẻ lạ thường nên thi lễ hết sức cung kính. Nhân khi trò chuyện, liền kể với ông khách họ Trương việc mình suốt đời đọc sách thánh hiền, làm thiện tích đức, nhưng đến nay đường công danh chẳng được như ý, vợ con không trọn vẹn, cơm ăn áo mặc còn chưa đủ, lại đã nhiều lần viết sớ nhờ thần Bếp trình lên [Ngọc đế] nhưng không thấy kết quả gì.
Ông khách họ Trương nói: “Chuyện nhà ông tôi đã sớm biết từ lâu rồi. Tâm ý xấu ác của ông thật quá nặng nề. Ông vốn chỉ biết chạy theo hư danh. Sớ ông viết trình lên chứa đầy những lời oán hận, xem thường Thượng đế, tôi chỉ e là sự trừng phạt còn chưa dừng lại ở mức như hiện nay đâu”.
Ông Du Đô hết sức kinh hãi, thưa rằng: “Tôi nghe nói trong chốn u minh, dù một điều thiện nhỏ cũng được ghi chép đủ. Tôi phát nguyện làm việc thiện, kính cẩn giữ mình theo khuôn phép [do Văn Xương Xã đề ra] đã lâu, lẽ nào tất cả những việc ấy đều là chuộng hư danh thôi sao?”
Ông khách họ Trương nói: “Được, vậy hãy thử lấy một điều trong những khuôn phép [do Văn Xương Xã của ông đề ra] mà xét, là việc giữ gìn kính tiếc [giấy có] chữ viết. Nhóm nho sinh các ông cùng với những kẻ mà các ông giao thiệp, hầu hết đều dùng giấy từ sách cũ để phết dán cửa sổ, bao gói đồ vật, thậm chí còn dùng để lau chùi bụi bặm trên bàn ghế, nhưng miệng thì luôn nói chớ làm dơ bẩn giấy, chỉ nên đốt hết đi. Ông ngày nào cũng nhìn thấy những việc như vậy nhưng chẳng có một lời can ngăn răn nhắc, chỉ thỉnh thoảng gặp vài mảnh giấy giữa đường thì nhặt về đốt đi, như vậy phỏng có ích gì chăng?”
“Lại nữa, trong nhóm Văn Xương Xã của ông, mỗi tháng đều làm việc phóng sinh, ông cũng chỉ qua loa làm theo, dựa vào người khác mà nên việc. Ví như những người khác không khởi làm thì ông cũng mê muội không làm, kỳ thật trong lòng ông chẳng có mảy may tâm niệm từ bi. Hơn nữa, trong nhà ông các loại tôm cua cũng thường bị đưa vào bếp nấu nướng, lẽ nào chúng lại không phải sinh mạng đó sao?”
“Mỗi khi có sai trái trong lời nói, ông lại dùng đến biện tài khéo léo lanh lợi, khiến cho người nghe phải điên đảo tưởng xấu là tốt [mà thán phục ông]. Khi ông mở miệng buông lời, trong lòng vẫn tự biết đang làm tổn thương đức tốt, chỉ vì quen thói cũ nên trong lúc cùng bạn bè tụ tập chuyện phiếm cứ theo đà chê bai, giễu cợt [người khác], không thể dừng lại được. Miệng lưỡi như thế của ông khiến quỷ thần phải nổi giận; việc xấu ác ở cõi âm đã ghi lại thật nhiều chẳng biết đến bao nhiêu mà kể. Vậy mà ông còn tự nhận mình là người đức hạnh sâu dày, lại cho rằng mình chẳng dối lừa khinh dễ ai sao? Lại cho rằng như vậy chẳng phải là khinh dễ trời cao đó sao?”
“Còn về chuyện tà dâm, tuy không xảy ra hành vi thực sự, nhưng ông thấy gái đẹp thì chăm chăm nhìn kỹ, tâm ý lăng xăng không còn tự chủ, chỉ là không gặp dịp thích hợp để hành sự đó thôi. Ông hãy tự xét lại mình trong những lúc ấy, liệu có được như Lỗ Nam Tử chăng? Vậy mà dám nói là “suốt đời không vướng chuyện tà dâm háo sắc, có thể đối mặt với trời đất quỷ thần” [như Lỗ Nam tử xưa kia], quả là lời dối trá”.
“Đó là những khuôn phép do chính ông tự nguyện làm theo, [được ghi thành quy củ điều luật của Văn Xương Xã] mà còn như vậy, huống chi là những việc khác?”
“Ông liên tục nhiều năm đốt sớ trình lên Thượng đế, kể lể sự tình. Thượng đế lệnh cho sứ giả Nhật Du xem xét kỹ những việc thiện ác của ông làm, trải qua nhiều năm không thấy việc thiện nào có thể ghi nhận, chỉ thấy những khi ông ở một mình nơi khuất tất vắng vẻ thì toàn là những tâm niệm tham lam, dâm dật, ganh ghét, hẹp hòi nóng nảy, tự mãn khinh người, nhớ việc đã qua, mong việc sắp đến, báo thù rửa hận... chen nhau khởi lên trong lòng, [nhiều đến mức] không thể ghi chép hết. Những sự xấu ác đủ loại khởi lên từ tâm ý như thế đã tích tụ gắn kết kiên cố từ lâu, thần minh ghi chép đã nhiều, trời giáng hình phạt ngày càng nặng, ông dù muốn tránh né tai họa còn không được thì dựa vào đâu mà cầu hưởng phước lành?”
Ông Du Đô [nghe qua như vậy] hết sức kinh hoàng, sợ hãi khôn xiết, quỳ sụp xuống đất, khóc lóc thưa rằng: “Ngài đã rõ biết hết những sự việc trong cõi u minh, nhất định là có quan hệ với tôn thần, cầu xin ngài ra tay cứu độ”.
Người khách họ Trương liền nói: “Ông là người đọc sách, hiểu rõ lễ nghĩa, lại cũng biết hâm mộ điều lành, lấy đó làm vui, nhưng đang khi nghe [người khác nói] một lời thiện lại không thể khích lệ, thấy [người khác làm] một việc thiện lại không thể cổ vũ, chỉ toàn [phạm vào những điều] lỗi lầm, hư rỗng, [hết thảy đều do] cội gốc lòng tin chưa tự sâu vững, tâm tính lại từ lâu đã quen như vậy nên không hề tự xem xét lại, vì thế mà suốt cả đời khi nói một lời lành, làm một việc thiện, [chẳng qua] đều chỉ là phô trương hư huyễn, chưa từng có lời nào, việc nào là chân thật cả. Hơn nữa, tâm niệm xấu ác lại chất chứa tràn ngập trong lòng, tiếp nối nhau không ngừng sinh khởi, như vậy mà mong muốn được trời cho phước báo tốt lành thì có khác nào mảnh đất gieo trồng đầy những gai góc, lại mê muội mong thu hoạch được lúa tốt, chẳng phải sai lầm lắm sao?”
“Ông từ nay về sau, mỗi khi có những vọng tưởng tạp niệm như tham lam, dâm dục, giả dối... thì phải đem hết quyết tâm mạnh mẽ mà dứt trừ tất cả, thanh lọc [tâm ý sao cho luôn] trong sạch an tịnh, mỗi mỗi tâm niệm đều chỉ toàn là hiền thiện. Khi gặp một việc thiện, nếu thấy sức mình có thể làm được thì phải mang hết sức ra mà làm ngay, trong lòng không mong báo đáp, không cầu danh tiếng, bất kể đó là [việc thiện] lớn hay nhỏ, khó khăn hay dễ dàng, đều đem tâm chân thành ham thích nhẫn nại mà làm; nếu thấy sức mình không thể làm nổi thì cũng phải hết lòng lưu tâm ân cần khẩn khoản, khiến cho tâm lành ấy được nuôi dưỡng trọn vẹn”.
“Điều cốt yếu thứ nhất là phải có tâm nhẫn nại, kham chịu, thứ hai là phải có tâm kiên trì không thối chuyển, nhất thiết không được biếng lười, nhất thiết phải chân thành không tự lừa dối. Cứ như vậy mà thực hành lâu ngày tự nhiên sẽ có những hiệu quả ứng nghiệm kỳ diệu khôn lường”.
“Ta thấy gia đình ông thờ kính ta từ lâu hết sức chân thành nên mới đặc biệt đến đây có mấy lời, xem như báo đáp. Ông phải nhanh chóng làm ngay không nên chậm trễ, may ra mới có thể chuyển đổi được ý trời”.
Vị khách họ Trương nói xong thì đi thẳng vào trong nhà. Du công lập tức đứng dậy đi theo, vừa đến chỗ bàn thờ thần Bếp thì hốt nhiên không còn thấy đâu nữa, mới biết người mình vừa gặp chính là ngài, liền cung kính đốt hương lạy tạ.

3. Đổi tên Tịnh Ý, chuyển ý thanh tịnh
Hôm sau đó là ngày tết Nguyên đán, ông Du Đô thiết lễ kính lạy trời đất, thề nguyện sửa đổi tất cả những lỗi lầm trước đây, thực hành mọi việc thiện, tự đổi hiệu mình là Tịnh Ý Đạo nhân, thể hiện ý nguyện muốn dứt trừ hết mọi sự sai trái xằng bậy, làm thanh tịnh tâm ý.
Ngày đầu tiên bắt đầu làm thiện, những ý niệm hỗn tạp đua nhau sinh khởi, nếu không sinh tâm ngờ vực ắt cũng rơi vào lười nhác uể oải. Trải qua mấy ngày như thế rồi lại thấy mình rơi vào chìm nổi mê muội như trước. Trong nhà có thờ tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, Du Tịnh Ý liền đối trước tượng Bồ Tát lễ lạy cầu sám hối, khấu đầu đến nỗi chảy cả máu trán, cung kính phát lời đại nguyện rằng: “Con nguyện giữ cho tâm ý chỉ còn thuần nhất niệm lành, tinh tấn nỗ lực làm thiện, nếu có mảy may buông lung thối chí, thề sẽ vĩnh viễn chịu đọa vào địa ngục”.
Mỗi ngày, vào lúc sáng sớm ông đều kiên trì xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm Đại từ Đại bi để cầu sự gia trì cho mình [trong việc làm thiện]. Sau đó thì mỗi một lời nói, mỗi một việc làm, mỗi một ý nghĩ trong suốt ngày ấy đều tưởng như có quỷ thần đang ở bên cạnh xem xét, tuyệt nhiên không dám dối trá lừa lọc, buông thả phóng túng.
Hết thảy những việc gì có thể cứu giúp người khác, có thể làm lợi lạc cho người, cho đời, bất kể đó là sự việc lớn hay nhỏ, bất kể bản thân mình đang lúc bận rộn hay nhàn rỗi, bất kể là người khác có biết đến hay không, cũng không ngần ngại suy lường sức lực tự thân làm nổi hay không nổi, Du Tịnh Ý đều hoan hỷ cố hết sức làm, cho đến khi thành tựu mới thôi.
Ông lại tùy nhân duyên phương tiện mà rộng làm những việc tích lũy âm đức, hơn nữa còn nỗ lực khuyên người giữ theo luân thường đạo lý, siêng năng đọc sách học hỏi, giữ lòng khiêm hạ, nhẫn nhục hòa kính, lại thường dùng những lẽ nhân quả báo ứng giảng rộng với mọi người. Ông nỗ lực chuyên cần làm thiện suốt ngày như vậy nhưng vẫn không tự cho là đủ.
Vào mỗi ngày cuối tháng, ông Du Tịnh Ý lại đem hết thảy những lời nói, việc làm trong suốt tháng đó viết thành một lá sớ đốt trước bàn thờ thần Bếp để kính cáo.
Ông thực hành như vậy cho đến khi đã thuần thục thì [đạt đến mức] thân vừa động ắt có muôn điều thiện tùy theo, tâm vừa tĩnh ắt không còn một mảy may tạp niệm nào sinh khởi.

4. Chuyển họa thành phúc
Qua ba năm như thế, ông vừa được 50 tuổi, vào niên hiệu Vạn Lịch thứ hai, triều đình mở kỳ thi Hội năm Giáp Tuất (1574). Quan Thủ phụ là Trương Giang Lăng, sau khi kết thúc kỳ thi liền dò hỏi những người đồng hương để tìm người làm thầy dạy cho con. Có người tiến cử Du Tịnh Ý, quan Thủ phụ liền cho người mời ông đến kinh đô làm thầy dạy cho con mình.
Khi nghe Du Tịnh Ý kể về những việc mình đã làm, quan Thủ phụ hết sức kính trọng đức độ và phẩm hạnh của ông, liền dựa theo quy định để giúp ông được vào học trường Quốc học.
Vào niên hiệu Vạn Lịch thứ tư, tức là năm Bính Tý (1576), ông dự kỳ thi Hương tại kinh đô, trúng tuyển Cử nhân, sang năm sau lại đỗ tiếp tiến sĩ.
Ngày nọ, ông đến ra mắt quan Nội giám họ Dương, ông này gọi năm đứa con nuôi ra chào. Những người con trai này được họ Dương nhận từ khắp nơi về nuôi, xem như con mình và lấy đó làm niềm vui trong tuổi già. Du Tịnh Ý chợt nhìn thấy trong số đó có một đứa chừng 16 tuổi, dung mạo dường như quen thuộc lắm, liền hỏi quê quán. Đứa trẻ đáp: “Con người tỉnh Giang Tây, thuở nhỏ đi chơi lên nhầm thuyền buôn gạo [nên không về nhà được], còn tên họ thời ấy với tên làng xóm thì chỉ còn nhớ mường tượng mà thôi”.
Du Tịnh Ý nghe như vậy hết sức ngờ vực, liền bảo nó cởi giày ra để xem lòng bàn chân trái, quả nhiên có 2 nốt ruồi rất rõ. Ông mừng quá hét lớn: “Ôi! Con tôi đây rồi”.
Quan Nội giám họ Dương cũng hết sức kinh ngạc, lập tức cho đứa trẻ ấy theo Du Tịnh Ý về chỗ ngụ. Ông hối hả báo tin vui cho vợ. Vợ ông mừng quá, ôm con khóc lớn đến nỗi máu từ trong mắt tuôn ra ràn rụa. Đứa con cũng khóc, rồi nâng niu khuôn mặt mẹ mà thè lưỡi liếm máu mắt cho mẹ. Không ngờ lúc ấy bỗng nhiên hai mắt bà sáng lại, nhìn thấy rõ ràng. Du Tịnh Ý mừng thương lẫn lộn, không còn muốn làm quan nữa, liền từ biệt Trương Giang Lăng trở về quê nhà.
Quan Thủ phụ Trương Giang Lăng quý trọng nghĩa khí của Du Tịnh Ý, gửi biếu nhiều quà tặng và một số tiền lớn, tiễn ông về quê.
Về quê nhà, ông càng nỗ lực làm việc thiện nhiều hơn nữa. Con trai ông sau đó lập gia đình, sinh được 7 người con, tất cả đều học hành đỗ đạt thành danh.
Du Tịnh Ý ghi chép lại sự việc mình gặp thần Bếp cũng như quá trình sám hối sửa lỗi, dùng để răn dạy, giáo dục con cháu về sau.
Ông sống an ổn khỏe mạnh đến tuổi già, [mất năm 1612] thọ 88 tuổi. Người đời ai cũng cho rằng đó là do ông chân thành làm nhiều việc thiện, chuyển đổi được sự báo ứng trở thành tốt đẹp.
Kẻ hậu học sống cùng làng với ông Du Tịnh Ý là La Trinh kính ghi lại câu chuyện này.

************************************************** ************
CẢI TẠO VẬN MẠNG TÂM TƯỞNG SỰ THÀNH (LIỄU PHÀM TỨ HUẤN)
& CHUYỆN DU TỊNH Ý GẶP THẦN BẾP

Tổng hợp có sửa đổi theo bản dịch của Nguyễn Minh Tiến
và bản do Như Hòa dịch 20 bài giảng của Pháp sư Tịnh Không

Đường link download file:
https://drive.google.com/file/d/1KlX...eZr1qTTcz/view

**********************************
GIẢNG LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG

Việt dịch: Bửu Quang tự đệ tử Như Hoà

Đường link download file:
https://drive.google.com/file/d/1Mj6...8_DRoQBRA/view

**********************************
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG:
Nếu bạn muốn học Phật thì trước tiên hãy đọc Liễu Phàm Tứ Huấn 300 lần. Tại sao vậy? Người học Phật tâm phải thanh tịnh mới có thể vào được pháp vị. Tâm không thanh tịnh thì nghe Kinh vô ích, không thể vào được. Tâm tại sao không thanh tịnh vậy? Vì Tham- Sân-Si-Mạn chưa dẹp hết. Liễu Phàm Tứ Huấn đọc 300 lần thì bạn sẽ biết nhân quả báo ứng, bạn sẽ không tham nữa. Tại sao vậy? Tham không được đâu. “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”, ở trong số của bạn phải vào năm đó phát tài, bạn xem trong số tử vi, không phải tử vi tính cho bạn được. Tại sao tính được vậy? Vì trong số có mà. Trong số không có thì không được, cho nên nói bạn phải có bao nhiêu của cải là do trong số bạn có vậy...

Đường link: tại phút thứ 5:01 trong video:
https://www.youtube.com/watch?v=MZah_VoQMaM