kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Chuyện các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ sau hải chiến Hoàng Sa 1974

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Chuyện các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ sau hải chiến Hoàng Sa 1974

    Kỷ niệm 44 năm sự kiện Hoàng Sa (19.01.1974 - 19.01.2018)
    Chuyện các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ sau hải chiến Hoàng Sa 1974



    Xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa tại Sài Gòn - Ảnh: Báo Quảng Nam
    Ngay sau khi cuộc hải chiến diễn ra, Ngoại trưởng VNCH lên án Trung Quốc: “đã xâm chiếm các phần lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và bắt đi một cách trái phép 121 binh sĩ của Quân lực VNCH".

    Sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19.01.1974 đến nay vẫn để lại những xúc cảm khi Tết đến, cũng là một thời điểm cái Tết đến cận kề lúc bấy giờ khi vụ tranh chấp này xảy ra. Đặc biệt, những năm gần đây khi tình hình tranh chấp Hoàng Sa nói riêng và trên biển Đông nói chung càng phức tạp trong một bối cảnh mới, đã đặt ra những câu hỏi có nên hay không nên công nhận là người có công với Tổ quốc đối với những chiến sĩ Hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lúc bấy giờ đã chiến đấu và bỏ lại thân thể của mình ngoài vùng biển Hoàng Sa? Dù câu trả lời như thế nào đi chăng nữa, bài viết này đề cập đến việc trao trả các binh sĩ VNCH bị Trung Quốc bắt giữ, thông qua nguồn tư liệu báo chí đương thời, sẽ làm rõ tính chính nghĩa về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này và ý chí bảo vệ chủ quyền có tính kế tục lịch sử của chính quyền đương thời.

    Ngay sau khi cuộc hải chiến diễn ra, Ngoại trưởng VNCH lên án Trung Quốc “đã xâm chiếm các phần lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và bắt đi một cách trái phép 121 binh sĩ của Quân lực VNCH, vì vậy Trung Cộng (cách gọi Trung Quốc của báo chí miền nam trước 1975 - NV) phải có nhiệm vụ trả tự do ngay cho các người này, chứ không cần phải có một thời gian nào đó thuận tiện” (1). Dưới áp lực về ngoại giao và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế, Trung Quốc đã tiến hành trao trả tổng số 48 tù binh (2), nhưng không được trao trả 1 đợt mà thành 2 đợt và tổ chức trong im lặng.

    Đợt thứ nhất được trao trả vào ngày 31.01.1974 có 5 tù binh, “gồm 4 chiến sĩ VNCH và 1 người Mỹ tại Shumchun thuộc biên giới tỉnh Quảng Đông và Hương Cảng” (3). Đợt thứ hai vào ngày 17.02.1974 có “43 tù binh VNCH vừa được Trung Cộng thả hôm Chủ nhật có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa” (4). Trong số đó “có 13 hải quân, 23 chiến sĩ địa phương quân, 4 chiến sĩ công binh và 3 nhân viên khí tượng thuộc Đài khí tượng Hoàng Sa” (5). Trong đợt trao trả thứ nhất, chỉ có 5 tù binh (trong đó có 1 người Mỹ), đồng nghĩa với việc liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, điều này sẽ tác động quyết định đến việc Trung Quốc cần trao trả càng sớm càng tốt. Trong lần trao trả thứ hai, “có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa. Vì anh ấy là tù binh duy nhứt nói được Hoa ngữ nên anh đã làm thông dịch viên cho tù binh VNCH.


    Thủy thủ Lý Chánh Hùng nói rằng anh không muốn ở lại Hoa lục vì mỗi ngày anh và các đồng đội phải trải qua 3 tiếng đồng hồ tuyên truyền chính trị của Trung Cộng mặc dù Trung Cộng cho ăn uống khá” (6), nghĩa là Trung Quốc cần giam giữ tù binh trong thời gian lâu hơn và có người Hoa để “tuyên truyền chính trị” nhằm xuyên tạc những sự thật lịch sử. Và, vô hình trung làm lộ rõ sự “bất chính” của Trung Quốc đối với sự kiện hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

    Bên cạnh đó, thái độ của Trung Quốc và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế muốn quá trình trao trả tù binh càng yên lặng càng tốt với lý do là vì sự tế nhị của biến cố Hoàng Sa.


    Các nhà báo của VNCH đi theo đoàn thực hiện trao trả, các báo tại Trung Quốc cũng như báo quốc tế đã không được phép tiếp cận các tù binh. “Hồng Thập Tự quốc tế muốn việc thả tù càng yên lặng càng tốt. Số người tiếp đón phái đoàn không quá 10 vì hệ thống an ninh tại phi trường Kaitak (7) được tăng cường tối đa, không một ai vô phận sự cần thiết được lọt vô khu vực phi cơ hàng không Việt Nam đậu, kể cả các nhà báo tại Hương Cảng (tức Hồng Kông). Khoảng hơn 10 phóng viên Việt Nam tháp tùng phái đoàn đi đón các chiến sĩ VNCH đã bị “giam lỏng” gần 2 giờ đồng hồ.


    Phái đoàn viên phi hành vào nhà ga được các nhân viên tại đây hỏi han lung tung về chuyến bay đặc biệt này. Khi đó họ mới vỡ lẽ ra, vì từ trước họ chỉ biết hôm nay có cuộc trả tự do tại biên giới Trung Cộng, Hương Cảng, chớ không hay gì về vụ đón người của Việt Nam Cộng hòa” (8). Căn cứ vào thái độ của các nước có liên quan, vào số lần, sự im lặng bất thường và “tuyên truyền chính trị” đối với tù binh cho thấy đằng sau đó là sự “e dè”, “bất chính” của Trung Cộng khi bị lên án vì dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa, đồng thời đó là thái độ của Mỹ muốn sự việc nhanh chóng được khép lại trong “lặng lẽ” một khi Mỹ có được một thế cấn bằng tạm ổn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


    Ngược lại, chính quyền VNCH muốn “đường đường chính chính” việc trao trả tù binh phải diễn ra công khai và được báo chí xâm nhập để chứng minh tính “chính nghĩa” và là một “nạn nhân” như thế nào. Việc này VNCH không thể làm theo ý mình vì việc trao trả tù binh diễn ra trên ở Trung Cộng và do họ quyết định thời gian, địa điểm. Tuy nhiên, chính quyền VNCH đã chứng minh tính “chính nghĩa” bằng cách khác là tổ chức đón tiếp các chiến sĩ tham chiến khi về Việt Nam và thưởng cho họ một cách nồng hậu, các chiến sĩ trở thành đại diện cho ý chí của Việt Nam trong việc chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.


    Trước hết là đối với các chiến sĩ chiến đấu trở về nhưng không bị bắt làm tù binh, thì ngày 30.1.1974 (số này không nằm trong 48 tù binh bị Trung Quốc bắt giữ, mà nằm trong tổng 121 như đã trình bày ở trên), “tuần dương hạm Lý Thường Kiệt về tới Sài Gòn và được đón tiếp trọng thể tại bến Bạch Đằng với sự tham dự của nhiều thân nhân thủy thủ đoàn.


    Đề đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải quân VNCH đã trao Anh Dũng Bội tinh cho Trung tá Lê Văn Thứ, Hạm trưởng HQ.16 cùng một số sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên thủy thủ. Các nữ sinh cũng choàng vòng hoa chiến thắng và sau đó các thân nhân thủy thủ đoàn được mời lên thăm chiến hạm” (9). Đối với các tù binh được trao trả, khi về đến Sài Gòn, có “một buổi lễ tiếp đón vô cùng long trọng sẽ được Phủ TUDV (Tổng ủy Dân vận) phối hợp với Tổng cục CTCT (Chiến tranh Chính trị) và các Tòa Đô chánh tỉnh Gia Định, với sự tham dự các đoàn thể sinh viên học sinh của các Hội đồng dân cử, các thân hào nhân sĩ tổ chức ngay tại phòng khách Danh dự phi trường Tân Sơn Nhất” (10).


    Đồng thời, để “tưởng thưởng những chiến sĩ Hải quân can trường chiến đấu tại Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao có một phái đoàn do ông Nguyễn Hoàn, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao hướng dẫn đã đến Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng một ngân phiếu một triệu đồng cho các thương binh và gia đình của tử sĩ Hải quân tham chiến tại Hoàng Sa ngày 19.01.1974 vừa qua. Cũng trong dịp này, ông Hoàn đã ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng hy sinh quả cảm cũng như sự chiến thắng vẻ vang của các chiến sĩ Hải quân (...) để bảo vệ chủ quyền và sự bảo toàn lãnh thổ của VNCH. Ngoài ra, để ghi ơn các anh hùng tử sĩ can đảm đã ngã gục lại hải đảo Hoàng Sa trong chiến trận vừa qua, tên tuổi của một số anh hùng có thể sẽ được chính quyền chấp thuận cho đặt tên một số đường phố tại Thủ đô” (11).





    Như vậy, thông qua những thông tin mà báo chí lúc bấy giờ đề cập việc trao trả binh sĩ đã nói lên hai vấn đề: Một là, chính quyền VNCH có những phản ứng mạnh mẽ để khơi dậy tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Hải quân, thể hiện sự đồng thuận cao giữa chính quyền và các chiến sĩ cùng như các tầng lớp khác nhau trong xã hội đối với việc bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Hai là, thông qua thái độ của Trung Quốc trong việc lợi dụng giam giữ các binh sĩ để tuyên truyền lén lút “bất chính” về chủ quyền của họ tại Hoàng Sa, đồng thời họ muốn sự việc diễn ra trong im lặng, là “việc đã rồi”, để giữ nguyên tình hình nhằm thực hiện chính sách bành trướng của mình trong bối cảnh tình hình thế giới lúc bấy giờ.
    Võ Hà (Hội KHLS TP. Đà Nẵng)



    ===
    [1] “Ngoại trưởng Bắc đòi trao trả ngay 121 binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng bắt giữ”, Tia Sáng, ngày 28.01.1974.

    [2] Con số 121 mà chính quyền VNCH đưa ra bao gồm tù binh, mất tích và bị trôi dạt trên biển chưa liên lạc được, chính quyền VNCH đưa ra như vậy bao hàm cả ý nghĩa đấu tranh ngoại giao, trên thực tế VNCH chưa thống kê được số lượng binh sĩ mất tích trên biển nên gộp chung lại thành số lượng tù binh. Trung Quốc thông báo chỉ giữ 48 tù binh.


    [3] “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31.01/.1974. Người Mỹ này tên là Gerald Emil Kosh, 27 tuổi làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ đang giữ nhiệm vụ liên lạc với Hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng, tới Hoàng Sa ngày 15.01 trong một chuyến công tác thường lệ.


    [4] “Mỹ đang giúp Việt Nam Cộng hòa trinh sát quần đảo Hoàng Sa, 43 chiến sĩ bị Trung Cộng bắt đã về tới Sài Gòn”, AP, ngày 17.02.1974.

    [5] Boeing 727 của H.K.VN sẽ đi Hồng Kông sáng 17.2 tiếp đón”, Tia Sáng, ngày 18.02.1974.

    [6] “Mỹ đang giúp Việt Nam Cộng hòa trinh sát quần đảo Hoàng Sa, 43 chiến sĩ bị Trung Cộng bắt đã về tới Sài Gòn”, nđd.

    [7] Phi trường Kaitak thuộc địa phận Hương Cảng (Hồng Kông), nằm giáp biên giới Shumchun (Quảng Đông).

    [8] “Chuyến đi đón 5 binh sĩ do Trung Cộng thả: cả phái đoàn bị Giam lỏng ở sân bay Kaitak”, Điện Tín, ngày 02.02.1974.

    [9] “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31.01.1974.

    [10] “Boeing 727 của H.K.VN sẽ đi Hồng Kông sáng 17.2 tiếp đón”, nđd.

    [11] “Bộ Ngoại giao tặng các chiến sĩ Hải quân tham chiến đảo Hoàng Sa một triệu đồng”, Tía Sáng, ngày 16.02.1974.



    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Một nén hương lòng gửi tới Hoàng Sa

    TIẾN SĨ TRẦN CÔNG TRỤC
    07:34 17/01/18 THẢO LUẬN (3)

    (GDVN) - Hải quân Việt Nam Cộng hòa hạ quyết tâm bằng mọi giá phải giành lại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đuổi địch ra khỏi đảo.

    Tiến sĩ Trần Công TrụcHàng năm, cứ vào thời điểm khởi đầu của một năm mới, có rất nhiều việc để làm, để nhớ, để chiêm nghiệm trong cuộc sống thường nhật, vốn quá bề bộn của mỗi một chúng ta. Trong số đó, có những sự kiện không thể nào quên đối với mỗi một người con đất Việt.


    Những ngày này, ký ức nhóm đảo Lưỡi Liềm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị quân Trung Quốc cưỡng chiếm từ trong tay lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa đang làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở đây lại ùa về.
    Từ đó đên nay, mặc dù 44 năm đã trôi qua, dư luận người Việt Nam ở trong và ngoài nước vẫn đang tồn tại những thông tin về diễn biến cụ thể, cũng như những ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau, thậm chí trái chiều nhau.






    Phối cảnh khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.

    Để góp phần làm sáng tỏ hơn về trận hải chiến bi hùng này, chúng tôi xin được hệ thống và cung cấp thêm một số thông tin mà chúng tôi đã thu thập được từ hồ sơ lưu của lực lượng Hải quân Việt Nam Công hòa trước năm 1975.
    Chúng tôi xin ôn lại sự kiện bi tráng này như nén tâm hương tưởng niệm tất cả những người con Đất Việt đã vị quốc vong thân để cho chúng tôi có cuộc sống hôm nay trên dải đất hình chữ S, đồng thời nhắc nhau nhớ rằng, vẫn còn một phần lãnh thổ thiêng liêng chưa trở về với Tổ quốc!


    Trung Quốc dã tâm ngầm chiếm đảo

    Ngày 11/1/1974, theo nguồn tin của Thông tấn xã AFP, Việt Nam Cộng hòa biết được tin Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố cái gọi là “quần đảo Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc và tố cáo Việt Nam Cộng hoà chiếm cứ bất hợp pháp quần đảo này.
    Trước tình hình đó, ngày 16/1/1974, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà Vương Văn Bắc tổ chức họp báo tố cáo Trung Quốc huy động tàu chiến xâm phạm lãnh hải quanh các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hoà, Duy Mộng và đổ quân lên các đảo này.


    Phán đoán được âm mưu của Trung Quốc trong việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, nên ngày 14 tháng 1 năm 1974, Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển của Việt Nam Cộng hoà ra chỉ thị, lệnh cho một chiến hạm đến quần đảo Hoàng Sa với nhiệm vụ đưa viên trưởng Ty khí tượng bị bệnh nặng về Đà Nẵng và quan sát tình hình.
    Lực lượng cùng đi có 3 sỹ quan và 2 nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1 và một nhân viên Toà lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng (tên là Cetald E.Kóh) đang công tác trên đảo Hoàng Sa (Pattle).


    Theo đó, lúc 6 giờ tối 14/1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) được lệnh rời Đà Nẵng đi Hoàng Sa.
    Sáng ngày 15/1/1974, tuần dương hạm HQ16 đến Hoàng Sa, phát hiện trên đảo Hữu Nhật (Robert) có cắm cờ Trung Quốc và gần đó có 1 “tàu đánh cá” Trung Quốc, mang tên Nam Ngư, số 402.
    Đây là loại “tàu đánh cá” có vũ trang, đài chỉ huy ở giữa, 2 bên gắn ăng ten cần loại PRC 25, vỏ tàu bằng sắt, mũi hình chữ V, trọng tải 130 tấn, trên boong trước có 3 xuồng cấp cứu nhỏ và 1 xuồng bằng sắt, vũ trang đại bác 25 ly.





    Lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa. Ảnh: Báo Tin tức /TTXVN.

    Nhân viên đài khí tượng đảo Hoàng Sa (Pattle) cho biết, “tàu đánh cá” nói trên của Trung Quốc đến từ 10/1/1974 và trước đó khoảng 1 tháng cũng có 1 chiếc như vậy, nhưng đã rời khỏi đảo.
    Tàu HQ16 dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi đảo Hoàng Sa (Pattle), nhưng tàu này không đáp ứng. Tuy nhiên sau đó, vào buổi chiều, tàu Trung Quốc nói trên đã tự động rời khỏi đảo.

    Tàu HQ16 trở lại neo đậu tại đông nam đảo Hoàng Sa (Pattle) cách khoảng 1 hải lý.
    Tiếp đó, sáng 16/1, tàu HQ16 rời đảo Hoàng Sa (Pattle) đi quan sát các đảo khác và nhận thấy đảo Quang Hoà đã bị chiếm đóng công khai, trên đảo có chòi canh, vọng gác cao, gắn cờ Trung Quốc.

    Một chiếc tàu vũ trang di chuyển quanh đảo. Tàu này rời Quang Hoà theo hướng tây bắc vào giữa buổi sáng.
    Đảo Duy Mộng không có người, nhưng có 2 tàu nhỏ, nên tàu HQ16 không thể quan sát được. Tàu HQ16 rời Quang Hoà và Duy Mộng đến đảo Quang Ảnh và nhận thấy trên đảo có cắm cờ Trung Quốc.

    Nhân viên tàu HQ16 đổ bộ 16 nhân viên thám sát, phát hiện trên đảo có 6 nấm mộ, 4 cũ và 2 còn mới, trước mỗi mấn mộ đều có gắn bia đá và chữ Trung Quốc.

    Ngoài ra còn phát hiện thấy 1 vỏ lựu đạn Trung Quốc, 1 chai rượu Suntory còn ít rượu, 1 hầm trống làm bằng thùng đạn. Nhân viên tàu HQ16 đã gắn 2 lá cờ Việt Nam Cộng hoà trước khi rời đảo về tàu.

    Tàu HQ16 tiếp tục di chuyển về phía đảo Hữu Nhật phát hiện thấy ở tây nam đảo khoảng 1,5 hải lý có 2 “tàu đánh cá” vũ trang Trung Quốc neo cách nhau khoảng 20m mang số 402 và 407.

    Từ chiếc 407, quân Trung Quốc đang dùng xuồng di chuyển khoảng 1 trung đội sang chiếc 402.





    Tàu HQ4 Việt Nam Cộng hòa tham gia cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, ảnh tư liệu: Báo Thanh Niên.

    Biết được thực trạng trên, chiều ngày 16, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa chỉ thị cho Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tăng cường tàu HQ4 ra Hoàng Sa, chở theo một trung đội biệt hải, đồng thời chỉ thị cho tàu HQ16 sử dụng 1 tiểu đội chiếm giữ đảo Quang Ảnh.
    Mặt khác, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã báo cáo tình hình về Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1 (QĐ1- QK1).


    Chuẩn bị chiến đấu giành lại chủ quyền

    Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa chỉ thị cho khối hành quân và Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển báo cáo sự kiện lên Bộ Tổng Tham mưu;

    Đồng thời chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải trình bày trực tiếp với Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, nhân khi ông đến thăm Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải, ngày 16/1/1974.

    Tổng thống Việt Nam Cộng hoà chỉ thị cho Tư lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên hải, Phó đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

    Đồng thời, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa chỉ thị cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hoà triệu tập Hội đồng Nội các họp bàn về việc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.

    Cũng trong buổi chiều hôm đó (16/1), Tư lệnh Hải quân tham dự phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Nội các.
    Sau khi Tham mưu phó cuộc hành quân thuyết trình về tình hình quần đảo Hoàng Sa, Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu kế hoạch tái chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng.


    Theo đó, ngày 17/1/1974 Bộ Tư lệnh Hải quân ban hành Lệnh hành quân số 42 cho Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải thi hành.
    Phối hợp hành quân, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân cùng Bộ Tham mưu luôn làm việc bên cạnh Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải, đồng thời Bộ tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu 1 cử một Trung tá tham dự.
    Kế hoạch hành quân tái chiếm các đảo bị Trung Quốc chiếm đong được triển khai làm 2 giai đoạn:
    Giai đoạn thứ nhất: chiếm lại các đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm đã bị quân Trung Quốc chiếm trái phép và cắm cờ.






    Các cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Wikipedia.


    Các đảo này theo thứ tự từ trái sang phải gồm: Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond).
    Giai đoạn thứ hai: sau khi giai đoạn 1 kết thúc, sẽ tuần tiễu và rải quân bảo vệ các đảo còn lại, trên mỗi đảo sẽ có một nửa tiểu đội chiếm giữ.
    Lực lượng của Việt Nam Cộng hòa tham dự cuộc hành quân này gồm: 1 khu trục hạm HQ4 (Trần Khánh Dư), 2 tuần dương hạm là HQ5 (Trần Bình Trọng), HQ16 (Lý Thường Kiệt), 1 hộ tống hạm HQ10 (Nhật Tảo), 2 toán biệt hải gồm 31 người do Sở phòng vệ Duyên hải tăng cường, 4 toán Hải kích gồm 60 người do Liên đội người nhái tăng cường.
    Thành phần yểm trợ và dự bị gồm 1 đại đội địa phương quân và 4 máy bay trực thăng do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu 1 tăng cường, hai yểm trợ hạm (HQ800 và HQ801), 1 hộ tống hạm HQ11 và 3 tuần duyên đĩnh (VPB) HQ709, HQ711, HQ723.
    Tư lệnh Hải quân chỉ huy tổng quát. Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ huy trực tiếp.
    Triển khai kế hoạch hành quân, 9 giờ tối ngày 16/1, tàu HQ4 chở theo 27 biệt hải thuộc Sở Phòng vệ Duyên hải và một số phóng viên rời Đà Nẵng tiến ra Hoàng Sa.
    Tàu HQ800 đến Đà Nẵng ngày 17/1 chở theo 43 nhân viên Hải kích của Liên đội người nhái.
    Tàu HQ5 chở theo 43 Hải kích cùng HQ10 rời Đà Nẵng lúc nửa đêm 17/1, dự trù chở theo 1 đại đội địa phương quân để tăng cường cho lực lượng đổ bộ, nhưng vì đại đội này chưa sẵn sàng nên không kịp lên tàu, mặc dầu đã có lệnh của Bộ Tổng Tham mưu.


    Phá hủy ngụy bằng chứng ngụy tạo của quân Trung Quốc, bảo vệ chứng cứ chủ quyền

    Lúc gần 8 giờ sáng ngày 17/1, tàu HQ16 tái đổ bộ lên đảo Quang Ảnh 15 nhân viên, do Trung uý Liêm làm trưởng toán.
    Lực lượng này mang theo vũ khí và vật dụng gồm 2 súng M79, 3 súng M16, 1 súng Carbine, 1 máy thông tin PRC 25, 1 poignard, 15 áo phao, mấy xẻng, 1 búa phòng tai, 6 lựu đạn MK.3, 1 súng hoả pháo với 5 viên đạn cùng một số loại đạn dược khác, 1 xuồng cao su cỡ 1,5 x 2m.

    Nhiệm vụ của toán này là triệt hạ 6 mộ bia mà Trung Quốc đã nguỵ tạo, chiếm đóng và tổ chức phòng thủ trên đảo.





    Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ5) của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa năm 1974, ảnh tư liệu: Báo Thanh Niên.



    Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ5) của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa năm 1974, ảnh tư liệu: Báo Thanh Niên.

    Sau khi lấy 6 tấm bia mộ đá giả của Trung Quốc về tàu, HQ16 rời đảo Quang Ảnh đến đảo Hữu Nhật lúc 11 giờ cùng ngày (17.1) và án ngữ tại phía đông nam đảo để hỗ trợ cho tàu HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên từ phía tây đảo Hữu Nhật.
    Trong khi đó, 2 tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc số 407 và 402 ở lại phía nam đảo Hữu Nhật và cách bờ gần 1.000m. Khi thấy tàu HQ4 hạ xuồng đổ bộ, 2 tàu của Trung Quốc cũng hạ nhưng vì không kịp nên lại kéo lên.
    Trên mỗi tàu cá vũ trang này có khoảng 30-35 thuỷ thủ mặc đồng phục màu xanh. Tàu trang bị súng 25 ly phòng không, một khẩu đã lắp sẵn 1 thùng đạn còn các khẩu khác được bao kín nên không rõ số lượng.


    Tàu này di chuyển quanh đảo Hữu Nhật đồng thời có 1 tàu ở phía nam đảo tiếp ứng khi cần.
    Toán biệt hải lên đảo Hữu Nhật tìm thấy 1 lá cờ Trung Quốc đã cũ và mục, 1 tấm bảng gỗ thông sơn đỏ còn mới (cỡ 1,2m x 0,2 có ghi 17 chữ Trung Quốc: “Trung Hoa Nhân dân Cộng hoà quốc thần thánh lãnh thổ, tuyệt bất dung hử xâm phạm”.
    Cờ và bảng gỗ đã bị tàu HQ4 tịch thu.


    Đồng thời còn phát hiện thấy các vết tích của Việt Nam Cộng hoà từ năm 1963, gồm miếu nhỏ có khắc ghi rõ ngày 24/11/1963;
    Một tấm bia xây theo kiểu Đài chiến sĩ mỗi bề 3 mét, cao hơn mặt đất 0,4m có ghi hàng chữ Việt “Đệ nhất Trung đoàn đổ bộ LĐ/TQLC” và vẽ một ngôi sao trắng lồng trong vòng tròn đen, dưới ngôi sao có ghi LĐ.42.


    Tất cả được đóng khung trong một hình chữ nhật, 2 bể nước bằng xi măng ghi “nước uống” và một hàng chữ đã mờ nhưng còn đọc được “Ngô Tổng thống”, 1 tấm bia ghi TĐ.3/TQLC ngày 5 tháng 12 năm 1963.
    Sau đó toán biệt hải đã dựng cờ Việt Nam Cộng hoà trên đảo.
    Tàu HQ16 phát hiện thấy 2 tàu loại Hộ tống hạm (Kronstadt) mang số 271 và 274 trang bị đại bác 100 ly và 37 ly từ đảo Quang Hoà đang tiến về đảo Hữu Nhật;


    Tàu HQ4 tiếp cận các tàu này, thả xuồng cao su chở nhân viên biết tiếng Trung Quốc sang tiếp xúc, nhưng các tàu này chạy máy không cho cập vào.





    Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa năm 1974, ảnh tư liệu.


    Chiến hạm HQ4 dùng quang hiệu yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng đó nhưng không có kết quả.
    Ngược lại, các tàu Trung Quốc còn chạy quanh tàu HQ4 và chặn đầu bất chấp luật hàng hải quốc tế, đồng thời trả lời bằng quang hiệu rằng các đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu chiến hạm HQ4 của Việt Nam Cộng hòa tránh ra.
    Tàu HQ16 được lệnh rời đảo Hữu Nhật đến tiếp tế lương thực và phương tiện cho toán đổ bộ trên đảo Quang Anh.
    Cũng trong ngày 17/1, 43 nhân viên Hải kích thuộc Liên đội người nhái đến Vùng 1 Duyên hải bằng tàu HQ800.


    Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho Đại tá Tham mưu trưởng hành quân lưu động biển truyền khẩu lệnh đến Vùng 1 Duyên hải rằng:
    Dùng phương pháp phô trương lực lượng để làm áp lực ôn hoà buộc tàu Trung Quốc rời khỏi đảo và ra khỏi hải phận Việt Nam Cộng hoà, tuyệt đối tránh hành động khiêu khích và chỉ khai hoả khi bị tấn công trước;
    Lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa hạ quyết tâm bằng mọi giá phải giành lại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đuổi địch ra khỏi đảo và trương cờ Việt Nam Cộng hoà trên các đảo.


    Nếu Trung Quốc dùng vũ lực, Hải quân được toàn quyền hành động.


    23 giờ ngày 17/1/1974, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho tàu HQ4 rút 14 biệt hải trên đảo Hữu Nhật để đổ lên đảo Duy Mộng trong đêm trước khi trời sáng, dùng áp lực ôn hoà buộc toán người lạ rời khỏi đảo, tránh mọi hành động khiêu khích, chỉ sử dụng vũ khí khi bị tấn công trước.


    Hạm trưởng HQ4 lo ngại rằng, hiện ở Duy Mộng có tàu đối phương, nếu tàu HQ4 đổ bộ thì sẽ có đụng chạm, trong khi đó số nhân viên của HQ4 lại ít.
    Đồng thời, Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển chỉ thị: Tăng cường ngay 2 chiếm hạm chở theo người nhái đến Hoàng Sa; liên lạc với Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 để xin địa phương quân nếu chưa có;


    Sáng sớm 18/1 chiếm lại Duy Mộng như đã định; sử dụng biệt hải được rút từ đảo Hữu Nhật, lấy 1 tiểu đội địa phương quân ở đảo Hoàng Sa (Pattle) sang giữ đảo Hữu Nhật.


    Khoảng nửa đêm 17/1, tuần dương hạm HQ5 chở 43 nhân viên Hải kích và cùng hộ tống hạm HQ10 khởi hành từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa.


    Hải đội trưởng Hải đoàn 3 là Đại tá Hà Văn Ngạc, được Tư lệnh vùng 1 Duyên hải Chỉ định làm SQ/CHCT.
    Trước đó, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã dự tính và cho tăng cường đi theo tàu HQ5 và tàu HQ10 một đại đội địa phương quân để tăng cường cho lực lượng đổ bộ. Tuy nhiên vì đại đội này chưa sẵn sàng nên không kịp lên tàu.


    Còn tiếp
    Last edited by Bin571; 19-01-2018 at 10:13 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Giằng co gay cấn quanh đảo Duy Mộng, Quang Hòa ngày 18/1/1974

    TIẾN SĨ TRẦN CÔNG TRỤC
    07:00 18/01/18 THẢO LUẬN (2)


    (GDVN) - Nếu phía Trung Quốc sử dụng vũ lực thì phải khai hoả đồng loạt để tự vệ và tiêu diệt chiến hạm đối phương ngay loạt đạn đầu.



    Ngày 18/1, lúc 1 giờ sáng, Hạm trưởng HQ4 báo cáo việc đổ bộ lên Duy Mộng gặp khó khăn vì khả năng tác chiến của quân Trung Quốc mạnh hơn về nhiều mặt, như hải pháo xa hơn, vận tốc cao hơn, phương tiện đổ bộ dồi dào hơn (6 xuồng đổ bộ, và chiến dĩnh bọc sắt) có hai máy bay yểm trợ;


    Lực lượng của Việt Nam Cộng hoà ít, 27 người phân tán tại hai đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh.
    Nếu phải lên Duy Mộng thì số quân càng mỏng, trong khi lực lượng đổ bộ của Trung Quốc ước khoảng 40 người ở trên 2 tàu chuyển vận.
    Nhận được tin trên, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải ra lệnh tàu HQ4 rút ngay một nửa toán biệt hải trên đảo Hữu Nhật xuống chiến hạm và chờ lệnh.


    Giằng co quanh đảo Duy Mộng

    Rạng sáng 18/1, Tham mưu trưởng hành quân lưu động biển điện đàm với Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải, chỉ thị các tàu HQ4 và HQ16 không được neo, nếu phải đón quân thì thả xuồng, xong rồi chạy ra xa, kế đó trở lại;
    Vẫn đổ bộ lên Duy Mộng theo kế hoạch, nếu đối phương phản ứng, sẽ tạm hoãn chờ; rút tất cả 27 biệt hải trên đảo Hữu Nhật, nếu không lấy kịp địa phương quân thì cho 1 tiểu đội nhân viên chiến hạm thay thế.





    Sơ đồ tác chiến của Hải quân Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-20 tháng Giêng năm 1974, ảnh do Tiến sĩ Trần Công Trục cung cấp.

    Tàu HQ16 rời Quang Ảnh di chuyển đến phía bắc đảo Duy Mộng, phát hiện thấy tàu Trung Quốc đang di chuyển vòng quanh đảo Quang Hoà, có dấu hiệu chuẩn bị đổ bộ.
    Sau đó phát hiện thêm 1 tàu chuyên vận của Trung Quốc dài khoảng 100m trọng tải 200 tấn, di chuyển đến sát đảo Duy Mộng, phía đông nam.


    Đây là loại tàu tiếp tế, có 3 cần trục, nghi ngờ đổ bộ và chuyển quân lên đảo. Trên đảo, quân Trung Quốc đã trương cờ mới.
    Ngoài ra còn thấy 1 tàu hai cột buồm đang di chuyển hướng tây nam xuống đảo Hữu Nhật. Tàu HQ16 trở về đảo Hữu Nhật và thả trôi tại đông nam đảo để yểm trợ cho tàu HQ4 thay quân.


    Tại đây tàu HQ16 thấy tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc số 407 neo tại 2,5 hải lý đông nam đảo Hữu Nhật.
    Sáng sớm ngày 18/1, một trong bốn tàu Trung Quốc rời Quang Hoà tiến về phía tàu HQ4 của Việt Nam Cộng hòa.
    Khi tàu Trung Quốc cách 4 hải lý, tàu HQ4 dùng quang hiệu chuyển câu bằng tiếng Anh: “This is our territorial water” (Đây là lãnh hải của chúng tôi).
    Chiến hạm của Trung Quốc cũng phát lại câu trên.
    Nhưng sau đó, khi HQ4 tiến cận, tàu Trung Quốc lùi về phía đảo Quang Hoà.


    Trong buổi sáng ngày 18/1, khi tàu HQ4 thay thế toán biệt hải trên đảo Hữu Nhật bằng 15 nhân viên cơ hữu của chiến hạm thì tàu của Trung Quốc số 407 nhổ neo tiến về phía tàu HQ16, sau đó thả trôi cho tàu tiến cận vào đảo Hữu Nhật.
    Vì vùng gần bờ cạn nên HQ16 phải cố gắng di chuyển để ngăn cản tàu Trung Quốc tiến vào gần đảo.
    Phải di chuyển để hỗ trợ tàu HQ16 nên mãi đến gần trưa HQ4 mới hoàn tất công việc thay quân. 27 biệt hải lên chiến hạm, còn 15 nhân viên chiến hạm đổ bộ lên đảo Hữu Nhật.


    Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho các chiến hạm HQ4 và HQ16 bình tĩnh di chuyển an toàn tại vị trí cũ, chú ý sự thả trôi của tàu Trung Quốc, toán quân trên đảo phải ngăn cản không cho địch đổ bộ.
    Các chiến hạm cố gắng né tránh nếu tàu Trung Quốc chặn đầu và cố ý húc vào chiến hạm.


    Trong khi đó tàu HQ5 đến Hoàng Sa chiều 18/1. Bộ chỉ huy hành quân Liên đoàn biển chỉ thị Vùng 1 Duyên hải cho chiến hạm này di chuyển thẳng đến đảo Quang Hoà và Duy Mộng để quan sát phản ứng của phía Trung Quốc.
    Khi di chuyển đến cách 5 hải lý đông nam Hữu Nhật, hai tàu Kronstadt số 271 và 274 từ Quang Hoà tiến tới nghênh cản, chiến hạm HQ5 quay trở lại và thả trôi gần tàu HQ16.


    Chiến hạm Trung Quốc sau đó cũng quay về hướng Quang Hoà. Tất cả 5 tàu Trung Quốc thả trôi giữa Quang Hoà và Duy Mộng, mặt phía bắc.
    Tàu HQ5 thả xuồng đưa một toán Hải kích sang tàu HQ16 và nhận toán sỹ quan thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1, nhân viên Mỹ để đưa lên đảo Hoàng Sa (Pattle).





    "Tàu cá" có vũ trang của Trung Quốc khiêu khích trước mũi chiến hạm Hải quân Việt Nam Cộng hòa ở đảo Hữu Nhật, quần đảo Hoàng Sa ngày 15/1/1974. Ảnh tư liệu.


    Lực lượng này gồm E. Kosh, 3 sỹ quan (Thiếu tá Hồng, các Trung uý Hà, Đá) và Hạ sỹ nhất công binh tên Đệ) thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 để nghiên cứu thiết lập sân bay tại đảo Hoàng Sa (Pattle).
    Tàu HQ10 đến phía đông Hữu Nhật và thả trôi tại đây vào nửa đêm ngày 18/1.



    Kế hoạch đổ bộ tái chiếm đảo Quang Hòa

    Chiều ngày 18/1 Bộ chỉ huy hành quân Liên đoàn biển chỉ thị THD.31 chiếm lại thật nhanh 2 đảo Quang Hoà và Duy Mộng bằng mọi giá;


    Dùng biện pháp ôn hoà trước, nếu đối phương kháng cự, dùng vũ khí tiêu diệt, chú ý 2 tàu Kronstadt, đặt mục tiêu trong tầm ngắm, nếu để lâu đối phương tăng cường thêm sẽ khó khăn cho việc chiếm lại.
    Cũng trong buổi chiều ngày 18/1, Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải thi hành gấp kế hoạch hành quân chiếm lại đảo Quang Hoà bằng mọi giá.


    Mỗi chiến hạm có nhiệm vụ ngăn chặn 1 chiến hạm Trung Quốc để yểm trợ cho lực lượng Hải kích đổ bộ.
    Các chiến hạm của Việt Nam Cộng hoà phải luôn ghìm súng vào yếu điểm của chiếm hạm Trung Quốc.
    Nếu phía Trung Quốc sử dụng vũ lực thì phải khai hoả đồng loạt để tự vệ và tiêu diệt chiến hạm đối phương ngay loạt đạn đầu.
    Tàu HQ5 phát hiện thêm 2 chiến hạm Trung Quốc loại T.43 cải biến mang biển số 389 và 396, lớn hơn 2 chiến hạm trước, đến tăng cường tại bắc Quang Hoà.



    Tàu HQ5 đáp nhận hiệu lệnh cấp tốc chiếm Quang Hoà. Tàu HQ16 đến đảo Quang Ảnh tiếp tế cho toán đổ bộ lương thực vũ khí vật dụng.
    Tại Đà Nẵng, lúc 21 giờ ngày 18/1, tàu HQ11 và 3 VPB (HQ709, 711, 723) khởi hành tiến về quần đảo Hoàng Sa chở thêm 91 địa phương quân, 15 Hải kích, 1 y sĩ, 2 y tá và Chỉ huy phó Sở phòng vệ Duyên hải.
    Trong đêm 18 tới rạng sáng 19 tháng 1, các tàu Trung Quốc nhiều lần di chuyển chặn đầu, khiêu khích các tàu chiến Việt Nam Cộng hoà, cố tình gây hấn, bất chấp quy luật hải hành quốc tế.


    Các chiến hạm của Trung Quốc di chuyển quanh đảo Quang Hoà như có ý định bảo vệ đảo này. Các chiến hạm của Việt Nam Cộng hoà cùng di chuyển bám sát theo tàu Trung Quốc.
    Từ đêm 18/1 sang rạng sáng 19/1, tại quần đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc có 6 chiến hạm (2 Kronstadt (271, 274); 2 T.43 cải tiến (389, 396) 2 tàu đánh cá vũ trang (402, 407) và trên các đảo Quang Hoà, Duy Mộng có thể đã được Trung Quốc tăng viện và cố thủ kỹ càng.


    Kế hoạch hành quân chiếm lại đảo Quang Hoà của phía Việt Nam Cộng hoà được thực hiện như sau:
    Các tàu HQ4 và HQ5 đổ bộ toán biệt hải và hải kích vào phía tây nam và nam Quang Hoà, trong khi các tàu HQ10 và HQ16 ở trạng thái yểm trợ và sẵn sàng tiêu diệt các tàu đối phương.
    Mỗi chiến hạm của Việt Nam Cộng hoà ghìm súng vào điểm huyệt của một chiếc tàu Trung Quốc, sẵn sàng khai hoả nếu bị đối phương tiến công trước và tiêu diệt chúng ngay đợt khai hoả đầu tiên như chỉ thị của Tư lệnh Hải quân.




    Chiến hạm HQ5 Trần Bình Trọng, ảnh tư liệu.


    Cuộc hành quân chiếm lại đảo Quang Hoà dự kiến thực hiện vào sáng sớm ngày 19/1/1974.
    Trong ngày 18/1, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1 trong kế hoạch hành quân chiếm lại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.


    Đặc biệt nhất là vấn đề hỗ trợ của không quân có khó khăn, do quần đảo này nằm cách Đà Nẵng 170 hải lý, ngoài tầm hướng dẫn của Đài Kiểm báo Paloma nên máy bay phản lực F5 của Việt Nam Cộng hoà không thể hoạt động được.
    Vì vậy Hải quân Việt Nam Cộng hoà phải chiến đấu đơn phương.
    Tương quan lực lượng giữa hai bên: Phía Việt Nam Cộng hoà có 1 khu trục hạm HQ4, trang bị 2 khẩu 76,21 ly tự động, 2 đại bác 100 ly;


    2 tuần dương hạm HQ5 và HQ16, trang bị 1 đại bác 127 ly, 1 đại bác 40 ly đôi, 2 đại bác 40 ly đơn; 1 hộ tống hạm HQ10 trang bị 1 đại bác 76,21 ly, 2 đại bác 40 ly đơn.
    Phía Trung Quốc có 2 chiến hạm Kronstadt (số 271, 274) trang bị đại bác 100 ly, 2 đại bác 37 ly, 2 chiến hạm loại T.43 cải biên (389, 396), trang bị đại bác 100 ly, 4 đại bác 37 ly, 2 tàu đánh cá vũ trang đại bác 25 ly và 1 tàu vận tải loại trung.


    Còn tiếp

    Tiến sĩ Trần Công Trục
    Last edited by Bin571; 19-01-2018 at 10:25 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định


    ---------------------------


    So găng trên đảo Quang Hòa, lính Trung Quốc nổ súng khơi mào hải chiến


    TIẾN SĨ TRẦN CÔNG TRỤC
    07:00 19/01/18 THẢO LUẬN (2)


    (GDVN) - Đôi bên đứng ghìm súng có lưỡi lê và khẩu chiến với nhau, nhưng không hiểu nhau vì bất đồng ngôn ngữ. Lúc này Trung Quốc tăng cường thêm lực lượng...



    Sáng sớm ngày 19/1/1974, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa khởi hành từ Sài Gòn đến Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân chiếm lại Hoàng Sa.
    Gần 4 giờ chiều hôm đó, Phân đoàn 2 gồm các tàu HQ4 và HQ5 tiến về phía tây nam đảo Quang Hoà bằng cách vòng ra ngoài đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh.
    Trong khi đó, Phân đoàn 1 gồm các tàu HQ10 và HQ16 tiến thẳng về đảo Quang Hoà án ngữ về phía tây bắc.


    So găng trên đảo Quang Hòa

    Hạm trưởng, Đại tá Ngạc ra lệnh cho tất cả các chiến hạm chuẩn bị súng đạn, cửa kín nước, vật dụng cứu hoả, cứu thuỷ, chạy tất cả các máy điện và máy bơm.
    Bốn chiến hạm Trung Quốc chia làm hai nhóm: Nhóm 1 gồm các tàu 271 và 274 bọc vòng về phía Nam đảo Quang Hoà;
    Nhóm 2 gồm các tàu 389 và 396 di chuyển án ngữ phía tây bắc đảo Quang Hoà để nghênh cản chiến hạm của Việt Nam Cộng hoà.
    Hai tàu vũ trang số 402 và 407 nằm sát bờ phía bắc đảo Quang Hoà. Tàu chuyên chở của Trung Quốc nằm phía đông bắc đảo Duy Mộng.





    Sơ đồ tác chiến của Hải quân Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-20 tháng Giêng năm 1974, ảnh do Tiến sĩ Trần Công Trục cung cấp.


    Trung tâm hành quân từ Đà Nẵng chỉ thị cho tàu HQ5 thi hành ngay kế hoạch đã phổ biến đêm trước. Theo đó, trung đội biệt hải gồm 27 người từ HQ4 và 1 trung đội Hải kích gồm 22 người từ HQ5 đổ bộ lên bờ nam và tây nam Quang Hoà.
    Cũng trong thời gian này, Trung Quốc đổ bộ tăng cường khoảng trên 2 đại đội từ các tàu 402 và 407 lên đông bắc đảo Quang Hoà (quân số này đã được lấy từ tàu chuyển vận nằm tại đông nam đảo Duy Mộng).


    Một đại đội Trung Quốc tiến về phía Biệt hải, đại đội còn lại tiến về phía Hải kích.
    Trung đội Biệt hải biệt phái tiếp tục tiến sâu vào bờ khoảng 250 m và cắm cờ Việt Nam Cộng hoà ngay trước mặt lính Trung Quốc đã đứng dàn hàng ngang cách đó 3 mét.


    Đôi bên đứng ghìm súng có lưỡi lê và khẩu chiến với nhau, nhưng không hiểu nhau vì bất đồng ngôn ngữ.
    Lúc này Trung Quốc tăng cường thêm lực lượng có ý định bao vây để bắt sống quân Việt Nam Cộng hoà.
    Tình thế lúc này quân Trung Quốc đông hơn, với vị thế thuận lợi ở trên cao và được sự yểm trợ của toán quân trú phòng (trong công sự phòng thủ, trang bị súng trung liên và đại liên);





    Lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo Quang Hòa từ ngày 18/1/1974, sáng 19/1/1974 trung đội Hải kích Việt Nam Cộng hòa từ tàu HQ5 đổ bộ tái chiếm Quang Hòa gặp khó khăn. Ảnh tư liệu.


    Trong khi đó quân Việt Nam Cộng hoà ít hơn và trong thế bất lợi ở dưới thấp, trống trải nên trung đội Biệt hải phải rút xuống bìa san hô.
    Trên mặt biển phía tây bắc đảo Quang Hoà, tàu Trung Quốc số 396 di chuyển cố tình đụng vào phía mạn phải chiến hạm HQ16.


    Chiến hạm HQ16 di chuyển né tránh và chỉ bị xây xước nhẹ còn tàu Trung Quốc bị hư hại nhiều hơn, tuy nhiên tàu Trung Quốc vẫn tìm cách tông lại.
    Cùng lúc đó, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải ra lệnh cho tàu HQ5 tránh khiêu khích của đối phương, giữ đầu cầu và thiết lập ngay hệ thống phòng thủ;


    Cố giữ thế cài răng lược trên đất liền và trên mặt biển để loại trừ tình huống không quân của Trung Quốc bắn phá.
    Trung đội Hải kích ở bờ phía tây nam đảo Quang Hoà bị lính Trung Quốc nổ súng. Ngay loạt đạn đầu phía Việt Nam Cộng hoà đã có 2 người chết và 3 bị thương, do vậy trung đội Hải kích này phải rút về phía bìa san hô.



    Chiến đấu giữ chủ quyền

    Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải chỉ thị cho các chiến hạm bắn trọng pháo tối đa vào đảo, đồng thời triệt hạ luôn chiếc tàu đối phương;
    Hải đội trưởng cần phải phản ứng quyết liệt ngay và được toàn quyền sử dụng vũ lực tại vùng hành quân để thi hành nhiệm vụ.
    Ngay sau đó, Hải đội trưởng đề nghị cho rút quân về tàu trước khi nổ súng để bảo vệ cho lực lượng đang ở thế bất lợi.




    Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho toán đổ bộ phải tiếp tục giữ đầu cầu và cho chiến hạm yểm trợ. Tuy nhiên lệnh này không thi hành được vì, lúc đó đang rút quân.
    Trong thời gian tàu HQ4 thực hiện rút quân, tàu Trung Quốc hạ tối hậu thư bằng quang hiệu cho tàu HQ4 của Việt Nam Cộng hòa:


    “If you shell to me, we give strong war against your serious military provocation”, tạm dịch: “Nếu các anh bắn chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh trả mạnh mẽ hành vi khiêu khích quân sự nghiêm trọng của các anh”.


    Chiến hạm Trung Quốc có thể dùng toàn lực lượng để tấn công chiến hạm Việt Nam Cộng hoà, trong khi hoả lực của Việt Nam Cộng hoà bị phân tán, vì vừa bắn tàu đối phương vừa bắn lên đảo;


    Nhận thấy chỉ thị này sẽ gây bất lợi cho mình nên Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển đã khuyến cáo Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải triệt hạ chiến hạm địch trước theo đúng như chỉ thị của Tư lệnh Hải quân.
    Khuyến cáo này được Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đồng ý và chỉ thị cho Hải đội trưởng thi hành.


    Khoảng 10 giờ sáng ngày 19/1, phía Trung Quốc gồm có 2 “tàu đánh cá” vũ trang số 402, 407 tại đông bắc đảo Quang Hoà, 1 tàu chuyên vận tải ở đông nam đảo Duy Mộng, 2 tàu Kronstadt số 274 và 271tại tây nam đảo Quang Hoà, 2 tàu T.43 số 396 và 389 tại tây bắc đảo Quang Hoà.


    Các tàu Trung Quốc bao một vòng cung từ tây nam lên tây bắc.
    Phía Việt Nam Cộng hoà gồm có 4 tàu chiến cũng đã bao một vòng cung phía ngoài chiến hạm Trung Quốc từ tây nam lên tây bắc đảo Quang Hoà, theo thứ tự HQ5, HQ4, HQ10 và HQ16.









    Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 Việt Nam Cộng hòa chụp từ "tàu cá vũ trang" Trung Quốc ngày 19/1/1974. Ảnh tư liệu.


    Mỗi chiến hạm Việt Nam Cộng hoà bám sát và ghìm súng sẵn sàng trực xạ vào 1 tàu chiến Trung Quốc.
    Đúng 10 giờ 30 phút ngày 19/1, tàu HQ5 bắt đầu khai hoả. Các tàu khác của Việt Nam Cộng hoà ngay sau đó cũng đồng loạt khai hoả.


    Ngay loạt súng đầu tiên, tàu Trung Quốc số 274 bị trúng đạn của tàu HQ5, chiến hạm Trung Quốc bị hư hỏng nặng, bỏ chạy và ủi vào bờ san hô phía tây nam đảo Quang Hoà và coi như bị loại khỏi vòng chiến.
    Năm phút sau, tàu HQ4 bị trúng đạn tại đài chỉ huy và vì ổ súng 76,21 ly trước mũi không sử dụng được nên chiến hạm di chuyển về hướng đông đông nam để có thể sử dụng khẩu 76,21 ly sau lái tiếp tục bắn vào tàu Trung Quốc số 271.
    Tàu HQ4 bị hư hại và di chuyển về hướng bắc.


    Trong lúc đó tàu HQ5 vẫn bám sát 2 chiếc 271và 274. Mấy phút sau chiến hạm HQ5 bị trúng đạn 37 ly, cháy phòng vô tuyến nên việc liên lạc bị gián đoạn.
    Tại mặt bắc, chiến hạm HQ10, HQ16 bắn thẳng vào các tàu Trung Quốc 396 và 389.
    Ngay loạt súng đầu tiên, HQ10 bắn trúng vào phòng lái 396, tàu này bị bốc cháy và mất lái nên quay vòng tròn, bị HQ10 tông vào phía sau lái.
    Bị loại khỏi vòng chiến đấu, chiếc 396 chạy về hướng đông bắc và ủi vào bờ san hô phía tây bắc đảo Duy Mộng.








    Trong khi đó tàu HQ10 bị trúng hoả lực của 2 chiến hạm Trung Quốc. Đài chỉ huy và hầm máy khiến tàu bốc cháy.
    Tàu HQ10 bị thiệt hại nặng nề. Hạm trưởng Thiếu tá Nguỵ Văn Thà tử thương. Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng và phần lớn nhân viên thương vong.


    Tàu HQ10 bị mất liên lạc và còn tiến từ từ, sau đó ngưng lại khi đụng vào lái chiến hạm Trung Quốc số 396.
    Nhân viên còn lại đã cố gắng cầm cự đến phút cuối cùng. Song biết tình trạng tàu không thể cứu vãn, thuỷ thủ đoàn còn lại phải bỏ tàu.


    Khi chiếc 396 bỏ chạy, chiếc 389 cũng bị trúng đạn hư hại đáng kể bởi hoả lực của tàu HQ16, nên chúng vừa cầm cự vừa nhả khói để chạy về hướng nam.
    Chiếc 271 ở mặt nam chạy lên hợp với chiếc 389 để chống trả HQ5. Khi đến phía tây nam đảo Quang Hoà, tàu HQ5 phải dồn hoả lực bắn vào hai chiến hạm 389 và 271.
    Vùng Hải chiến lúc đó mù mịt khói súng và khói do tàu Trung Quốc thả.
    Do súng 27 ly chỉ sử dụng được bằng tay, bắn rất chậm chạp và các ổ súng trước mũi hầu hết không sử dụng được nữa nên tàu HQ5 phải di chuyển hướng đông nam để có thể sử dụng các ổ súng sau lái một cách hữu hiệu.
    Khoảng 11 giờ trưa 19/1, 2 tàu Trung Quốc vì thiệt hại nhiều và không chịu nổi hoả lực của tàu HQ5 nên chúng đã bỏ chạy về hướng bắc.


    Hoàng Sa mịt mờ khói súng

    Tàu HQ5 phát hiện có 3 tàu Trung Quốc chạy với vận tốc nhanh, có hình dạng rất giống phi tiễn đĩnh Komar – phóng lôi hạm (guided missile frigate) cách 5 hải lý về phía đông bắc và máy bay MiG xuất hiện trên không.






    Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ5) của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa năm 1974, ảnh tư liệu.



    Do đó, để chỉnh đốn tình trạng chiến hạm đồng thời di chuyển tránh tên lửa, các tàu HQ4 và HQ5 đã di chuyển về hướng bắc tây bắc.
    Hải đội trưởng báo cáo có nhiều nhân viên chết và bị thương. Tình trạng súng lớn và ra đa của các tàu HQ4 và HQ5 đều không sử dụng được. Riêng HQ16 vừa di chuyển vừa phải cứu thuỷ.
    Hải đội trưởng lệnh cho các chiến hạm di tản khỏi vùng chiến sự vì 2 lý do:


    Khả năng tác chiến của các tàu chiến đã suy giảm;
    Chiến hạm cần rời xa để máy bay Việt Nam Cộng hoà dễ dàng bắn phá chiến hạm Trung Quốc (do Vùng 1 Duyên hải thông báo).


    Khi di chuyển về hướng đông nam, tàu HQ5 đã quan sát thấy 3 chiến hạm Trung Quốc từ hướng bắc đông bắc cách 6 đến 7 hải lý đang tiến nhanh về hướng đảo Quang Hoà.
    Đến trưa ngày 19/1, Hạm đội trưởng lệnh cho các tàu HQ4 và HQ5 vào Đà Nẵng.


    Ngay sau đó, theo ý kiến của Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã chỉ thị cho HQ4 và HQ5 phải trở lại tiếp tục chiến đấu, tìm kiếm HQ10 và HQ16, đồng thời bảo vệ đảo còn lại.
    Trường hợp bị tấn công vào nếu phải rút lui, chiến hạm cố gắng ủi bãi, sẽ có HQ6 và HQ17 đến ứng cứu.
    Vào lúc 11 giờ, tàu HQ16 trúng đạn bị hư hỏng, nước vào nhiều ở hầm máy B.1, tàu nghiêng 13 độ, từ vị trí cách 15 hải lý tây đảo Hoàng Sa (Pattle) HQ16 vừa di chuyển về Đà Nẵng vừa tự cứu.


    Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị HQ11 đến vị trí trên với vận tốc nhanh nhất để tiếp cứu HQ16.






    Tàu HQ4, ảnh tư liệu.

    Tàu HQ4 hư hại, các súng lớn đều tê liệt, hệ thống cứu hoả bị nứt vỡ nhiều chỗ và không sử dụng được, hầm đạn 76,21 ly bị ngập nước, nếu quay trở lại cũng không chiến đấu được mà chỉ thêm hư hại.
    Trung Quốc đã tăng cường nhiều tàu chiến trong đó có thể có loại tàu tên lửa Komar, nếu tất cả chiến hạm Việt Nam Cộng hoà cùng quay trở lại quần đảo Hoàng Sa, thì quân Trung Quốc sẽ hiểu Việt Nam Cộng hoà trở lại để mở cuộc tấn công và phần bất lợi sẽ nghiêng về phía Việt Nam Cộng hoà.



    Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển đã trình bày quan điểm trên với Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Hải quân quyết định cho các tàu HQ4 và HQ5 trở về Đà Nẵng.


    Sang chiều ngày 19/1, các lực lượng hải quân đang neo tại phía tây tây nam Quang Ảnh nhận được lệnh của Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tiến đến quần đảo Hoàng Sa với vận tốc nhanh nhất.
    Tàu HQ11 cho 1 tiểu đội địa phương quân đổ bộ lên đảo Quang Ảnh, 1 trung đội lên đảo Hữu Nhật và cho rút hết nhân viên hải quân về chiến hạm; số địa phương quân còn lại sẽ tăng cường phòng thủ đảo Hoàng Sa (Pattle);

    Sau đó Hạm trưởng HQ11 điều động lực lượng tìm kiếm HQ10; trong công tác này Hạm trưởng HQ11 được toàn quyền áp dụng đội hình thích hợp để phòng không hoặc tránh né phi tiễn đĩnh Komar của Trung Quốc.
    Tuy nhiên, vì e dè phản ứng của Trung Quốc, đồng thời không liên lạc được với các toán quân trên đảo nên không rõ tình thế và quanh đảo có nhiều đá ngầm nước lại cạn nên suốt đêm 19/1, các tàu của Việt Nam Cộng hòa chỉ tuần tiễu bên ngoài, trong khu tứ giác phía tây cách đảo Quang Ảnh từ 20 đến 40 hải lý.

    Theo lời kể của toán đã đổ bộ lên đảo Quang Ảnh, thì trong đêm 19/1 tới rạng ngày 20/1 nhiều chiến hạm Trung Quốc tuần tiễu trong vùng biển giữa đảo Quang Ảnh và Duy Mộng.



    Còn tiếp

    Tiến sĩ Trần Công Trục
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Có một giờ G khác vào năm 1974
    By Bin571 in forum Lịch sử VN từ năm 1945 đến nay
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 13-08-2013, 07:11 AM
  2. Thái Công Binh Pháp - Kính nhờ các bậc tiền bối giỏi tiếng Trung dich hộ
    By Minh Co in forum Dịch học ( Dịch số, Thái Ất, Kỳ Môn Ðộn Giáp, Hoa Mai, Bát tự hà lạc,…)
    Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 04-06-2011, 01:31 PM
  3. 2 đội binh ma trung thành,có thật
    By bộ xương in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 61
    Bài mới gởi: 16-06-2010, 10:14 AM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 12-08-2008, 06:05 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •