LỄ GIÁNG SINH CỦA THIÊN THẦN

Với ai trong chúng ta có ý thức đôi phần thì biết rằng lễ giáng sinh có một khía cạnh ẩn dấu mà người thường không ngờ, tuy họ đáp ứng với ảnh hưởng của nó. Chúng ta cần nhớ rằng trọn địa cầu tràn ngập biết bao sinh vật siêu hình, thiên thần và đại thiên thần, những Vị thuộc hàng tiến hóa vượt xa con người, và có trách nhiệm hướng dẫn cùng kiểm soát vô số diễn trình trong thiên nhiên. Tư tưởng, cảm xúc và hoạt động của thiên thần đóng một phần quan trọng trong việc tạo nên bầu không khí đặc biệt của thiện tâm thấy rõ trong dịp lễ. Kế nữa, vào thời điểm này của năm, khắp trái đất rung động với các lực huyền diệu mà thiên thần phóng ra, và phép lành to tát mà đức Chúa (đức Di Lặc) tuôn xuống đáp lại sự ngợi ca của thiên thần.

Vài tuần trước lễ giáng sinh, thế giới vô hình có sự chuẩn bị theo nhiều cách để đón mừng đại lễ; ảnh hưởng ngày càng tăng khi càng đến gần ngày lễ, và lên tới cực điểm vào ngày giáng sinh, ngày mà thế giới mở lòng với Ngài như đóa hoa nở to hướng các cánh hoa về mặt trời, và từ đức Chúa tỏa ra luồng hùng mạnh tình thương và quyền lực, đánh dấu việc thiêng liêng xuống trần nhập thế.

Nhưng có thể đừng nghĩ rằng thiên thần đón mừng việc thân xác vật chất sinh ra với niềm hân hoan và hùng lực như thế vào ngày giáng sinh. Thiên nhiên có nỗi vui sướng ấy vì đức Chúa là bậc Huấn sư cho giới thiên thần cũng như cho loài người, và thiên thần xem Ngài không phải là người mà như là một thiên thần. Quan điểm của thiên thần về cuộc sống khác xa của loài người. Chúng ta thường nhìn vũ trụ theo quan điểm hình thể, nghĩ trước tiên đến hình thể và rồi mới tới sự sống làm sinh động và cho nó có hồn, ấy là cái nhìn tiêu biểu của con người. Ngay cả khi đã mở tâm và hiểu về thế giới vô hình, con người cũng vẫn nhìn trước hết vào phần hình thể của các thế giới này, và chỉ sau đó mới xét đến phần tâm thức có trong những hình thể khác nhau.
Quan điểm của thiên thần ngược hẳn lại, họ nhìn đầu tiên vào sự sống hay tâm thức, và rồi chuyện phụ đối với họ là nhìn vào hình thể chứa đựng sự sống. Ấy là cái nhìn tiêu biểu của thiên thần. Thí dụ nếu ta nhìn vào một người, đầu tiên ta sẽ nhìn vào thân hình của họ, rồi thể tình cảm, trí và căn thể, thấy những mầu sắc khác nhau và những lằn khác nhau, nhận xét tư cách và khả năng bên trong dựa theo sự thanh bai và cách xếp đặt của những điều này. Còn thiên thần sẽ nhìn con người theo tâm thức, xem thiên tính được biểu lộ tới mức nào nơi người bạn, có bao nhiêu lực có thể tuôn tràn qua anh, và chỉ khi ấy mới nhìn vào hình dạng của các thể thanh. Đó là sự khác biệt căn bản về quan điểm của hai đường tiến hóa phân biệt.

Tương tự vậy, ý niệm của thiên thần về lễ giáng sinh rất khác biệt so với chúng ta. Ta xem lễ giáng sinh như là việc kỷ niệm ngày Chúa nhập thế làm người, và đối với ta nó chính yếu là việc cử hành nghi lễ, một hình thức; ngay cả với các nghi lễ truyền thống của giáo hội, phần hình thức của ngày lễ vượt trội hơn cả. Thiên thần lại nhìn lễ giáng sinh về mặt sự sống, như là điểm có thay đổi cho tất cả mọi lực của thiên nhiên ở mọi cõi và mọi mức độ, là thời điểm có sự tuôn tràn trực tiếp và hùng mạnh của uy lực sáng tạo và năng lực tinh thần từ chính Thượng đế xẩy ra.
Giáng sinh ở bắc bán cầu đến ngay sau ngày ngắn nhất trong năm, vào giữa mùa đông, còn ở nam bán cầu đó là ngay sau ngày dài nhất vào giữa mùa hè; và như thế trong khắp thế giới nó đánh dấu điểm quân bằng có ý nghĩa thâm sâu trong cuộc sống bí ẩn của thiên nhiên. Sự thay đổi giữa lực âm là điều làm ngưng đời sống sáng tạo trong mùa đông, và năng lực dương sinh động làm địa cầu nở rộ hoa vào mùa xuân, xẩy ra vào lễ giáng sinh. Nó là khởi đầu và làm cho sự thay đổi to tát giữa hai cực có thể xẩy ra, là lý do cho lễ giáng sinh được đón mừng với nỗi hân hoan lớn lao cả trên trời lẫn dưới thế.
Quả thật ấy là việc chào đời được đón mừng, không phải chỉ là việc thân xác vật chất của đức Chúa sinh ra ở Palestine, không phải chỉ là biểu tượng cho sự sinh ra của mặt trời, mà là sự sinh ra vinh hiển nhiều lần hơn của nguyên lý Christ (Bồ Đề tâm) trong thiên nhiên, việc tái tạo và thức tỉnh trở lại của sự sống sáng tạo, sự đắc thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của mỹ lệ đối với hình thể.

Do sự hòa hợp của nguyên lý Christ trên trời với nguyên lý Christ sinh ra trong thiên nhiên lẫn trong tâm con người, mặt trời luôn là biểu tượng của tất cả các tôn giáo lớn mà đức Chúa lập ra, tức mặt trời của sự công chính, và những lễ thiên nhiên trọng đại này đã được con người cử hành qua bao thời đại chính vì con người là một phần của thiên nhiên, chia sẻ sự sống bí ẩn của nó dù họ ý thức hay không.

Nào, thiên thần là những tác nhân tích cực của nguyên lý Christ trong thiên nhiên, các ngài kiểm soát và giữ quân bằng những lực hùng mạnh của nó, điều khiển mọi mặt của sự tiến hóa, và tác động như là con kinh và phương tiện cho sự sống và năng lực của Thượng đế trong khắp nơi. Sự thay đổi nhịp nhàng của bốn mùa thực sự là biểu lộ cho tâm thức của Thượng đế; và hàng ngũ thiên thần là trung gian phụ trách việc mang lại thay đổi nơi các cõi thấp. Lễ giáng sinh vì vậy là thời điểm có sinh hoạt lớn lao cho loài thiên thần; lực của loài ấy tạm thời tập trung vào phần việc vĩ đại là chuẩn bị cho sự tuôn tràn của sức sống mới, và tất cả thiên thần, bất kể phần việc của họ có liên hệ chính yếu với thiên nhiên hay không, cũng đều trợ giúp vào đại lễ vũ trụ này.

Các ngài phục vụ đức Chúa bằng cách giúp mang lại việc sinh ra bên trong ấy, theo dõi sự thay đổi với mức chú tâm và lòng nhiệt thành sâu đậm nhất, và đem trọn năng lực của mình vào công việc; lẽ tự nhiên là thiên thần tiến hóa do làm vậy. Khả năng làm việc với các diễn trình của thiên nhiên là do tâm thức của thiên thần hướng về mặt sự sống của cuộc tiến hóa, và vì thế nó liên quan đến việc sự sống đi xuống và túa rải ra ngoài xuyên qua thiên thần, và thuộc quyền điều khiển của các ngài.
Có một sự khác biệt thật rõ rệt giữa các ảnh hưởng tuôn tràn trong mùa lễ giáng sinh ở nam và bắc bán cầu. Vì nhiều lý do bắc bán cầu là trung tâm của sự sống trên trái đất, chứa đựng đường kinh của những năng lực hướng dẫn cuộc tiến hóa của cả thiên nhiên và con người; với nam bán cầu trong quá khứ nơi này về vài mặt có ít sức sáng tạo và lực thiên nhiên của nó cũng ít sinh động hơn, điều có thể giải thích phần nào sự khác biệt của thảo mộc ở Âu châu và Úc châu.
Rồi cũng có sự khác biệt nơi thiên thần điều khiển sự tiến hóa ở hai bán cầu; tổng quát thì ta có thể nói hai bán cầu có các đặc tính âm và dương bổ túc cho nhau, mà khi phối hợp cho ra tổng thể trọn vẹn. Trong khi ở bắc bán cầu đó là việc sinh nở thật sự xẩy ra vào dịp lễ giáng sinh, tương ứng rất sát và đẹp đẽ với việc hài nhi chào đời, thì ở nam bán cầu chuyện xẩy ra là sức sống đi sâu hơn, chìm nhiều hơn vào hình thể đã được chuẩn bị để đón nhận nó.
Việc một trẻ thơ sinh ra đánh dấu sự tiếp xúc đầu tiên của linh hồn với hình hài nhỏ bé và đó là giây phút đầy hân hoan và đẹp đẽ; nhưng sự sống đi sâu hơn lúc em được khoảng bẩy tuổi, linh hồn càng lúc càng đặt chính mình vào thân xác mới nhiều hơn, cho đến khi nắm kiểm soát hoàn toàn lúc trưởng thành. Đây là hình ảnh tương đồng sơ sài về sự khác biệt giữa giáng sinh ở nam và bắc bán cầu. Ở phương bắc ảnh hưởng vượt trội là niềm hân hoan, tình thương và mỹ lệ; phương nam có uy lực, sức mạnh tuôn tràn, sự sống của nguyên lý Christ trong thiên nhiên thực sự sâu đậm hơn thay vì việc giáng sinh huyền diệu của ngài. Với ai có thể cảm nhận được thì sự khác biệt về ảnh hưởng tỏ ra lạ lùng và rất thú vị.

Sự chuẩn bị của thiên thần có hai mặt, một là làm việc từ dưới đi lên, biểu lộ năng lực của sức sống sáng tạo của Thượng đế mà tôn giáo gọi là Chúa thánh thần, là diễn trình của lực thiên nhiên làm sinh động, là tái xây dựng và khai mở. Mặt kia là sự tuôn tràn từ trên xuống dưới của Chúa Con, là diễn trình gợi hứng và mang lại phần hồn cho hình thể. Đặc tính đầu liên quan đến việc tuôn tràn năng lực lớn lao từ trong lòng trái đất, năng lực tỏa khắp thế giới đi từ trung tâm ra ngoại biên, và được hàng ngũ thiên thần có liên quan đến sự sống và sự tiến hóa của thiên nhiên phân phối. Năng lực được thiên thần sử dụng trong việc chuẩn bị của các ngài.
Ấy là những lực thanh tẩy, thanh lọc, sáng tạo, làm cho việc tuôn tràn sự sống mới có thể xẩy ra, chuẩn bị cho thế giới tiếp nhận đức Chúa trong tâm. Chuyện thích thú là sự chuẩn bị không phải chỉ liên quan đến những thiên thần đặc biệt lo về bề mặt của trái đất tuy các ngài đóng một vai trò lớn trong việc ấy, mà nó mở rộng ra nhiều hướng bất ngờ và lạ lùng. Vài loại thiên thần có phần việc đặc biệt là tập trung năng lực của các ngài vào khía cạnh này của sự sống Thượng đế, và dùng quyền năng tư tưởng để sinh ra các lực cho thiên thần lo công việc trong thiên nhiên sử dụng.
Những thiên thần khác làm việc ở cõi trực giác và tình cảm, gợi nên các lực to tát do lòng tôn thờ tuyệt diệu của các ngài; các lực này cũng được dùng trong việc chuẩn bị. Rồi có những thiên thần phụ giúp bằng cách góp phần vào các nghi lễ thiên thần được cử hành trong thiên nhiên vào thời điểm này, và lực tuôn ra qua nghi lễ của họ cũng được dùng cho công việc sáng tạo nói trên. Những nghi lễ mà thánh đường tổ chức trong thời gian trước lễ giáng sinh cũng góp phần cho việc, tuy đa số người tham dự không ý thức.

Nay sang mặt hai, sự chuẩn bị của thiên thần liên quan đến việc Chúa Con xuống trần, là biến cố vĩ đại của lễ giáng sinh. Sự tuôn tràn lòng yêu quí và dâng hiến nơi thiên thần và con người không có mục đích nào khác hơn là chuẩn bị đường kinh cho lực đi xuống, tiếp nhận và phân phối lực mà cơ hội mang lại; nói khác đi mục tiêu chính của lễ giáng sinh là việc nguyên lý Christ sinh ra trong thiên nhiên. Đó là tâm điểm, là tột đỉnh mà trọn việc chuẩn bị lâu dài hướng về. Sự tuôn xuống ấy là điều rất thực và vô cùng tuyệt diệu, đây là lúc thế giới bên trong và thế giới bên ngoài đặc biệt gần gũi nhau, khiến cho sự giao tiếp giữa hai cảnh giới hóa dễ dàng hơn so với những mùa khác trong năm.

Như vậy, vào mùa lễ đức Chúa đặc biệt gần với tất cả tạo vật trên trần, thiên thần và con người, so với những thời điểm khác. Làm như thể quyền lực được biểu lộ trọn vẹn hơn qua Ngài, và ánh sáng chiếu rọi qua Ngài, Đấng là sự sáng, được chói sáng hơn. Những điều này thiêng liêng và khó cho ta hiểu rõ, tuy nhiên ít nhất ta có thể nói là vào mùa giáng sinh, thiên thần và trọn các loài trong thiên nhiên được thu hút đặc biệt tới gần Ngài, và cảm nhận Ngài với lòng tôn thờ sâu xa nhất như là hiện thân rõ rệt và tuyệt vời của chính Thượng đế dưới trần. Và sự sống của Ngài đi xuống vào thiên nhiên theo cách mà chúng ta khó mà thấu triệt, khiến cho trọn thế giới được chứa đầy ơn phước của Ngài, hân hoan sôi nổi theo với làn rung động của tình thương và sự bình an của Ngài.
Do đó lễ giáng sinh luôn luôn được nói là tượng trưng cho lần chứng đạo thứ nhất, việc sinh ra nguyên lý Christ trong tâm người, vì việc nguyên lý Christ đi xuống vào thiên nhiên phản ảnh cho việc nguyên lý Christ đi xuống vào tâm chúng ta, với mỗi chúng ta là biểu lộ cho Ngôi Hai trong Ba Ngôi. Cùng một khía cạnh thiêng liêng là nguyên lý Christ biểu lộ trong thiên nhiên vào dịp giáng sinh, trong con người vào lễ chứng đạo, trong mỗi lần thánh lễ được cử hành ở nhà thờ và như thế có thể nói là trọn thế giới có chứng đạo mỗi năm, mỗi năm bước lên những nấc tâm thức phong phú hơn trước đây chưa hề đạt tới.
Quả thực năng lực hùng mạnh của Thượng đế trong mùa giáng sinh phát ra từ trời cao bên trên và địa cầu bên dưới, và khắp nơi trên địa cầu hân hoan với tình thương và niềm vui sướng tuôn ra không dứt trong mùa lễ huyền diệu này. Trong nhiều tuần trước ngày lễ, trọn thế giới thiên thần tuôn tình thương và lòng tôn thờ đến với Ngài, và sự đáp ứng hùng mạnh từ Ngài tuôn xuống vào thiên nhiên, cho nó năng lực từ một nguồn mới, từ khía cạnh mới của sự sống thiêng liêng.
Lòng tôn thờ này lên tới tột đỉnh vào đêm giáng sinh, khi trọn trái đất rung lên theo các đợt sóng vinh danh Ngài từ vô số thiên thần trong khắp thế giới. Các đợt sóng ấy làm tràn ngập địa cầu với biết bao là hoa hồng diễm lệ. Để đáp lại, năng lực từ Ngài đi xuống như là ân phước tuyệt vời đầy tình thương và bình an. Với con người, thiên thần giúp chúng ta tới hết mức ta có thể được giúp, làm nồng nàn thêm mọi ước nguyện thanh cao nhất của ta, khơi dậy lòng tôn thờ và tình thương, và không phải chỉ có thế vì lễ giáng sinh huyền diệu được đón mừng không phải chỉ bằng mầu sắc mà còn bằng âm nhạc.
Các thiên thần âm nhạc có phần việc tuyệt vời của mình vào dịp lễ, làm cho nghi lễ diễn ra nơi cõi vô hình thêm phần huyền diệu. Nhạc trời của các ngài không giống như tiếng đàn thụ cầm (harp) và vĩ cầm, mà tựa như tiếng thánh thót của biết bao quả chuông bạc vang lên êm ái. Làm như mỗi thiên thần là một cái chuông, mỗi cái chuông là một nốt trong sự hòa điệu vĩ đại. Ta có thể nghe tiếng ngân trong trẻo của chuông giáng sinh trong những tuần lễ trước đó, nhưng vào đêm giáng sinh và trọn ngày lễ hôm sau thiên thần tụ họp quanh Ngài và ban đồng ca thiên thần kết hợp với nhau trong một ca khúc huy hoàng, tiếng nhạc của chuông dâng cao từng hồi dồn dập. Tiếng nhạc ấy mang mọi sinh vật lại với nhau, làm khắp thế giới hòa điệu và làm tràn ngập nó với nét mỹ lệ thiêng liêng, nét mỹ lệ được phản ảnh qua vẻ đẹp của núi rừng, hồ, cây cối, hoa cỏ và tất cả những gì đáng yêu trên trái đất.

Và đó là lễ giáng sinh trong thế giới vô hình, thời gian có năng lực tuyệt vời và cảm biết cho cả thiên thần và con người, thời gian có sự cảm thông gần gũi với đức Chúa. Nếu muốn hợp tác với thiên thần trong việc làm của các ngài, ta phải ý thức trọn vẹn 'tinh thần giáng sinh' trong chúng ta, để qua bên những tư tưởng ích kỷ và vị kỷ, và đem hết tâm hồn vào việc phụng sự người khác. Nét chính của mùa lễ là lòng tôn thờ và tình thương, tôn thờ hướng tới đức Chúa và tình thương cho huynh đệ của ta có Ngài trong tâm họ.

Một cách thực hành có thể giúp cho ai muốn cảm nhận tinh thần giáng sinh sâu xa hơn, là nỗ lực hòa tâm thức của mình vào thiên nhiên, ráng thử nhìn cảnh đẹp đẽ nào đó theo quan điểm sự sống, để nhìn sự việc như thiên thần, cảm biết một điều nào đó về các lực bí ẩn tạo hình cho nó, làm cho vật đẹp đẽ, thu hút các lực ấy vào chính mình. Bằng cách ấy ta có thể kinh nghiệm cảm giác hợp nhất, tình thương, niềm hân hoan là những đặc tính nổi bật trong mùa giáng sinh, và mở rộng con người của ta để thành những con kinh cho lực tuôn tràn. Trên hết thẩy, phải có sự hòa hợp hoàn toàn giữa chúng ta và người khác nếu ta muốn đón mừng giáng sinh đúng cách, vì ấy là điều kiện cần thiết nếu muốn các lực giáng sinh tuôn chẩy qua chúng ta. Bởi Bồ Đề tâm ngự trong tim mỗi người, và khi phụng sự các huynh đệ của ta là ta phụng sự cho chính Đấng Từ Ái, trực tiếp và cho cá nhân Ngài.

Theo: The Christmas of the Angels, Dora van Gelder