TRUYỆN NGƯỜI NIỆM PHẬT VÃNG SANH CỰC LẠC

1. Thiên chúng đến đón chẳng đi

Ðại sư Tăng Tạng đời Ðường, người xứ Tây Hà. Tuổi nhỏ xuất gia, nép mình thờ người, hết thảy cung kính, chẳng từ lao khổ. Thấy tăng y của người khác liền giặt giũ giùm, rồi lại vá chằm. Ngày nắng gắt, sư cởi áo ngồi trong đám cỏ để thí máu thịt cho các loài muỗi, ve.

Hằng ngày, ngài niệm Phật hiệu chẳng cần ghi số, chỉ nhớ rõ trong tâm, chưa hề thiếu sót. Ðến khi báo tận, thấy chư thiên theo thứ tự đến đón, ngài đều chẳng theo. Ngài chợt bảo mọi người:

– Vừa về Tịnh Ðộ, thấy các thượng thiện nhân rải hoa trên không.

Rồi chắp tay niệm Phật mà hóa.

(theo Cao Tăng Truyện, tập 3)

* Ðại sư Thiện Ngang đời Ðường, người Ngụy Quận. Chí kết Tây Phương, nguyện sanh An Dưỡng. Sau ngài ngụ tại chùa Báo Ứng, biết đã đến lúc bèn bảo trước những người hữu duyên: đầu tháng Tám sẽ chia tay. Ðến kỳ, ngài lên tòa cao, lư tỏa mùi hương lạ, dẫn tứ chúng thọ Bồ Tát giới, dạy dỗ những điều thiết yếu. Chợt thấy thiên chúng rộn ràng, đàn sáo véo von. Ngài bảo đại chúng:

– Trời Ðâu Suất Ðà đến đón ta; nhưng Thiên đạo chính là căn bản sanh tử, chẳng phải chỗ ta ước mong. Lòng thường mong sanh về Tịnh Ðộ, nguyện này chẳng được thỏa hay sao?

Nhạc trời bỗng bặt tiếng. Từ trời Tây, hương, hoa, âm nhạc vùn vụt kéo đến, xoay quanh trên đỉnh đầu, toàn thể mọi người đều thấy. Sư bảo:

– Nay tướng lành Tây Phương đến đón. Ta đi đây.

Nói xong liền tịch, thọ sáu mươi chín tuổi.

(theo Cao Tăng Truyện, tập hai)

Nhận định:

Lúc lâm chung, tứ đại chia lìa là lúc nào vậy? Chư Thiên lần lượt đến đón là cảnh nào đây? Nếu chẳng phải là bậc tín nguyện kiên cố thì ngay trong lúc đó, đối trước cảnh ấy làm sao cưỡng làm chủ tể nổi? Ðây đúng thật là gương sáng thiên cổ cho những kẻ tu Tịnh nghiệp vậy. Nếu không, một phen sanh lên trời sẽ lại đọa trong luân hồi. Xin đừng lầm tin ngoại đạo cầu sanh Thiên Quốc.

2. Lấy việc lợi lạc chúng sanh làm đầu

Ðại sư Tự Giác đời Ðường, người xứ Bác Lăng. Xuất gia từ nhỏ, học Kinh, Luật, Luận siêng năng suốt cả chín năm, kinh luận nào cũng đều hiểu sâu sắc. Sau ngài trụ tại Trùng Lâm Sơn Viện trong núi Bình, nhặt quả, hái rau, ngày chỉ ăn một bữa, phát tâm đúc tượng đức Ðại Bi Quán Âm và dựng chùa Phật.

Gặp lúc đại hạn, tiết độ sứ xứ Hằng Dương là ông Trương thỉnh ngài cầu mưa. Ngài kiền thành khẩn cáo long thần, mưa to liền đổ xuống. Do đó, thí chủ chen nhau tụ về, đúc được tượng cao bốn mươi sáu thước, chùa cũng dựng xong.

Ngài liền đối trước đàn, thệ nguyện nương nhờ Thánh lực sớm sanh Tịnh Ðộ. Chợt thấy hai đạo kim quang: A Di Ðà Phật và hai vị Ðại Sĩ từ trong quang minh giáng xuống, xòe tay sắc vàng xoa đầu sư, bảo:

– Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu. Sanh chốn ao báu mặc tình thỏa nguyện.

Về sau, chợt thấy thần nhân đứng trong mây hiện nửa thân, bảo:

– Thời kỳ sư quy Tây đã đến rồi!

Ngài liền ngồi xếp bằng trước tượng Quán Âm mà hóa.

(theo Cao Tăng Truyện, quyển 3)

Nhận định:

Phàm những việc như: tạo tượng, lập chùa, cầu mưa lợi người v.v… đều là những trợ duyên cho Tịnh nghiệp. Ðem những việc ấy hồi hướng Tây Phương. Do làm được như vậy nên Phật dạy: “Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu”. Nếu như ngài chẳng có mật hạnh niệm Phật, làm sao cảm được đức Phật đến xoa đầu?

3. Kết xã khích lệ lẫn nhau

Ðại sư Tạo Vi Tỉnh Thường đời Tống là Tổ thứ bảy của Liên Tông. Ngài họ Nhan, người huyện Tiền Ðường. Bảy tuổi xuất gia, mười bảy tuổi thọ Cụ Túc Giới. Ngài lấy việc kiên trì giới luật, chuyên xưng danh hiệu, phát Bồ Ðề tâm, kết xã để khích lệ lẫn nhau làm chánh nhân Tịnh Ðộ.

Ngài trụ tại chùa Chiêu Khánh ở Hàng Châu, hâm mộ di phong Lô Sơn của Tổ Huệ Viễn nên thành lập Tịnh Hạnh Xã. Trong nhóm sĩ phu dự hội có quan Tướng Quốc Văn Chánh Vương Công Ðán v.v… một trăm hai mươi người đều xưng là Tịnh Hạnh Ðệ Tử, còn Tăng thì có đến một ngàn vị đồng tu Tịnh nghiệp.

Ngài cắt máu chép kinh phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm. Mỗi ngày chép một chữ, ba lạy, nhiễu ba vòng, ba lượt xưng danh hiệu Phật. Chép được ngàn quyển, thí cho ngàn người. Ngài dùng chiên đàn hương khắc tượng Phật Vô Lượng Thọ, quỳ trước tượng, phát nguyện:

– Con cùng đại chúng bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi phát Bồ Ðề tâm. Cho đến cùng tột đời vị lai, hành hạnh Bồ Tát. Nguyện hết một báo thân này sẽ sanh An Dưỡng

Một hôm, trong lúc ngồi nghiêm trang niệm Phật, ngài chợt kêu to: “Phật đến rồi!”, tự nhiên hóa. Ðại chúng thấy đất đều có màu vàng ròng. Sư thọ sáu mươi hai tuổi.

(Theo Phật Tổ Thống Ký)

Nhận định:

Kết xã khích lệ lẫn nhau đúng là tự lợi, lợi tha. Nhưng để thực hành được điều này trong hiện tại, phải có bậc hữu đức thống suất đại chúng cộng tu, rất kỵ nam nữ hỗn tạp. Nếu không có được cơ duyên như vậy thì chẳng bằng đóng cửa tiềm tu, so ra còn dễ tinh tấn hơn!

4.Chuyên tâm niệm Phật

Ðại sư Hám Sơn Trừng Ấn Ðức Thanh đời Minh, là con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Năm mười chín tuổi xuất gia, chuyên tâm niệm Phật, mộng thấy Phật A Di Ðà hiện thân trên không, quang tướng phân minh.

Từ đấy, thánh tượng sáng rực rỡ luôn hiện diện trước mắt ngài. Sau ngài đến Ngũ Ðài tu Ðịnh, phát minh được bổn tâm sẵn có. Ngài cắt máu chép kinh Hoa Nghiêm, mỗi một nét bút hạ xuống là một câu niệm Phật. Lâu dần, động tịnh hệt như nhau.

Sau ngài ẩn cư trong Lao Sơn là chỗ bọn ngoại đạo sanh sống. Thoạt đầu, chẳng có ai nghe đến danh hiệu Tam Bảo, nhưng lâu sau, ai nấy đều biết niệm Phật. Lý Thái Hậu hạ lệnh chở vàng đến dựng chùa, ban tấm biển đề tên chùa là Hải Ấn. Vua giận dữ, sai đầy ngài đi Lôi Châu. Nhân đấy, ngài trùng hưng tổ đình Tào Khê.

Về sau, ngài được vua hạ chiếu tha cho về, bèn kết am trong Lô Sơn, tu Tịnh Nghiệp càng thêm chuyên gắng. Ngài đột ngột đi về Tào Khê, thị hiện bịnh nhẹ, tắm gội, thắp hương, bảo đồ chúng rằng:

– Hãy nghĩ tới việc lớn sanh tử, vô thường mau chóng.

Ðoan tọa mà tịch, có quang minh chiếu rực tận trời, thọ bảy mươi tám tuổi, nhục thân hiện vẫn còn.

(theo Mộng Du Tập)

Nhận định:

Thánh tượng thường hiện, động tịnh nhất như thì đúng là tu hành Tịnh Nghiệp thật tinh cần. Vì chẳng chứng đắc chút ít đã cho là đủ nên nhục thân của ngài tồn tại vĩnh viễn. Xét ra, ắt ngài phải sanh trong Thượng Phẩm Thượng Sanh nơi Thật Báo Tịnh Ðộ hoặc Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ trong thế giới Cực Lạc.

5. Bỏ Thiền tu Tịnh

Ðại sư Ngẫu Ích Trí Húc đời Thanh là Tổ thứ chín của Liên Tông. Ngài họ Chung, người Ngô Huyện. Lúc tuổi trẻ, tự lấy việc học Nho làm trách nhiệm, viết sách bác Phật. Ðến khi ngài đọc được tác phẩm Trúc Song Tùy Bút của tổ Vân Thê bèn đốt những sách mình đã viết.

Năm hai mươi tuổi, nhân đọc kinh Ðịa Tạng bèn phát chí xuất thế, hằng ngày tụng danh hiệu Phật. Năm hai mươi bốn tuổi, nghe pháp sư Cổ Ðức giảng kinh, nghi tình chợt phát, dụng tâm tham cứu, chứng ngộ rỗng rang. Ngài liền bế quan ẩn tu ở Ngô Giang. Bị bịnh gần chết, ngài mới nhất ý cầu sanh Tịnh Ðộ.

Lúc bịnh giảm chút ít, ngài bèn kết đàn trì chú Vãng Sanh bảy ngày. Sau đấy, ngài ẩn tu tại Linh Phong, trước thuật những tác phẩm xiển dương Tịnh Ðộ được lưu truyền rộng rãi.

Ngài chợt thị hiện có bịnh, dặn dò sau khi trà tỳ hãy đem tro ngài hòa với bột đem thí cho các loài chim, cá để chúng được kết duyên Tây Phương. Sau đó, khi bịnh đã khỏi hẳn, ngài bèn ngồi xếp bằng, hướng về Tây, giơ tay lên mà tịch, thọ năm mươi bảy tuổi.

Ba năm sau, mở khám đựng nhục thân của ngài ra, tóc đã mọc dài phủ tai, vẻ mặt vẫn như lúc sống; môn nhân chẳng nỡ tuân theo di mạng nên lập tháp thờ ở Linh Phong.

(theo Linh Phong Tông Luận)

Nhận định:

Gặp lúc bịnh gần chết mới bỏ Thiền tu Tịnh. Sách Niệm Phật Trực Chỉ viết:

“Tinh tấn là chẳng vì chút bịnh duyên nhỏ hay lớn mà biếng nhác cái hạnh. Nếu như bị túc nghiệp sai sử thì nên tụng Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni. Trì một lần, diệt được tất cả các tội: ngũ nghịch, thập ác nơi thân. Trì được ba mươi vạn biến, quyết sẽ sanh về Tịnh Ðộ”.

Kinh Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Thần Chú có nói:

“Nếu tụng được chú này thì A Di Ðà Phật thường ngự trên đảnh người ấy, ngày đêm ủng hộ chẳng để cho oán gia có dịp hãm hại. Hiện đời thường được an ổn; lúc mạng sắp hết, tùy ý vãng sanh”.

Vì thế, lúc ngài vừa bớt bịnh liền kết thất trì chú bảy ngày. Những người ham Thiền Tịnh Song Tu hãy bắt chước ngài lấy việc chuyên tu làm trọng.

6. Làm việc nặng vẫn niệm Phật không gián đoạn

Ðại sư Cụ Hạnh Nhật Biện thời Dân Quốc, người huyện Hội Lý ở Vân Nam. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi ở rể nhà họ Tăng ở Diêm Nguyên, sanh được hai con trai. Nhà nghèo, ngài phải làm thuê cho Chúc Thánh ở núi Kê Túc. Năm hai mươi mốt tuổi, ngài dẫn cả nhà tám người xin đi xuất gia, thọ Cụ Túc.

Hòa Thượng Hư Vân dạy ngài tu pháp môn Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Ðộ. Ngài bèn dứt bỏ các duyên, nhất tâm hệ niệm. Ngài tai điếc, mặt mũi xấu xí, không biết chữ, ngày trồng rau, đêm lễ bái, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Rảnh rỗi thì tập tịnh tọa, học khóa tụng và các kinh điển, tự siêng gắng hết sức. Sư vừa đi tham bái tứ đại danh sơn trở về đất Ðiền (Vân Nam), gặp lúc ngài Hư Vân trùng hưng chùa Vân Thê, hỏi:

– Thầy đã đi thăm quyến thuộc chưa?

Sư thưa:

– Con chẳng bận tâm đến họ.

Hòa Thượng lại hỏi:

– Thầy tính làm gì?

Thưa:

– Những việc nặng nhọc nhất không ai chịu nổi, con sẽ gánh vác.

Phàm là những việc nặng như đắp tường, lợp nhà, trồng rau, trồng cây, vác đá, đào đất, quét tước, nấu nướng, ngài đều làm không lúc nào ngơi tay, nhưng không một khắc nào để câu niệm Phật bị gián đoạn.

Khi đêm xuống, vào lúc chỉ tịnh, ngài bèn lễ các kinh Kim Cang, Dược Sư, các kinh Tịnh Ðộ; cứ một chữ là một lạy. Tảng sáng, hồng chung vừa gióng, đã lên điện tham dự khóa tụng như thường, chưa hề ngủ nghỉ. Ngài tự vá áo, hoặc chằm vá áo giùm bạn đồng tham, mỗi một mũi kim là một câu Phật hiệu.

Trong kỳ hạn kết giới, được thỉnh làm Tôn Chứng, ngài bèn bán y, đem hết tiền mua sắm vật dụng để thiết trai cúng dường đại chúng. Hỏi ngài sẽ đi đâu, chỉ cười không nói. Giới đàn hoàn tất, ngài ngầm lên điện sau cùng, ngồi xếp bằng, hướng về Tây niệm Phật, dùng lửa tự thiêu, thọ ba mươi sáu tuổi. Hình trạng vẫn như lúc sống, mùi hương lạ lan tận ra xa.

Ðại chúng tranh nhau đến xem, vừa đánh khánh, di thể ngài chợt sụp xuống, hóa thành tro.

(theo Hư Vân Hòa Thượng Niên Phổ)

Nhận định:

Một chữ chẳng biết, nhưng lúc làm công việc nặng nhọc chưa hề gián đoạn niệm Phật. Chúng ta là những kẻ biết chữ đọc được sách, nếu cứ lơi là để uổng phí ngày tháng trôi qua há chẳng biết thẹn chăng?

Nhưng tự thiêu là chưa đắc tam muội. Chớ nên manh nha vọng niệm như vậy để khỏi bị ma dựa phát cuồng, vĩnh viễn đọa trong ác đạo!

7. Xả Quán niệm Phật

Ðại sư Huệ Tam Tư Nguyên thời Dân Quốc, người huyện Uyển Bình tỉnh Hà Bắc. Năm mười bảy tuổi xuất gia. Ít lâu sau, thọ Cụ Túc, vào học trường Phật Giáo Học Hiệu tại tỉnh An Huy, nghiên cứu tinh tường nội điển.

Ngài nhận trách nhiệm trụ trì chùa Sùng Thọ và Quảng Thiện ở Bắc Kinh. Ngài kiến lập, hưng khởi đạo tràng Hoa Nghiêm. Trước giờ Ngọ mỗi ngày, ngài tụng kinh Hoa Nghiêm. Cuối năm, ngài kết Hoa Nghiêm Phật Thất, lãnh đạo đại chúng huân tu pháp Chơn Không Pháp Giới Quán; từng đốn nhập Pháp Giới Ðịnh. Sau khi khai tịnh, mới ngộ được hư không pháp giới lý sự vô ngại, pháp hỷ tràn đầy, khen là chưa từng có.

Từ đấy, ngài càng thêm tinh tấn, tu Quán chẳng lùi. Tháng Mười Một năm Dân Quốc thứ ba mươi bảy (1948), ngài đến Ðài Loan lúc bốn mươi tám tuổi, lãnh trọng trách giảng dạy tại Phật Học Viện chùa Viên Quang ở Trung Lịch. Năm sau, ngài đến Sở Giảng Dạy Học Tập Phật Học ở Tân Trúc giảng dạy Phật giáo, đồng thời giảng kinh ở chùa Nhất Ðồng suốt bảy năm.

Sư thường sống tại các chùa ở Ðài Bắc, Nội Hồ, Nam Ðầu… để giảng kinh, độ chúng không đếm nổi. Năm năm mươi lăm tuổi, ngài sáng lập chùa Phước Huệ trên núi Linh Sơn ở xã Thọ Lâm, Ðài Bắc. Mỗi năm, vào tháng Bảy, ngài lập pháp hội Ðịa Tạng kéo dài bảy ngày, truyền U Minh Giới một lần. Mỗi năm, tại Ðài Loan, khi truyền tam đàn đại giới và giới tại gia, sư thường được suy cử vào một trong tam sư. Cả cõi âm lẫn dương gian đều được lợi, pháp hóa lợi ích vô cùng!

Năm sáu mươi sáu tuổi, sư lại càng thêm thường tinh tấn, hằng khóa niệm Phật mỗi ngày là ba vạn câu. Năm tám mươi tuổi liền bắt đầu niệm Phật, tọa thiền cộng tu, và khởi xướng nghĩa chẩn cứu dân nghèo và thí thuốc trong khuôn viên nhà chùa; sáng lập thư viện để mọi người đến đọc sách; đề xướng, lo liệu việc giảng giải, học hỏi Phật học. Hạnh lẫn giải càng thêm sâu, phước huệ song tu.

Sư từng đáp ứng lời thỉnh sang Mỹ hoằng pháp, qua Ðại Hàn truyền giới, người thọ giới lên đến hơn năm ngàn người. Giữa trưa ngày mồng Tám tháng Bảy năm Dân Quốc 75 (1986), sau khi dùng cơm, sư chợt nói:

– Ta muốn đi đây!

Liền triệu tập tất cả đệ tử trong chùa, dặn dò:

– Sau khi ta mất, các con nên hợp tác với nhau.

Sau bữa cơm chiều, ngài không bịnh gì, đang đứng mà hóa, thọ tám mươi sáu tuổi.

(theo tạp chí Từ Vân số 126)

Nhận định:

Ðại Sư mỗi ngày tụng kinh Hoa Nghiêm, tu Chơn Không Quán, từng nhập Pháp Giới Ðịnh, từ đấy tu Quán chẳng lui sụt. Ðến năm sáu mươi tuổi, bắt đầu mỗi ngày hằng khóa niệm Phật ba vạn tiếng; đấy là bỏ Quán niệm Phật.

Từ năm tám mươi tuổi trở đi, chợt lại tọa Thiền, niệm Phật cộng tu. Ðấy là tuổi già tịnh tọa niệm Phật, chứ chẳng phải là Thiền Tịnh Song Tu. Không bịnh, đang đứng mà hóa, nhất định phải là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

8. Chuyên cầu thoát khổ

Thời Dân Quốc, một người phụ nữ nghèo ở huyện Từ Khê tỉnh Triết Giang, không biết họ, nhà nghèo, con ngỗ nghịch. Một ngày nọ bị con mắng nhiếc, tâm đau đớn, khó nhẫn, đến than thở với vị Tăng ở gần nhà. Vị Tăng bảo:

– Bà đã biết khổ; sao chẳng đem cái khổ ấy bán đi?

Hỏi:

– Làm sao bán được đây?

Tăng bảo:

– Bà chuyên niệm A Di Ðà Phật cầu sanh Tây Phương. Lâm chung Phật đến tiếp dẫn đi thì vĩnh viễn thoát khỏi các nỗi khổ, chỉ hưởng các sự vui. Ðấy là bán khổ đi đó!

Bà nói:

– Mẹ con tôi sống chung một phòng. Giường và bếp kê chung một chỗ. Dưới gầm giường có chuồng heo. Bẩn thỉu như vậy làm sao niệm Phật được?

Tăng bảo:

– Không hề chi, bà sống tại gia thì chỉ cốt sao thường niệm, lúc rảnh có thể đến chùa lễ Phật.

Bà liền phụng hành đúng như lời dạy, chuyên cầu thoát khổ, niệm Phật không gián đoạn. Ba năm sau, trước lúc sắp lâm chung vài tháng, bà nói trước với con:

– Ngày tháng đó ta sẽ sanh Tây Phương. Ngươi đừng có đi ra ngoài, vì ta lo liệu hậu sự để trọn đạo làm con.
Người con chẳng tin; ít lâu sau, bà nhắc lại cũng chẳng tin. Vài ngày trước khi mất, chợt ngửi thấy mùi hương lạ, tìm khắp nơi chẳng biết từ đâu ra, mới tin lời mẹ là thật. Ðến kỳ, cả nhà trông chừng, thấy mẹ tắm gội, thay áo, ngồi ngay ngắn niệm Phật qua đời.

(theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Dùng cái tâm sợ khổ để niệm Phật là pháp mầu nhiệm bậc nhất để thoát khổ. Nếu chẳng phải là nhà nghèo, con ngỗ nghịch, tâm đau buồn khó chịu đựng nổi thì làm sao cam tâm chuyên cầu thoát khổ niệm Phật sanh Tây? Thuận, nghịch đều là phương tiện; nghịch cảnh còn thù thắng hơn thuận!

9. Dụng công mãnh liệt

Cư sĩ Tiền Dực Sơn tự Vạn Dật đời Thanh, người huyện Thường Thục, làm nghề nấu rượu, thích chè chén. Ít lâu sau, ông tu Tịnh nghiệp, tận lực sửa đổi lề thói cũ, tránh sát sanh, dứt rượu thịt, khuyên mẹ ăn chay trường niệm Phật.
Một người con của ông bịnh lao, niệm Phật qua đời, mọi người phỉ báng, ông vẫn thờ Phật như cũ. Vợ mất, ông vẫn điềm nhiên, cự tuyệt người khuyên tục huyền:

– Có con nhưng nó đã mất rồi, tôi cưới vợ nữa để làm gì? Chí tôi xuất thế, lẽ nào còn thèm thuồng có người nối dõi ư?

Nhà cửa bị lửa cháy, ông hướng lên không, nguyện:

– Nghiệp của tôi đáng bị lửa cháy, chỉ xin đừng làm tổn hại đến nhà hàng xóm.

Lửa tắt, quả nhiên nhà hàng xóm vô hại. Ông chợt mắc bịnh thổ huyết, tâm sanh tử càng thiết tha, niệm Phật càng mạnh mẽ. Ðến lúc bịnh nguy kịch, ăn vào là ói ra ngay. Người chú là Tạ Phượng Ngô kể chuyện cổ đức nhịn ăn để thấy Phật, ông vui vẻ bảo:

– Có phương cách tiện lợi lớn như vậy, tôi phải dũng mãnh làm theo!

Ông liền tắm gội, đến trước bàn Phật, thắp hương, phát thệ: giữ trai giới bảy ngày, bỏ tiền phóng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ. Ðêm ngày niệm Phật chẳng sót, có khát chỉ ăn dưa mà thôi. Có người hỏi: “Cả đêm chẳng ngủ, chẳng mệt mỏi hay sao?” Ông nói:

– Chẳng ngủ có lợi là niệm Phật được nhiều. Lúc tôi chưa bịnh chẳng được an nhàn; nay do bịnh mới được nhàn, đúng là lúc phải dốc sức, làm sao còn mệt nhọc được?

Hết kỳ hạn, thần thức hôn loạn, ông cả sợ, chắp tay đặt trên gối, ra lệnh đốt ngón tay. Ông Tạ nói:

– Lúc này, ngươi phát nguyện ấy thì cũng giống như đã đốt ngón tay rồi, chẳng bằng nhất ý cầu về Tây Phương thì hơn.

Ông liền nhắm mắt niệm Phật, lúc đầu còn miễn cưỡng, sau do dụng công mạnh mẽ, dần dần thần chí an định. Lại được mười mấy người trợ duyên, tiếng niệm Phật liên tục suốt ngày đêm. Ông chợt thấy Tây Phương Tam Thánh hiện tiền, quang minh, tướng hảo, toan cất thân lên kim đài; chợt nghe trên không có tiếng nói:

– Thân ông chưa sạch!

Ông liền sai lấy nước thơm tắm gội xong, Tam Thánh hiện như cũ, liền bảo người nhà rằng:

– Tôi đã đến được Tịnh Ðộ, thấy vô số hoa sen, tôi ngồi trên đó, sướng chẳng thể nói nổi!

Ông chỉ vào thân mình bảo:

– Ðây chẳng phải là thân ta!

Một lát, lại bảo:

– Phật đông nghẹt cả nhà!

Ngồi hướng về Tây, qua đời, thọ ba mươi tám tuổi.

(theo Tục Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Ðoạn được rượu thịt là tham độc đã hết. Bị cười chê chẳng đoái hoài là sân độc đã hết. Con chết, vợ mất vẫn điềm nhiên là ái căn đã đoạn. Cự tuyệt lời khuyên lấy vợ lần nữa, chẳng mong có người nối dõi là si độc đã hết.

Vì vậy, gặp phải nghịch cảnh, ông vẫn có thể chẳng thối thất cái tâm ban đầu; dù bịnh tật khổ sở vẫn giữ vững chánh niệm. Dù vì nghiệp chướng hiện tiền khiến thần thức hôn loạn, ông vẫn có thể dụng công mạnh mẽ, lại được trợ duyên nên nhanh chóng cảm được tướng tốt lành là đài vàng, thần hồn ngao du cõi Sen, thật đáng làm gương vậy!

10. Trợ niệm đắc lực

Cư sĩ Dương Liên Hàng thời Dân Quốc, người huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Nghe lời ông Ðồng Giác Hàng tu Tịnh nghiệp, lâu ngày đối với giáo nghĩa giải ngộ siêu quần.
Ông tham dự Liên Xã niệm Phật. Vì bị bịnh nên lại sát sanh, dần dần xa lìa các liên hữu. Sau bịnh nguy kịch, liên hữu bảo ông ắt phải chết. Tự xét mình không thể nào qua nổi, ông hoảng sợ, hối hận, bèn gắng sức đến trước Phật, tận tình bày tỏ, dốc lòng thành sám hối, lại giữ Ngũ Giới, thề chẳng tái phạm.

Từ đấy trở đi, ông buông bỏ vạn duyên, quét sạch ái dục, nhất tâm thầm niệm Phật hiệu đợi lúc lâm chung. Liên hữu biết công năng trì danh của ông nông cạn nên trước hết vì ông thỉnh người trợ niệm. Hai ngày sau, liên hữu cũng trợ niệm. Ông chợt thấy thần khí thanh sảng, mộng thấy quang minh. Ðến canh hai, liên hữu sắp ra về, chẳng biết rằng đến lúc đó, việc trợ niệm đã có hiệu lực. Ông liền bảo:

– Tôi chưa đến được Tây Phương, xin liên hữu lớn tiếng niệm Phật trợ niệm suốt đêm, đừng để lỡ!
Mọi người lại cao giọng niệm Phật, lại luôn luôn khích lệ ông. Chợt ông mỉm cười bảo:

– Tôi nay đã đến Tây Phương rồi, hoa sen đẹp quá! Ao báu đẹp quá! Quang minh đẹp quá!

Mắt ông nhìn chăm chú vào tượng Phật mà qua đời. Mọi người vẫn trợ niệm đến khi thân ông đã lạnh mới thôi, chẳng cho người nhà khóc than. Ðến trưa hôm sau, đảnh đầu ông vẫn còn ấm, thọ ba mươi tuổi!

(theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)

Nhận định:

Công phu trì danh nông cạn mà được vãng sanh là do sức liên hữu trợ niệm. Trợ niệm khẩn yếu như thế đó. Xin hãy đề xướng rộng rãi. Nếu như không có liên hữu thì xin hãy dùng băng niệm Phật để trợ niệm, tạm dùng làm phương tiện cũng có thể được hưởng đại lợi vãng sanh vậy!

11. Giác chiếu niệm Phật

Cư sĩ Phạm Dụng Hòa tự Nguyên Lễ đời Thanh, người huyện Tiền Ðường. Lúc nhỏ học Nho, thờ cha mẹ rất có hiếu. Lúc cha mẹ bịnh, trước sau, ông đã cắt thịt bắp tay hòa với thuốc trị lành bịnh cho cha.

Bước vào tuổi tráng niên, cha mẹ mất, vợ chết, ông từ bỏ trần duyên, tu tập huyền công (cách tu hành của Ðạo giáo) hơn mười năm, đạt chút linh nghiệm. Về sau, ông đọc những tác phẩm của ngài Vân Thê có phần tỉnh ngộ, bèn thọ Tam Quy, Ngũ Giới, nhất chí kiên trì, thậm chí những thứ làm bằng lông thú, dệt bằng tơ tằm, ông chẳng hề khoác vào thân. Bỏ hết những điều mình đã tu tập, chuyên tu Tịnh nghiệp. Ông ham làm lành, thí thuốc, phóng sanh, giúp đỡ người nghèo, chẳng nề nhọc mỏi. Gặp Tăng chúng nghèo bịnh, ông liền cúng dường chẳng thiếu gì.

Về sau, ông bế quan niệm Phật suốt trăm ngày. Lúc hơi thở ông vừa trở nên yên tịnh thì cách tu huyền thuật trước kia chợt hiện ra, nhận thấy khí Thiên Ðịa cuồn cuộn, mù mịt trong không trung xông thẳng vào miệng, mũi, chạy thẳng vào huyệt Ðan Ðiền, hòa hợp với nguyên khí của chính mình, [cảm thấy] khinh an chẳng thể diễn tả nổi. Giây lát, có một đứa bé cao mấy tấc từ đảnh đầu vọt ra, lãng đãng trước mặt; được một chốc, nó lại theo đảnh đầu trở vào.

Từ đấy trở đi, mỗi khi đến lúc hết sức tịch tịnh, vong niệm thì liền có đứa bé bước ra, trở vào như trên. Thoạt đầu, ông rất vui; lúc sau, ông chợt nghĩ:

– Ðây há chẳng phải là năm mươi thứ Ấm Ma như đã nói trong kinh Lăng Nghiêm đó ư? Nếu cho là kỳ đặc thì sẽ bị lạc vào quần ma! Niệm Phật chí tại Tây Phương, thánh cảnh chẳng hiện, sự này ích chi?

Ngay khi đó, ông liền giác chiếu, chánh niệm hiện tiền, đứa bé chẳng xuất hiện nữa. Ðối với yếu chỉ Duy Tâm, ông khế ngộ sâu xa; Tín – Hạnh – Nguyện lực càng thêm thuần thục. Thường bảo với mọi người rằng:

– Ðối với cửa ải hiểm yếu bậc nhất trong cuộc đời này nếu có chút phần chẳng rõ thì sẽ lạc vào bàng môn. Vì vậy, tu hành chẳng thể không thận trọng vậy!

Chợt ông kết liễu mọi việc, dặn dò, từ biệt bè bạn, ngồi niệm Phật qua đời. Lúc liệm, đảnh đầu vẫn còn nóng, thọ sáu mươi ba tuổi.

(theo Nhiễm Hương Tục Tập)

Nhận định:

Từng tu tập huyền công của ngoại đạo, nguyện thường giác chiếu nên khỏi bị đọa vào bàng môn. Chánh niệm hiện tiền, quần tà tự diệt.

12. Mật hạnh tinh tấn

Cư sĩ họ Trần đời Thanh, không rõ tên là gì, là chú họ của các ông Thế Anh, Mậu Tài ở huyện Thường Thục. Mỗi sáng dậy, ông thắp hương yên lặng tụng kinh, niệm Phật. Dù gió, mưa, lạnh, nóng đều chẳng gián đoạn. Suốt mấy năm như thế người nhà chẳng hay vì ông hành mật hạnh.

Trước khi mất ba tháng, ông tự bảo đã đến lúc sắp mất, người nhà thấy ông không bịnh tật gì nên không tin. Ba ngày trước khi mất, ông thị hiện bịnh nhẹ, vẫn đi đứng như thường. Ðến ngày, ông tọa hóa, người nhà kêu khóc; ông bèn mở mắt, dạy sơ lược vài lời, rồi nói: “Ta đi đây!” Lại yên lặng, thân bốc ra mùi hương lạ ba ngày mới hết.

(theo Vãng Sanh Cận Nghiệm Lục)

Nhận định:

Cổ nhân mật hạnh, dù nóng hay lạnh chẳng gián đoạn, dù là người nhà cũng chẳng hay biết. Nay thì hành nhân rêu rao khoe mẽ nhưng một ngày nóng mười ngày lạnh, cho nên người niệm Phật thì nhiều mà kẻ vãng sanh lại ít. Hãy dè dặt, hãy thận trọng

Trích trong Niệm Phật Thập Yếu của Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập