Thật Thà Niệm Phật

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.

“Trong thời đại Mạt Pháp, ức người tu hành, hiếm lắm mới có một người đắc đạo, duy chỉ nhờ niệm Phật mà được độ.” Trong thời đại Mạt Pháp, dù có trăm triệu người tu hành cũng chưa chắc có được một người đắc đạo. May nhờ có pháp môn Niệm Phật, mà chúng ta có thể thoát khỏi vòng sanh tử, ly khổ đắc lạc và vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta bất hạnh sanh vào thời ma cường pháp nhược, nhằm vào thời Mạt Pháp xa cách Phật quá lâu. Tuy nhiên, trong cảnh bất hạnh, chúng ta lại may mắn gặp được pháp môn Niệm Phật. Pháp môn Niệm Phật là vừa tiết kiệm tiền, lại không tổn phí tinh thần, vừa dễ dàng, lại còn thuận tiện. Nhân vì niệm Phật, chúng ta sẽ thành Phật.

Vì sao niệm Phật sẽ thành Phật? Bởi từ vô lượng kiếp trước, đức Phật A Di Ðà đã phát bốn mươi tám đại nguyện. Và trong bốn mươi tám nguyện đó, có một nguyện bảo rằng: “Nếu có chúng sanh nào niệm danh hiệu ta, mà không sanh về cõi Cực Lạc, ta thề sẽ không thành Chánh Giác.” Ðức Phật A Di Ðà phát ra những nguyện lực nầy, nguyện nguyện đều là nhiếp thọ chúng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, nhưng chỉ với điều kiện là chúng sanh phải có lòng tin. Tin là thật có đức Phật A Di Ðà đang ngự tại cõi Tây phương Cực Lạc, mà phát nguyện sẽ sanh về cõi Cực Lạc để làm đệ tử của Ngài, và thật lòng tha thiết xưng niệm danh hiệu A Di Ðà Phật. Chúng ta phải có tín, nguyện và hành, một khi đầy đủ ba thứ tư lương nầy, tất sẽ sanh về Tây Phương.

Thế giới Cực Lạc không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui và không có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Mặc dù nơi đó có bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, chim cộng mạng; nhưng những giống chim đó đều do đức A Di Ðà vì muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa ra. Ðây là do cảnh giới biến hóa ra, chứ không phải thật có súc sanh. Cực Lạc thế giới không có vạn khổ nung nấu, cùng muôn điều ác, ngập tràn phiền não như cõi Ta-bà.

Cõi Cực Lạc ngày đêm sáu thời đều diễn thuyết diệu pháp, niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Nhưng nếu muốn sanh về cõi Cực Lạc thì chúng ta phải niệm Phật một cách thành thật. Chúng ta không thể không thật thà niệm. Thật thà niệm là mình nhất tâm niệm Phật, và không màng đến chuyện mình sẽ thành Phật hay không thành Phật, cũng không màng về việc mình sẽ vãng sanh hay không vãng sanh, mà chỉ dụng công niệm Phật ngay tại lúc nầy. Niệm Phật, niệm cho được chuyên nhất thành thục và nhất tâm bất loạn. Ðến lúc sắp lâm chung, Phật A Di Ðà nhất định sẽ tiếp dẫn chúng ta về cõi Ngài.

Tại sao đức Phật Di Ðà lại đến tiếp đón những người bình thường như chúng ta? Ðiều nầy rất là khó tin. Không sai! Ðây chính là pháp khó tin. Cho nên không người thưa hỏi mà đức Phật Thích Ca lại tự nói ra Kinh A Di Ðà. Bởi vì không ai biết, cũng không ai tin pháp nầy, cho nên đức Phật Thích Ca với tấm lòng từ bi, tha thiết đã nói cho chúng sanh thời Mạt pháp chúng ta biết tu hành theo con đường tắt ở thời Mạt pháp đây.

Thật thà niệm Phật là miệng niệm Phật, tâm cũng niệm Phật. Ði, đứng, nằm, ngồi chúng ta cũng đều niệm A Di Ðà Phật. Khẩu niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, thân hành trì theo hạnh của Phật A Di Ðà. Sao gọi là hạnh? Giống như hiện nay chúng ta đang dự Phật Thất. Bất luận là bận như thế nào, chúng ta cũng phải buông bỏ để tham gia Phật Thất, và phải niệm cho được nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn tức là niệm nầy tiếp theo niệm kia, niệm niệm tương tục. Không phải là mình niệm được một lúc rồi thấy mệt mỏi, lại muốn bỏ đi nghỉ. Người mà lười biếng như thế thì không thể nào đắc được Niệm Phật Tam Muội. Ðó gọi là không thật thà niệm Phật.

Thật thà niệm Phật tức là nhất tâm, nhất ý niệm Phật. Lúc niệm Phật, những chuyện như ăn uống, mặc áo, đi ngủ mình đều quên hết. Ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ vốn là chuyện thường tình, đời sống con người không thể rời bỏ được; mỗi con người ngày ngày đều không thể thiếu những điều đó. Nhưng khi niệm Phật mà có thể quên được ba chuyện đó, thế thì chúng ta không biết là mình ăn uống, mặc áo hay ngủ nghỉ gì cả, đó mới chính là thật thà niệm Phật. Nếu chúng ta biết lúc nào mình phải đi ăn cơm, đó không phải là thật thà niệm Phật. Hoặc biết là mình muốn mặc thêm áo khi trời lạnh, đó không phải là thật thà niệm Phật. Hoặc khi ngủ không đủ giấc thì mình muốn đi nghỉ, đó không phải là thật thà niệm Phật.

Thật thà niệm Phật là bất luận đi đứng nằm ngồi gì, mình cũng chỉ biết có sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Ðà Phật.” Quý vị niệm thành một chuỗi liên miên không đứt đoạn; cho đến tiếng nước chảy cũng là niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật,” tiếng gió thổi cũng là niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật”, tiếng chim kêu cũng là niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật.” Phải niệm cho đến khi Nam Mô A Di Ðà Phật và tự chính mình không thể tách rời nhau. Niệm cho đến ngoài “Nam Mô A Di Ðà Phật” không còn cái tôi, ngoài cái tôi lại cũng không còn “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Tiếng niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật” của tôi và tôi hợp thành một. Bấy giờ, gió thổi cũng không thấu qua, mưa rơi cũng không lọt vào, thế là chúng ta đạt được Niệm Phật Tam Muội. Nước chảy, gió động đều là diễn thuyết diệu pháp, niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật,” đó chính là Thật Thà Niệm Phật.

Giả như nước chảy biết là nước chảy, gió động biết là gió động, hoặc nhìn ngang ngó dọc, xem các nơi có động tĩnh gì, đó tức là mình không thật thà niệm Phật. Nếu vừa niệm Phật, vừa nhìn trước ngó sau như muốn ăn trộm đồ, đó chính là mình không thật thà niệm Phật.

Thật thà niệm Phật là niệm nào đều biết niệm đó, niệm tư tại tư, không có vọng tưởng gì, cũng không nghĩ ngợi gì đến ăn ngon hoặc uống trà, chuyện gì cũng quên hết. Ðây không có bí quyết gì, chỉ cần quản chế tâm mình trụ lại và đừng vọng tưởng thì đó là thật thà niệm Phật. Nếu quý vị không khống chế được tâm mà cứ lo vọng tưởng, thế thì không phải là thật thà niệm Phật. Khi quý vị đề khởi chánh niệm, đó tức là thật thà niệm Phật. Nếu quý vị cứ nghĩ ngợi lung tung và khởi tà niệm, thế là không thật thà niệm Phật.

Cho nên niệm Phật một cách thật thà là điều vi diệu không thể nói. Nếu quý vị thật biết niệm Phật thời sẽ đạt được đại Tự Tại, không người, không ta, không chúng sanh, không thọ giả, và chỉ có tiếng Nam Mô A Di Ðà Phật mà thôi!

Nói là Pháp, hành là Ðạo. Chỉ nói mà không hành là như đếm tiền của người, mình không được lợi ích chút nào. Hôm nay tôi nói đạo lý nầy, nếu quý vị hiểu rõ rồi thì phải thật thà niệm Phật, thật thà dự Phật Thất. Ðây là thời gian quý báu nhất trong cuộc đời chúng ta, vậy đừng để nó trôi qua một cách luống uổng. Tôi hy vọng quý vị sẽ nỗ lực niệm Phật, đem cả ba tâm: kiên trì, chí thành, và thường hằng của mình ra để niệm Phật và dự Phật Thất.

Giảng ngày 16 tháng 12 năm 1985
Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)
 


Sanh Tử Như: Ngủ, Thức – Nhưng Vẫn Niệm A Di Ðà

Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta sanh ra rồi tử, tử rồi lại sanh, giống như con người thức rồi lại ngủ, ngủ rồi lại thức. Tối đến đi ngủ thì giống như người chết. Ðến sáng thức dậy, giống như người mới sanh ra. Chẳng qua chuyện sanh tử nầy thì ngắn ngủi, còn cuộc đời thọ mạng của chúng ta, so ra thì dài hơn một chút.

Song, sanh tử thì cũng giống như chuyện ngủ, thức mà thôi. Vì sao? Bởi chúng ta có lúc hồ đồ mê muội, có lúc minh bạch sáng suốt. Minh bạch tức là sanh, hồ đồ tức là tử. Cho nên, nếu chúng ta có một niệm sáng suốt, và với niệm đó là mình đang sống; hễ có một niệm mê muội, với niệm đó là mình như đã chết. Ðó là thời gian ngắn ngủi tạm bợ của cuộc sanh tử. Bất luận thời gian sanh tử dù ngắn thì cũng vậy, dài cũng vậy, cũng đều là luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi, nổi trôi chìm hụp chẳng yên. Có lúc chúng ta được sanh vào nhà giàu sang phú quý, có lúc lại sanh vào nhà nghèo hèn bần tiện. Có lúc chúng ta sanh làm trâu, làm ngựa, làm súc sanh, có lúc làm ngạ quỷ, hoặc xuống địa ngục. Ðây đều là những kiếp luân hồi, nổi trôi bất định trong biển khổ sanh tử, vì sự sanh tử tuần hoàn nầy không chấm dứt, không khi nào hết được.

Ðức Phật Thích Ca vì quá tội nghiệp chúng sanh, cho nên Ngài chờ không nổi nữa mà “bất vấn tự thuyết,” không ai hỏi mà Ngài tự nói ra Pháp Môn Tịnh Ðộ nầy. Pháp Môn Tịnh Ðộ là pháp môn phương tiện rất dễ dụng công. Ðường đi rất ngay thẳng, chỉ cần chúng ta niệm Nam Mô A Di Ðà Phật với lòng tin, lòng phát nguyện và tâm thực hành là đủ rồi.

Cho nên tín, nguyện, hành là ba món tư lương, là ba thứ lộ phí cần thiết để chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Thứ nhất, chúng ta phải tin Ðức Phật A Di Ðà, tin Thế Giới Cực Lạc, tin pháp môn niệm Phật có thể đưa chúng ta đến cõi Cực Lạc để diện kiến đức Phật A Di Ðà. Chúng ta phải có lòng tin. Chớ nên nói: Tôi chưa thấy điều đó, mà cũng không có chứng cớ gì nên tôi không thể nào tin được. Chúng ta chỉ cần có lòng tin, còn ngoài ra không cần gì khác cả. Kế đến là sự phát nguyện gặp đức Phật A Di Ðà, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, nguyện tu pháp môn niệm Phật. Sau khi đã phát nguyện, chúng ta phải y chiếu theo pháp môn Tịnh độ, niệm Phật mà tu hành. Chúng ta phải lão thật niệm Phật, tức là phải niệm Phật một cách thật thà. Niệm thật nhiều rồi, chúng ta mới có thể trở thành một khối, nhất tâm bất loạn và đạt được Niệm Phật Tam Muội. Như thế chúng ta nhất định sẽ được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Ta Bà là cõi muôn cảnh khổ nung nấu vây quanh, đầy dẫy vạn điều dữ ác, cùng những mưu tính hãm hại lẫn nhau, không có lúc nào bình an. Ở cõi Tây Phương Cực Lạc thì chẳng hề xảy ra những chuyện phiền não hay có vấn đề gì. Bởi vậy chúng ta phải mong cầu được sanh về cõi Cực Lạc, được diện kiến đức Phật A Di Ðà, được hóa sanh từ liên hoa và đạt được quả vị bất thoái chuyển. Bất thoái chuyển là: vị bất thoái, niệm bất thoái và hành bất thoái. Vị bất thoái là chứng được quả vị không thoái đọa. Niệm bất thoái chuyển là tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thời khắc nào tâm cũng không thoái chuyển. Hành bất thoái tức tu hành theo pháp môn nầy mình cũng không thoái chuyển.

Khi quý vị chứng đắc được tam bất thối nầy, tương lai nhất định sẽ thành Phật. Một khi chúng ta có được ba món tư lương: tín, nguyện, hành rồi, thời rất dễ cho ta đi trên con đường diện kiến đức Phật A Di Ðà ở cõi Cực Lạc, bởi vì đó là nguyện lực của đức Phật A Di Ðà. Trong mười phương thế giới, nếu có chúng sanh nào thành tâm niệm danh hiệu Nam Mô A Di Ðà Phật, thời người đó lúc lâm chung sẽ được đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn về cõi Phật.

Khi niệm Phật cũng như là mình đánh điện tín đến Thế Giới Cực Lạc vậy. Chúng ta niệm Phật một câu là đánh một cái điện tín, niệm Phật hai câu là đánh hai cái điện tín. Mỗi ngày chúng ta đều đánh điện đến đức Phật A Di Ðà, đức Phật A Di Ðà ở cõi Cực Lạc cũng có ra-đa, cũng có máy nhận điện tín. Vậy máy ra-đa, máy nhận điện tín là cái gì? Thì là ao sen thất bảo đó. Quý vị niệm Phật một câu, hoa sen lớn lên một chút. Nếu quý vị niệm niệm đều là A Di Ðà Phật, như vậy hoa sen sẽ to lớn dần như bánh xe. Chờ đến lúc quý vị sanh về cõi Cực Lạc, nhất linh Phật tánh của quý vị và nhất linh chân tánh của quý vị sẽ đến hoa sen nầy mà hóa sanh. Khi hoa sen nở, Phật tánh của quý vị cũng sẽ xuất hiện. Cho nên nói:

Nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,
Bất thoái Bồ Tát vi bạn lữ.

Chúng ta mong muốn sẽ được hoa sen thượng phẩm thượng sanh làm cha mẹ. Khi hoa sen nở là chúng ta thấy được đức Phật A Di Ðà và ngộ nhập được vô sanh pháp nhẫn. Lúc bấy giờ chúng ta chứng được bất sanh bất diệt, thoát khỏi sanh tử, được cùng làm bạn với chư vị Bồ Tát bất thoái. Khi chúng ta đến Thế Giới Cực Lạc, bằng hữu và quyến thuộc của chúng ta đều là bạn với các vị Ðại Bồ Tát. Cho nên chúng ta ngày ngày cùng nhau giảng kinh thuyết pháp, đều cùng hướng về phía trước mà tiến tới.

Giảng ngày 17 tháng 12 năm 1985
Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)