kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Thánh Tăng Cưu Ma La Thập

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Thánh Tăng Cưu Ma La Thập



    Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch

    Bây giờ nói đến vị Pháp sư phiên dịch bộ “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”—Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, người nước Diêu Tần.

    “Diêu Tần”: “Diêu Tần” khác với “Phù Tần, Doanh Tần”, là tên gọi của một triều đại, do Diêu Hưng xưng vương lập ra 當政的時代. Nước Diêu Tần, xét theo hệ thống triều chánh Trung Hoa là triều đình của nước “Tần”, dựng tại Trường An vào thời Đông Tấn; Tần nầy không phải là triều Tần của Tần Thủy Hoàng. Lúc đầu, nước Tần nầy do Phù Kiên cai trị, vì trong lịch sử trước đó đã có triều Tần, nên để phân biệt gọi là “Phù Tần”.

    Trước triều Tần là thời đại Chiến Quốc Thất Hùng, trong cục diện bảy nước tranh hùng tranh bá. Đến đời Doanh Chính, ông diệt sáu nước kia, lập ra nhà Tần, nên lịch sử gọi triều Tần của Tần Thủy Hoàng lúc đó là “Doanh Tần”. Về sau Hán Cao Tổ Lưu Bang tiêu diệt nhà Tần. Đến những năm cuối triều đại Đông Hán, nước Hán phân làm ba nước (Tam Quốc). Sau Tam Quốc thì đến triều Tấn; lòng người lúc bấy giờ có một số còn luyến tiếc triều Tần, thế là Phù Kiên tổ chức một đảng phái tại Trường An, lập ra một nước, cũng gọi là “Tần”, tự cho mình là hậu duệ của Tần Thủy Hoàng, nước nầy chính là nước “Phù Tần”.

    Bấy giờ, có một vị quan Khâm Thiên Giám, chuyên coi về thiên văn nhìn thấy trên vùng trời Ấn Độ xuất hiện một vì sao trí—ngôi sao nầy chỉ cho người có trí tuệ, liền thưa với Phù Kiên: “Hiện nay ở Ấn Độ có một bậc đại trí tuệ, sau nầy sẽ đến Trung Hoa, đến để ủng hộ Trung Hoa.” Phù Kiên vui mừng: “Ồ! Ta biết người nầy là ai rồi, người nầy chắc chắn là Pháp sư Cưu Ma La Thập. Chúng ta mau phát binh đi cướp Ngài về!” Thế là Phù Kiên phái đại tướng quân Lữ Quang, dẫn theo bảy vạn người ngựa, đi chinh phạt nước Quy Tư, cướp Pháp sư Cưu Ma La Thập. Nước Quy Tư (thuộc huyện Khố Hiệt, tỉnh Tân Cương (vùng Kucha) Trung Hoa ngày nay), là một nước nhỏ đương thời. Hai chữ “Quy Tư” (龜茲), vốn đọc đúng âm là “Quy Tư” (歸資), nhưng trong kinh văn có vẽ một khoen tròn, nên phải đọc là “Thu Từ” (秋慈).

    Trước khi Lữ Quang chưa đến nước Quy Tư, Pháp sư Cưu Ma La Thập có nói với quốc vương nước Quy Tư rằng: “Hiện nay Trung Hoa đang xuất binh chinh phạt nước Quy Tư chúng ta, quốc vương không nên đối địch với họ, vì mục đích của họ không phải muốn tranh dành lãnh thổ, muốn chiếm lĩnh đất nước chúng ta. Nếu họ có yêu cầu gì, quốc vương nên thể theo đó giảng hòa với họ; họ cần điều gì, quốc vương nên đáp ứng điều đó!” Tiếc là quốc vương Quy Tư không nghe lời khuyên của Pháp sư Cưu Ma La Thập, đợi Lữ Quang đến, liền khởi binh nghinh chiến.

    Lúc bấy giờ, quân đội Trung Hoa rất mạnh, Quy Tư chỉ là một nước nhỏ, vừa giáp chiến đã bại trận, quốc vương Quy Tư bị quân sĩ Lữ Quang giết chết, họ bắt Pháp sư Cưu Ma La Thập mang đi. Quốc vương Quy Tư vốn là người rất tin Phật, cớ sao lại bị quân đội Trung Hoa thảm sát? Vì nghiệp sát kiếp trước của quốc vương quá nặng, định nghiệp khó chuyển, nên không có cách nào tránh khỏi nghiệp báo.

    Lữ Quang diệt nước Quy Tư, bắt Pháp sư Cưu Ma La Thập mang đi đến Tây Lương Trung Hoa, thuộc vùng đất ở huyện Đôn Hoàng - tỉnh Cam Túc ngày nay thì nghe tin trong nước có loạn đảo chính, Diêu Trường giết chết Phù Kiên, đoạt lấy ngai vàng, lên ngôi làm hoàng đế nước Tần. Vì vị vua mới họ Diêu, nên mọi người đổi “Phù Tần”, gọi là “Diêu Tần”, nước Diêu Tần ra đời từ đó.

    Lữ Quang nghe tin trong nước có loạn đảo chánh, Diêu Trường lên làm hoàng đế, nên bấy giờ ông không quay về trường An nữa. Lữ Quang ở lại Lương Châu, lập dinh hạ trại—đó là một vùng trũng trong núi, địa thế vô cùng trũng thấp. Pháp sư Cưu Ma La Thập khuyên Lữ Quang: “Nơi nầy vô cùng nguy hiểm, không nên lập dinh ở đây! Lập dinh ở đây “rất bất lợi”. Nếu có nước lớn dâng lên, rất có thể sẽ dìm chết tất cả binh sĩ chúng ta!” Lữ Quang vốn không có niềm tin với Pháp sư La Thập, ông tỏ vẻ bất cần nói: “Pháp sư biết gì? Pháp sư là người xuất gia, hiểu gì về việc bày binh bố trận? Pháp sư không cần lo! Dìm chết ư? Làm sao có thể dìm chết được chứ?”, và không nghe theo lời khuyên của Ngài.

    - Đến nửa đêm hôm nay, tướng quân sẽ thấy lời tôi nói có ứng nghiệm hay không?

    Quả nhiên nửa đêm hôm ấy, trong núi phát ra tiếng hú gào! Núi hú gào là sắp có nước lũ. Nước lũ tràn dâng mãnh liệt, nước trong núi tuôn trào cuồn cuộn, không biết nước lớn đến cỡ nào mà đã nhận chết năm- sáu ngàn người trong quân đội của Lữ Quang. Lữ Quang dẫn bảy vạn người ngựa đến gây chiến với nước Quy Tư, chết trận khoảng vài ngàn; trên đường về đến đây bị nước nhấn chìm chết thêm một số nữa. Từ đấy, Lữ Quang mới biết được đôi chút về lai lịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập, Ngài có thần thông, là một người phi thường; từ đấy Lữ Quang không dám khinh mạn nữa, và rất tin tưởng vào Pháp sư Cưu Ma La Thập.

    Lữ Quang nghe nói trong nước có loạn đảo chính, Diêu Trường giết chết Phù Kiên, thế là ông liền án binh bất động tại Lương Châu, cho đến khi Diêu Trường làm hoàng đế được vài năm, chết đi, con trai Diêu Hưng lên kế vị.

    Diêu Hưng biết được việc trước kia Phù Kiên sai Lữ Quang đi bắt Pháp sư Cưu Ma La Thập, nên đòi Lữ Quang giao trả Cưu Ma La Thập, Lữ Quang không chịu; Diêu Hưng lại phát binh đi đánh Lữ Quang. Bấy giờ Lữ Quang đã chết, con trai Lữ Long thay cha làm vua ở đó. Vừa ra nghinh chiến, Lữ Long đã bại trận; Diêu Hưng thỉnh Pháp sư Cưu Ma La Thập đến Trường An, bắt đầu công việc phiên dịch kinh điển. Công việc nầy vô cùng vất vả.

    Vì sao Lữ Quang đi bắt Pháp sư Cưu Ma La Thập? Vì sao Diêu Hưng lại phái binh đi đón Ngài? Vì Pháp sư Cưu Ma La Thập là một bậc đức cao vọng trọng đương thời, mọi người đều sùng bái, tín ngưỡng. Từ khi Diêu Hưng đón Ngài về Trung Hoa, kinh điển mới được phiên dịch rất nhiều. Đây là nhân duyên Pháp sư Cưu Ma La Thập đến Trung Hoa.

    Đón Pháp sư Cưu Ma La Thập về đến Trung Hoa, Diêu Hưng nghĩ: “Trí tuệ của vị Pháp sư nầy rất lớn, không ai có thể sánh kịp. Người có trí tuệ lớn như thế, mà không lưu lại hậu duệ, thật là đáng tiếc!”, thế là bức ép Pháp sư kết hôn, ban cho hai mỹ nhân trong cung, làm phu nhân của Ngài. Mục đích của vua là muốn Pháp sư Cưu Ma La Thập sinh ra một người con trai trí tuệ, tiếp nối học vấn của Ngài.

    Lúc bấy giờ, do bị áp bức bởi thế lực của hoàng đế, Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập không có cách gì khước từ, đành phải chấp nhận điều kiện này. Thế nhưng, chấp nhận điều kiện này rồi thì sau đó thế nào?

    Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập không được thông thạo Trung văn cho lắm, song về Phạn văn lại rất tinh thông, cho nên đương thời có hơn tám trăm người xuất gia tụ hội lại và cùng làm trợ thủ cho Ngài, giúp đỡ Ngài trong công việc phiên dịch kinh điển.

    Pháp sư Cưu Ma La Thập chủ trương người xuất gia không có vợ, nhưng bây giờ chính Ngài lại có vợ, hơn tám trăm người phụ tá lúc bấy giờ đều không phục, lên tiếng: “Pháp sư xem! Pháp sư bảo chúng tôi không nên tiếp cận người nữ, bảo chúng tôi không được có vợ!”. Pháp sư Cưu Ma La Thập chủ trương người xuất gia không có vợ, nhưng bản thân Ngài lại có vợ, nên số người phụ tá nầy rất không phục, vô cùng bất mãn nói: “Hừm! Pháp sư chỉ việc nói, Pháp sư lừa dối chúng tôi! Trong khi hiện tại bản thân Ngài lại như thế!”. những người này không biết do hoàn cảnh bức bách, bất đắc dĩ Pháp sư Cưu Ma La Thập mới làm như thế.

    Một hôm, vào giờ quá đường buổi sáng—khi người xuất gia thọ trai gọi là “quá đường”. Khi các Pháp Sư vào trai đường ngồi xuống ăn thì trước mặt chẳng thấy gì để ăn cả, trừ một bao bằng giấy trong có các cây kim may (kim khâu quần áo), mỗi người một bao như vậy. Để làm gì vậy? Pháp sư Cưu Ma La Thập bảo với mọi người: “Hôm nay chúng ta không dùng cơm, chỉ dùng bọc kim nầy thôi!”, ăn kim thay thế cơm, Pháp sư nói như thế, quý vị thấy như thế nào? Quý thầy, người nầy nhìn người kia, người kia nhìn người nọ; người nầy trông người kia, người kia trông người nọ, không một ai dám ăn. “Làm sao mà ăn kim được? Pháp sư thật biết giở trò! Thật điên mất rồi! Tại sao lại bảo chúng ta ăn kim?” Có thầy bực tức: “Kim nầy làm sao có thể ăn được mà Ngài bảo chúng tôi ăn? A! Hay là Ngài dùng trước thử xem!”

    Pháp sư Cưu Ma La Thập thản nhiên: “Ồ! Quý vị không thể ăn được à? Được, đem đến đây tôi ăn!” Mọi người nhanh chóng mang đến trước mặt Ngài hơn tám trăm bọc kim của hơn tám trăm người; Ngài mở bao giấy ra, ăn ngon lành hết tất cả kim trong bọc giống như ăn mì. Mọi người đều trố mắt: “Ái chà! Pháp sư đang làm gì vậy? Có phải đang chơi trò ảo thuật? Những bọc kim nầy thật có thể ăn được sao?”

    Ăn kim xong, Pháp sư hỏi họ: “Không một ai trong các vị có thể ăn kim được à? Bây giờ tôi tuyên bố với quý vị: ‘Ai có khả năng ăn được kim, thì có thể kết hôn; ai không có khả năng, không được kết hôn.’ Ai muốn kết hôn, trước tiên phải ăn một bọc kim!” Hơn tám trăm vị trợ lý nhìn nhau: Ây! Bản thân chúng ta không có đạo lực lớn như thế, không thể ăn được. Từ đó, những vị nầy không còn xem thường Cưu Ma La Thập, cũng như không dám phản đối Ngài nữa.

    Cưu Ma La Thập rời khỏi trai đường, trở về đến phòng mình; có hai thị giả đi theo. Pháp sư bảo với hai thị giả: “Hai vị giúp tôi một việc!” Hai thị giả hỏi: “Việc gì thưa Pháp sư?” “Hai vị giúp tôi nhổ tất cả số kim nầy ra dùm!” Kim từ các lỗ chân lông phún ào ào ra bên ngoài, giống như đang chơi trò ảo thuật vậy.

    Trong lịch sử Trung Hoa, Pháp sư Cưu Ma La Thập có hai người con trai; nhưng thần thông diệu dụng của Ngài thì không thể nghĩ bàn. Chúng ta không vì chuyện Pháp sư Cưu Ma La Thập có con và có vợ mà khinh thường Ngài. Pháp sư Cưu Ma La Thập quả thật là Bồ tát thị hiện.

    Đề cập đến thân thế của Pháp sư Cưu Ma La Thập cũng rất dài. Cha Ngài tên Cưu Ma La Viêm, là con trai của Thừa Tướng của một nước thuộc miền trung Thiên Trúc Ấn Độ. Theo chế độ đương thời, Cưu Ma La Viêm được quyền thừa kế chức vụ thừa tướng của cha, nhưng ông lại không muốn làm quan. Vậy muốn làm gì? Muốn học đạo, muốn xuất gia tu hành; thế là ông vân du khắp nơi, tìm kiếm minh sư học đạo.

    Vì phụ thân của Cưu Ma La Viêm là một quan lớn, nên Cưu Ma La Viêm đến đâu cũng được mọi người nghinh đón; khi Cưu Ma La Viêm đi đến nước Quy Tư. Quốc vương Quy Tư ra ngoài thành nghinh tiếp, mời ngài về cung dự yến tiệc . Quốc vương có một người em gái tên Kỳ Bà, khi dùng cơm, vừa nhìn thấy Cưu Ma La Viêm, quận chúa liền đem lòng thương yêu. Quận chúa là người rất thông minh, bao nhiêu nam nhân trong nước đều không lọt được vào mắt xanh của nàng, nàng không chấm được ai. Lần nầy nhìn thấy Cưu Ma La Viêm, vừa thấy tâm liền xao động, đem lòng yêu mến. Tuy quận chúa không nói gì với anh mình, nhưng quốc vương Quy Tư là người thông minh, nhìn qua đã biết em gái có cảm tình với Cưu Ma La Viêm, muốn được cùng Cưu Ma La Viêm nên duyên cầm sắt; thế là quốc vương liền đem em gái mình gả cho Cưu Ma La Viêm.

    Quận chúa gả cho Cưu Ma La Viêm không bao lâu thì mang thai. Quý vị đoán xem việc gì xảy ra? A! Đã phát sanh chuyện lạ rồi đây! Chuyện lạ gì vậy? Kỳ Bà vốn không biết tiếng Ấn Độ, nhưng từ sau khi mang thai Pháp sư Cưu Ma La Thập, quận chúa tự nhiên có thể nói và nghe hiểu được tiếng Ấn Độ, biết được tất cả tiếng Phạn; không chỉ thế, quận chúa còn được biện tài vô ngại, trí tuệ ngày một sắc bén thêm lên.

    Đương thời có một vị La hán, vị ấy bảo với mọi người: “Đứa bé trong bụng của quận chúa không phải là người bình thường, chắc chắn là một bậc đại trí…” Vị La hán nầy nhắc lại câu chuyện của tôn giả Xá Lợi Phất, đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài nói: “Ngài Xá Lợi Phất trước kia, khi đang còn ở trong bụng mẹ, cũng đã khiến cho người mẹ có được trí tuệ sắc bén; nói chung, đứa trẻ nầy cũng giống như Ngài Xá Lợi Phất.” Pháp sư Cưu Ma La Thập ở trong bụng của mẹ mình, đã giúp cho người mẹ có được trí tuệ vượt bậc.

    Kỳ Bà sinh ra Cưu Ma La Thập, ba năm sau cô lại cho ra đời đứa con trai thứ hai. Lúc nầy, quận chúa thường đến chùa Xảo Lê Đại Tự nghe giảng kinh thuyết pháp. Vì có căn tánh rất linh lợi, nên khi nghe pháp của pháp sư giảng, quận chúa liền ngộ ra rằng con người sống trên đời đều là “khổ, không, vô thường, vô ngã”, và liền phát tâm muốn xuất gia; lúc nầy, Pháp sư Cưu Ma La Thập mới được bảy tuổi.

    Cưu Ma La Viêm trước kia vốn muốn xuất gia, nhưng sau khi kết hôn với quận chúa Quy Tư thì không còn muốn xuất gia nữa; ông lưu luyến người vợ rất mực xinh đẹp, tham tiếc tiền tài, địa vị, cái gọi là vinh hoa phú quý tột đỉnh. Trong “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” nói: “Bần cùng bố thí nan, phú quý học đạo nan” (nghèo cùng khó bố thí, giàu sang khó học đạo). Cưu Ma La Viêm vì bị phú quý mê hoặc, nên không chỉ ông không muốn xuất gia, mà ngay cả vợ muốn xuất gia, ông cũng không đồng ý.

    Kỳ Bà đã hạ quyết tâm. Quyết tâm gì? Cô phát lời nguyện: “Nếu như không được xuất gia, tôi thà chết cũng không muốn ở trong cung, chỉ muốn chết mà thôi.”

    Ban đầu quận chúa không ăn cơm, Cưu Ma La Viêm cũng không lấy làm lạ, một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, đến ngày thứ sáu cũng nhất định không ăn; không chỉ không ăn, đến nước cũng không uống, không đưa bất kỳ thứ gì vào miệng. Cưu Ma La Viêm thấy thế, biết không ổn! Nếu như không cho vợ xuất gia, cô ấy sẽ đói chết; tuy không muốn cho vợ đi, nhưng giờ cũng đành phải cho, bèn nhượng bộ bảo vợ rằng: “Được rồi! Bà muốn xuất gia, tôi cho bà xuất gia! Nhưng trước hết phải ăn chút gì đã!”

    Kỳ Bà khôn ngoan: “Ông cho tôi xuất gia thật sao? Vậy trước tiên ông mời Pháp sư đến xuống tóc cho tôi, sau đó tôi mới ăn; nếu như không xuống tóc, đợi tôi ăn xong, ông lại không cho, thì tôi biết phải làm sao?” Trong tình thế bắt buộc, Cưu Ma La Viêm không còn cách nào khác, không còn lựa chọn nào khác, đành phải đến chùa Xảo Lê, thỉnh hòa thượng trụ trì đến xuống tóc cho vợ. Xuống tóc xong, quận chúa mới chịu ăn uống trở lại.

    Kỳ Bà ăn xong, vì đã xuống tóc, trở thành người xuất gia rồi! Nên từ đó chuyên tâm tu học Phật pháp. Sau khi xuất gia không bao lâu, quận chúa liền chứng quả. Tại sao chưa bao lâu lại được chứng quả? Vì quận chúa học Phật pháp với tâm thành khẩn tha thiết! Chúng ta nhất định phải thật sự có tâm thành khẩn đối với Phật pháp, nếu như không có, dầu tu học bao lâu cũng không có sở đắc. Vì tâm thành của quận chúa đã đạt đến cực điểm: “Nếu không cho phép xuất gia, tôi thà chết!” Chỉ có chết! Vì quận chúa đã xem thường sống chết, nên nói: “Tịnh cực quang thông đạt”, sự thanh tịnh đạt đến cực điểm, buông bỏ tất cả; ngay lúc nầy, linh quang (giác tánh) hiển hiện, chứng đắc được Sơ quả.

    Sau khi chứng Sơ quả, có một hôm, Kỳ Bà dẫn Cưu Ma La Thập vào chùa lễ Phật. Pháp sư Cưu Ma La Thập lúc đó chỉ là một đứa trẻ mới lên bảy, đến chùa, nhìn thấy người ta lạy Phật, Ngài cũng lạy theo; nhìn thấy người ta đốt hương, Ngài cũng đốt theo. La Thập lại nhìn thấy trước tượng Phật có đặt một cái đỉnh rất lớn, cái đỉnh nhẹ lắm cũng nặng khoảng một trăm pounds (50kg); đứa trẻ mới bảy tuổi nầy nhìn thấy cái đỉnh, rất muốn chơi đùa. Cái đỉnh lớn quá, Cưu Ma La Thập không thèm suy nghĩ gì, nhẹ nhàng nhấc đỉnh lên, đội trên đầu. Sau khi đội lên đầu, Ngài nghĩ: “Ủa! Mình là đứa trẻ bảy tuổi, làm sao có thể đội nổi một cái đỉnh nặng như thế? Trong lòng Ngài vừa nghĩ như thế, tức vừa sanh ra tâm suy lường phân biệt, lạ thay! Cái đỉnh liền nặng trở lại, Ngài hoảng hốt thốt thành tiếng: “Ây da!” không nhấc nổi nữa, cái đỉnh liền rơi xuống đất.

    Cái đỉnh rơi xuống đất, Cưu Ma La Thập lập tức liễu ngộ. Liễu ngộ cái gì? Ngộ rằng tất cả sự vật trên thế gian vốn là như thế! Đều do tâm tạo (nhất thiết duy tâm tạo). Thì ra, lúc Ngài chưa khởi tâm suy lường (tư lượng) phân biệt thì “nặng mà không nặng”, vốn là vật nặng, Ngài cũng nhắc nổi; vừa khởi ra tâm tư lượng phân biệt, vốn không nặng cũng trở thành nặng. Do đây mà Ngài ngộ được rằng: Tất cả sự vật đều do tâm tạo, vạn pháp đều do tâm! Khi Ngài khởi sanh lên tâm (suy lường phân biệt) như thế thì đó không phải là chân tâm.

    Sau khi Cưu Ma La Thập liễu ngộ “tất cả do tâm tạo”, liền phát tâm muốn xuất gia theo mẹ. Quý vị nghĩ xem, lúc đó Ngài muốn xuất gia, cha của Ngài như thế nào? Trong lòng cha Ngài nhất định không nỡ; đã lưu luyến vợ, nay lại không nỡ rời con. Vợ đã xuất gia, con trai cũng muốn xuất gia, tình cảnh lúc nầy thật là dứt không nỡ, bỏ không rời; nhất định có xảy ra cảnh nầy, hay không chừng cha Ngài sẽ đau lòng rơi nước mắt. Nhưng lòng mẹ Ngài rất cứng rắn, “Dù ông có khóc, tôi vẫn muốn xuất gia!” Tuy tuổi đời còn nhỏ, nhưng Ngài thấy rõ được đạo lý của việc xuất gia, Ngài muốn xuất gia theo mẹ.

    Vì cha không nỡ để Cưu Ma La Thập xuất gia; tuy tuổi Ngài còn nhỏ, nhưng đã làm theo cách của mẹ, cũng không ăn cơm, không uống nước, nhất định đòi xuất gia: “Con muốn xuất gia theo mẹ, nếu không được, con quyết nhịn đói đến chết!” Cứ thế, nhịn đói được khoảng bốn năm ngày, cha nhìn thấy cũng đành bó tay, bèn cho phép Ngài xuất gia. Đây là nhân duyên xuất gia của Pháp sư Cưu Ma La Thập và mẹ của Ngài.

    Sau khi xuất gia, Cưu Ma La Thập học theo giáo pháp Tiểu thừa; Ngài bái một vị sư phụ làm thầy, người đó là ai? Chính là Bàn Đà Đạt Đa (Bandhudatta), còn gọi là Bàn Đà Bồ Đạt Đa. Mỗi ngày Pháp sư Cưu Ma La Thập đọc tụng một ngàn bài kệ; mỗi một bài kệ có ba mươi sáu chữ, một ngàn bài kệ có tổng cộng là ba vạn sáu ngàn chữ. Quý vị xem, một ngày Cưu Ma La Thập La Thập học thuộc nhiều chữ như thế đấy. A! Ba vạn sáu ngàn chữ, nhiều gấp ba mươi mấy lần “Chú Lăng Nghiêm”, “Chú Lăng Nghiêm” có một ngàn hai trăm ba mươi mấy chữ. Pháp sư Cưu Ma La Thập mới bảy tuổi mà một ngày học thuộc tụng ba vạn sáu ngàn chữ; quý vị nghĩ xem, với tài trí nầy, nếu đem mỗi người chúng ta ra so sánh thì như thế nào? Bây giờ mỗi ngày chúng ta đọc, học hai mươi bốn chữ Hán; hôm sau hỏi đến lại không nhớ đó là chữ gì. Pháp sư Cưu Ma La Thập một ngày học thuộc ba vạn sáu ngàn chữ, quý vị nói xem, nếu so với Ngài, làm sao chúng ta có thể bì được?

    Với sức học mỗi ngày ba vạn sáu ngàn chữ như thế, Pháp sư Cưu Ma La Thập nhanh chóng học hết tất cả Phật nói kinh điển Tiểu thừa. Sau đó Ngài lại học tất cả các kiến thức thế gian như y thuật, bói toán, chiêm tinh, tướng số (y, bói, tinh, tướng). Y, chính là sách y dược, y học. Bói, là bói quẻ. Tinh, là y theo phương vị vì sao người đó sanh ra để xem vận mệnh của người đó thế nào? Cuộc đời của người đó ra sao? Tướng, chính là “tướng mạo”, xem xem phần tướng nào của diện mạo là tướng sang quý? phần tướng nào là tướng không sang quý? Tướng mạo người giàu sang ra sao? Tướng mạo người nghèo hèn như thế nào? Đó là xem tướng. Cưu Ma La Thập học hết y, bói, tinh, tướng và tất cả học vấn thế gian.

    Sau khi học xong kinh giáo Tiểu thừa và tất cả tri thức thế gian, Cưu Ma La Thập theo mẹ đến Ấn Độ học tập kinh điển Đại thừa. Vì mẹ Ngài hiểu rằng vốn là em gái của quốc vương, nên sau khi xuất gia, quận chúa sẽ được cúng dường vô số, chỗ nầy cúng dường tiền, chỗ kia cúng dường thực phẩm. Suốt ngày được cung phụng đầy đủ, bản thân quận chúa không muốn được hưởng thụ như thế, nên phát nguyện đến Ấn Độ--nơi Phật ra đời để học tập Phật pháp và chiêm bái các nơi, thế là quận chúa dẫn Cưu Ma La Thập cùng đi Ấn Độ.

    Sau khi Pháp sư Cưu Ma La Thập đến Ấn Độ, liền theo Phật giáo Đại thừa học tập Phật pháp Đại thừa. Trước kia Ngài học Tiểu thừa, cảm thấy kinh điển Tiểu thừa rất vi diệu; về sau tiếp xúc với pháp môn Đại thừa, mới biết đây là vi diệu trong vi diệu, cảnh giới trong Phật giáo Đại thừa là cảnh giới không thể nghĩ bàn.

    Do sau khi mới vừa xuất gia, Pháp sư Cưu Ma La Thập đã thông minh, lại không lười biếng—vì thông minh nên học tập kinh điển rất nhanh; vì không lười biếng nên học vấn rất rộng. Nếu như chỉ thông minh mà lười biếng thì không thể học rộng như thế; nếu như chỉ siêng năng mà không thông minh, cũng không học được nhiều. Vì Ngài đã thông minh lại thêm cần mẫn, nên học tập kinh điển rất nhanh, nhanh vô cùng. Đây là quá trình học Phật pháp của Pháp sư Cưu Ma La Thập.

    Khi học xong kinh giáo Đại thừa, La Thập bèn trở về nước Quy Tư hoằng pháp, giáo hóa chúng sanh. Vì Pháp sư thông minh như vậy, cần mẫn như vậy, nên mọi người đều biết tiếng. Số là ở một nước kia có một vị luận sư—là một người chuyên môn dùng lời nói, lý lẽ tranh luận đạo lý với người khác; vị luận sư nầy tự cho rằng trên thế gian nầy không ai có thể thắng nổi mình, liền gióng trống lệnh; khi ông đánh trống lệnh (vương cổ) nầy, rất nhiều người biết rằng chắc chắn có việc, đều đến nghe ngóng. Vị luận sư tuyên bố với mọi người rằng: “Bất kể người nào, luận sư nào, pháp sư biện luận nào, ở nước nào tới, nếu như có thể biện thắng được tôi, tôi sẽ tự chặt đầu mình dâng lên, tôi sẽ dùng đầu mình dâng làm lễ vật cảm tạ người đó.” Quý vị xem, trường hợp nầy cũng giống như tôn giả Ma Ha Câu Hy La, cậu của tôn giả Xá Lợi Phất, đã cam kết với Đức Phật—bất luận ai nói đạo lý gì, nếu có thể làm cho ông không còn gì để nói, ông sẽ tự cắt đầu mình.

    Bấy giờ, nhằm lúc Cưu Ma La Thập đi qua đất nước nầy, liền hỏi vị luận sư kia hai điều; luận sư cứng họng không nói được lời nào. Không còn gì để nói, mà chặt đầu thì không dám, nên luận sư bái Pháp sư Cưu Ma La Thập làm thầy, theo Ngài học đạo.

    La Thập về đến nước Quy Tư, quốc vương Quy Tư cậu của Ngài cũng tin Phật pháp, rất mực cung kính Pháp sư, dùng vàng ròng làm tòa sư tử, thỉnh Pháp sư Cưu Ma La Thập đăng đàn thuyết pháp. Nhưng bấy giờ Pháp sư có một mục đích khác, Ngài muốn đi độ vị thầy Tiểu thừa của mình, vì có rất nhiều người tin theo vị thầy nầy. Nếu như độ được thầy mình, cũng đồng với việc độ được rất nhiều người học tập Phật giáo Đại thừa.

    Cho nên khi quốc vương xây tòa cho pháp sư, ngài đã có hoạch định sẽ đi đến các quốc gia khác; nhưng nếu đi như thế sẽ khiến cho quốc vương có ấn tượng không tốt. Ấn tượng không tốt như thế nào? “Cậu đối xử với cháu tốt như thế, tạo tòa sư tử cho cháu, cũng không thể giữ được cháu ở lại đất nước nầy. À! thì ra cháu không có chút cảm tình nào đối với cậu cả!”

    Vừa đúng lúc Cưu Ma La Thập muốn đi gặp vị thầy Tiểu thừa của mình thì thầy của Ngài lại đến nước Quy Tư. Giống như hải quan bây giờ, có người đến báo: “Có vị Pháp sư Ấn Độ tên Bồ Đạt Đa, là thầy của Pháp sư Cưu Ma La Thập, Ngài hiện đang đến nước của chúng ta.” Thế là quốc vương Quy Tư và Pháp sư Cưu Ma La Thập ra ngoài thành nghinh tiếp vị thầy Tiểu thừa nầy.

    Khi nghinh tiếp, quốc vương hỏi tôn giả Bồ Đạt Đa: “Ngài có việc gì mà từ xa đến đất nước chúng tôi?” Tôn giả Bồ Đạt Đa trả lời: “Thứ nhất, tôi nghe nói quốc vương tin tưởng Phật pháp, cung kính Tam Bảo, cho nên tôi đến để gặp mặt quốc vương. Thứ hai, tôi nghe nói Pháp sư Cưu Ma La Thập bây giờ Phật pháp cao thâm, nên tôi đến thăm.” Quốc vương thỉnh tôn giả vào nội thành nước Quy Tư, ở chung với Pháp sư Cưu Ma La Thập.

    Pháp sư Cưu Ma La Thập vốn muốn đi độ sư phụ, bây giờ sư phụ đến rồi, Ngài liền giảng cho sư phụ nghe “Kinh Đức Nữ Sở Vấn”, “Kinh Đức Nữ Sở Vấn” là giáo lý của Phật giáo Đại thừa.

    Giảng xong, sư phụ liền hỏi Ngài: “Con cảm thấy giáo pháp Đại thừa có lợi ích gì? Có chỗ nào đặc biệt? Con bỏ Tiểu thừa, học theo Đại thừa, giáo pháp Đại thừa chỉ giảng về “không”, không là không có gì cả, vậy con học giáo pháp đó có lợi ích gì? “Không”, vốn tất cả đều không, hà cớ gì phải học?

    Pháp sư Cưu Ma La Thập nói: “Nhờ trong cái “không” nầy mới có cái “hữu”, bên trong chân không mới có diệu hữu, diệu hữu cũng chính là chân không. Giáo pháp Đại thừa mới là giáo pháp rốt ráo triệt để, không nhiều danh tướng như Tiểu thừa, không câu nệ, kềm kẹp, làm cho không được giải thoát, quá cứng nhắc!”

    Sư phụ Ngài liền bảo: “Con nói đạo lý nầy, sư phụ cũng có một thí dụ. Thí như có một người điên, mời người thợ dệt lụa đến bảo anh ta dệt lụa. Tấm vải dệt xong, đưa cho người điên xem, người điên chê vải dệt quá thô, lại gọi thợ dệt đến, bảo dệt mịn hơn. Người thợ dệt mịn hơn, dệt rất nhiều lần, dệt đến sợi tơ tinh nhuyễn vô cùng; nhưng người điên nầy cũng không vừa ý, luôn miệng nói còn thô, chê thợ dệt tay nghề không điêu luyện. Bác thợ dệt liền nghĩ cách gạt người điên, bác chỉ tay lên trời bảo người điên rằng: “Chẳng phải anh nói tôi dệt thô sao? Sợi bông mịn nhất của tôi đang ở trên không kia kìa.”

    Người điên nhìn lên trời cãi lại: “Đâu có đâu! Trên trời chẳng có sợi tơ nào cả!” Bác thợ dệt giải thích: “Sợi tơ trên trời rất nhuyễn, vì nó quá nhuyễn, ngay cả tôi là thợ dệt còn không thể nhận ra, anh không trong nghề, đương nhiên là không nhìn thấy rồi!” Người điên nghe xong, cho là có lý, liền thưởng cho bác rất nhiều tiền để đáp tạ. Từ đó trở đi, những người thợ dệt khác cũng dùng chiêu thức nầy gạt người điên kia: “Sợi bông nầy của tôi đang ở trên trời kìa! Nó mịn nhất đấy!” Người điên lại thưởng cho rất nhiều tiền; người nầy rồi đến người kia đều làm như thế. Con giảng pháp Đại thừa nầy cũng giống như vậy; nói là “không”, lại nói trong “không” có “diệu hữu”, chỉ là không nhìn thấy mà thôi! Cách nói nầy cũng giống như bác thợ dệt kia.”

    Pháp sư Cưu Ma La Thập thưa: “Không phải vậy đâu ạ!” Và lại nói rất nhiều diệu lý Đại thừa cho sư phụ nghe; thầy trò biện luận qua lại suốt một tháng trời, Cưu Ma La Thập mới thuyết phục được vị thầy Tiểu thừa của mình.

    Lúc nầy Tôn giả Bàn Đà Bồ Đạt Đa đã hiểu rõ được lý “chân không diệu hữu” của Đại thừa. Sau khi hiểu rõ rồi, tôn giả như thế nào? Tôn giả nói: “Bây giờ sư phụ phải bái con làm thầy!” Cưu Ma La Thập không chịu: “Không thể thế được! Lúc trước con đã bái thầy làm sư phụ, giờ làm sao thầy có thể bái con làm sư phụ chứ?”

    Tôn giả Bàn Đà Bồ Đạt Đa nói: “Thầy là sư phụ Tiểu thừa của con, con là sư phụ Đại thừa của thầy; mỗi người đều có thầy, mỗi người đều có thừa của mình, không hề chi!” Sư phụ đã đưa ra giải pháp như thế, Pháp sư Cưu Ma La Thập không còn gì để nói, bèn đồng ý thâu nhận sư phụ làm đồ đệ.

    Quý vị thấy không, người xưa vốn không chấp ngã! Không chấp ngã, chứng tỏ tôn giả đã thông suốt được; nếu như tôn giả không thông suốt thì sao? “Ồ! Anh giảng cao thật, nhưng vẫn là đệ tử của tôi!” Tôn giả sẽ không bái ngược lại đệ tử, tôn làm sư phụ mình. Điều nầy đủ để chứng minh người xưa không có chấp ngã, chỉ lấy đạo làm thầy; nếu đạo đức của anh cao hơn tôi, tôi sẽ bái anh làm sư phụ. Người xưa là thế, không có quan niệm giai cấp, không phân biệt ta - người. Có thể nói là “không có tướng ngã, không có tướng nhân”, chỉ người hoàn toàn không có chút chấp ngã, mới có thể làm được việc như thế.

    Khi Pháp sư Cưu Ma La Thập ở tại nước Quy Tư, có một lần thời tiết vô cùng khô hạn; rất lâu, rất lâu trời không mưa, Pháp sư liền hiển lộ thần thông, lập đàn cầu mưa, và dự đoán rằng: “Trong vòng ba ngày, nhất định sẽ có mưa”. Quả nhiên chưa đến ba ngày, trời đã đổ mưa; điều đó làm cho mọi người càng thêm tín ngưỡng Pháp sư. Đương thời, quốc vương các nước đều rất mực cung kính Cưu Ma La Thập, họ muốn thỉnh Ngài đến nước mình thuyết giảng kinh pháp. Mỗi quốc vương thể hiện lòng cung kính đối với Pháp sư như thế nào? Bấy giờ có Sa Lặc vương thỉnh Cưu Ma La Thập thăng tòa giảng kinh; để biểu hiện thành tâm của mình, quốc vương đợi đến giờ thuyết pháp, liền nằm dài tại pháp đường, dùng thân mình làm tòa, thỉnh Pháp sư ngồi lên. Quốc vương Sa Lặc đã thể hiện lòng cung kính cúng dường như thế đó. Một vì vua dùng thân mình làm tòa, thể hiện lòng cung kính Pháp sư tột bực, đã cảm hóa được mọi người ai nấy đều năm vóc sát đất, đảnh lễ cúng dường Pháp sư Cưu Ma La Thập.

    Vì quốc vương cung kính Pháp sư như thế, nên nói: “Thượng hữu hảo giả, hạ tất hữu thậm yên giả”. Trên có vua tin yêu Phật pháp, dưới nhất định bá tánh càng tin tưởng Phật pháp hơn cả vua. Có một câu nói: “Quân tử chi đức, phong; tiểu nhân chi đức, thảo; thảo thượng chi phong, tất yển”. Nghĩa là đức hạnh của vua giống như gió; đức tính của bá tánh giống như cỏ; một trận gió lùa qua, cỏ đều rạp xuống. Rạp xuống ở đây, không phải là ngã rạp xuống đất, mà ý muốn nói bá tánh càng phục tùng hơn.

    Cho nên đương thời Pháp sư Cưu Ma La Thập không chỉ hoằng dương Phật pháp trong phạm vi nước Quy Tư, mà còn đến các nơi trên toàn nước Ấn Độ; mỗi nước đi qua, Ngài đều nhận được sự cung kính cúng dường của mọi người.

    Khi Pháp sư Cưu Ma La Thập còn nhỏ, đi tham học khắp nơi với mẹ, hai mẹ con đã từng gặp được một vị La hán ngộ đạo. Vị La hán nầy vừa nhìn thấy La Thập đã bảo với mẹ của Ngài: “Cô hãy chăm sóc tốt cho vị sa di nhỏ nầy của cô! Cậu bé không phải là một tiểu sa di bình thường. Nếu như qua ba mươi sáu tuổi không hề phạm giới, thì cậu bé sẽ hóa độ được rất nhiều người giống như Tổ thứ tư Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta) tại Ấn Độ”. Đương thời khi hành đạo, Tổ Ưu Ba Cúc Đa ở trong một hang đá; mỗi khi độ được một người, Tổ đều bỏ một thẻ tre vào trong hang, đến nỗi đầy cả hang đá đựng toàn thẻ tre. Điều nầy có thể thấy, Tổ đã hóa độ được rất nhiều người!

    Vị La hán nói với mẹ của Cưu Ma La Thập như thế, mẹ Ngài cũng bảo lại với Ngài như vậy, bản thân Ngài cũng rất tin tưởng vào điều nầy. Về sau Ngài cùng mẹ đi tham học khắp nơi, mẹ Ngài chứng được tam quả A Na Hàm, liền quán sát nhân duyên của con, biết rằng nhân duyên của Ngài ở tại Trung Hoa, bèn bảo với Ngài rằng: “Chúng sanh con độ đều ở tại Đông Chấn Đán (Đông Chấn Đán chỉ Trung Hoa), nhưng đối với bản thân con thì quả là bất lợi”.

    Pháp sư Cưu Ma La Thập tỏ rõ quyết tâm của mình với mẹ: “chỉ cần có thể truyền bá Phật pháp đến Đông Chấn Đán, cho dầu con có tan xương nát thịt, hoặc nguy hiểm đến bản thân như thế nào, con cũng cam tâm tình nguyện. Phát tâm Bồ tát là vì chúng sanh chứ không phải vì mình, con chỉ muốn cống hiến cho Phật pháp, nếu có thể làm được điều gì đó có lợi cho đạo Phật, thì mạng sống nầy không đáng kể, dù có hy sinh bản thân, con cũng vui lòng! Dầu gặp phải muôn vàn gian khó, con cũng quyết không thay đổi ý định!” Quả nhiên về sau, Lữ Quang phụng mệnh đi rước Pháp sư Cưu Ma La Thập về Trung Hoa.

    Khi Pháp sư Cưu Ma La Thập ở Lương Châu, Lữ Quang có một quần thần thân tín nhất là Trương Tri. Trương Tri bệnh, có một kẻ lừa bịp thuộc Bà La Môn giáo đến xin trị bệnh. Tại sao gọi là lừa bịp? Vì y nói có thể trị được bệnh cho Trương Tri. Thế là Lữ Quang bỏ ra rất nhiều tiền mời y trị bệnh.

    Pháp sư Cưu Ma La Thập biết người nầy là kẻ lừa gạt, nên nói với Lữ Quang: “Tướng quân có bỏ ra bao nhiêu tiền, cũng không thể trị được bệnh của Trương Tri. Tôi có thể dùng một phương thức giải trí để chứng minh bệnh của Trương Tri sẽ không hết. Bây giờ tôi dùng sợi dây ngũ sắc, đốt thành tro, thả vào trong nước, nếu tro đó có thể phục hồi lại nguyên trạng sợi dây ngũ sắc, thì bệnh của Trương Tri sẽ không hết. Nếu tro thả vào nước không thể phục hồi lại nguyên trạng, thì bệnh của Trương Tri sẽ hết. Nếu tướng quân không tin, tôi sẽ thử nghiệm cho Ngài xem!” Pháp sư liền đốt sợi dây ngũ sắc, thả tro vào trong một bát nước, quả nhiên tro nổi lên, kết lại thành sợi dây ngũ sắc như cũ. Tuy thế, Lữ Quang vẫn tiếp tục trị bệnh cho Trương Tri, nhưng cuối cùng bệnh cũng không hết; chẳng bao lâu sau, Trương Tri chết. Lữ Quang đã tiêu hao rất nhiều tiền, mà không thâu về được chút kết quả nào. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn của Pháp sư Cưu Ma La Thập, thần thông diệu dụng nầy không phải người thường có thể biết được. Sự trãi nghiệm và thần thông diệu dụng của Pháp sư Cưu Ma La Thập, nói ra rất nhiều. Trước hết chúng ta chỉ biết đại khái như thế, khi dần dần nghiên cứu chuyên sâu vào Phật pháp, sẽ biết hết mọi chuyện một cách toàn diện, rõ ràng hơn.

    Đây là nhân duyên phiên dịch bộ “Kinh Pháp Hoa” của Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần.

    Pháp sư Cưu Ma La Thập lúc sinh thời phiên dịch Kinh điển được ba trăm quyển. Trước khi viên tịch, Pháp sư đã nói với mọi người: “Một đời tôi phiên dịch rất nhiều kinh điển, bản thân tôi cũng không biết có chính xác hay không? có sai sót gì không? Nếu như tôi dịch kinh điển đều đúng, không có sai sót, thì sau khi tôi chết, dùng lửa hỏa táng, thân nầy sẽ biến thành tro, duy chỉ cái lưỡi vẫn còn nguyên vẹn. Như thế sẽ chứng minh được tôi dịch những kinh điển hoàn toàn đúng, không có sai sót; còn như cái lưỡi bị thiêu thành tro, cũng đồng nghĩa tôi dịch những kinh điển đều là sai trái”.

    Đợi sau khi Pháp sư Cưu Ma La Thập viên tịch, cử hành lễ trà tỳ--dùng lửa hỏa táng, cái lưỡi quả nhiên vẫn còn nguyên vẹn, không chút xây xát. Điều nầy chứng minh Pháp sư Cưu Ma La Thập phiên dịch tất cả kinh điển hoàn toàn chính xác, hoàn toàn không có chỗ sai sót.

    Lại còn một minh chứng nữa là vào thời Đường Trung Hoa, ở núi Chung Nam có vị Luật sư tên Đạo Tuyên, chuyên tu trì về giới luật. Núi Chung Nam là một núi danh tiếng của Trung Hoa, trong núi có rất nhiều người ở đó tu đạo, lão hòa thượng Hư Vân cũng từng ở lều cỏ tại đây. Vị luật sư Đạo Tuyên nầy tinh tấn trì giới, cảm đến chư thiên xuống cúng dường thực phẩm; cơm Ngài dùng là do chư thiên cúng dường.

    Có một hôm, Luật sư Đạo Tuyên vì tuổi già, một hôm đi đường bị té ngã, con trai của Đa Văn Thiên Vương ở phương Bắc đến đỡ Ngài đứng dậy. Luật sư vừa nhìn biết ngay là chư thiên đến giúp mình, bèn hỏi rằng: “Tại sao người đời đều thích đọc tụng kinh điển do Pháp sư Cưu Ma La Thập phiên dịch, đây là vì lẽ gì?” Con trai Thiên Vương trả lời: “Pháp sư Cưu Ma La Thập là vị thầy dịch kinh cho bảy đời chư Phật trong quá khứ, kinh điển bảy đời chư Phật trong quá khứ nói đều do Ngài phiên dịch. Vì Ngài đời đời kiếp kiếp đều phát nguyện: ‘Chỗ nào có Phật ra đời, tôi liền đến đó phiên dịch kinh điển!’ Kinh điển từ bảy đời chư Phật trong quá khứ cho đến ngày nay đều do Ngài phiên dịch. Cũng vì lẽ nầy mà kinh điển do Pháp sư phiên dịch không hề có chút sai sót!”

    “Bảy đời chư Phật trong quá khứ” là bảy vị nào? Một là Phật Tỳ Bà Thi, hai là Phật Thi Khí, ba là Phật Tỳ Xá Phù, bốn là Phật Câu Lưu Tôn, năm là Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, sáu là Phật Ca Diếp, bảy là đức Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta. Từ điểm nầy đủ để chứng minh kinh điển do Pháp sư Cưu Ma La Thập phiên dịch hoàn toàn chính xác.


    Vì vậy ngày nay chúng ta có thể hiểu được “Kinh Pháp Hoa”, giảng “Kinh Pháp Hoa”, nghe “Kinh Pháp Hoa” đều nhờ vào công đức của Pháp sư Cưu Ma La Thập. Nếu như không có Ngài phiên dịch, chúng ta không dễ gì nghe được Phật pháp. Cho nên bây giờ chúng ta, trước khi bắt đầu thời kinh đều phải khởi tâm cảm ân báo đức đối với Pháp sư Cưu Ma La Thập. Thế nào là cảm ân? Thế nào là báo đức? Chúng ta phải phát nguyện muốn hoằng dương Phật pháp, muốn tìm cách phiên dịch nhiều kinh điển, dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Anh. Phiên dịch nhiều kinh điển, chính là nối tiếp theo chí nguyện của Pháp sư Cưu Ma La Thập vậy.

    “Tam tạng” chính là ba tạng “Kinh, Luật, Luận”. Kinh là kinh tạng; Luật là Luật tạng; Luận là Luận tạng. Kinh, tiếng Phạn là “Tu đa la”, dịch ra tiếng Trung Hoa là “khế kinh”. Khế là khế hợp; Kinh là pháp thường hằng. Khế hợp là “trên khế hợp với chân lý của chư Phật, dưới khế hợp với căn cơ chúng sanh”, khế hợp với tất cả cơ duyên của chúng sanh, nên gọi là “khế kinh”. Có nghĩa là, kinh điển y như diệu lý của chư Phật, nên rất thích hợp với căn cơ của chúng sanh, có thể dùng kinh điển để giáo hóa chúng sanh. Trong kinh bao hàm cả tam học “Giới, Định, Tuệ”. Định chính là định lực; Luật là giới luật. Giới luật có năm giới; tám giới; mười giới Sa Di; mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh của Bồ Tát; hai trăm năm mươi giới của Tỳ Kheo; ba trăm bốn mươi tám giới của Tỳ Kheo Ni.

    “Pháp sư”: pháp là Phật pháp; sư là sư biểu. “Sư biểu” là người có thể làm gương mẫu, mô phạm, pháp tắc tốt cho người, còn gọi là “sư phạm”. “Pháp sư”, có khi nói là “dĩ pháp thí nhân”, đem Phật pháp bố thí cho tất cả chúng sanh, nên gọi là “Pháp sư”. Lại có một cách nói khác “dĩ pháp vi sư”, lấy Phật pháp làm thầy của mình, cũng gọi là “Pháp sư”. Pháp sư có rất nhiều loại, hiện tại chúng ta chỉ biết đại khái ý nghĩa như thế là được rồi.

    “Cưu Ma La Thập”: Vị Pháp sư nầy là ai? Là Pháp sư Cưu Ma La Thập. “Cưu Ma La Thập” là tiếng Phạn, dịch ra tiếng Trung Hoa là “đồng thọ”. Đồng là đồng tử, tức là một đứa bé, một đứa bé trai, young boy. Thọ là thọ mạng. Thọ có trường thọ, đoản thọ và yểu thọ; “thọ” ở đây chính là “trường thọ, long life”, “người già”. Ý nói Cưu Ma La Thập tuy là một đứa bé trai, nhưng lại có phong độ, đức hạnh, tư tưởng của một bật trưởng giả , nên gọi là “đồng thọ”. Có phải dịch như vầy: “Young boy has a long life" không? Không phải! Vậy dịch như thế nào? Đứa trẻ nầy không phải là thọ mạng của nó dài, mà là có đức hạnh của một bật trưởng giả , nên mới gọi là “đồng thọ”. Đây là tên chữ của Pháp sư Cưu Ma La Thập.

    “Dịch” là “phiên dịch”, “biện dịch”. Kinh sách bằng tiếng Ấn Độ phiên dịch ra tiếng Trung Hoa, ý nghĩa của kinh được dịch ra tiếng Hán cũng giống như ý nghĩa của kinh bằng tiếng Phạn. Cho nên ý nghĩa kinh Phật tiếng Trung Hoa và ý nghĩa kinh Phật của tiếng Phạn Ấn Độ đều giống nhau.

    Tại sao lại để tên người dịch phía trước kinh? Vì đương thời nếu như không phải Pháp sư Cưu Ma La Thập đến Trung Hoa, đề xướng việc phiên dịch kinh điển, thì kinh điển sẽ không truyền đến Trung Hoa nhanh như thế; vì để lưu lại công đức của Pháp sư Cưu Ma La Thập cho mọi người ghi nhớ, tưởng niệm, nên mới để tên Ngài phía trước kinh. Việc làm nầy có nhiều ý nghĩa, một mặt để tưởng niệm công đức của Pháp sư, mặt khác muốn Pháp sư Cưu Ma La Thập lãnh lấy trách nhiệm, nếu có chỗ nào sai sót, phiên dịch không đúng thì tự Ngài nhận lấy quả báo của việc mình làm. Vì thế nên mới đề tên của Pháp sư Cưu Ma La Thập phía trước kinh để người đời sau luôn ghi nhớ, không bao giờ quên công đức phiên dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập.

    Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải
    Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)
    Last edited by 123456789; 12-12-2017 at 11:14 AM.
    Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm dạy: "NẾU QUÊN MẤT TÂM BỒ ĐỀ MÀ TU CÁC PHÁP LÀNH, ĐÓ LÀ NGHIỆP MA."
    HT Tuyên Hóa dạy "Nơi nào có Kinh Hoa Nghiêm thì nơi đó có đức Phật."

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •